Chi tiết tin tức

Rất cần tiếng nói của Giáo hội

10:42:00 - 13/04/2015
(PGNĐ) -  Trong một lần trò chuyện với nhóm trí thức Phật tử về Phật giáo trong thế giới hiện đại, một trong những vấn đề được nêu ra đó là những tiếng nói của Giáo hội trước và sau những thông tin liên quan đến Phật giáo gây xôn xao dư luận, được giới truyền thông khai thác.
 

mang internet.jpg
Những điều “ảo” không được điều chỉnh bằng một phát ngôn chính thức sẽ ảnh hưởng đến cách nhìn, thái độ và tình cảm của hàng triệu người dùng internet ở VN đối với Phật giáo không nhỏ chút nào - Ảnh minh họa

Truyền thông là công tác rất quan trọng đối với bất cứ một tổ chức nào. Nhớ lại năm trước, khi nữ tu sĩ 24 tuổi dòng tu Orsolina là Cristina Scuccia xuất hiện trên một chương trình giải trí thi thố tài ca hát (The Voice Italia 2014), phần biểu diễn của nữ tu này tạo sự bùng nổ trong dư luận. Vài giờ sau, Tòa thánh Vatican đã có phát ngôn về hiện tượng đó qua lời của vị Hồng y Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về Văn hóa. Và, điều chưa từng có lại được giải thích hợp lý cho dư luận một cách rất khéo léo, nữ tu thay vì bị ngăn cấm, lại trở thành sứ giả “loan báo Tin mừng”.

Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, thế giới hiện nay đã có những thay đổi sâu sắc so với khoảng 20 năm trước. Tư duy và cách làm truyền thông theo đó cũng khác rất nhiều.

Với chiếc điện thoại thông minh và cùng với các ứng dụng của internet như Facebook, Twitter…, bất cứ ai cũng có thể sản xuất tin tức, tham dự vào lĩnh vực truyền thông. Với trường hợp về hiện tượng nữ tu người Ý trên, phát ngôn của một trong những nhân vật quan trọng của Tòa thánh không phải qua một cuộc họp báo, qua công văn, thông cáo báo chí… mà đơn giản là qua tài khoản Twitter của vị hồng y nọ.

Việc có một phát ngôn đúng lúc là hết sức quan trọng. Chính phát ngôn đó sẽ giải tỏa những tò mò của dư luận, có tác dụng như thể tháo gỡ kíp nổ của một quả bom, tránh được những tác hại khi nó đã phát nổ. Nếu không kịp thời, dư luận sẽ phỏng đoán thực hư, và theo đó, có thể thêu dệt nên những chuyện không hề có trong thực tế làm rối ren tình hình, tích cực cũng có, nhưng tiêu cực, ảnh hưởng xấu chắc chắn sẽ nhiều hơn.

Trở lại câu chuyện của những người trí thức Phật tử, một vài hiện tượng liên quan tới Phật giáo, chẳng hạn việc một clip quay cảnh ca hát ở một đám cưới, trong đó có hình ảnh một người trong trang phục của một vị sư hát cùng một cô gái và có những hành vi rất phản cảm được gởi tới các email mà chính họ nhận được, lan truyền trên một số trang mạng với tốc độ chóng mặt, theo dưới là những bình luận mỉa mai, quy kết rất xấu cho Phật giáo. 

Một số ý kiến cho rằng, đó chắc chắn là kẻ giả sư, nhiều ý kiến bày tỏ mong các cấp Giáo hội làm rõ và có tiếng nói chính thức định hướng dư luận, để không làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của người tu sĩ Phật giáo nói riêng, của đạo Phật nói chung. Đã hơn một tháng trôi qua từ khi clip này phát tán trên internet, vẫn chưa có tiếng nói xác minh chính thức nào, và các trang mạng vẫn cứ khai thác về nội dung đó với hàm ý bêu riếu, chỉ trích “thầy tu” - tu sĩ Phật giáo.

Khi đưa ý kiến đó ra, một số người cho rằng, “hơi đâu mà quan tâm những điều trên mạng”, “đó là mạng, là ảo”, “vàng thật thì lo chi lửa”… Nhưng với 40 triệu người dùng internet hiện nay ở Việt Nam, trong đó số lượng người trẻ chiếm đa phần, chưa kể ở ngoài lãnh thổ đất nước, thì những điều “ảo” trên sẽ ảnh hưởng đến cách nhìn, thái độ và tình cảm của họ đối với Phật giáo không nhỏ chút nào ở hiện tại và mai sau.
 
Diệu Hỷ

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin