Chi tiết tin tức

Nghĩ gì về những bức ảnh sai sự thật về Thiền viện Trúc Lâm- Thanh Nguyên, Bình Dương?

10:36:00 - 21/11/2014
(PGNĐ) -  Vừa qua, Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương có nhận được công văn từ Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên. Nội dung trình bày về những hình ảnh không đẹp của một nhân vật nữ trong chiếc áo người tu quan hệ thân mật với một người nam được một cá nhân đưa lên trang mạng facebook của người này, kèm theo đó là bức ảnh cổng Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên, ấp 7, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, Bình Dương.
Cũng từ công văn này, ngày 17-11-2014, Ban Thông tin Truyền thông TWGHPGVN đã cùng với Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương, Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Bình Dương đã có buổi làm việc tại Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên. Kết luận tại buổi làm việc khẳng định rằng "hình ảnh trên mạng xã hội về Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên là hoàn toàn sai sự thật, vu khống, nhằm bôi nhọ hình ảnh Tăng, Ni và GHPGVN. Vì vậy, GHPGVN cần có ý kiến đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước điều tra làm rõ các diễn đàn, trang mạng xã hội, các tin tức mạng đưa tin sai sự thật về sự việc trên cũng như những thông tin hình ảnh bài viết lien quan đến các tổ chức thuộc GHPGVN trong thời gian qua, để giữ gìn và bảo vệ khối đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo tại Việt Nam”.
 
Từ tinh thần này, chúng tôi có đôi điều suy nghĩ về những bức ảnh sai sự thật, gán ghép cùng với cổng Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên xuất hiện trên trang mạng cá nhân gây bức xúc trong dư luận trong những ngày qua như sau:
 
Loạt ảnh được đưa lên trang mạng cá nhân này gồm có 05 bức ảnh: 04 bức là cảnh quan hệ tình cảm quá mức bình thường của một người phụ nữ trong chiếc áo nữ tu sĩ Phật giáo cùng một người nam và 01 bức ảnh chụp cổng Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên. Bức ảnh cổng Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên đặt trà trộn trong 4 bức ảnh có nội dung khiếm nhã kia nhằm ngụ ý rằng sự việc diễn ra tại Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên. Tuy nhiên, quan sát qua các bức ảnh, người xem dễ dàng nhận ra sự giả tạo, gán ghép trình tự nội dung của các bức ảnh, hoàn toàn không có cơ sở của sự thật. Sự không thật đó không chỉ ở chỗ là chiếc cổng thiền viện trang nghiêm, thanh tịnh bị đặt "nhầm” vào trong những bức ảnh khiếm nhã, mà ngay cả những tấm ảnh khiếm nhã được đăng tải cũng là không thật. Xét về gốc độ thời gian và không gian ảnh từ cổng thiền viện và những tấm ảnh kia không có sự tương quan với nhau. Bức ảnh cổng thiền viện, còn dính bóng dáng của người thanh niên trong chiếc áo sơ mi trắng, quần jean xanh, mang giầy thể thao rất lịch sự. Tấm ảnh này có khuôn ảnh đầy đủ, rõ, sáng, là tấm ảnh được khách thập phương chụp lại khi tham viếng cảnh chùa. Tuy nhiên, 04 tấm ảnh của cô gái thì hoàn toàn khác. Nó được chụp trong một phòng hết sức bừa bộn của một người đàn ông. Khuôn ảnh bị giới hạn bởi hai đường đen ở phía bên trên và phía bên dưới, hiệu ứng này chúng ta thường thấy ở những vedio khi trình chiếu trên thiết bị di động. Chúng tôi khẳng định rằng, 04 tấm ảnh của người phụ nữ đã được chụp lại từ những cảnh vedio được trình chiếu trên thiết bị di động (ảnh). Cũng cần nói thêm, Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên là nơi tu tập thiền của Tăng chúng chứ không có Ni chúng. Hình ảnh giả dối như trên quả là không thể lừa gạt ai hơn được nữa.
 
Nhìn từ góc độ phim liên quan đến hình ảnh Phật giáo có những nội dung miêu tả cảnh quan hệ thân thiết như 04 bức ảnh trên là không hề hiếm. Ở đây, những ai đã từng xem bộ phim Phật giáo Xuân Hạ Thu Đông Rồi Lại Xuân do Nhật Bản sản xuất hẳn sẽ hiểu được. Trong cảnh phim đặc tả diễn biến tâm lý của một tu sỹ trẻ bị "ám ảnh” trước hình ảnh của một cô gái và đã dẫn đến quan hệ tình cảm trên mức bình thường. Từ những phút giây xao lòng ấy, cuộc hành trình tu hành của người tu sỹ trẻ này đã gặp muôn vàn trắc trở. Do không giữ được giới tu nên anh ta phải trả một cái giá đắt đỏ để có thể quay về với bản tánh thanh tịnh của chính mình. Một truyện phim rất kiệm lời nhưng ý tứ thì sâu sắc làm cho người xem có thêm nhiều suy nghiệm về hành trình tu tập giải thoát đầy khó khăn, thử thách đối với những người tu sỹ trẻ đang trong quá trình tu tập. Họ phải tự mình chiến thắng "ma vương, nghiệp chướng” để có thể hoàn thành mục tiêu, lý tưởng của đời mình. Do đó, khi nhìn những tấm ảnh của người phụ nữ mặc áo tu sĩ quan hệ thân mật với một người đàn ông đăng tải trên trang mạng xã hội của một cá nhân, chúng tôi không khó để nhận ra đây chỉ là hình ảnh trong phim. Một bộ phim do nước ngoài sản xuất chứ không phải của Việt Nam. Như vậy vấn đề ở đây, người đăng những bức ảnh này có dụng ý gì? Mục đích chỉ là tạo thông tin sai lệch nhằm đánh bóng tên tuổi trang mạng cá nhân của mình với cộng đồng xã hội để thỏa mãn bản ngã thôi, hay ở đây còn xuất phát từ một động cơ sâu xa nào khác? Cộng đồng Phật giáo và tất cả những người mộ đạo đều bất bình khi một cá nhân vô học thức nào đó đem những hình ảnh của diễn viên diễn xuất trên phim ảnh (cảnh giả) đặt cùng với cổng Thiền viện (cảnh thật) nhằm vu khống, bôi nhọ hình ảnh trang nghiêm, thanh tịnh của tu sỹ Phật giáo. Đây có thể xem là một tội lỗi quá lớn, xúc phạm đến đời sống tu hành của các bậc tu sỹ Phật giáo; tổn thương đến tình cảm, niềm tin và sự tín ngưỡng của những người mộ đạo.
Có thể nói rằng, gần đây, một số người đã lợi dụng sự phát tán rộng rãi của mạng cá nhân để tung tin thất thiệt làm thiệt hại không nhỏ về mặt vật chất lẫn tinh thần cho cộng đồng xã hội. Lợi dụng kẻ hở rất lớn trong việc quản lý, kiểm soát thông tin của các cơ quan nhà nước hiện nay là thông tin cá nhân trên mạng xã hội không kiểm soát được, những kẻ xấu đã dùng các thủ thuật "lấy râu ông này cắm cằm bà kia” khi đăng tải hình ảnh, thông tin làm cho những người tiếp nhận thông tin hiểu sai sự thật, gây thiệt hại cho rất nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân.
Các vụ việc điển hình có thể kể đến như là vừa mới đây, hai cá nhân đã dùng facebook của mình để tung tin đồn thất thiệt rằng dịch Ebola xuất hiện tại Việt Nam. Công an đã phải vào cuộc điều tra vì những thông tin như trên đã làm cho dư luận hết sức hoang mang, phá hủy những nỗ lực mà các cơ quan Nhà nước đã phải thực hiện để đề phòng đối với dịch bệnh nguy hiểm này. Trước đó, trên facebook "Quảng Bình quê ta” của một thanh niên đã đăng tải câu chuyện lái xe Camry dùng súng bắn chết hai người trên xe tải sau vụ va chạm rồi bỏ chạy, đăng kèm thông tin là bức ảnh xe cứu hộ và xe Camry trên đường. Kẻ tung tin thất thiệt đó là Ngô Đình Sơn, đã bị công an bắt điều tra sau đó. Người này khai rằng, nguyên nhân tung tin bịa đặt chỉ đơn giản là muốn nhiều người chú ý biết đến trang cá nhân của mình. Hậu quả là đối tượng đăng tin đã bị xử phạt 25 triệu đồng vì tung tin xuyên tạc, bịa đặt trên mạng gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội. Đình đám hơn nữa là vụ việc bức ảnh anh công an chụp ảnh tạo dáng bên… xác chết (ảnh)
 
Người đăng tải để tựa đề của tấm ảnh là "Cần một lời bình???". Sau khi đăng tải, bức ảnh này đã được hơn 20.000 người like, hàng nghìn bình luận và hàng trăm chia sẻ, đa phần các bình luận đều khá tiêu cực và lên án nặng nề vì sự phản cảm của bức ảnh dù không hề biết về nguồn gốc của nó. Và sự thật chỉ được tiết lộ khi đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng (biệt danh Dũng Nghệ) lên tiếng. Theo lời kể của vị đạo diễn này thì bức ảnh được chụp trên phim trường một bộ phim tâm lý hình sự (đơn vị sản xuất MT Pictures). Nội dung của phân đoạn đó là các chiến sĩ cảnh sát điều tra phát hiện một xác chết trôi dạt đến bờ sông. Qua kiểm tra sơ bộ, họ cho rằng nạn nhân bị băng đảng xã hội đen giết để bịt đầu mối. Người trong bức ảnh là diễn viên Thanh Bình, đảm nhận vai Thành, Đội trưởng đội cảnh sát điều tra. Khi thực hiện xong cảnh quay, diễn viên Thanh Bình đã nhờ một người bạn dùng điện thoại Iphone chụp lại bức hình và đăng tải lên trang cá nhân. Tuy nhiên, sau đó nó đã bị lan truyền với tốc độ chóng mặt mà không đăng kèm thông tin giải thích, khiến nhiều người hiểu lầm. Việc diễn viên Thanh Bình đăng tải bức ảnh chỉ là vô tình và đã gỡ xuống ngay sau đó. Tuy nhiên, nó đã bị đối tượng xấu lợi dụng…
Rảo một vòng thông tin trên mạng xã hội mới thấy có quá nhiều thông tin sai lệch, mà người xem chỉ có thể tiếp nhận thông tin một cách thụ động chứ không có cách nào kiểm chứng được sự thật. Những tấm ảnh nguyên bản đặt trong hoàn cảnh của nó thì hết sức bình thường nhưng khi kẻ xấu lợi dụng đặt để nó vào tình huống, bối cảnh khác thì có thể làm cho người xem hiểu sai lệch một cách trầm trọng. Mục đích của những người đăng tải những bức ảnh này là lợi dụng tâm lý tò mò của số đông mọi người để tạo thông tin "sốc”, thông tin "lạ” nhằm thu hút người xem và bình luận trên trang mạng cá nhân. Sâu xa hơn nữa là một số cá nhân, tổ chức núp bóng cộng đồng mạng xã hội để "ném đá giấu tay” nhằm bôi nhọ danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức khác. Từ những bất cập đã trở thành nhức nhối của cộng đồng mạng xã hội như trên, trở lại vụ việc một trang mạng xã hội của một cá nhân đưa lên hình của người phụ nữ trong chiếc áo tu sỹ quan hệ thắm thiết với một người đàn ông gán ghép với cổng Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên là một trò đùa ác ý của một kẻ vô đạo đức, thiếu ý thức tôn trọng đối với cộng đồng Phật giáo.
 
Bởi vì, trên tất cả, Phật giáo Việt Nam có truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời, vô cùng gần gũi, gắn bó và ăn sâu vào đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam.
 
"Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Nếp sống muôn đời của tổ tông”.
 
Phật giáo đã có công lao rất lớn qua các thời kỳ phát triển vàng son của dân tộc từ ngàn xưa và tiếp tục có nhiều đóng góp hết sức tích cực trong thời đại ngày nay. Dưới sự điều hành và quản lý của GHPGVN, tổ chức Phật giáo xây dựng nếp sống tu hành chuyên cần, trang nghiêm và thanh tịnh. Chính vì sự ảnh hưởng sâu rộng của Phật giáo đối với đời sống tinh thần của xã hội như vậy nên bất kỳ hình ảnh, thông tin sai lệch nào về Phật giáo dù là giả tạo, dù xuất phát từ hành động vô ý thức đi chăng nữa… đều là tội lỗi không thể dung thứ được.
 
Là những người Phật tử, chúng tôi rất đồng tình với lãnh đạo GHPGVN, Ban Thông Tin truyền thông TWGHPGVN, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương đã thật sự nhanh chóng, kịp thời xác minh vụ việc để trả lại sự trong sáng, thanh tịnh vốn có cho Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên. Cũng trên tinh thần này, chúng tôi rất đồng tình với Thông tư 339/TT.HĐTS của GHPGVN về việc hướng dẫn sinh hoạt tu học tại các tự viện GHPGVN. Chúng tôi cũng thiết tha mong muốn rằng các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan sớm điều tra, làm rõ động cơ gây ra những sự hiểu lầm đáng tiếc như trên thông qua mạng xã hội nhằm có những hình phạt thích đáng cho những thủ phạm của sự việc. Qua đây chúng tôi cũng có đôi lời nhắn nhủ với đồng bào Phật tử và người dân mộ đạo xa gần:
 
1. Hiện nay trên các trang mạng xã hội có rất nhiều những thông tin sai lệch, không đúng sự thật, trong đó chúng ta đặc biệt quan tâm đến những thông tin liên quan đến sinh hoạt, đời sống của tu sỹ, đồng bào Phật giáo. Trước những thông tin như vậy, đồng bào Phật tử và những người mộ đạo cần phải hết sức tĩnh táo để quán xét sự việc, nếu không sẽ rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, vô tình tạo tác tội lỗi khi tham gia một cách gián tiếp vào việc bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức Phật giáo. Bên cạnh đó, những thông tin này, nếu Quý Phật tử và người mộ đạo không phát hiện ra được sự sai lệch thì sẽ có thể ảnh hưởng đến niềm tin, đời sống tâm linh, tín ngưỡng tốt đẹp của chính bản thân mình. Đây là một tổn thất rất lớn cho quá trình tu tập của mỗi chúng ta.
 
2. Trong thời đại "Thế giới phẳng” như ngày nay, việc sử dụng công nghệ thông tin để khai thác, tìm kiếm những thông tin đúng đắn, chính xác phục vụ cho đời sống, học tập và công việc là tốt. Nhưng đối với những thông tin bịa đặt, giả tạo, sai sự thật thì chúng ta không chỉ phải "bài trừ”, "tẩy chay” mà còn phải lên tiếng để đấu tranh loại bỏ chúng ra khỏi đời sống cộng đồng xã hội.
 
3. Chưa bao giờ mà có nhiều luồng thông tin không đúng với sự thật nói chung, trong đó lĩnh vực Phật giáo nói riêng bị một số người lợi dụng cộng đồng mạng để "ném đá giấu tay” như hiện nay nhằm thực hiện mưu đồ xấu đối với tổ chức Phật giáo. Là những người Phật tử chân chính, yêu chuộng lẽ phải, chúng ta phải không ngừng cảnh giác, đấu tranh mạnh mẽ để đẩy lùi cái xấu, cái ác nhằm góp phần giữ gìn và bảo vệ khối đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo tại Việt Nam.
 
Ban Thông tin Truyền thông TWGHPGVN cùng BTS GHPGVN tỉnh B.Dương làm việc tại Thiền Viện Trúc Lâm Thanh Nguyên
 
 
Pháp luật nghiêm cấm đưa thông tin sai sự thậtTheo đó, xử phạt hành chính nếu thông tin thất thiệt có nội dung vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì hành vi tung hoang tin, bịa đặt bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định 97/2008/NĐ-CP.
 
Theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 28/2009/NĐ-CP và điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định 63/2007/NĐ-CP, hành vi "cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” có thể bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.
 
Theo Điều 37 Bộ luật dân sự, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, người nào tung tin đồn thất thiệt xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một tổ chức, cá nhân cụ thể thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
 
Thạc sỹ, Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội
NHẬT MINH - DIỆU QUANG

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin