Chi tiết tin tức

Phía trước là hố thẳm?

17:18:00 - 28/02/2014
(PGNĐ) -  Một hôm tôi qua thăm ông hàng xóm đã hom hem. Ông tâm sự hai năm nay thấy cảnh người chết mà rụng cả tóc. Đang yên đang lành khỏe mạnh bỗng nằm liệt đến thúi thịt thúi xương mới chết nổi. Người thì suốt ngày than sao từ nhỏ đến lớn không gây nghiệp lại bi đát nỗi này... Tôi bảo, đời người kiếp này nối kiếp khác trùng trùng vô tận, có lên được nước Phật mới hết sinh lão bệnh tử ông ạ. Chết là sự kiện quan trọng nhất đời người.


Ảnh minh hoa - Nguồn Internet...

Bây giờ ông không lo dặn dò con cháu thì lúc qua bên kia rồi cứ là nhận thêm nghiệp chúng “gửi” xuống. Ông hỏi là sao? Tôi bảo, ví như bây giờ ông dặn con cháu, đám của ba tuyệt đối không sát sanh, nếu như sau này chúng mổ heo gà thì ông ít tội; còn giờ không dặn dò, mai sau chúng sát sanh cúng kiếng giỗ kị ông ráng đỡ. Ông gật gù, nhưng vẫn bảo mấy đứa con cứng đầu lắm. Tôi mới “xúi”: Vậy để con viết cho một tờ giấy, ông cứ cất trong túi, lúc biết mình yếu thì lòi ra, bảo đây là “trăn trối”, là “di chúc”, đứa mô không nghe theo xem như bất hiếu! Ông vui ra mặt...

Tôi viết cho ông:

Lời dặn của ông B. với con cháu.

Đời người ai rồi cũng chết. Cha giờ tuổi cao, nghĩ về cái chết rất thoải mái. Cha ngày đêm luôn cầu Phật được ra đi nhẹ nhàng, không đau đớn và nhất là có chút phước đức hầu siêu sanh vào cõi lành. Muốn vậy các con phải nghe lời cha dặn như sau:

1. Nếu thấy cha yếu thì tắm rửa thay quần áo, rồi để cha nằm yên; con cháu không được vây quanh thương tiếc.

2. Trước đó (lúc cha còn tỉnh táo) phải mời Ban Hộ Niệm ở chùa về niệm Phật giúp cha; cha sẽ cùng niệm “A Di Đà Phật” với họ cầu sanh Cực Lạc.

3. Lúc cha đi rồi con cháu tuyệt đối không được chạm vào người cha trong vòng ít nhất 9 tiếng đồng hồ; phải giữ yên lặng và nhất là không than khóc.

4. Cha mất rồi con cháu không nên sát sanh trong suốt 49 ngày, kiêng cữ, làm nhiều việc thiện, cúng dường Tam bảo, phóng sanh; tốt nhất là động viên nhau niệm Phật hồi hướng...  

Mong các con làm đúng lời cha mong muốn, có vậy cha mới an lành ở cõi bên kia”.

*

Gặp được Phật là phúc báo duyên phận muôn đời. Gặp rồi thì không nên bỏ qua cơ hội liễu thoát sanh tử ngay trong một đời. Hàng trí thức cho thấy họ đã tích thiện nghiệp rất nhiều đời nhiều kiếp; đáng tiếc cũng bởi sở tri chướng che khuất tầng thâm sâu vi diệu của căn mạng (!), nên không tin mình đang trôi theo nghiệp lực. Ngược lại nhiều người nhờ không còn hoài nghi Pháp, đời nay nghe khuyên theo Phật liền buông xả chuyện thế gian nhất tâm xưng niệm. Cho nên ai nhìn người ít học rồi tự cao là nhầm to. Thượng hay hạ căn, kẻ sang hay hèn phải dò vào Phật pháp mới thấu. Học pháp hàng ngày (dẫu ít) tức ta sống trong Pháp. Phật dạy gì nghe nấy, gắng phụng hành bằng cả tâm sức và lòng kính ngưỡng vô biên. Những cuốn giảng kinh người tu đọc nhiều lần; mỗi lần nó sẽ giúp chiêm nghiệm thêm điều mới - đây là nét kỳ diệu của Phật pháp. Bởi chưa cảm được niềm hạnh phúc tột cùng khi thành Đạo, cũng chưa hình dung ra cảnh giới vi diệu ở Cực Lạc, hơn thế sống trong trần ai từ nhỏ, nên cuộc đời này vẫn luôn có sức hút ghê gớm khó cưỡng...

Nhìn xuống ta sẽ thấy loài vật chỉ biết đến thế giới nhớp nhúa; chúng vẫn thấy “hạnh phúc” trong sự khốn cùng oan nghiệt ấy. Ví như nếu con chó biết rằng phân là dơ thì chúng sẽ không ăn! Càng xem nhẹ tài, danh, sắc, thực, thùy ta càng gần nước Phật hơn. Những gì thuộc thế gian pháp là huyễn mộng. Ví như thân tứ đại là thật, song già cả hết nhân duyên thì đất nước gió lửa ấy tan rã bốn đường, chỉ còn lại thần thức tồn tại trong sự xiềng xích của mọi ham muốn, và tùy vào nghiệp lực đưa ta vào các nẻo luân hồi thống khổ; có khi chịu cực hình tại địa ngục - điều thật không dám tưởng tượng.

Những người nghỉ hưu rồi vẫn còn mông lung không muốn tiếp nhận Phật pháp quả không gì đáng tiếc hơn. Sự Đời lúc mất rồi, có khi con càng có hiếu, mẹ cha nơi chín suối càng phải đọa đày. Đám tang to, nhiều chúng sinh bị giết hại. Nghiệp ấy chắc chắn họ phải nhận một phần bởi lúc chết không tin Phật, không khuyên con cháu đừng hại vật, và không khuyên con cháu ăn chay, làm đám chay và phục thiện. Rồi thay vì tụng kinh niệm Phật, phóng sanh vào 7 ngày “thất”, chúng lại mổ heo bò khuếch trương sự “hiếu”. Cái hiếu đó chính là... bất hiếu. Cha mẹ không chừng “cộng nghiệp” - bị đọa xuống cảnh giới thấp hơn.  

Muốn tránh nghiệp Tam đồ, trước nhất phải nhảy vào vành đai của Thập Thiện. Phải cố viên thành cho được 80% như lời của Thiện tri thức nhắc nhở; không phải làm 8 điều còn 2 điều gác lại. Trái với Thập Thiện là Thập Ác, với đạo tuyệt không có cái "ở giữa". Ta phạm sát sanh như cố ý giết một con kiến, đã là "nhất ác" rồi. Ta mua năm con cá sống, dẫu ăn một và phóng sanh bốn cũng "ác” nữa rồi. 80% của “thiện” đầu tiên có thể chấp nhận được khi ta ăn mặn (nguyên ủy là ăn mạng) theo Tam tịnh nhục: không giết vật để ăn, không thấy nó bị giết và không nghe tiếng nó kêu khi bị giết. Rồi tập ăn chay trong những ngày rằm, mồng một, nâng lên 4 ngày, 8 ngày, 10 ngày, nửa tháng v.v. Đức Phật chẳng đã dạy: “Muốn thế gian này vĩnh viễn không còn kiếp đao binh, chẳng có chiến tranh thì trừ khi chúng sanh không ăn thịt”.

Trong A-lại-da thức của mỗi người chứa quá nhiều ấn tượng, là những “âm bản” của hết thảy sự vật hiện tượng ưa thích. Đó là cội gốc khiến kiếp sau không thể thăng lên được nói chi nước Phật xa vời. Thập thiện nghiệp đạo là nấc thang cơ bản xác định một sinh mệnh có thể tiến hay lùi trong hành trình tìm bản lai diện mục. Soi vào Thập Thiện, người ấy hành được bao nhiêu phần trăm là rõ. Trong kinh Địa Tạng tả cảnh Thánh Nữ Bà-la-môn lúc niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, xuống “âm” thăm mẹ mình vừa mất, Quỷ vương hỏi mẹ cô trước có bài Phật báng Pháp không liền biết hiện thọ báo ở tầng địa ngục nào. Quả chưa nhỡn tiền chính vì họ còn phước; họ đang vét phước, đang vay phước để sống. Ngân hàng phước đức vô tận, cứ tự nhiên lấy dùng không cần một thế chấp giấy tờ nào ngoài sự phải trả ở Tam ác đạo và hơn thế còn khiến cháu con còng lưng gồng gánh đến bạc tóc. Người theo Phật chẳng dại gì vay mượn phước đức sống hoài sống phí để rồi thọ khổ muôn đời sau.

Ở đời, nếu như người thân hoặc bất cứ ai cho mình tài vật (là cho chứ không mượn); cho nghĩa là họ sẽ không lấy lại. Họ không lấy song họ còn nhớ, còn... tiếc; họ còn nhớ tiếc, mình còn nợ, sẽ phải trả cho người khác, hoặc nợ ấy được chuyển hóa thành bệnh tật, nạn nghiệp, trừ phi ta hành thiện bố thí (gồm bố thí tài vật, bố phí Pháp và bố thí vô úy; trong đó không phước nào lớn hơn bố thí Pháp: ấn tống kinh sách, CD, giúp người mua tượng Phật về thờ, khuyên người học Phật, niệm Phật, v.v). Trong Lục độ, bố thí [ba la mật] nhất thiết phải: không có người cho, không có vật cho và không có người được nhận. Tức ta giúp ai điều gì hãy quên ngay lúc đó, (và dĩ nhiên sẽ không phô trương khoe khoang hành động thiện ấy). Làm đúng vậy mới trọn phước. Ai mượn gì, trả cũng tốt, không trả cũng hoan hỷ... Soi thêm vào Bát chánh đạo càng rõ mình hơn. Học Phật thấu đáo là người rốt ráo chỉnh lại những gì chưa đúng trong cuộc sống, nhất là cái nghề mưu sinh. Quán nhậu (sát nghiệp), nghề phục vụ sự sa đọa... đều không chánh mạng. Con người giàu có thường nghĩ đến hưởng lạc. Tụ điểm ăn chơi càng cao cấp, số chúng sanh bậc thấp khổ nạn càng lớn. Thay vì một con vật bị giết, món gan phải dùng đến rất nhiều sinh mạng. Trên thế giới thật không ngẫu nhiên thiên tai địch họa từng ập vào những nơi thác loạn và tích nhiều vũ khí, gieo rắc bi ai cho nhân loại...

Cuộc sống chúng ta căn bản ngụp lặn trong phiền não. Nếu biết chuyển phiền não thành Bồ đề mới có thể thành tựu đạo quả. Phiền não giống như rác rưởi người ta vứt vào nhà; thay vì vất ngược trở ra, ta tận dụng "tái chế" sử dụng. Không gì là vô nghĩa. Phật tánh vĩnh viễn chẳng mất ở bất cứ ai. Lúc chịu hết nghiệp tội, chó cũng sẽ chuyển kiếp và giác ngộ... Các bậc Đại sư ví dụ: Ti vi có rất nhiều kênh thì trong người ta cũng có tâm Phật (chân tâm), tâm quỷ, tâm A tu la, tâm súc sanh (vọng tâm). Ta chỉ có thể bật và xem được một kênh mà thôi. Theo đó, nếu ta bật kênh Sài Gòn thì các kênh khác đều lặn. Cũng như nếu ta bật kênh Phật thì các kênh khác trong người sẽ chìm. Một kẻ sát nhân tức kênh ác quỷ mà thỉnh thoảng hắn vẫn khởi tâm thương người, ấy chính là hiện tượng "nhiễu sóng" qua kênh Bồ tát; đích thị đời hắn vẫn bật kênh tà đạo... Giác, phải bắt đầu bằng việc giữ tâm thanh tịnh mọi hoàn cảnh vui buồn. Cậy vào "A Di Đà Phật" như ta đi trong đêm tối, câu “vạn đức hồng danh” chính là đuốc; để vọng tưởng phiền não xen tạp xem như đánh mất ánh sáng, thành mù lòa! Lâu dần câu Phật hiệu thành máu huyết căn mạng, thành kim chỉ nam dắt ta thoát khỏi rừng người chằng chịt nhân duyên mà phiêu hốt về miền cực lạc.

Hồ Dụy

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin