Hình ảnh mang tính chất minh họa
Ngài luôn dạy các đệ tử nên đoạn trừ thế duyên để liễu ngộ chân lý, tinh tấn phát huy trí tuệ, phá trừ ngã chấp, tự độ độ tha. Và ngài nhấn mạnh chỉ có đoạn trừ tình ái thế gian thì mới có khả năng đạt được giải thoát.
Một ngày nọ, từ nơi quê hương xa xôi của ngài truyền đến tin chẳng lành. Đứa con duy nhất của ngài lúc chưa xuất gia đã lâm trọng bệnh qua đời. Các đệ tử sau khi nhận được tin cùng nhau tụ tập lại luận bàn, chẳng biết là có nên báo tin buồn này cho sư phụ biết hay không?
Cuối cùng họ đi đến kết luận: Sư phụ đã đoạn trừ thế duyên rồi, đứa con duy nhất đó dù sao thì cũng là người thân của ngài, nên báo tin không vui này cho ngài biết. Đồng thời họ cũng nghĩ sư phụ là người đã tu hành đến mức cao như vậy rồi, nếu nghe tin đứa con duy nhất chết thì cũng chỉ thản nhiên thôi.
Thế là họ cùng nhau đi đến báo tin này cho thiền sư. Khi vị cao tăng vừa nghe tin thì mặt buồn rười rượi, hai dòng nước mắt cứ lăn dài xuống má. Các đệ tử vừa nhìn thấy sư phụ có phản ứng như vậy thì cảm thấy rất lạ, họ cũng không ngờ sư phụ qua thời gian dài tu hành như vậy mà cũng chưa đoạn trừ được tình cảm.
Trong nhóm đệ tử có một người can đảm đứng ra chắp tay hỏi:
- Sư phụ, bình thường sư phụ hay dạy chúng con đoạn trừ thế duyên, cần cầu giải thoát. Sư phụ xuất gia đã lâu vì sao nghe tin con chết lại đau khổ nhiều như vậy, như thế có phải là ngược lại tất cả những gì mà hằng ngày sư phụ vẫn thường dạy chúng con không.
Trong đôi mắt đẫm lệ, thiền sư ngước lên nói:
- Ta dạy các người đoạn trừ tình cảm thế tục mong cầu thành tựu giải thoát, chứ không phải dạy các người sống cuộc sống ích kỷ chỉ biết có mình. Đứa con của ta cũng là một trong những chúng sanh, tất cả chúng sanh cũng giống như con của ta. Ta vì đứa con của ta mà khóc, cũng là vì nỗi đau của tất cả chúng sanh trong thế gian mà khóc vậy!
Sau khi các đệ tử nghe lời ngài dạy, trong lòng tràn đầy thương cảm, mở rộng tình thương, tinh tấn tu học, cần cầu giải thoát.
( Như Nguyện dịch)
BÀI HỌC ĐẠO LÝ
Một bậc cao tăng phạm hạnh đáng kính đã rơi nước mắt khi nghe người thân của mình ra đi. Chuyện thật bình thường, ấy vậy mà rất lạ, làm cho những đệ tử và tín đồ ngơ ngác, chẳng biết tại sao? Thì ra dù đã đoạn trần duyên, một đời ẩn dật dấn thân cho sự nghiệp giải thoát, bất động giữa muôn trùng biến động nhưng ngài vẫn là một con người tràn đầy bi mẫn, vẫn yêu thương tha thiết trần gian ô trược này.
Ai đó nghĩ rằng, tu hành càng cao thì tình cảm càng héo khô như gỗ đá thì thật sai lầm. Cũng do vậy mà một thiền tăng ngày xưa sau ba năm tu hành luyện tâm như củi khô, đá lạnh đã bị bà già hộ pháp nổi lửa đốt cốc đuổi đi, vì “vô dụng”. Tu hành mà không còn rung cảm trước buồn vui của trần thế thì làm sao mà phát khởi đại nguyện cứu độ chúng sanh.
Trước khi trở thành Thánh nhân, chúng ta phải đích thực là một con người. Khi đã trở thành bậc Thánh rồi thì lại càng người và đời hơn. Cho nên, cùng là nước mắt nhưng không bi lụy, riêng tư, đau khổ mà chính là từ bi, yêu thương rộng khắp. Sống trong cuộc đời mà bất nhiễm, xuôi theo dòng đời mà không bị cuốn trôi, song hành với cuộc đời để yêu thương và cứu độ. Đó mới là hành động cao cả và bi mẫn nhất mà không phải người tu hành bình thường nào cũng làm được.
Tâm Nguyễn