Chi tiết tin tức Nếu một ngày tôi không được niệm Phật 14:04:00 - 16/12/2013
(PGNĐ) - Muốn cho lòng lúc nào cũng có Phật thì phải cố gắng ghi khắc bốn chữ “A Di Đà Phật” vào tâm mình.
Bức tranh thư pháp với nội dung “Khi bạn muốn nói thì hãy làm thinh”, là món quà mà một người bạn đã tặng cho tôi. Tuy nhiên, sự bận rộn của cuộc mưu sinh đã làm cho tôi bỏ qua việc tìm hiểu ý nghĩa thâm sâu của câu nói ấy. Tôi cứ quay cuồng một cách đau khổ trong chính nghiệp lực của chính mình cho đến một ngày hiểu biết nhiều hơn về việc hành trì niệm Phật, tôi mới nhận ra và thật sự đổi thay.
Có người nghe tôi niệm Phật đã chọc ghẹo theo thành tiếng “A Di Đà Phật! A Di Đà Phật! A Di Đà Phật!” và còn nói là tôi chỉ biết niệm suông thôi, chứ không hiểu thế nào là tu Tịnh độ. Tôi cảm thấy có chút tự ái, điều này dễ hiểu vì tôi nghĩ rằng mình biết nhiều lắm, vậy mà giờ đây có người lại chê bai, thật là buồn. Tôi cũng biết là muốn sanh về thế giới của Phật A Di Đà thì phải có đầy đủ ba món tư lương, đó là Tín - Nguyện - Hạnh hay còn gọi là tôn chỉ tu tập của pháp môn Tịnh độ. Tín là lòng tin, tin mình có Phật tánh, mình có khả năng thành Phật. Tin Phật Thích Ca không nói dối, tin Phật A Di Đà không nguyện suông. Nguyện là là thề nguyện, là nói lên lòng khát khao ao ước của mình muốn sanh về Cực lạc, muốn thấy Phật A Di Đà. Hạnh chính là phần hành trì niệm Phật trong thực tế đời sống hàng ngày. Nếu thiếu một trong ba điều kiện trên thì không thể vãng sanh về Tây phương Cực lạc. Trên lý thuyết là như vậy, còn thực tế, để duy trì được những điều kiện này thì phải làm thế nào? Đó là vấn đề mà tôi luôn ngẫm nghĩ, vì từ chỗ hiểu lý thuyết cho đến lúc vận dụng nhuần nhuyễn vào cuộc sống là cả một đoạn đường dài. Những khúc mắc của tôi dần dần được giải tỏa nhờ tình cờ tìm hiểu nhân vật Quan Công, tức Quan Vân Trường. Khi Quan Vân Trường mất đi, những người dân lập bàn thờ ông trong nhà, xem như một vị Thánh. Lúc đó, tôi không hiểu mục đích họ lập bàn thờ vị tướng này để làm gì. Sau này tôi mới cảm nhận được rằng không chỉ có ngài mà bất kỳ người nào nếu có ân với quốc gia, với nhân loại sẽ được lưu danh vào sử sách và nhân dân tôn thờ. Tuy nhiên, thế hệ về sau không được gặp mặt, chỉ nghe kể lại, sẽ nảy sinh ra nhiều tư tưởng trái chiều, cụ thể là có người xem những vị ấy như là một chỗ dựa tinh thần để thắp nhang cầu xin may mắn cho bản thân mình. Ngược lại, có người sẽ nhận ra rằng các vị ấy là tấm gương sáng để mình nương theo đó mà học tập, hoàn thiện bản thân trong cuộc sống thường ngày. Chính suy nghĩ ấy đã dẫn dắt tôi liên tưởng đến các vị Phật, mỗi một vị đều có hạnh nguyện của mình, nhằm cứu độ chúng sinh đang vẫy vùng trong biển lửa đau khổ. Bất kỳ một nguyện nào cũng đều vì tình thương vô bờ bến dành cho chúng sinh cõi Ta-bà. Và tôi đã chọn Phật A Di Đà làm thầy của mình, quyết lòng học theo hạnh của Ngài, vì tôi cảm thấy mình có duyên với pháp tu niệm Phật hơn cả. Tâm nguyện của Phật A Di Đà chính là giúp cho tất cả mọi người lên được bến bờ giải thoát bằng một phương pháp đơn giản là “Trì danh niệm Phật”. Trong 48 đại nguyện thì có đại nguyện thứ 18 là: “Lúc Tôi thành Phật, chúng sanh nghe danh hiệu Tôi, chí tâm tin ưa, tất cả thiện căn tâm tâm hồi hướng nguyện sanh cõi Tôi, dẫu chỉ mười niệm nếu chẳng được sanh thì chẳng lấy Chánh giác, chỉ trừ kẻ ngũ nghịch, phỉ báng Chánh pháp” (Kinh Vô Lượng Thọ). Mới nghe qua thì cũng không khó mấy, mười niệm cũng đâu có tốn bao nhiêu thời gian, ấy vậy mà gặp tình huống cấp bách mới biết dụng ý sâu xa của lời nguyện này không chỉ nằm trên văn tự. Lần đó tôi chở mẹ đi chợ, lúc về tôi chất thêm ít hàng để trên xe và nói mẹ lên xe để chở về. Xe chuẩn bị lao xuống dốc thì bỗng nhiên lỡ đà, loạng choạng như người say rượu. Một phần vì tôi chưa quen nên mất tinh thần, phần nữa mẹ tôi cứ cuống lên, kéo vai tôi đến nỗi rách áo khoác, chủ yếu để cho tôi ngã xuống đất mà dừng xe lại. Mấy bác sửa xe ở bên đường chạy ra giúp đỡ, hỏi thăm mãi xem có bị thương ở đâu không, may thay không có gì nguy hiểm xảy ra. Một điều kỳ lạ là lúc đó đường rất vắng, không có chiếc xe nào di chuyển lên xuống, chỉ có hai mẹ con nằm xoài ra đường bên chiếc xe thôi. Tôi đứng dậy, tiếp tục điều khiển xe về nhà. Bỗng nhiên, chạy được một đoạn đường, tôi chợt thấy trong lòng buồn vô hạn. Tôi tự hỏi, tại sao giây phút nguy hiểm ấy mình không hề nhớ tới việc niệm Phật mà cứ lo lắng toàn là chuyện không có ích cho việc cầu vãng sanh như xem mình bị thương ở đâu, mẹ ra sao, xe có hư không?… Có phải đây là dấu hiệu cho thấy cái kiềng ba chân Tín - Nguyện - Hạnh của tôi chưa vững, chưa đạt yêu cầu. Về nhà, tôi suy nghĩ rất nhiều và tự nghiệm rằng: Nếu như mình niệm Phật vững vàng thì lúc nguy hiểm nhất, bản thân mình sẽ không sợ hãi và vẫn bình tĩnh niệm Phật. Tâm kiên cố thì không bị ngoại cảnh xoay chuyển làm bấn loạn, điên đảo như vậy. Tôi thấy thương bản thân mình vì lòng tin của mình đối với Phật chưa trọn vẹn. Bởi nếu lòng tin trọn vẹn, tôi đã thực hành niệm Hồng danh một cách viên mãn. Có lẽ đây là một bài học cảnh tỉnh cho tôi luôn nhớ niệm Phật trong mọi hoàn cảnh. Vì nếu sau này, khi lâm chung, những cảnh giới xấu, tốt hiện ra theo nghiệp của mình sẽ khiến cho tâm thần điên đảo, cộng thêm tứ đại phân ly đau đớn mà người thân không hiểu, cứ theo phong tục tập quán lo tắm rửa, uốn nắn sau khi vừa chết, đụng vào người sẽ tăng thêm phần thống khổ, sân hận thì làm sao nhớ mà niệm Phật cho được. Muốn cho trong lòng lúc nào cũng có Phật thì điều chắc chắn là phải cố gắng ghi khắc bốn chữ “A Di Đà Phật” vào tâm trí của mình hàng ngày, trong bất kỳ địa điểm hay thời gian nào, có thể niệm ra tiếng mà cũng có thể niệm thầm. Có như vậy, chúng ta mới thấy đại ý sâu xa trong nguyện thứ 18 của Phật A Di Đà chứ không phải là đợi lúc lâm chung mới niệm Phật. Tôi thật sự thấm thía bài học mà đấng Từ Phụ ban cho mình kể từ ngày hôm ấy, thế nhưng phải làm cách nào mới chiến thắng được bản thân thì cũng cần phải rèn luyện nhiều hơn. Trong một chuyến đi xa, tôi được ở chung với khá nhiều người, mỗi người có một thói quen và sở thích khác nhau nên cũng có những quan điểm trái chiều. Khi ấy có người dặn tôi rằng: “Người ta nói gì thì con cứ ngồi nghe thôi, mặc kệ người ta, đừng để ý làm gì cho mệt!”. Tôi cảm ơn và ráng ghi nhớ lời dạy vừa rồi, nhưng mà làm thế nào để “mặc kệ người ta” thì tôi cũng chưa biết cách. Buổi trưa, tất cả mọi người đều dùng cơm chung với nhau, một người gợi chuyện để phá tan bầu không khí yên lặng, ai cũng cảm thấy vui vẻ nên tham gia, tôi cũng đang suy nghĩ một câu chuyện vui để kể. Đột nhiên tôi khựng lại, tôi nhớ lời hứa sáng nay nên dùng Hồng danh của Phật để nhiếp phục vọng niệm ấy xuống, tôi ráng nghĩ tới và niệm A Di Đà Phật thật nhiều. Quả nhiên một lúc sau suy nghĩ đó không còn nữa, thay vào là niềm vui vì mình đã nhớ Phật thật sự. À, thì ra muốn “mặc kệ người ta” thì mình phải gửi thân, khẩu, ý về với Phật, chính xác là ai muốn nói gì thì nói, mình chỉ cần vui vẻ A Di Đà Phật là được. Tôi rất vui mừng khi ngộ ra điều này để áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Tôi chợt cười với mình vì sau bao nhiêu năm nhận món quà chia tay (câu “Khi bạn muốn nói thì hãy làm thinh”), giờ mới có dịp hiểu ra. Thì ra đó là bài học về sự im lặng để tịnh khẩu nghiệp, tránh nói chuyện thị phi, như Bồ-tát Giác Minh Diệu Hạnh trong Tây phương xác chỉ đã dạy: Nói ít một câu chuyệnNiệm nhiều một câu PhậtĐánh chết được vọng niệmPháp thân ngươi hiển lộ.Với tôi, đây thật sự là món quà vô cùng ý nghĩa, sẽ theo tôi đến hết cuộc đời. Bây giờ tôi chỉ biết tự nhủ với lòng mình: “Nếu một ngày mà không được niệm Phật, tôi sẽ khổ sở như thiếu đi ánh sáng để chiếu soi, thiếu đi nước mát để gột rửa tâm hồn khi nó bị vẩn đục bởi trần cấu tham sân si”.
Duyên Ngộ (GNO)
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |