Chi tiết tin tức

Một số người quan niệm sai lầm

11:29:00 - 08/05/2015
(PGNĐ) -  Một số người quan niệm sai lầm đợi đến khi già mới tu, chứ còn trẻ phải vui chơi hưởng thụ tu chi cho khổ? Họ xem nhà chùa như một nhà dưỡng lão, dành riêng cho ông già, bà cả hoặc cho những người lỡ vận, lỡ thời, sa cơ thất thế. Họ cho rằng tu hành là để an hưởng cảnh già trong khi chờ chết, chứ người trẻ tu làm gì, để ở ngoài đời hưởng thụ không sướng sao? Họ không ngờ rằng, người già hay trẻ gì cũng cần phải tu hết, trẻ mà biết tu thì sống có nhân cách đạo đức, nhờ vậy làm tròn trách nhiệm bổn phận đối với gia đình người thân và đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội. 

Có nhiều người còn quan niệm rằng chỉ có những người tật nguyền, bệnh hoạn, côi cút mới tu, chứ còn khỏe mạnh, làm ăn được mà tu cái gì? Chúng ta nói như thế, vô tình cho rằng nhà chùa là một bệnh viện, một nhà tế bần để cho những kẻ bị đời sa thải, vào chùa để nương nhờ tấm thân. Họ không ngờ rằng tu là rất cần thiết cho tất cả mọi người, vì chúng ta biết tu nên không bao giờ giết hại, trộm cướp, lường gạt, nói dối để làm hại người khác bằng nhiều hình thức. 


Tu là phải xuất gia như chư Tăng ni mới đúng, chứ còn ở tại gia mà tu cái gì? Những người nói như thế vô tình hiểu lầm rằng tu chỉ dành riêng cho người xuất gia thôi! Tu có nghĩa là sửa, sửa xấu thành tốt, sửa sai thành đúng, chúng ta sửa được càng nhiều chừng nào thì mình càng được bình yên, hạnh phúc, có thiệt hại gì cho ai đâu?
Người đời, dù sống trong hoàn cảnh nào, ai cũng mong muốn làm sao mình được an vui, và bình yên hạnh phúc. Chính vì vậy mà ai cũng cần phải tu hết. Chúng ta không những lo tu dưỡng thân tâm, mà còn phải lo tu bổ sửa sang lại nhà cửa, gieo trồng vun xới lại ruộng vườn hoang phế, sửa chữa lại đường sá cầu cống hư sập... vv, như thế đều gọi chung là “Tu” cả. Tóm lại, mỗi cá nhân, bất luận lớn bé, già trẻ, trai gái, giàu nghèo, sang hèn, đều phải lấy việc rèn luyện thân tâm, sửa sang lại những vật sở hữu vật chất liên quan đến đời sống con người. 
Có nhiều người nói: “Đã tu rồi, sao còn bệnh đau uống thuốc?” Người tu theo đạo tiên thường phô trương rằng họ có phép thuật trường sanh bất tử, dùng sức nội công, luyện thần khí làm cho thân không già, không bệnh và sống lâu. Xưa nay chúng ta chỉ nghe nói như thế, chứ chưa thấy ai tu tiên mà sống trên 120 tuổi.
Nhưng theo lời Phật dạy thì thân này là giả tạm, vô thường không thật có, đủ duyên thì sống thọ làm lợi ích cho nhiều người mà không quan trọng tuổi tác. Điều quan trọng là dù sống một ngày mà làm lợi ích cho nhiều người hơn sống 100 năm mà chẳng giúp gì được cho ai. Mọi sinh vật trên đời đều phải đi theo quy luật sanh, già, bệnh, chết. Chính xác thân của đức Phật cũng không vượt ra ngoài bốn trạng thái ấy, nên ngài đã vào Niết bàn năm 80 tuổi, huống chi là những người thường như chúng ta? 
Rồi cho đến một số Phật tử, cho rằng pháp môn tu của mình là số một đúng theo lời Phật dạy, còn bao nhiêu pháp môn của người khác là thấp, là sai. Người tu theo pháp môn tịnh độ, họ cho cho rằng đúng chánh pháp và tu như thế thì Phật A Di Đà mới rước về cõi tây phương cực lạc. Người trì chú cho rằng pháp môn của họ là tối thắng nên bài xích các pháp môn khác. Người tu thiền thì nói đó là gốc của đạo Phật, còn bao nhiêu pháp môn khác đều vô bổ, chẳng đưa đến đâu cả. Người tu theo hạnh Bồ-tát làm việc lợi tha, từ thiện xã hội,... vv, cho như thế mới là tu, và phản đối các lối tu khác. 
Các quan niệm, thái độ trên đều là hiểu theo kiểu phiến diện hẹp hòi, vì chưa hiểu rốt ráo mục đích của đạo Phật. Chúng ta phải hiểu đạo Phật tùy bệnh cho thuốc, chúng sinh vì nhiều bệnh nên Phật cho thuốc hợp với bệnh đó, tất cả phương pháp đều là phương tiện ban đầu để từng bước giúp ta đến chỗ giác ngộ, giải thoát hoàn toàn, giống như nước trăm sông đều đổ về biển cả. 
Rồi có nhiều người cho rằng tu sẽ làm cho con người nhu nhược, yếu đuối dễ bị người ta lấn áp, bóc lột, nếu ai cũng tu, thì sẽ mất nước. Nói như thế chúng ta vô tình cho người tu chẳng khác nào cục đất, ai muốn làm gì thì làm. Thật ra, càng tu càng sáng suốt đâu có phải là khiếp nhược, yếu đuối, mà trái lại là hùng dũng phi thường. Phật giáo đời Trần là một minh chứng hùng hồn có một không hai trong thế giới loài người, đã bao lần đánh tan quân xâm lược ngoại bang. 
Một gia đình có tu thì kính trên nhường dưới, anh chị em sống vui vẻ thuận thảo với nhau, cùng san sẻ giúp đỡ cho nhau. Trái lại, một gia đình thiếu tu, thì cha mẹ thường xung đột bất hòa gây tranh cãi chửi mắng đánh đập nhau, con cái bơ vơ, anh em ly cách, chồng vợ chia lìa. Một xã hội có tu, thì dân chúng được an cư lạc nghiệp, nhà không cần đóng cửa, của rớt ngoài đường không mất, mọi người đều giúp đỡ lẫn nhau và sống vui vẻ hài hòa. Trái lại, một xã hội không tu thì trộm cướp hoành hành, mạnh hiếp yếu, lớn hiếp nhỏ, giàu bóc lột nghèo, tệ nạn xã hội tràn lan, nước nhà loạn lạc. 
Vấn đề tu rất quan trọng, cho nên ai cũng phải tu, bất luận là tôn giáo hay thể chế chính trị nào. Đã sống làm người là phải tu, để chúng ta sống làm việc và hòa hợp, nhờ vậy giảm bớt việc làm tổn hại cho nhau. Vậy chúng ta muốn gia đình hạnh phúc, đất nước hòa bình an lạc thì chúng ta cần phải biết tu dưỡng thân tâm. 
Pháp môn của Phật nhiều không kể xiết, thì sự tu hành của người Phật tử cũng tùy theo tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh khác nhau. Chúng tôi sẽ tuần tự nói đến các lối tu, từ thấp đến cao của người Phật tử. Trước tiên là quy y, thọ giới, thờ Phật, lạy Phật, cúng Phật, ăn chay, niệm Phật, tụng kinh, trì chú, sám hối, làm chùa, tạo tượng, đúc chuông, bắc cầu, làm đường, bố thí... vv, làm các việc này đều gọi chung là tu cả. 
Thân và tâm liên quan mật thiết với nhau, ý suy nghĩ rồi mới phát ra lời nói kế đến là thân mới hành động, nếu đi theo chiều hướng tốt đẹp thì giúp người cứu vật, ngược lại làm tổn hại chúng sinh. Chính vì vậy chúng ta phải cẩn trọng trong việc đối nhân, xử thế, sao cho được hài hòa niềm nở một cách chân thành… đều gọi là biết cách tu hành trong cuộc sống.

Tu hành là một việc quan trọng nhất của đời người, nếu thiếu tu con người sẽ tranh giành giết hại lẫn nhau vì quyền lợi riêng tư. Quần áo rách ta đem vá lại, đồ vật trong nhà hư hỏng ta đem ra sửa lại. Bất kể là những gì liên quan đến đời sống chúng ta nếu hư ta đều phải tu sửa lại. Huống hồ là những ý nghĩ xấu rồi phát sinh ra lời nói cho đến hành động sai phạm, lầm lỗi của con người thì chúng ta càng phải tu sửa lại không cho niệm xấu ác dấy lên, để làm hại người khác.

 

Thích Đạt Ma Phổ Giác

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin