Chi tiết tin tức

Hương Xuân

18:38:00 - 11/02/2016
(PGNĐ) -  Hương xuân, đó là mùi thơm của nén nhang trầm lan tỏa nghi ngút trên bàn thờ gia tiên. Đó là mùi thơm của bánh tét chiên vàng rụm, trong bếp mà mẹ thường chiên vào sáng mồng một Tết, để ăn kèm với bao món ăn khác.

Hương xuân đó còn là mùi thơm còn vương lại trên tóc chị gái, mùi của các loại cây lá tắm rửa vào chiều ba mươi Tết.

Đất trời chào đón mùa xuân bằng cơn mưa phùn lất phất. Năm nay, không khí  lạnh kéo dài. Cái lạnh tê tái, dai dẳng trên khắp mọi miền quê. Nhưng không vì thế mà dòng người bớt qua lại. Sáng đầu năm, dường như có biết bao việc mà người ta phải làm. Đó là đi tảo mộ, đi chúc Tết ông bà, hay đi chùa để thắp hương cầu nguyện, xin lộc đầu năm mới. 

Nhưng điều tuyệt vời nhất có lẽ là được quây quần, đoàn tụ bên mâm cơm gia đình.

huongtet.jpg
Gói bánh tết - Ảnh minh họa

Sáng mồng một Tết, mẹ tôi dậy thật sớm để nhóm bếp. Và năm nào cũng vậy, mẹ là người “động bếp” đầu tiên trong gia đình. Những món ăn đậm chất cổ truyền, mang hương vị của tình yêu thương được mẹ chế biến khéo léo. Đôi mắt mẹ lấp lánh niềm hạnh phúc, khi con cháu sum họp đông đủ bên mâm cơm ngày Tết. 

Chúng tôi tận hưởng những giây phút hạnh phúc, vui vẻ bên chiếc bàn trong phòng khách với đầy đủ món ăn mẹ nấu. Còn những đứa cháu nhỏ, mắt đen láy đang hí hoáy, vui sướng khi nhận tiền lì xì của mẹ. Nhìn những phong bao lì xì tôi nhớ lại thời thơ ấu của mình, đã có một thời tôi thích thú, hồi hộp những điều bình dị như thế. 

Trong cơn mưa phùn lất phất, cây mai trước nhà đã bung nở những bông hoa cuối cùng. Nhìn xa, trông nó đẹp lộng lẫy như vừa khoác chiếc áo mới. Năm nào cũng thế, cây mai nhà tôi đều nở trúng dịp Tết, rồi những chậu quất căng mọng nước đong đưa trong gió, và từng chậu cúc vàng điệu đà làm duyên. Tất cả tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp trong khu vườn nhỏ. Hương của các loài hoa đua nhau tỏa thơm ngát, hòa vào hương vị của ngày Tết cổ truyền dân tộc. 

Trên nẻo đường làng quen thuộc, tôi đã nghe tiếng cười nói của mấy đứa trẻ trong xóm, chúng xúng xính bộ quần áo mới để chơi xuân. Có lẽ, Tết đến lũ trẻ con là vui sướng nhất. Bởi Tết, chúng được nghỉ học dài ngày, khỏi phải học bài, hay lo lắng chuyện sách vở. Và những chiếc quần cũ rích, mặc trên mắt cá chân được thay bằng những bộ váy áo đẹp. Những chiếc bóng bay đủ màu sắc, in hình mười hai con giáp được bày bán ở ngã ba, ngã tư đường thu hút nhiều đứa trẻ.

Hương tết đó là sự hòa quyện của mùi khói bếp, mùi lửa củi, hay mùi rất riêng của cơn mưa phùn đầu năm khi rải đều xuống khu vườn nhà tôi, trên mái ngói rêu phong. Đó còn là mùi thơm của những loại trái cây chín trên bàn thờ gia tiên. Và mùi của ngọn gió Tết thổi từ cánh đồng trũng nước, phía trước nhà, với cánh cò trắng thỉnh thoảng vụt cánh bay. 

Những ngày Tết mẹ cũng đỡ vất vả hơn. Mẹ tôi được nghỉ ngơi, xem những chương trình mà mẹ thích, thay vì cứ lầm lũi ngoài ruộng như ngày thường. Mẹ đi chúc Tết những gia đình trong xóm, rồi tham gia các trò chơi dân gian trong đó có  hát bài chòi - món ăn tinh thần đầu năm mà mẹ rất thích. 

... Hương tết bao trùm trên đám đậu xanh mướt sau nhà. Những đám đậu ra Giêng chờ bàn tay người thu hoạch. Những ngày Tết sẽ dần qua nhanh, rồi mẹ tôi lại vất vả, “đầu tắt mặt tối” lo toan những chuyện đồng áng, vụ mùa cho một năm mới. Còn chúng tôi sẽ rời quê nhà để lên phố mưu sinh, để đếm ngày dài qua những tờ lịch nhỏ, mong chờ một mùa xuân mới trở về với gia đình, để quây quần bên mâm cơm với mẹ, nghe những lời dịu dàng của mẹ dặn dò, chỉ bảo. Vì với mẹ, lúc nào chúng tôi cũng còn là những đứa trẻ... 

Thân Thị Thanh Trâm
(Quảng Nam)

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin