Chi tiết tin tức

Phát ngôn của Giáo hội – từ văn bản đến thực tế

10:51:00 - 20/06/2015
(PGNĐ) -  Đầu năm 2014, Giáo hội đã ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Sự kiện này được giới báo chí Phật giáo cũng như dư luận quan tâm. 

Tuy nhiên, trong thời gian qua, dường như quy chế trên chưa phát huy hiệu quả trong đời sống thực tiễn.

Trong lúc đó, nhiều thông tin liên quan đến hành vi tu sĩ Phật giáo cũng như cơ sở chùa chiền, ở mặt tiêu cực đã được báo chí, các kênh thông tin trong và ngoài nước khai thác theo chiều hướng bất lợi cho Phật giáo.

 

 

 

Nhiều lần báo Giác Ngộ đã có bài viết phản ánh về sự bị động của Giáo hội trong truyền thông, nhưng dường như tình hình vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

Có một số vụ việc cần có tiếng nói giải thích nhằm định hướng dư luận, được sự chỉ đạo của Ban Biên tập, phóng viên đã đặt vấn đề với một số chư tôn đức giáo phẩm có trọng trách của Giáo hội, nhưng không ít lần nhiều vị đã khước từ với lý do cho rằng chưa có sự phân công, chờ chỉ đạo, hoặc vấn đề tế nhị… Trong lúc đó, mặc dư luận tự phát; chưa có sự thống kê chính thức, nhưng chắc chắn sự tổn hại đến uy tín của Giáo hội nói riêng và Phật giáo nói chung là không nhỏ.

Phật giáo là một tôn giáo lớn, có lịch sử lâu đời và gắn bó mật thiết với văn hóa dân tộc. Vấn đề tôn giáo tại Việt Nam, trong đó có đạo Phật với nhiều mặt biểu hiện sinh động chắc chắn luôn có sự quan tâm của báo chí trong và ngoài nước. Nếu Giáo hội không chủ động trong lĩnh vực truyền thông, đồng thời có những cập nhật khái niệm này phù hợp với thời đại thì công tác hoằng dương Chánh pháp sẽ gặp nhiều khó khăn, không phát triển như tiềm năng và thế mạnh của đạo Phật trong xã hội hiện nay, đặc biệt là đối với giới trẻ – thế hệ của tương lai.

Quan sát Phật giáo TP.Hồ Chí Minh qua sự kiện Đại lễ Phật đản Phật lịch 2559 vừa rồi, ngoài các chương trình văn hóa, văn nghệ, thuyết giảng và nghi lễ… thường kỳ, năm nay đặc biệt có lễ rước Phật đi bộ từ tổ đình Ấn Quang đến Việt Nam Quốc Tự – hai ngôi chùa lịch sử của thành phố. Nghi lễ rước Phật được diễn ra một cách trang nghiêm, để lại ấn tượng rất sâu sắc cho nhiều người tham dự. Nhưng đáng tiếc là, những hình ảnh, thông tin về chương trình đặc biệt này, ngoại trừ báo Giác Ngộ và một vài trang mạng ít ỏi, không thấy xuất hiện trên báo chí trong và ngoài nước sau đó, kể cả kênh truyền hình An Viên có bản tin thời sự Phật giáo hàng ngày.

Nhiều đồng nghiệp ở các báo đài đã tỏ ra tiếc vì đã bỏ lỡ sự kiện này. Đây là một nội dung mới mà các kỳ Đại lễ Phật đản trước đó chưa có. Vậy nên, nếu như Ban Tổ chức chủ động có thông cáo báo chí, hoặc có buổi gặp mặt các cơ quan truyền thông trước buổi lễ, chắc chắn hiệu quả về truyền thông, niềm vui của ngày Phật đản – lễ rước Phật tại TP.Hồ Chí Minh đã được truyền đi rộng rãi, nhân lên rất nhiều lần.

Đó chỉ là những sự việc để thấy rằng, việc ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí là rất cần thiết, nhưng quan trọng và cần thiết hơn nữa là phải làm sao để quy chế ấy đi vào thực tiễn, gắn bó trước, trong và sau mỗi sự kiện, hiện tượng liên quan đến Phật giáo nhằm định hướng dư luận vì lợi lạc chung.
 
Diệu Nghiêm
Theo GNO

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin