Chi tiết tin tức Giáo Lý Đạo Phật và Các Vấn Đề Xã Hội, Quốc Gia Qua Kinh Tạng Nikàya 07:11:00 - 20/03/2015
(PGNĐ) - Đức Phật không phải là một nhà chính trị, Ngài không chủ trương kinh bang tế thế, thiết lập quy chế nhà nước, tổ chức về chính trị, xây dựng hệ thống pháp luật. Đức Phật là một đấng đạo sư, một nhà đạo đức, tâm linh, đồng thời là một nhà giáo dục, Ngài mở rộng phạm vi đóng góp cho cuộc đời đến tất cả chúng sinh chứ không giới hạn ở một quốc gia, dân tộc nào.
Trước đây, khi các nhà nghiên cứu, các nhà học Phật chưa có điều kiện khảo sát, nghiên cứu rộng rãi kinh tạng Nikàya (thuộc hệ Nam truyền) do giới hạn về ngôn ngữ, thì ít ai nghĩgiáo lý nguyên thủy của đạo Phật có rất nhiều bài kinh đề cập đến các vấn đề xã hội, quốc gia chứ không chỉ là giáo lý giác ngộ, giải thoát. Cho đến nay, sau hơn 25 thế kỷ, những giá trị thiết thực của lời Phật dạy trong những bài kinh ấy vẫn còn phù hợp với thời đại. Có thể nói giáo lý đạo Phật đáp ứng mọi nhu cầu con người từ ý nghĩa nhập thế cho đến xuất thế. Về nhập thế: kiện toàn nhân cách, xây dựng đời sống cá nhân; xây dựng gia đình; tổ chức, quản lý xã hội, lãnh đạo quốc gia. Về xuất thế: giúp thành tựu đạo đức, phạm hạnh, Thánh hạnh đưa đến giác ngộ, giải thoát. Trong phạm vi bài viết này xin đề cập đến vấn đề: Giáo lý đạo Phật với các vấn đề gia đình và xã hội, quốc gia.
PHẬT GIÁO VÀ GIA ĐÌNH Gia đình được xem là tế bào của xã hội. Giữa cá nhân, gia đình và xã hội có sự tương thuộc lẫn nhau. Có thể nói gia đình là một tổ chức nhỏ của xã hội, trong đó các thành viên giữ những vai trò, nhiệm vụ giống và khác nhau, giữa các thành viên có mối quan hệ mật thiết với nhau, sinh hoạt gia đình tuân thủ theo một nền nếp trật tự nhất định. Các mối quan hệ chính trong một gia đình là quan hệ giữa chồng và vợ, giữa ông bà cha mẹ và con cháu (nếu là tam tứ đại đồng đường), giữa anh chị em với nhau. Ngoài trách nhiệm đối với bản thân ra, mọi thành viên trong gia đình đều có trách nhiệm đối với những thành viên khác và có trách nhiệm xây dựng, phát triển cuộc sống chung của gia đình. Khi gia đình được xây dựng và phát triển ổn định, bền vững thì xã hội, quốc gia mới hưng thịnh. Vì thế vai trò của mọi cá nhân trong việc nỗ lực xây dựng gia đình vô cùng quan trọng. Việc xây dựng gia đình được thực hiện trên nhiều phương diện của đời sống vật chất và đời sống tinh thần, gồm có nền nếp sinh hoạt, tình cảm, văn hóa, đạo đức, kinh tế, tài chính, truyền thống gia đình, sự nghiệp của từng cá nhân và sự nghiệp chung của gia đình, việc gìn giữ các trách nhiệm, bổn phận của mỗi thành viên v.v.. Trong kinh Điềm lành lớn(1), Đức Phật tuyên bố: “Hiếu dưỡng cha và mẹ/ Nuôi dưỡng vợ (chồng) và con/ Làm nghề không rắc rối/ Là điềm lành tối thượng”. Ở đây Đức Phật cho biết việc nuôi dưỡng, thương yêu, chăm sóc cho những người thân trong gia đình là một hạnh phúc lớn lao, là điềm lành tối thượng. Đối với cha và mẹ là hai đấng sinh thành, Đức Phật dạy bổn phận làm con phải hiếu kính, phụng dưỡng, xem cha mẹ như vị trời Phạm thiên (2). Trong kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt(3), Đức Phật dạy như sau:Bổn phận của con đối với cha mẹ là kính yêu, phụng dưỡng cha mẹ, giúp những việc cha mẹ cần làm, giữ danh dự và truyền thống gia đình, giữ gìn tài sản, sự nghiệp của cha mẹ. Cha mẹ cũng có bổn phận nuôi nấng con khôn lớn và giáo dục con nên người, giúp con có nghề nghiệp, hướng con theo đường lành, dựng vợ gả chồng cho con, trao của thừa tự cho con đúng lúc. Bên cạnh quan hệ giữa cha mẹ và con cái còn có quan hệ chồng vợ, quan hệ anh chị em. Về quan hệ chồng vợ, chồng đối với vợ phải yêu thương, tôn trọng và chung thủy, quan tâm chăm sóc chu đáo đời sống vật chất lẫn tinh thần, thường tặng quần áo, trang sức cho vợ; Vợ đối với chồng phải thương yêu, kính trọng và trung thành, quản lý tốt nhà cửa, gìn giữ tài sản, sự nghiệp của chồng(4). Người vợ vừa là vợ, vừa là người yêu, vừa là bạn tri kỷ, và cũng cần có những đức tính như mẹ hoặc em gái(5). Đây quả là tư tưởng rất tiến bộ trong xã hội Ấn Độ cổ đại. Không chỉ ở Ấn Độ mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới, phương Đông lẫn phương Tây từ xưa đã có mặt tư tưởng bất bình đẳng trong quan hệ nam nữ, người vợ trong gia đình mất hết quyền làm chủ bản thân, phải lệ thuộc người chồng về mọi mặt. Cho đến nay bình đẳng giới vẫn chưa được thực hiện ở mức độ cao (chứ không nói là triệt để, vì có nhiều quan điểm khác nhau, chẳng biết như thế nào mới gọi là triệt để) bởi đây đó vẫn còn tồn tại tư tưởng trọng nam khinh nữ. Quan niệm về tình yêu, hôn nhân của Đức Phật cũng hết sức tiến bộ (vợ chồng vừa có tình, vừa có nghĩa; trong mối quan hệ vợ chồng phải có tình yêu, tình bạn tri âm tri kỷ, phải có sự tôn trọng lẫn nhau và có trách nhiệm, bổn phận đối với nhau), cho đến nay sau hơn hai mươi lăm thế kỷ, người ta mới nhận ra ý nghĩa giá trị của nó. Những đổ vỡ, bất ổn trong đời sống gia đình dẫn đến mất hạnh phúc, tình trạng ly dị, ly thân, ngoại tình, gây ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội, làm giảm chất lượng cuộc sống đã khiến cho người ta nhìn lại, xem xét lại và tìm thấy những giá trị tích cực trong lời Phật dạy. Về kinh tế gia đình và đời sống vật chất. Để xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc, những thành viên trong gia đình cần siêng năng tháo vát trong việc tạo ra tài sản, biết sử dụng tài sản một cách hợp lý và quan tâm giữ gìn tài sản, không để tài sản thất thoát, tiêu tán. Những điều này đã được Đức Phật dạy rất rõ trong nhiều bài kinh. Ví dụ như kinh Tăng Chi Bộ III, chương Tám pháp, Đức Phật dạy: Dù làm bất cứ nghề nghiệp gì cũng cần phải thiện xảo (giỏi, khéo léo, tinh chuyên), lương thiện (có đạo đức, được pháp luật cho phép), phải làm với tinh thần trách nhiệm, siêng năng không mệt mỏi, biết suy tư (xem xét, tính toán, nghĩ tới chỗ lợi và hại, được và mất, thành công và thất bại), làm việc có phương pháp, tìm những phương thức mang lại hiệu quả tối ưu, biết tự làm và quản lý, điều hành người khác; phải có đầy đủ sự tháo vát, thông minh, năng động, biết làm những việc thích hợp với điều kiện bản thân và hoàn cảnh xã hội nhằm tạo ra của cải cung ứng cho đời sống cá nhân, gia đình và xã hội. Nguyên văn đoạn kinh như sau: “Thiện nam tử làm nghề gì để sống, hoặc nghề nông, hoặc đi buôn, hoặc nuôi bò, hoặc làm người bắn cung, hoặc làm việc cho vua, hoặc bất cứ nghề gì, trong các nghề ấy, người ấy thiện xảo, không biết mệt, biết suy tư hiểu phương tiện vừa đủ để tự làm và điều khiển người khác làm; này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ sự tháo vát”-(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ kinh III, chương Tám pháp, phẩm Gotami, kinh Dìghajanu, VNCPHVN, 1996). Đức Phật dạy có năm nghề nghiệp không được làm, đó là: đồ tể (giết mổ, sát sinh), buôn bán vũ khí (gươm đao, súng đạn; vũ khí sinh học, hạt nhân, nguyên tử, nói chung là các phương tiện giết người, gây khổ đau, thương tổn cho người khác), buôn bán người (buôn bán nô lệ, nô tỳ lao động, phục dịch, kể cả mua bán trẻ em, mua bán phụ nữ làm nô lệ tình dục), buôn bán chất gây say, gây nghiện (rượu, ma túy) và buôn bán thuốc độc (các loại dược liệu, hóa chất độc hại) ( ĐTKVN, Tăng Chi Bộ kinh II, chương Năm pháp, phẩm Nam cư sĩ, VNCPHVN ấn hành, 1996). Đức Phật dạy: “Vì hạnh phúc nhiều người, hãy gầy dựng tài sản”, “Này gia chủ, có năm lý do để gầy dựng tài sản. Thế nào là năm? Ở đây, này gia chủ, được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh của bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi, thâu được một cách hợp pháp. Tự mình làm an lạc, hoan hỷ. Làm cho cha mẹ, vợ con, người phục vụ, người làm công được an lạc, hoan hỷ. Đây là lý do thứ nhất để gầy dựng tài sản. Lại nữa, này gia chủ, vị này làm cho bạn bè, thân hữu an lạc, hoan hỷ. Đây là lý do thú hai để gầy dựng tài sản. Vị ấy chặn đứng các tai họa có thể khiến vị ấy trở thành trắng tay, vị ấy giữ được tài sản an toàn. Đây là lý do thứ ba để gầy dựng tài sản. Vị ấy có thể hiến cúng cho bà con (cho, biếu, tặng, giúp đỡ, chia sẻ, tương trợ về vật chất), cho khách (thết đãi bạn bè, tổ chức tiệc tùng, cho, biếu, tặng), cho hương linh người quá cố (cúng tế), hiến cúng cho vua (đóng thuế, cống nạp) và chư thiên (cúng dường). Đây là lý do thứ tư để gầy dựng tài sản. Vị ấy cúng dường các bậc sa môn, Bà la môn, sự cúng dường tối thượng này đưa đến phước báo vô lượng ở cõi người, cõi trời. Đây là lý do thứ năm để gầy dựng tài sản” (ĐTKVN, Tăng Chi Bộ kinh II, chương Năm pháp, phẩm vua Munda, VNCPHVN ấn hành, 1996). Việc tạo ra tài sản đã khó, việc gìn giữ và phát triển lại càng khó hơn. Đức Phật đã chỉ ra một số nguyên nhân gây ra sự thất thoát, phá tán tài sản như sau: “Có bốn cửa xuất để tài sản bị tiêu phí, đó là: đam mê đàn bà, đam mê rượu chè, đam mê cờ bạc; giao du với bạn bè, thân hữu ác. Ví như một hồ nước lớn có bốn cửa nước chảy vào và bốn cửa nước chảy ra. Có người đóng các cửa nước chảy vào và mở các cửa nước chảy ra. Như vậy, nước hồ ấy ngày càng bị giảm thiểu, không tăng trưởng”. (KinhTăng Chi Bộ III, chương Tám pháp, phẩm Gotamì, phần Dìghajànu). Vấn đề này còn được Đức Phật đề cập đến trong kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt (thuộc Trường Bộ kinh II): “Này gia chủ, có sáu nguyên nhân phung phí tài sản: Đam mê rượu chè là nguyên nhân phung phí tài sản. Du hành đường phố phi thời (đi chơi đêm hoặc ra ngoài trong giờ làm việc) là nguyên nhân phung phí tài sản. La cà hí viện đình đám (những nơi vui chơi, đàn ca múa hát mua vui; trà đình tửu điếm, lầu xanh; ngày nay là quán bar, vũ trường,casino (sòng bạc) và những nơi mua hương bán phấn, hưởng thụ trụy lạc ...) là nguyên nhân phung phí tài sản. Đam mê cờ bạc là nguyên nhân phung phí tài sản. Giao du với bạn ác là nguyên nhân phung phí tài sản. Quen thói lười biếng là nguyên nhân phung phí tài sản”. Ở đây Đức Phật bổ sung thêm hai nguyên nhân phung phí tài sản nữa là ham chơi (du hành phi thời) và lười biếng (ăn không ngồi rồi, tọa thực sơn băng-ngồi không ăn núi lở). Tác hại của việc “du hành phi thời”, nhất là du hành vào ban đêm cũng được Đức Phật phân tích hết sức đầy đủ và chi tiết trong kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt: “Du hành đường phố phi thời có sáu nguy hiểm: tự mình không được che chở, hộ trì; vợ con không được che chở hộ trì; tài sản không được che chở hộ trì; bị tình nghi là tác giả các ác sự; nạn nhân các tin đồn thất thiệt, tự rước vào thân nhiều khổ não”.Tóm lại du hành phi thời là việc đi lại không an toàn có thể xảy ra nhiều hiểm hoạ cho mình, những người thân và tài sản sở hữu, danh dự. Về quản lý chi tiêu tiền bạc cũng được Đức Phật đề cập đến trong kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt: “Tài sản cần chia bốn/ Để kết hợp bạn bè/ Một phần mình an hưởng/ Hai phần dành công việc/ Phần tư, phần để dành/ Phòng khó khăn hoạn nạn. Có lẽ không ai ngờ từ mấy ngàn năm trước Đức Phật đã lưu tâm đến tầm quan trọng của việc quản lý chi tiêu trong đời sống. Chi tiêu hợp lý, thích đáng là một vấn đề khá đau đầu, nó đòi hỏi sự thông minh và khéo léo, trong đó những phẩm chất đạo đức cũng góp phần ảnh hưởng đến cách chi tiêu. Trong kho tàng kinh tạng Nikàya còn rất nhiều bài kinh đề cập đến đời sống cá nhân và gia đình, một số dẫn chứng vừa nêu trên chỉ là đơn cử.
PHÂT GIÁO VÀ XÃ HỘI, QUỐC GIA Tuy Phật giáo không quan tâm đến chính trị, quân sự, nhưng một số vấn đề giáo dục tâm lý, đạo đức có thể làm kim chỉ nam cho công cuộc xây dựng xã hội và lãnh đạo đất nước. Đức Phật không phải là một nhà chính trị, Ngài không chủ trương kinh bang tế thế, thiết lập quy chế nhà nước, tổ chức về chính trị, xây dựng hệ thống pháp luật. Đức Phật là một đấng đạo sư, một nhà đạo đức, tâm linh, đồng thời là một nhà giáo dục, Ngài mở rộng phạm vi đóng góp cho cuộc đời đến tất cả chúng sinh chứ không giới hạn ở một quốc gia, dân tộc nào. Đường hướng của Ngài, chủ trương của Ngài đặt trên nền tảng đạo đức và tâm linh chứ không phải là chính trị, không phải là quyền lực và sự khôn ngoan của bản ngã. Mục đích duy nhất của Ngài là mang lại an lạc hạnh phúc cho tất cả chúng sinh ở bất kỳ phương diện nào, dù là đời sống xuất ly hay thế tục. Mọi lời dạy của Đức Phật đều nhằm mục đích này, đối với các nhà lãnh đạo quốc gia quản trị đất nước, những lời dạy của Ngài giúp họ đem lại hạnh phúc, thái hòa cho dân chúng. Trong kinh Tăng Chi Bộ I, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức(6), Đức Phật đã nêu lên vai trò của người đứng đầu lãnh đạo một tổ chức hay một quốc gia như sau: “Khi đàn bò lội sông,/ Đầu đàn đi sai lạc,/ Cả đàn đều đi sai,/ Vì hướng dẫn sai lạc./ Cũng vậy, trong loài người,/ Vị được xem tối thắng,/ Nếu sở hành phi pháp/ Còn nói gì người khác/ Cả nước bị đau khổ,/ Nếu vua sống phi pháp./ Khi đàn bò lội sông,/ Đầu đàn đi đúng hướng,/ Cả đàn đều đúng hướng,/ Vì hướng dẫn đúng đường./ Cũng vậy trong loài người,/ Vị được xem tối thắng,/ Nếu sở hành đúng pháp,/ Còn nói gì người khác,/ Cả nước được an vui,/ Nếu vua sống đúng pháp”. Bài kệ cho thấy vai trò người lãnh đạo là vai trò làm gương và dẫn dắt. Nếu đó là người có tài năng và đạo đức, đưa ra những đường lối, chủ trương tích cực, đúng hướng, có lợi ích cho tổ chức, cho quốc dân thì mọi người nhờ đó mà có cuộc sống an vui hạnh phúc, tổ chức đó ngày càng phát triển, đất nước đó ngày càng thịnh vượng, thái bình. Nhưng ngược lại, nếu lãnh đạo tổ chức, lãnh đạo quốc gia có “sở hành phi pháp” (hành vi không chuẩn mực, đúng đắn, không có pháp kỷ; đạo đức kém, vô đức vô năng, không có tư cách lãnh đạo), đường lối chỉ đạo sai lạc thì chắc chắn kéo theo vô số điều tiêu cực, hệ lụy khiến cho thành viên trong tổ chức khốn đốn (nếu lãnh đạo tập thể, tổ chức), dân chúng lầm than, quốc gia suy vong (nếu lãnh đạo đất nước).Trong kinh Cánh cửa bại vong (thuộc Tiểu Bộ kinh I, kinh Tập), Đức Phật cho biết nếu người lãnh đạo, những kẻ có quyền thế nhưng có phẩm chất đạo đức kém sẽ đưa chính họ và những người khác vào cánh cửa bại vong: “Đàn bà hay đàn ông/ Rượu chè, tiêu hoang phí/ được địa vị, quyền thế/ Là cửa vào bại vong”, “Người tự hào gia thế/ Về tài sản, dòng họ/ Khinh miệt những người khác/ Là cửa vào bại vong”. Đức Phật dạy, “Một vị vua phải trị vì sáng suốt; trong mọi phận sự của một vị vua, đối với thần dân như cha mẹ đối với con, từ bỏ mọi việc làm ác (ác đạo). Khi một vị vua chân chính, đám triều thần vây quanh (bầy tôi) cũng chân chính noi gương” (ĐTKVN, Tiểu Bộ kinh tập 7, chuyện Đại vương Janasandha, NXB.Tôn giáo, 2002); Trong kinh Bổn sinh (Jàkata), Đức Phật còn nêu ra mười phẩm chất cần có của một lãnh đạo quốc gia để trị vì tốt đất nước, gọi là “Thập vương pháp” (Dasa Ràja Dhamma): Phải có khí độ rộng lượng, cao thượng, vì dân chúng chứ không vì bản thân; Sống đời sống đạo đức và hướng dẫn dân chúng sống đời sống đạo đức; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân cho dân, cho nước; trung thực và liêm khiết, công bình, chính trực; nhân từ, đức độ, có hành vi, cách cư xử nhu hòa, từ ái đối với mọi người; sống thanh cao, giản dị; sống không thù oán, tị hiềm; thực thi tinh thần bất bạo động, không làm tổn hại bất cứ ai; có lòng kiên trì, nhẫn nại; lấy lòng dân làm gốc; đưa ý dân lên hàng đầu; tôn trọng sự hòa hợp trong nội bộ quốc gia và hòa bình thế giới. Đây không chỉ là những phẩm chất một vị vua cần có, mà còn là những phẩm chất mà người đứng đầu chính phủ và lãnh đạo các bộ, các ngành thuộc bộ máy nhà nước cần phải có. Mười phẩm chất của một vị vua anh minh, hiền đức hay nhà lãnh đạo tốt (Thập vương pháp) được nhắc đến trong nhiều bài kinh, nhất là trong Tiểu Bộ kinh, tuy văn từ có khác nhưng chung quy nội dung không ngoài mười phẩm chất, nói theo ngôn ngữ của kinh văn là: 1.Dàna ( Bố thí, có tấm lòng từ thiện, xả kỷ vị tha. Trong quản trị đất nước thì điều này thể hiện ở các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội) 2.Sìla (trì giới: giữ gìn đạo đức, chủ yếu là năm giới: không sát sinh; không trộm cắp, chiếm đoạt; không tà dâm; không nói dối; không uống rượu. 3.Pariccàga (rộng lượng, giàu lòng hy sinh) 4.Ajjava (liêm khiết, nghiêm minh, chính trực, công bằng) 5.Maddava (nhu hòa) 6.Tapa (sống khắc kỷ, giản dị, đạm bạc, không đắm mình trong hưởng thụ, trụy lạc, không xa xỉ, biết chế ngự những ham muốn, dục vọng) 7.Akkodha (không sân hận, không gieo thù kết oán với ai, không ganh ghét, đố kỵ, thù hằn) 8.Avihimsà (yêu hòa bình, không chiến tranh, có tinh thần từ bi, bất bạo động) 9.Khanti (kham nhẫn, chịu đựng gian nan, khó khăn, thử thách, những sự đối nghịch, bất như ý) 10.Avirodha (thuận lòng dân, tôn trọng ý kiến và vai trò phản biện của dân chúng, chủ trương có tính dân chủ). Trong Tiểu Bộ kinh tập 10, chuyện Hiếu tử Sàma (Tiền thân Sàma)( NXB.Tôn giáo, 2004) , Đức Phật dạy về mười phận sự mà một vị vua anh minh hiền đức cần phải làm (cũng được xem như Thập vương pháp), Ngài nhấn mạnh những bổn phận phải được quan tâm gìn giữ không thể thiếu sót. Nếu làm tốt, vị vua không những lãnh đạo tốt đất nước của mình mà còn được sinh về cõi Trời sau khi chết. Mười bổn phận đó là: Bổn phận đối với cha mẹ (song thân); bổn phận đối với vợ con; bổn phận đối với thân bằng quyến thuộc; bổn phận đối với quần thần (cấp dưới, quan lại trong bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương, tức cán bộ nhà nước); bổn phận đối với binh sĩ ở các cấp trong quân đội; bổn phận đối với các đơn vị hành chính từ thành thị cho đến thôn quê, các địa phương trong nước; quan tâm đến các cơ quan chính quyền và đời sống sinh hoạt của mọi thành phần xã hội; bổn phận đối với những người tùy tùng thân cận; bổn phận đối với những bậc tu hành thanh tịnh, đạo cao đức trọng, các nhân sĩ, hiền tài; bổn phận đối với các bậc ẩn sĩ, thế ngoại cao nhân, những người tài đức mai danh ẩn tích (biết tôn kính, hỗ trợ và mời họ giúp dân giúp nước, thưa hỏi việc nước); biết yêu thương loài vật, bảo vệ loài vật, bảo vệ môi trường sinh thái. Trong kinh Cakkavatti Sìhanàda sutta (Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống, kinh số 26, thuộcTrường Bộ kinh II) Đức Phật cũng dạy thêm, người lãnh đạo quần chúng, người thực thi pháp luật phải là người cầm cân nảy mực, công chánh liêm minh và thông hiểu pháp luật, thực thi pháp luật vì công bằng xã hội, vì tôn trọng pháp luật chứ không phải vì biểu dương quyền lực hay lạm dụng uy quyền; phải làm đúng vai trò và chức năng của mình, không được làm tùy tiện, cẩu thả, không được làm sai quy định pháp luật. Không được kết bè đảng, vi cánh để làm điều phi pháp, hà hiếp bá tánh, thao túng, lũng đoạn trong bộ máy chính quyền, trong cơ quan nhà nước, gây thiệt hại cho quốc gia hoặc gây bất ổn xã hội: Người lãnh đạo tốt phải biết cư xử công bình (không thiên lệch, vị kỷ vị thân, không tạo bất công do bị tiền tài mua chuộc hoặc vì khiếp sợ uy quyền, thế lực); không gieo lòng thù hận trong dân chúng; không ngần ngại áp dụng luật pháp khi cần thiết; phải thông hiểu pháp luật rõ ràng mỗi khi áp dụng. Luật pháp không phải áp dụng chỉ vì người ấy có uy quyền, mà phải được áp dụng hợp tình và hợp lý. Quả thật nếu áp dụng thực thi được những lời Đức Phật dạy thì vị quốc chủ là vị vua nhân từ, đức độ, anh minh sáng suốt có sức mạnh của muôn dân, lo gì đất nước không thái bình thịnh trị. Khi mọi người dân đều yêu quê hương đất nước, đều tôn kính, quý mến các nhà lãnh đạo chính quyền, các binh sĩ vì nước vì dân; khi quân và dân đoàn kết gắn bó một lòng, các chủ trương, chính sách nhà nước hợp lòng dân, xã hội an cư lạc nghiệp thì nền chính trị yên ổn, vững mạnh, đất nước hùng cường. Không phải ai cũng có chí hướng cao thượng về đời sống tâm linh đưa đến giác ngộ, giải thoát, cho nên tùy căn cơ trình độ mà Đức Phật nói pháp, trong đó có các pháp mang lại an lạc cho đời sống thế tục trong hiện tại và tương lai. Vì thế khi có vị lãnh đạo quốc gia nào xin ý kiến về các vấn đề xã hội, quốc gia, Đức Phật cũng nêu lên quan điểm của mình về chính sách trị quốc an dân và giải quyết các vấn đề xã hội. Ngài xem đó là dịp để các nhà đạo đức, tâm linh, các nhà giáo dục góp phần mang lại an lạc, hạnh phúc cho người dân ở một phương diện khác. Tuy không phải là một nhà chính trị, không phải là một nhà xã hội học nhưng cái nhìn của Đức Phật hết sức sáng suốt và thấu đáo, ý kiến của Ngài có giá trị hữu ích, có tầm nhìn chiến lược rất được các nhà lãnh đạo quan tâm. Chẳng hạn như trong kinh Cứu La Đàn Đầu (Kùtadanta sutta)(7), Đức Phật nêu lên quan điểm chính trị của mình như sau: “Những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về nông nghiệp và mục súc, Tôn vương hãy cấp cho những vị ấy hạt giống và thực vật; những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về thương nghiệp, Tôn vương hãy cấp cho những vị ấy vốn đầu tư; những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về quan chức, Tôn vương hãy cấp cho những vị ấy vật thực và lương bổng. Những người này chuyên tâm vào nghề riêng của mình sẽ không nhiễu hại quốc độ nhà vua, và ngân quỹ nhà vua sẽ được dồi dào, quốc độ sẽ được an cư lạc nghiệp, không có tai ương, ách nạn và dân chúng hoan hỷ vui vẻ, cho con nhảy trên ngực, sống chẳng khác gì với nhà cửa mở rộng”. Trong một bài kinh khác Đức Phật cho biết rằng, nghèo đói là nguyên nhân chính của trộm cướp, hung ác, thù hằn, bạo động và các hành vi trái đạo lý. Vì thế chỉ có biện pháp cải thiện kinh tế, xóa đói giảm nghèo và quan tâm giáo dục tri thức, đạo đức mới ngăn chặn và làm giảm thiểu tệ nạn xã hội. Các hình phạt như xử tử, chặt tay chặt chân, cầm tù, lưu đày, khổ sai… không hữu hiệu, không thể kềm hãm tệ nạn xã hội và bất ổn chính trị (Kinh Cakkavatti Sìhanàda sutta) (8). Đức Phật còn nêu ra bảy điều kiện thịnh suy của một quốc gia như sau: 1.Người trong nước thường gặp gỡ và tụ họp đông đảo với nhau 2.Người trong nước tụ họp trong tinh thần đoàn kết, giải tán trong tinh thần đoàn kết; làm việc trong tinh thần đoàn kết và thực hiện nhiệm vụ trong tinh thần đoàn kết, phát triển trong tinh thần đoàn kết. 3.Không ban hành những đạo luật mới mẻ chưa từng được ban hành (do không có phát sinh thêm những loại hình phạm tội, những vấn nạn xã hội); không hủy bỏ những đạo luật sẵn có (tinh thần thượng tôn pháp luật, không phá hỏng nền nếp, kỷ cương, phép tắc đã có), và sống thích hợp với những quy tắc cổ truyền (tôn trọng và giữ gìn những truyền thống quý báu). 4.Người trong nước tôn sùng, kính trọng các bậc trưởng thượng trong xứ, các bậc cao niên lão thành, những người có công đức với nhân dân, những người có tài năng và đức độ, có tâm huyết đối với sự nghiệp phát triển đất nước, nghe những lời dạy thích nghi của những vị này. 5.Không có những hiện tượng bất công (áp bức, bóc lột, xem thường đạo đức, pháp luật) và người phụ nữ được tôn trọng (tinh thần bình đẳng giới). 6.Bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống. Gìn giữ và tôn trọng, kính nể, làm vẻ vang tôn miếu, những nơi thờ phụng, ghi nhớ công đức Tổ tiên, những bậc tiền hiền, những người có công với nhân dân, với đất nước. 7.Cung kính, hộ trì, noi gương các bậc Thánh, những người hiền đức, nhiệt thành ủng hộ, bảo trợ những hoạt động vì lợi ích số đông, vì hạnh phúc của nhân dân, đất nước, của nhân loại, chúng sinh. Đó là những yếu tố làm nên sự hưng thịnh của một quốc gia, giúp quốc gia phát triển lâu dài, vững mạnh (Theo kinhTăng Chi Bộ III, chương Bảy pháp, phẩm Vajji)(9) và kinh Đại bát Niết bàn thuộc Trường Bộ kinh I)(10). Về đời sống xã hội, qua nhiều bài kinh chúng ta cũng thấy Đức Phật luôn khuyến khích tinh thần phụng sự, cống hiến, làm lợi ích chúng sinh, Ngài dạy các đệ tử tại gia ngoài việc học pháp, hành pháp, tinh tấn tu tập chuyển hóa nội tâm, sống đời sống hướng thượng, cần nên tích cực tham gia các hoạt động công ích, vì lợi lạc tha nhân. Chẳng hạn như trong Tương Ưng Bộ kinh I, chương I: Tương ưng chư Thiên, phẩm Thiêu cháy, kinh Trồng rừng, Đức Phật dạy: “Ai trồng vườn, trồng rừng/ Ai dựng xây cầu cống/ Đào giếng, cho nước uống/ Những ai cho nhà cửa/ Những vị ấy ngày đêm/ Công đức luôn tăng trưởng”. Về phương diện lãnh đạo tập thể, quản lý và điều hành một tổ chức, làm lợi ích cho số đông, Đức Phật dạy bốn pháp nhiếp hóa (Tứ nhiếp pháp) được xem là nghệ thuật quản trị đắc nhân tâm, gồm có: Bố thí nhiếp (bố thí, từ thiện, đem lại lợi ích cho người khác, cho tập thể, tổ chức; đáp ứng nhu cầu đời sống, nhu cầu công việc, giúp đỡ, hỗ trợ giải quyết khó khăn…); Ái ngữ nhiếp (dùng lời lẽ khéo léo nhưng chân thành, nhu hòa, từ ái để thuyết phục, chia sẻ, động viên, khích lệ…); Lợi hành (tích cực làm lợi ích cho tập thể, tổ chức); Đồng sự (đồng cam cộng khổ, chung lưng đấu cật với đồng nghiệp, với những người cùng chí hướng, với những người cùng gánh vác trách nhiệm chung trong tập thể, tổ chức; không lánh nặng tìm nhẹ, ngồi mát ăn bát vàng; không phân biệt đối xử; không quản lý, điều hành theo kiểu quan liêu, không có tác phong quan liêu, kiêu căng, hách dịch). Bốn phương pháp này có thể dùng riêng lẻ tùy trường hợp hoặc sử dụng phối hợp một cách khéo léo. Bốn pháp nhiếp hóa hay bốn nguyên tắc lãnh đạo nói trên, kinh Tăng Chi IV, chương Tám pháp, phẩmGia chủ Hatthaka có nói rõ. Một trong những vấn đề hết sức quan trọng rất đáng quan tâm là bình đẳng xã hội. Việc thành lập Tăng đoàn gồm nhiều thành phần xã hội thuộc nhiều giai cấp khác nhau trong xã hội phân biệt đẳng cấp khắc nghiệt như Ấn Độ thời Đức Phật là bằng chứng hùng hồn cho tinh thần bình đẳng của Phật giáo. Trong nhiều bài kinh Đức Phật cũng nói lên tinh thần này, ví dụ như: “Là cùng đinh, không phải do sinh trưởng/ Là Bà la môn, không phải do sinh trưởng./ Do hành động, người này là cùng đinh/ Do hành động, người kia là Bà la môn” ( Sutta Nipàta, Vasala sutta – Kinh Tập, kinh Vasala), “Sự sinh trưởng không làm cho con người được liệt vào giai cấp Bà la môn hay bị loại ra khỏi giai cấp này. Nếp sống hàng ngày tạo nên người nông dân, thương gia hay nô bộc. Nếp sống hàng ngày tạo ra hạng trộm cắp, binh sĩ, tu sĩ hay vua chúa” (Sutta Nipàta, Vàsettha Sutta – Kinh Tập, kinh Vàsettha). Theo Đức Phật thì chính những phẩm chất đạo đức của mỗi cá nhân, chính hành vi, lối sống của mỗi cá nhân làm cho họ trở nên cao quý hay thấp hèn. Điều này có giá trị, ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thiết lập một xã hội công bằng, người bị xem là giai cấp thấp hèn xóa được mặc cảm tự ti về thân phận; khiến người được xem là giai cấp cao quý không tự kiêu, mọi người cư xử với nhau không còn khoảng cách, thân thiện, gần gũi hơn. Trong vấn đề bình đẳng còn có bình đẳng giới. Về bình đẳng giới, việc Đức Phật chấp thuận thành lập giáo đoàn tỳ kheo ni song song với giáo đoàn tỳ kheo chính là sự khẳng định Phật giáo coi trọng quyền bình đẳng giữa nam giới và nữ giới. Đức Phật cũng từng tuyên bố rằng nữ giới có khả năng thành tựu các Thánh quả từ Tu đà hoàn cho đến A la hán như nam giới nếu họ khép mình vào khuôn khổ của giới luật và tu tập theo giáo pháp (Theo Tiểu phẩm của Luật tạng-Cullavagga of Vinaya – Pàli Text Society Translation). Cứu cánh của đạo Phật là nhổ tận gốc rễ khổ đau, thành tựu Niết bàn an lạc. Vìmục tiêu chủ yếu là giác ngộ, giải thoát, cho nên trọng tâm của giáo lý đạo Phật là con đường, là phương pháp tu tập chứng đạt tri kiến thấy biết như thật về bản chất đời sống và cội nguồn an lạc. Nhưng không vì thế mà đạo Phật không có những giáo lý lợi lạc nhân sinh về phương diện đời sống thế tục, tức các vấn đề có liên quan đến xã hội, quốc gia. Bởi các lý do sau: 1.Căn cơ trình độ chúng sinh không đồng đều, vì lòng từ mẫn đối với mọi chúng sinh mà Đức Phật dùng nhiều phương tiện giáo hóa. 2.Phật pháp không thể rời xa cuộc đời mà giác ngộ (Phật pháp bất ly thế gian giác). Cho nên có thể nói con đường của đạo Phật, phương pháp của đạo Phật không ngoài mục đích lợi lạc chúng sinh dù ở bất kỳ phương diện nào, xuyên suốt các hệ thống kinh điển Phật giáo mà căn bản là kinh điển nguyên thủy chúng ta thấy rất rõ điều này.
Phan Minh Đức (ĐPNN)
Chú thích:
(1)Thuộc ĐTKVN, Tiểu Bộ kinh tập I, kinh Tập, NXB. Tp.HCM, 1999 (2) ĐTKVN, Tăng Chi Bộ kinh I, chương Ba pháp, phẩm Sứ giả của Trời, kinh Ngang bằng với Phạm thiên, VNCPHVN ấn hành, 1996. (3) ĐTKVN, Trường Bộ kinh II, kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt, NXB. TP.HCM, 1991. (4)Theo kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt (5) ĐTKVN, Tăng Chi Bộ kinh III, chương Bảy pháp, kinh Bảy hạng vợ, VNCPHVN, 1996. (6) Hoặc xem thêm: ĐTKVN,Tiểu Bộ kinh tập 6, phần Khuyến dụ quốc vương, NXB Tôn giáo ấn hành, 2002 (7) ĐTKVN, Trường Bộ kinh I, kinh Cứu La Đàn Đầu (Kùtadanta sutta), kinh số 5, VNCPHVN ấn hành, 1991 (8) ĐTKVN, Trường Bộ kinh II, kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống (Cakkavatti Sìhanàda sutta), kinh số 26 , VNCPHVN ấn hành, 1991 (9)VNCPHVN ấn hành, 1996 (10)VNCPHVN ấn hành, 1991.
* * * * * * *
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |