Chi tiết tin tức

Trong gió lạnh đầu mùa

21:59:00 - 25/01/2017
(PGNĐ) -  “Trời muốn trở rét”. Đó là câu nói đầu tiên của người Hà Nội khi thấy gió mùa Đông bắc thổi về. Tôi muốn bắt chước nói: “Trời muốn trở mát” khi buổi sáng cảm thấy tiết trời hơi lành lạnh hiếm có của khí hậu Sài Gòn.

Quả vậy, quanh năm suốt tháng nắng nóng mà được mấy ngày cuối năm dương lịch như thế này thì thật là tuyệt. Thôi thì các cô được dịp khoe áo lạnh đủ màu đủ kiểu, có người còn choàng khăn quàng len kín cổ như người Bắc Cực Eskimo! Hầu như mọi người muốn tận hưởng bầu khí hậu Đà Lạt ngay tại Sài Gòn. Không tận hưởng sao được khi kiểu thời tiết như thế này chỉ tồn tại trong một hai tuần, thậm chí có năm chỉ vài ngày. Sau đó là nắng nóng trở lại. Đừng nói chi xa, đến Tết âm lịch thì suốt ngày trời nắng đổ lửa. Do đó có người đi máy bay từ Sài Gòn ra Hà Nội lạnh cóng ngay tại sân bay Nội Bài. Ngược lại, người Hà Nội đến sân bay Tân Sơn Nhất thì khổ sở với đống áo ấm trên tay.

shutterstock_446847097.jpg

Ban đêm trong những ngày này nhiệt độ ở Sài Gòn cũng xuống thấp, đủ để gây khó khăn cho người già và người vô gia cư thường sống ở vỉa hè và dưới các gầm cầu. Có dịp đi đến mấy chỗ này trong đêm khuya mới thấy tình người Sài Gòn. Có những người thiện nguyện, đa số là người trẻ, đem đến chiếc bánh mì nóng, bát cháo khuya, có người đem chiếc áo lạnh đặt cạnh bên người kém may mắn. Có người thức giấc giữa khuya thì thào cám ơn. Những hành động đẹp và vô vụ lợi đó làm ấm tình người mà trong cuộc sống nhộn nhịp ban ngày tưởng chừng khó có thể xảy ra.

Nhưng chuyện như vậy vẫn xảy ra nếu ta chịu khó quan sát. Hai người đàn ông bước vào một quán ăn kêu 2 tô bún Huế, cùng lúc một người bán vé số bước vào mời mua. Sau khi mua mấy tấm vé số, một người thấy gương mặt khắc khổ mới hỏi: “Anh ăn sáng chưa?” người bán vé số dạo khẽ đáp chưa, hai người khách kêu thêm một tô bún nữa và mời người bán vé số cùng ăn.

Vào một buổi chiều, ở một quán bên đường đông đúc, một tốp người trẻ ngồi ăn. Bàn ăn bên cạnh có cụ già dáng vẻ nghèo khổ đang móm mém nhai một tô mì Quảng. Khi cả bọn trẻ kêu chủ quán trả tiền và tính luôn tô mì của cụ già kia, nhưng họ đã không thể vì chủ quán cho biết là đã có cô gái nhuộm tóc nâu ngồi ăn bên cạnh đã trả tiền rồi.

Có những người trẻ nhìn bên ngoài có vẻ ngổ ngáo, nhưng bên trong tâm hồn thấm đẫm tình người. Cũng như thế, người Sài Gòn có tiếng là bộc trực, đôi khi nóng nảy nhưng vẫn tỏ ra dịu hiền trong hành động.

Những nhận xét của một cá nhân về một vùng miền thường phiến diện, do đó không chính xác. Phải sống trong vùng miền ấy mới thấy hết mọi vấn đề.

Có một chuyện xưa nói về lớp người đi khai phá miền Nam. Hồi đó dân cư thưa thớt, đất đai còn hoang vu, giao thông chưa phát triển. Nhiều nơi không có đường sá, phải đi bộ. Trong lớp người đi khẩn hoang đó có một thanh niên miền Trung. Vốn có sức khỏe và có nghị lực, chẳng bao lâu người đó cũng tạo được cơ nghiệp nhỏ: vài sào ruộng và một mái nhà. 

Chàng trai đó lại phải lòng một cô gái địa phương, kết duyên vợ chồng và có một mụn con đầu lòng. Ít lâu sau chàng muốn về quê cũ để thăm cha mẹ, xóm giềng. Sau khi trao đổi, vợ chồng thuận ý, chàng khăn gói lên đường. Đến nơi mới biết cha bệnh nặng và mất ít ngày sau đó. Chàng phải ở lại lo chôn cất cho cha và chịu tang theo tập tục địa phương. Khi trở về, đứa con nay đã lớn, chạy vào nhà la lớn: “Má ơi, có một ông nói giọng ‘trọ trẹ’ muốn gặp má”. Người phụ nữ bước ra cổng thấy mặt chồng mới mắng yêu con trai: “Mèn đéc ơi, ông nói giọng ‘trọ trẹ’ đó là cha con đó, con chào cha đi con”…

Đất phương Nam có hai mùa nắng và mưa, nhưng cũng thường có những làn gió tình người làm dịu tâm hồn vất vả giữa mưu sinh, đem đến nguồn năng lượng, niềm tin, sự thanh thản như một buổi sớm mai “trời muốn trở mát”... 

Cao Huy Tấn

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin