Chi tiết tin tức

Cuối năm rồi, trở về thôi!

16:35:00 - 22/01/2023
(PGNĐ) -  Cuối năm thường là mùa lễ hội miên man với những cuộc vui hay tiệc tùng bất tận, nhưng đó cũng là thời điểm mà nhiều người trong chúng ta có thể nghiêng mình nhìn lại: năm nay mình trở về nhà như thế nào? Nhà mình thực sự ở đâu?

Với một người Việt sống ở xứ người như tôi hay nhiều bạn bè quanh tôi, phải sắp xếp từ một hai tháng mới có một cái Tết như ý. Nghĩa là phải lên lịch từ sớm ngày nào mua gì, ở chợ nào xa gần, có đủ chợ Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan, châu Á tổng hợp. Nhiều khi đi dăm ba chợ mới mua được những món đồ để trưng bày vài ngày Tết trong nhà. Mà nhiều khi còn không được như ý, lượn tới lượn lui thì trong đầu cứ kêu “cái này không giống ở nhà”. 

Nhà ở đây là nhà ở Việt Nam, kiểu như ba mẹ, ông bà ngày xưa từng làm rất truyền thống. Lái xe đi chợ này chỉ để mua bánh chưng, lái xe qua chợ khác chỉ để mua dưa món, rồi vòng về chợ khác để mua cho được trái đu đủ đẹp, lắm lúc quành lui quành tới chỉ để chọn một nhánh hoa (giống như là) hoa mai. Người Việt Nam chuẩn bị Tết đã cầu kỳ rồi, lại thêm có chút nếp nhà xứ Huế vào nữa thì rất chi là rối rắm. Đến đoạn này nếu mà viết cho bá tánh trên mạng xã hội đọc thì sẽ thả… mấy chục cái mặt cười. 

Nhưng nhìn chung thì ai cũng cố gắng để có một cái Tết tươm tất, ít nhất có cúng giao thừa hay đối với những Phật tử thuần thành thì ít nhất phải có mâm cỗ chay cho ngày mồng một. Ai chịu chơi thì xin nghỉ không lương vài ngày để dọn dẹp nhà cửa dọn lòng dọn đủ thứ để đón Tết. Nhưng, vui hơn cả, háo hức hơn cả là có hẳn một kế hoạch bay về Việt Nam ăn Tết cho thỏa lòng. Và câu chuyện muôn thuở của người Việt xa xứ, bất chấp những khó khăn và áp lực với cuộc sống, là ai cũng cố gắng để mang về quê nhà những món quà vật chất gói đầy mong nhớ. 

Đối với gia đình sống ở Mỹ nhiều đời, lễ Tạ ơn có ý nghĩa khá giống với ngày Tết của người châu Á. Tôi còn nhớ năm đầu tiên, một người bạn Mỹ hỏi tôi “Lễ Tạ ơn này cô có về nhà thăm ba mẹ không?”. Lúc đầu tôi hơi lúng túng chưa biết trả lời thế nào vì chưa hiểu rõ về văn hóa. Vài năm trôi qua, tôi bắt đầu dần quen và nhận ra, ngày lễ Tạ ơn là ngày trở về nhà của người Mỹ. 

Một người bạn Mỹ của tôi ly hôn đã lâu, một mình nuôi hai con nhỏ. Lễ Tạ ơn năm nay tôi hỏi cô có nấu mấy món truyền thống ở nhà không, có cần tôi chạy qua phụ giúp cho vui không? Cô nói cô sẽ dắt hai con về nhà với ba mẹ, về ăn chực mấy món mẹ nấu vừa ngon vừa khỏe thân, lại có thể gói đồ mang về nhà mình để dành ăn vài hôm tiếp theo. Một người bạn Mỹ khác, gia đình hạnh phúc con cái đề huề vẫn chạy về nhà ba mẹ để ăn Tết Tạ ơn, bởi vì: “Mình nấu mấy món truyền thống thấy ghê lắm, bọn nhỏ nhà mình nói làm ơn mẹ cho con về nhà bà ngoại ăn. Mình càng khỏe, chỉ phụ mẹ rửa chén, dọn dẹp chút chút”. 

Tự nhiên nghe đến đây tôi thấy buồn cười một cách ấm áp, kiểu nhận ra rằng, người Việt và người Mỹ có điểm giống nhau đến thế. Về nhà mẹ ăn chực là một khái niệm mà lần đầu tiên tôi thấy có màu hạnh phúc. Một người bạn khác của tôi, đàn ông gà trống nuôi con, cũng chọn về nhà mẹ ăn mấy món truyền thống mẹ nấu, vì không vợ không người yêu, anh ta đùa: “Số tôi không may mắn đường tình duyên, nên chỉ có chở tụi nhỏ về nhà bà nội mới cho tôi cảm giác vẫn còn có người phụ nữ tuyệt vời trên đời. Chỉ có về đó tôi mới cảm thấy mình có nhà”. 

Ừ, có khác gì ở Việt Nam đâu, có chuyện gì là về nhà mẹ. Mẹ nấu món gì cũng thấy ngon. Ăn cho đã rồi còn gói mang về nhà mình. Mẹ con có giận nhau kiểu gì mà biết mẹ nấu món ngon cũng ráng mò về ăn. Và lễ Tết là dịp chính thức công khai về ăn chực mà không bị mẹ càm ràm, không bị “mang tiếng”, chỉ thấy đủ đầy ấm áp trong mọi nghĩa. 

Tôi đã vài năm rồi không về nhà ăn Tết, không về nhà ăn cơm mẹ nấu. Cuộc sống bên này quá bận rộn, con bận chuyện học mẹ bận chuyện làm ăn, không tài nào sắp xếp để có thể về Việt Nam ăn Tết thường xuyên. Thế nên, mỗi dịp Tết đến là tôi luôn cảm thấy thế giới này thật mông lung. Mẹ tôi ăn chay trường quanh năm nhưng nấu các món mặn vẫn rất ngon. Tết luôn là dịp làm tôi nhớ những ngày xưa cũ. Những khi ngồi nấu xôi chè, hay đơm bông cúng giao thừa, thắp nén nhang giữa đất trời, tôi lại nhớ mùi hương xưa, mùi hương trầm, mùi giấy đốt, mùi hoa huệ lẫn vào nhau. 

Có những thứ nằm hằn sâu trong tâm khảm, mà chỉ chờ dịp là trỗi dậy không thương tiếc, kiểu như chỉ làm con người ta trôi bồng bềnh trong miền ký ức, và chơi vơi với thực tại. Rất nhiều lần lái xe đi làm vào ngày mồng một Tết bên này, tôi hay tự hỏi “Nhà mình ở đâu? Khi nào thì mình sẽ chính thức trở về?”. Những lúc như vậy tôi hay nhớ tới bàn thờ Phật ở nhà hồi đó, luôn được trưng bày rất đẹp, rất thơm, rất ấm áp nhưng vẫn rất trang nghiêm để đón Tết. Đó như là tâm hồn của cả nhà. Đôi khi tôi hay nương tựa vào những hình ảnh cũ đó để tìm chút ấm áp trong những ngày Tết xa quê hương.

Cuối năm rồi, trở về thôi! ảnh 2

Nhưng, may mắn lớn nhất trong đời của tôi là được thực hành chánh niệm. Đạo Phật là một bí quyết giúp tôi sống vững vàng trên đất Mỹ. Giữa mênh mông đất trời vô định đó, tôi biết trở về với thực tại, sống với phút giây hiện tiền và tìm những niềm vui nhỏ để làm vào dịp cuối năm. 

Tôi hiểu rằng chỉ có cho đi – thực hành bố thí – mới có thể làm cho mình trở nên bình yên hơn và vững chãi đi qua những ngày chông chênh tất bật. Không cần chờ đến khi mình giàu có mới có thể cho đi. Ngay cả chọn cách cho đi các ý niệm tinh thần cũng là đang thực hành hạnh bố thí. Tôi cố gắng cho đi những điều nho nhỏ trong những ngày cuối năm, chính là để trở về với dọn dẹp tâm hồn mình. 

Tôi mang tặng vài món đồ cho các trung tâm từ thiện, tôi gửi bạn bè những quyển sách dành cho tâm hồn. Sự hiện diện cũng là một món quà. Đôi khi giữa bộn bề công việc, tôi cố gắng sắp xếp để ngồi uống trà hay cà-phê với một ai đó cần chuyện trò. Chỉ ngồi đó thôi đã là một sự ấm áp cho người đối diện trong giây phút thực tại. Câu chuyện ngày cuối năm thì luôn rất thú vị, bởi nó là tổng hợp của rất nhiều thành bại buồn vui trong một năm qua. 

Cuối năm rồi, trở về thôi! ảnh 3

Một trong những cách đặc biệt mà tôi cố gắng dành thời gian để cho đi là hướng dẫn vài người bạn tập yoga và thiền định. Hôm trước, một người bạn Mỹ thuần văn hóa phương Tây được tôi hướng dẫn yoga và thiền gần đây, anh ấy nói tự nhận ra mình thay đổi tích cực hơn, nhân viên của anh ấy tại nơi làm việc cũng thấy rằng sếp bớt nóng tính, dễ tha lỗi cho nhân viên hơn, gương mặt có nhiều nụ cười hơn, bớt nhăn nhó cau có hơn. 

Sở dĩ tôi quyết định giúp anh ta vì tôi biết anh ta đã chịu nhiều chấn thương tâm lý về những đổ vỡ sâu sắc từ gia đình lớn đến gia đình nhỏ. Sau vài tuần tập trị liệu chuyên sâu với tôi, anh ta gọi điện cho tôi và nói rằng hình như có điều kỳ diệu nào đó đang diễn ra trong tâm hồn mình, dường như anh ta thấy đã bỏ xuống được cái ba-lô cực kỳ nặng nề trên vai. Tôi trả lời rằng đó chính là sự trở về. 

Các mô hình gia đình trong cuộc sống hiện đại ngày nay rất đa dạng, không phải ai cũng có một gia đình theo cách truyền thống để trở về. Cũng không phải ai cũng có một gia đình nguyên vẹn để chăm sóc trong những dịp sum vầy. Càng không phải ai cũng có sẵn cơ hội để trở về ăn cơm mẹ nấu, dọn dẹp nhà cửa đón Tết cùng gia đình. Nhưng chỉ cần bạn nhớ rằng khi mình có ngọn núi chánh niệm vững chãi trong lòng, và thường xuyên thực hành dọn dẹp thân tâm để có bình yên sâu sắc từ bên trong, thì bằng cách nào đó, bạn đang trở về nhà theo cách kỳ diệu nhất. 

Bùi Lan Xuân Phượng (Hoa Kỳ)

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin