Chi tiết tin tức Tháng Giêng… 21:48:00 - 27/02/2016
(PGNĐ) - Cứ sau mỗi cái Tết cổ truyền, dường như cả xã hội “nóng” lên bắt đầu một “chu kỳ” ngắn của cuộc sống mưu sinh, tìm kiếm sự nghiệp ổn định, mong ước được con đường hanh thông, phát triển.
Tháng Giêng không còn là khoảng thời gian thư thả, nhàn hạ trong ý nghĩa nghỉ ngơi của xã hội nông nghiệp nữa, mà trở thành tháng “nóng”. Con người với giới hạn của nhận thức, không biết được vận mệnh của mình là do tác động của nghiệp quá khứ và ảnh hưởng bởi nghiệp hiện tại đang tạo tác. Cộng thêm đó là nỗi ám ảnh lo sợ bởi những tập tục dân gian, rất nhiều người đã đổ xô đi tìm một sự hứa hẹn hão huyền qua việc cúng kiếng, tế lễ như dâng sao giải hạn, tranh giành cầu may ích kỷ bất chấp cả giá trị thiêng liêng của tín ngưỡng, những quy tắc trong ứng xử tối thiểu v.v… Tháng Giêng trở thành tháng cầu đảo, cúng tế với mong muốn qua đó chuyển họa thành phúc, thay đổi tương lai.
Cầu nguyện sự an lành đầu năm cho cuộc sống cá nhân, gia đình, cộng đồng, quê hương, đất nước và thế giới là điều chính đáng. Đó là nếp văn hóa đẹp. Nhưng truyền thống cầu an (kỳ yên), một số nơi vẫn giữ được nếp văn hóa - tín ngưỡng đó một cách đúng nghĩa, song có nhiều nơi nó đã bị biến tướng trở thành hiện tượng mê tín, viện dẫn giáo lý “phương tiện”, “tùy thuận chúng sinh” một cách thái quá. Có một vị giáo phẩm xác nhận rằng hiện nay có hiện tượng một số người diễn dịch kinh điển theo cảm quan cá nhân, nặng tính chất thế tục thô thiển, dễ dẫn người nghe đi vào vòng lẩn quẩn của mê tín - một trong những vấn đề mà Đức Phật nhấn mạnh là phải loại trừ. Cũng có người cho rằng có cung thì phải có cầu. Điều đó tưởng như có lý theo quy luật thị trường, nhưng lại phản ý nghĩa trong tinh thần xây dựng xã hội văn minh, đặc biệt là đối với Phật giáo - tôn giáo của từ bi, trí tuệ, tỉnh thức. Trong những năm gần đây, tín hiệu đáng mừng là nhiều chùa, các cơ sở của Giáo hội tại thành phố Hồ Chí Minh đã hưởng ứng lời kêu gọi, chủ trương của Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN thành phố, về việc tổ chức Pháp hội Dược Sư cầu quốc thái dân an đầu năm, thay cho các hình thức nghi lễ dân gian khác. Nhiều chùa, đặc biệt các chùa nơi có đông đảo tín đồ là người Hoa, đã có những chuyển hóa sâu sắc, như chùa Liên Hoa ở quận 11 nhiều năm qua đã vận động Phật tử không đốt vàng mã mà sử dụng số tiền đó vào công tác từ thiện thiết thực, từng bước thay đổi tập tục không còn phù hợp với xã hội ngày nay. Điều đáng mừng nữa đó là mô hình Pháp hội Dược Sư cầu an đầu năm đã được nhân rộng nhiều nơi, lan ra các tỉnh thành phía Bắc, và có nơi mỗi thời tụng kinh Dược Sư thu hút đến hàng ngàn người tham dự một cách trang nghiêm. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu của người dân, được tự do tham dự hoặc không tham dự. Điều này đã được Hiến pháp nước ta khẳng định. Tuy nhiên, tín ngưỡng không phải là hiện tượng tự phát, mà cần được định hướng, giáo dục, để theo đó con người không bị dẫn dắt bởi những người mượn danh, lạm xưng tín ngưỡng, tôn giáo để phục vụ cho các mục tiêu khác. Và điều quan trọng nữa, không cứ tín ngưỡng là bất biến một cách tự do, mà ngược lại, cần có sự sàng lọc, lựa chọn, loại bỏ những hủ tục không phù hợp. Có như thế mới có cơ sở để xây dựng xã hội hiện đại và văn minh được. Hoàng Độ
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |