Chi tiết tin tức Chọn người kế nhiệm 21:33:00 - 05/07/2021
(PGNĐ) - Và người được chọn lại là người đã ngồi trong căn phòng có miếng thịt không còn nguyên vẹn.
1. Ngồi thiền Có một phương trượng tuổi tác đã cao nên muốn chọn ra một người trong các đệ tử để kế thừa y bát của mình. Chúng tăng đều nhất trí đề cử Nhã Sinh và Huệ Năng, nhưng hai người trải qua nhiều lần thi tài lại chẳng thể phân cao thấp. Nghiền ngẫm thật lâu, phương trượng nghĩ ra một diệu kế. Phương trượng bảo tiểu sa di đi dọn dẹp hai căn phòng trống, trong mỗi phòng đặt một miếng thịt nướng, rồi để hai người vào đó đóng cửa, thi ngồi thiền. Sau một ngày một đêm, phương trượng dẫn theo chúng tăng mở cửa xem xét, thấy thịt trong phòng của Huệ Năng vẫn y nguyên, còn thịt trong phòng của Nhã Sinh thì rõ ràng đã bị động đến. Phương trượng nhìn xong liền chắp tay chữ thập, tuyên bố: "Nhã Sinh sẽ là người kế thừa y bát của ta." Huệ Năng không phục hỏi: "Con kém cỏi hơn ở chỗ nào ạ?" Các chúng tăng cũng mặt đầy hoài nghi, thịt rõ ràng đã bị động đến, chứng tỏ Nhã Sinh cầm lòng không đặng đã ăn thịt, phạm phải điều cấm, vậy tại sao lại chọn Nhã Sinh? Phương trượng nói: "Các con hãy xem thật kỹ chỗ bị cắn đi, nó là dấu răng của người ư?" Bấy giờ mọi người mới chú ý đến, dấu răng trên miếng thịt quả thực không phải răng người, vậy thứ gì đã ăn miếng thịt? Phương trượng nói: "Ta đã thả trong mỗi phòng một con chuột đói, miếng thịt của Huệ Năng không tổn thất gì chứng tỏ Huệ Năng luôn trông chừng miếng thịt, vẫn chưa tĩnh tâm ngồi thiền. Còn Nhã Sinh chăm chú ngồi thiền, tĩnh tâm như nước, nên con chuột mới thừa cơ ăn một chút thịt. Các con nói xem, ai là người làm tốt hơn?" 2. Vẽ tranh thiền sư Những năm cuối đời của Bảo Tích thiền sư thời nhà Đường, ông linh cảm được bản thân chẳng còn sống trên đời được bao lâu nữa, nên đã cho gọi các đệ tử đến và nói: "Ta sắp đi rồi, nên ta muốn các con vẽ cho ta một bức họa, người nào vẽ giống nhất thì sẽ được kế thừa lại y bát của ta." Nghe vậy, các chúng tăng vội vã quay về thiền phòng bắt đầu vẽ tranh. Những bức chân dung vẽ ra đều có nét riêng, sống động như thật, nhưng sau khi Bảo Tích thiền sư xem tranh xong lại thất vọng nói: "Vậy là những năm qua, các con học thiền với ta đều chẳng dụng tâm rồi." Chúng đệ tử nghe vậy thì vô cùng lúng túng không biết là thế nào mới phải. Bấy giờ, có một tiểu hòa thượng 12 tuổi bước lên nói với Bảo Tích thiền sư: "Thưa sư phụ, mời thầy xem tranh của con." Rồi tiểu hòa thượng bày tranh của mình ra, trong tranh chỉ vẽ một con dế mèn bám trên ngọn cỏ, dưới ánh trăng sáng, chú dế mèn dường như đang ca lên khúc ca mùa hạ, bên cạnh còn đề một câu: "Cho dù cả ngày không ai nghe, một người dừng bước cũng đã đủ". Chúng sư huynh vừa nhìn thấy thì đều lớn tiếng cười, tranh nhau nói: "Một con dế mèn? Đệ nói sư phụ chúng ta trông giống như dế mèn ư?" Tiểu hòa thượng chẳng nói câu nào, chỉ đứng đó cầm bức tranh của mình. Bảo Tích thiền sư nhìn bức tranh của tiểu hòa thượng thì mãn nguyện gật đầu, nói: "Bức tranh này mới chính là chân dung đẹp nhất của ta! Địa Tạng Bồ Tát biết rằng địa ngục sẽ chẳng bao giờ trống nhưng vẫn dùng hết tâm sức đi độ người, một đời độ được một người ấy chính là phúc. Dế mèn biết cả ngày nó ca hát cũng sẽ chẳng có ai thật lòng lắng nghe nhưng nó vẫn cứ hát, nếu có một người đi ngang dừng lại lắng nghe thì cũng đã rất thỏa mãn rồi. Ta cũng giống như thế, biết rõ người đời Phật duyên mỏng nhưng mỗi ngày vẫn niệm Phật, nếu kết được một duyên thì cũng chẳng uổng phí một đời!" Nói dứt lời, Bảo Tích thiền sư mãn nguyện nhắm mắt xuôi tay.
BBT
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |