Chi tiết tin tức

Thiền định

19:25:00 - 16/12/2015
(PGNĐ) -  “Ngoại ly tướng vi thiền, nội bất loạn vi định” nghĩa là ngoài không vướng mắc hình tướng là Thiền, trong (tâm) không loạn là Định.

Trong một lần trò chuyện về những chương trình trên màn ảnh truyền hình, một anh bạn thân bày tỏ với tôi, là có một chương trình anh rất thích, nhưng anh lại dị ứng với người dẫn chương trình nên không bao giờ anh xem. Anh nói với tôi anh ghét cái vẻ cao ngạo, trịch thượng của “cái thằng cha” dẫn chương trình đến nỗi anh không muốn mở cái kênh đó ra, chứ không phải đợi mở ra thấy cái mặt đáng ghét mới tắt máy, dù trong lòng anh rất thích chương trình đó. Cái ghét nó lấn át cả cái yêu, làm cho anh có chút khó chịu, không biết làm sao mà giải quyết. Và cho đến bây giờ, điều đó vẫn còn làm cho anh không được thoải mái chút nào.

Tôi không ngạc nhiên về điều anh bạn vừa nói. Trước đây khá lâu, tôi cũng đã dị ứng với một người, tương tự như sự dị ứng của anh bạn tôi vậy. Ông ta là một người có tiếng tăm, tài giỏi, và lại quen với gia đình, nên có rất nhiều dịp để cho ông ta lui tới với gia đình tôi. Không hiểu sao tôi lại ghét ông ta đến thế, dù mỗi lần gặp nhau, ông ta đều chào hỏi tôi một cách bình thường, gần như không để tâm đến vẻ lạnh nhạt của tôi. Có lẽ tôi bị thành kiến với cái vẻ tự mãn, tự cao của ông ta hoặc với cái lối nói chuyện ồn ào mà tôi không thích chút nào. Cái bệnh dị ứng của tôi chắc không không khác gì của anh bạn tôi, nhưng có lẽ còn có phần nặng nề hơn là khác; vì ở trường hợp của anh bạn, nếu không muốn thấy cái “thằng cha dễ ghét” đó thì anh ấy chỉ cần tránh cái kênh đó ra là khỏi phải thấy hắn. Về phần tôi, nhiều lúc không muốn gặp mà cũng không tránh được. Đã dị ứng thì mọi câu chuyện, mọi điều có dính dấp đến ông ta cũng đều đáng ghét cả. Và ngay cả những cái không đến nỗi đáng ghét của ông ta, tôi cũng không thể nào chấp nhận được. Ghét ông ta đến nỗi mỗi lần thấy ông ta là tôi đi chỗ khác, dù đôi khi cũng nhận ra là mình không được lịch sự, không phải đối với ông ta, mà đối với những người có mặt; và nếu rủi ông ta hiện diện trong bữa ăn của gia đình thì tôi đành nhịn đói vậy. Ghét đến nỗi bất cứ cái gì có thể gợi cái tên của ông ta tôi đều tránh xa. Bạn bè và những người trong gia đình biết tôi dị ứng với ông ta và thường khuyên tôi đừng để bụng, vì ông ta vốn vẫn thế, chứ tâm địa chẳng có gì; nhưng tôi vẫn không thể nào thay đổi thành kiến về con người đáng ghét kia được. Người ta thường nói khi yêu ai thì khắc sâu tên người đó trong tâm khảm mình, lúc nào cũng nhớ đến và bất cứ cái gì thuộc về người yêu cũng đều liên hệ đến mình. Bây giờ thì tôi lại có một nhận định là khi ghét ai thì cũng chẳng khác gì khi yêu, chỉ là hai thứ tình cảm đối nghịch nhau mà thôi. Yêu là tham ái, ghét là sân hận, cả hai đúng là nguyên nhân của khổ đau, nhưng yêu thì ngụp lặn trong “biển khổ hạnh phúc” mà không hay, còn cái ghét thì lại không lúc nào không làm cho mình bứt rứt khó chịu.

Một hôm tình cờ có người bạn cho tôi một cuốn sách nói về sự giải thoát. Tôi vẫn thường đọc những cuốn sách đại loại như thế, của Krishnamurti, của Osho, của Suzuki, của Thiền sư Nhất Hạnh… Nhưng đọc chỉ là để mà đọc. Sách càng dày, đọc càng dễ nản, chỉ đọc lướt qua và có cảm tưởng như điều gì mình cũng đã biết cả rồi. Đúng là đã biết cả rồi. Ngay cả những điều Đức Phật dạy, thấy cũng không phải là không hiểu được, nhưng chỉ biết để mà biết, còn biết để mà ngộ ra một cách thực tế thì cũng không phải ai cũng làm được và không ai thấy được điều đó. Biết về hạnh từ bi, nhưng thấy con gián, con nhện bò trong phòng cũng không thể ngăn nổi sát niệm phải diệt nó ngay. Biết về hạnh hỷ xả, nhưng bạn bè nói động một chút cũng có thể nổi giận chứ đừng nói là người mình không thích. Biết mọi chuyện đều là vô thường, nhưng mất mát một chút của cải cũng đã tiếc hùi hụi. Biết đó để mà biết vì không thể nào lấy những điều trong sách ra mà noi gương tu tập được. Thực ra, đọc xong một cuốn sách hay thì ngoài chuyện có thêm một chút kiến thức, tôi nghĩ chẳng có ai rút ra những điều hay để áp dụng hoặc có thể áp dụng được trong đời sống hàng ngày mà tu tập được.

Bấy giờ tôi đang cầm cuốn sách nói về sự giải thoát của một tác giả nào đó lạ hoắc. Lật qua vài chương, đọc thật nhanh. Đọc cho biết. Lật đến một trang nào đó giữa cuốn sách, thấy trích dẫn một câu của Lục tổ Huệ Năng:

“Ngoại ly tướng vi thiền, nội bất loạn vi định” nghĩa là ngoài không vướng mắc hình tướng là Thiền, trong (tâm) không loạn là Định.

Hay. Quả thật là hay. Tuy chỉ là một câu ngắn gọn, nhưng bao hàm rất nhiều về chữ Thiền. Quả thực là tôi có suy nghĩ thật nhiều về ý nghĩa của câu nói trên, nhưng cũng chẳng thấy thu lượm được gì cho thực tế. “Rằng hay thì thật là hay, đọc xong cũng chỉ biết vậy mà thôi”, rồi dần dần tôi cũng quên khuấy đi mất.

Thời gian sau này, ít khi tôi gặp lại ông bạn của gia đình mà tôi bị dị ứng, và tôi cũng gần như quên mất ông ta. Hàng ngày tôi vẫn gặp bạn bè vui chơi, thong dong, nhàn hạ. Lâu lâu lại nghe tin một người bạn cũ bị xóa tên trên địa chỉ e-mail. Tin được báo là tin buồn, nhưng thật ra cũng chỉ là chuyện bình thường cho cái lứa tuổi cổ lai hy của chúng tôi nên thấy cũng chẳng phải là một tin buồn như hồi còn trẻ, và dần dần, những cái tin đó không còn ảnh hưởng nhiều để cứ phải bàn luận đến chuyện mất còn nữa. Chúng tôi thường nói với nhau, bạn bè gặp nhau vui chơi, ngày nào còn gặp được nhau là mừng ngày đó mà thôi, những chuyện gì không vui thì nên cho qua đi.

Rồi có một hôm, tình cờ nhân một buổi cúng giỗ trong gia đình, ông bạn dị ứng của tôi lại xuất hiện và chào tôi. Không hiểu sao hôm đó tôi bỗng cảm thấy rất bình thường như chưa bao giờ tôi ghét ông ta. Tôi gật đầu chào lại. Ông ta vẫn như thế, nghĩa là chẳng thay đổi gì trong lối nói chuyện ngoại trừ mái tóc bấy giờ đã bạc màu khá nhiều. Tôi chào trả ông ta mà chẳng có một cảm giác nào là tôi đã từng ghét con người này như thế nào. Mọi người trong gia đình và ngay cả chính tôi cũng ngạc nhiên không thể nào giải thích được điều đó. Mọi chuyện đều bình thường và những lần gặp nhau sau này, tuy chẳng nói chuyện với nhau nhiều, nhưng tôi hầu như không nhớ tại sao tôi đã từng có lúc ghét ông ta đến như thế. Mà hình như chính ông ta cũng không biết hoặc không hề quan tâm đến điều đó.

Hôm anh bạn tôi nói chuyện về người dẫn chương trình và những dị ứng của anh, tôi nhớ lại chuyện yêu và ghét của tôi. Tôi kể cho anh bạn nghe về câu chuyện dị ứng và tôi nói với anh bạn tôi về cái cảm giác nhẹ nhàng kể từ khi tôi không còn dị ứng với người đó nữa. Không những như thế mà sau này, có nhiều người quen biết trở mặt với tôi vì một chút quyền lợi vật chất hoặc vì lý do này khác, tôi cũng không thấy bận tâm, và nhất là những khi buộc phải gặp nhau không tránh mặt được, tôi thấy nhẹ nhàng trong lòng khi bề ngoài họ vẫn “tỉnh bơ” với tôi xem như không có gì đã từng xảy ra giữa tôi với họ. Và nhờ thế mà không lúc nào tôi bận tâm về những người đó. Anh bạn tôi nói đùa: “Thế thì ông đã đạt tới một mức cao thâm rồi đó”. Tôi không biết tôi đã đạt đến được cái gì, nhưng cũng cảm thấy hơn được ông bạn một chút gì đó về sự “giải thoát”.

Mấy hôm sau, ông bạn chuyển đến cho tôi một bài viết về Thiền. Bài viết không dài lắm, nhưng đối với tôi vẫn là dài dòng, và tôi cũng chỉ đọc để mà đọc cho biết, đọc cho vui. Tôi không biết là anh bạn tôi có đang cố gắng học về Thiền hay không, và bỗng nhiên tôi sực nhớ đến câu nói của Lục tổ Huệ Năng mà tôi đã đọc được trong   cuốn sách nói về sự giải thoát của người bạn tặng tôi hồi trước. “Ngoại ly tướng vi Thiền, nội bất loạn vi Định”. Tôi chợt thấy câu nói này quả là hay thật. Bây giờ tôi mới thấy hay thật, khác với ngày trước, chỉ thấy “hay hay” mà thôi.

Tôi nghĩ đến câu chuyện dị ứng của tôi. Buồn cười là xem như tôi đã ngộ ra về cái điều của Lục tổ dạy lúc nào mà tôi không hay. Mãi đến khi có dịp nhớ lại câu nói đó, thì mới thấy thấm cái ý nghĩa rất bình thường mà lại rất cao thâm của cái gọi là Thiền định.

Tôi trả lời mail cho ông bạn tôi, với cái giọng điệu hơi có vẻ “dạy đời” một chút:

“Mở kênh truyền hình chương trình ông thích ra. Nếu thấy người dẫn chương trình đáng ghét kia mà không để ý đến, vẫn xem chương trình như thường, thì ấy là Thiền. (không bị vướng bận với hình tướng). Nếu mở kênh ấy ra, thấy người dẫn chương trình đáng ghét kia, liền tắt máy không thèm xem và cũng chẳng tiếc gì chương trình mình thích, ấy là Định rồi vậy. (Tâm không loạn). Thực hiện được Thiền định thì thân tâm sẽ an lạc”.

Những danh từ như là sắc sắc không không, là chánh niệm, là ngũ uẩn, là Tâm vô trụ, là chấp ngã… nếu không hiểu được thì cũng đều là những hình tướng. Phải đọc rồi phải cố gắng để hiểu những cái không phải dễ hiểu. Loay hoay mãi trong những danh từ có tính cách triết lý tôn giáo này, đôi khi không hiểu, không tìm thấy được gì mà còn không thể nào thoát ra khỏi cái mù mịt đó. Càng đơn giản ngắn gọn càng dễ hiểu và càng dễ lãnh hội được nguyên lý của sự giải thoát vậy. ■„

 

HOÀNG TÁ THÍCH

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 188

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin