Chi tiết tin tức

Ngành HDPT: Những vấn đề tồn đọng cần giải quyết

16:42:00 - 04/05/2015
(PGNĐ) -  Vừa qua, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương có chuyến viếng thăm và làm việc tại các tỉnh thành miền Trung và Tây Nguyên nhằm tạo sự đồng bộ về hoạt động Phật sự chuyên ngành Hướng dẫn Phật tử từ Trung ương đến địa phương.

Đây là một động thái kịp thời nhằm đưa hoạt động của ngành hướng dẫn Phật tử đi vào ổn định, phát triển, bởi lẽ công tác này vẫn còn nhiều điều cần quan tâm và suy ngẫm.

 
bthien 4.JPG
Chư tôn đức Ban HDPT T.Ư trong một phiên họp bàn Phật sự

Đạo tràng tu học tự phát

Đối với Phật giáo, đạo tràng tu học là một hình ảnh quen thuộc gắn liền quá trình thiết lập môi trường thúc liễm thân tâm, thừa hành Phật sự của hàng đệ tử Phật. Ngay từ thời Đức Phật còn tại thế, hình ảnh này đã xuất hiện và liên đới mật thiết đến không gian địa lý các hoạt động tu niệm của chư Tăng Ni xuất gia.

Theo thời gian và đặc biệt là trong tình hình thực tiễn tổ chức của Giáo hội hiện nay, đạo tràng tu học thường được xem là nơi hội tập của những Phật tử có chung lý tưởng, cùng ý hướng và pháp môn thực hành thông qua sự hướng dẫn của chư Tăng Ni xuất gia diễn ra trong một cơ sở tự viện cụ thể của Giáo hội.

Lịch sử hình thành và phát triển của Giáo hội đã chứng minh, đạo tràng tu học là một hình thái tổ chức và tập hợp tín đồ hữu hiệu, cùng sinh hoạt và thực hành lời dạy của Đức Phật bằng các cách thức khác nhau. Đạo tràng tu học được xem là xương sống và là mô hình cốt lõi duy trì sự sống còn của các giá trị tâm linh và tu học của hàng Phật tử tại gia.

Theo báo cáo của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, đến cuối năm 2014, cả nước có 3,5 triệu tín đồ tu học thường xuyên tại 2.454 đạo tràng với nhiều tên gọi như: Bát quan trai, Tu thiền, Niệm Phật, Pháp Hoa, Dược Sư, Đại bi, Một ngày an lạc, Hội quy v.v… Đây là con số chưa chính thức, được cập nhật từ các tỉnh thành có gởi báo cáo cuối năm. Trong khi đó còn nhiều tỉnh, thành vẫn chưa có sự thống kê và báo cáo hoặc có báo cáo nhưng không cập nhật số liệu.

Cũng theo đánh giá của Ban, mỗi năm lượng Phật tử tu học Phật pháp, tham gia vào các đạo tràng tu học ngày một tăng, giáo lý Phật-đà được áp dụng nhiều hơn và mang tính phổ quát hơn. Song song đó, phong trào tu học được trải rộng ra khắp cả nước, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến các vùng núi và hải đảo xa xôi.

Tuy vậy, một vấn đề nổi lên cách nay đã lâu, từ nhiệm kỳ trước, liên quan đến các đạo tràng tu học tự phát nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm và vẫn còn để tiếp diễn một cách phức tạp. Hiện tượng các đạo tràng tu học tự phát đầu tiên nổi lên phổ biến ở Tây Nguyên và sau đó lan rộng ra nhiều tỉnh thành trong cả nước. Cách đây vài năm, đây là một vấn nạn trong nội tình sinh hoạt, tu học của Phật tử tại gia đến nỗi chư tôn đức chuyên ngành nhiều tỉnh thành đề nghị Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương cần có hướng dẫn và chỉ đạo thỏa đáng. Đáng ngại hơn, các đạo tràng này cổ xúy cho việc xa rời cơ sở tự viện của Giáo hội, không chấp nhận vai trò hướng dẫn tâm linh của chư Tăng Ni trụ trì.

Trước tình hình đó, cố HT.Thích Đạt Đạo, nguyên Ủy viên Thường trực HĐTS, nguyên Phó ban Thường trực Ban HDPT T.Ư, đã ký văn bản tái khẳng định việc tự viện là cơ sở của Giáo hội, nơi tập trung mọi sinh hoạt tu học và tín ngưỡng của hàng Phật tử tại gia. Các đạo tràng, các Ban hộ niệm, các Ban trợ niệm v.v... phải được sự lãnh đạo, hướng dẫn của chư tôn đức Tăng Ni trụ trì các tự viện, không được sinh hoạt tách rời cơ sở tự viện và chư Tăng Ni. Nếu không như thế thì không được tiếp tục hoạt động.

bthien 1.JPG
Đoàn Ban HDPT T.Ư làm việc tại tỉnh Đắk Nông

Công văn ra đời đã tạo nên một số thay đổi tích cực, làm cơ sở cho các địa phương mạnh dạn cùng chính quyền giải quyết tình trạng này. Tuy nhiên, sau một thời gian, mọi chuyện lại như cũ và đến nay vẫn không mấy khả quan. Không những thế, hiện các đạo tràng tự phát lại có dấu hiệu bùng phát, tạo nên sự bất ổn trong tu học, thực tập của hàng Phật tử tại gia, gây hoang mang đến những hành giả sơ cơ mới tiếp cận Phật giáo. Có lẽ, đây là thời điểm thích hợp để chư tôn đức Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư lắng nghe các địa phương và có những giải pháp cụ thể, thích hợp nhằm chấm dứt tình trạng này.

Sự đồng bộ và nhất quán

Có thể nói, trong các ngành hoạt động của Giáo hội, hướng dẫn Phật tử là ngành có tính gắn kết mật thiết đối với 2 thành phần quan trọng trong bốn chúng đệ tử của Phật. Vì đối tượng của Ban luôn đông đảo và cần nhiều sự định hướng nên hoạt động thường kỳ xét ở một góc độ nào đó khá phong phú, đa dạng và cấp thiết.

Vì tính chất quan trọng như vừa nêu nên khi thành lập Giáo hội và ngay cả trước đó, ngành hướng dẫn Phật tử luôn được lưu tâm cơ cấu nhân sự và hình thành hệ thống tổ chức, dù có thể được gọi dưới nhiều tên gọi khác nhau. Tuy vậy, bên cạnh những thành quả đạt được, thời gian gần đây ngành hướng dẫn Phật tử bộc lộ sự thiếu quan tâm ở nhiều địa phương.

Điều này dễ dàng nhận thấy nhất trong xử lý công tác Phật sự hàng ngày của Phật giáo cấp tỉnh, thành và quận huyện. Theo đó, các hoạt động Tăng sự, nghi lễ, tài chính, pháp chế, giáo dục hoặc các sự vụ quan trọng theo từng thời điểm thường được Phật giáo các tỉnh, thành đưa ra thảo luận và bàn bạc khá chi tiết, song lại ít khi nói về hoạt động này. Thậm chí, ở một số địa phương, Ban Hướng dẫn Phật tử lại gặp nhiều khó khăn trong hoạt động vì liên quan đến những việc cần giải quyết của Gia đình Phật tử, nhu cầu của Phật tử người dân tộc thiểu số và những bức xúc xuất hiện trong một bộ phận tín đồ, nhưng Ban Trị sự dường như không mấy quan tâm.

Đó là ở cấp tỉnh, còn ở cấp huyện thì hầu như công tác hướng dẫn Phật tử, sinh hoạt đạo tràng là công tác của mỗi tự viện hoặc vị trụ trì, thiếu sự gắn kết, điều phối chặt chẽ từ bộ phận chuyên trách của Phật giáo huyện. Đặc biệt, ở nhiều nơi, vị trí chuyên trách hướng dẫn Phật tử hầu như chỉ được đặt để cho đủ cơ cấu, suốt nhiệm kỳ không có một hoạt động cụ thể nào.

Đó là một số vấn đề tồn đọng mà thiết nghĩ, trong thời gian tới, qua chuyến viếng thăm và làm việc của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đến các tỉnh thành, những vấn đề này sớm được giải quyết dứt điểm.

 

Từ ngày 22-4 đến 28-4, Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư do HT.Thích Thiện Duyên, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban HDPT T.Ư làm Trưởng đoàn bắt đầu chuyến thăm, làm việc các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên nhằm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Hiến chương Giáo hội, Nội quy, chương trình hoạt động Phật sự của Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư; qua đó kiện toàn tổ chức, củng cố nhân sự chuyên ngành, nhận xét, đánh giá kết quả công tác Phật sự địa phương, rút ra bài học kinh nghiệm thực tiễn trong công tác tổ chức quản lý điều hành, hướng dẫn các mặt sinh hoạt tu học của hàng Phật tử tại gia và giới thiệu các hoạt động Phật sự trong thời hội nhập và phát triển.

Trước đó, vào cuối năm 2014, Ban HDPT T.Ư đã thực hiện chuyến công tác đến các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ.

bthien 2.jpg
HT.Thích Thiện Duyên trao quà tới HT.Thích Quảng Xã
trong chuyến công tác, làm việc với PG tỉnh Kon Tum vừa qua

 

Bài, ảnh Bảo Thiên

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin