Chi tiết tin tức

Hòa thượng Thích Thiện Tâm chia sẻ về "Giáo dục Phật giáo đặt trong mối quan hệ tôn giáo"

11:05:00 - 18/06/2015
(PGNĐ) -  Chúng ta cần lý giải vấn đề ở một tầm vóc sâu xa hơn, không phải đơn thuần là cạnh tranh tôn giáo. Nhu cầu của thời đại đặt ra trước các tôn giáo yêu cầu phát triển giáo dục. Phật giáo chúng ta gắn liền với giáo dục, nhưng có điều theo truyền thống có từ thời Đức Phật, Phật giáo có một cách trình bày hơi khác về giáo dục. 
Bản dịch bài báo Giáo dục “Chia sẻ về giáo dục ở Malaysia” của Hòa thượng Wei Wu, người dịch Nguyên Hiệp, đăng trên Nguyệt san Giác Ngộ và Giác Ngộ Online đã được Hòa thượng Thích Thiện Tâm hết sức quan tâm, với góc nhìn từ một nhà nghiên cứu giáo dục, đồng thời là một nhà lãnh đạo Phật giáo. Hòa thượng đã chia sẻ về nội dung bài báo, đồng thời cũng có nhiều ý kiến sâu sắc trao đổi về nội dung.
 
Thực ra, nội dung bài viết của HT Wei Wu không có gì khác biệt lớn với những ý kiến mà HT.Thiện Tâm nêu ra về giáo dục Phật giáo. Các nhà lãnh đạo Phật giáo trên toàn thế giới đều cùng một ưu tư chung, đó là vai trò của Phật giáo trong giáo dục hướng ra xã hội. Bài viết của HT Wei Wu là sự thể hiện những vấn đề chung của Phật giáo thế giới trong hoàn cảnh Phật giáo Malaysia.
 
HT.Thích Thiện Tâm, trong cùng mối quan tâm, đã nói với tôi về những liên hệ đến giáo dục hướng ra xã hội của Phật giáo Việt Nam từ những gợi ý của bài báo. Dưới đây là những ý kiến của HT.Thích Thiện Tâm được ghi theo trình tự các ý chính gợi lên từ bài viết của HT Wei Wu.
 
Cư sĩ Minh Thạnh: Kính bạch Hòa thượng, bài viết của HT Wei Wu về Giáo dục Phật giáo ở Malaysia bắt đầu câu chuyện từ một tín nữ Phật giáo Hồng Kong thuần thành, vốn đã hiến tặng 4 triệu Đô la Hồng Kong cho giáo dục Phật giáo, đã hối tiếc vì đã gửi con vào một ngôi trường Thiên Chúa giáo. Những trường hợp như thế cũng có ở Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng nghĩ sao về việc này?
 
Hòa thượng Thích Thiện Tâm: Đây là vấn đề lớn của Phật giáo châu Á, chứ không riêng gì Phật giáo Malaysia hay ở Việt Nam. Giáo dục Phật giáo giáo dục hướng ra xã hội đã tỏ ra yếu kém, nên Phật giáo không có trường hay không có trường tốt. Vì vậy, GĐPT phải gửi con em vào học ở các trường do tôn giáo khác thành lập và điều hành là điều thường gặp. Như thế chuyện như trong phần mở đầu trong bài viết mà chúng ta đang bàn luận tất yếu phát sinh, không thể tránh khỏi. Thời thầy đi học, trước năm 1975, khi mà hệ thống giáo dục của đạo Thiên Chúa ở miền Nam Việt Nam còn nguyên vẹn, từ mẫu giáo lên đến đại học, chuyện GĐPT gửi con em theo học trường đạo Thiên Chúa là tương đối phổ biến. Hơn 50 năm trước và có thể là hơn cả 100 năm, đây là một vấn đề lớn của Phật giáo Việt Nam. Không ít trường hợp sau khi theo học các trường của tôn giáo khác, con em GĐPT đã từ bỏ Phật giáo và theo tôn giáo khác.
 
Cô bé trong chuyện của HT Wei Wu “không còn muốn theo mẹ đến chùa nữa” cũng còn là điều may, vì cô bé không hẳn đã cải đạo. Nhà trường này như thế chỉ đạt một phần mục tiêu mà thôi. Mục tiêu sau cùng, mục tiêu cơ bản của nhà trường này là cải đạo.
 
Cư sĩ Minh Thạnh: Kính bạch Hòa thượng, như vậy, giáo dục hướng ra xã hội của Phật giáo tất yếu gắn liền với đối phó việc cải đạo người Phật giáo?
 
Hòa thượng Thích Thiện Tâm: Thì đạo hữu tìm hiểu kỹ vấn đề mà bài báo đặt ra, trong đó, chuyện Phật giáo Malaysia đâu phải là cá biệt. Đó là vấn đề Phật giáo toàn thế giới và đã có lịch sử từ hàng trăm năm nay. Vì vậy, mặc dù không muốn đề cập đến những tôn giáo khác, nhưng giáo dục Phật giáo hướng ra xã hội hiển nhiên là một thách thức đối với sự tồn tại và phát triển của Phật giáo ở khắp các quốc gia châu Á. Bài viết kể đến nhiều quốc gia Thái Lan, Trung Quốc, Sri Lanka, Hàn Quốc… và thầy muốn bổ sung rằng Việt Nam cũng có những vấn đề tương tự, ngay khi giáo dục tôn giáo hướng ra xã hội chỉ mới khôi phục một phần, nhưng vấn đề mà nó đặt ra đã không nhỏ.
 
Cư sĩ Minh Thạnh: Kính bạch Hòa thượng, người thân bạn bè con dù là phật tử hay là quan chức, không theo đạo Ca tô La Mã đều muốn gửi con vào trường mẫu giáo bà xơ. Đi đâu cũng thấy điều này, nhất là ở các thành phố lớn. Và cũng có hiện tượng trẻ theo học các trường như thế có ác cảm với đạo Phật dưới nhiều hình thức. Con thấy trường hợp một cháu bé trước đây được cha mẹ thường xuyên đưa đi chùa sau khi đi học trường tôn giáo khác nhất định không chịu vào chùa nữa vì cho rằng trong đó có nhiều ma. Còn một trường hợp khác thì trở nên coi thường các nhà tu hành Phật giáo.
 
Trong khi đó học phí các trường mẫu giáo do Đạo Ca tô La Mã tổ chức cao hơn so với trường mẫu giáo Nhà nước. Con hỏi thăm thì học phí ở một trường mẫu giáo trong nhà thờ ở Quận 10 là 1.400.000đ/tháng so với mức xấp xỉ 1 triệu đồng/tháng ở một trường mẫu giáo công lập tại quận 3, biệt thự sân vườn. Không biết chất lượng giáo dục các trường mầm non tư thục nhà thờ có cao tương xứng với chênh lệch học phí?
 
Hòa thượng Thích Thiện Tâm: Bài viết của HT Wei Wu có nêu ra một nguyên nhân: “bởi vì họ đã điều hành trường học từ rất lâu”. Theo thầy, còn một nguyên nhân nữa, là vì họ xác định rõ mục tiêu và kiên trì thực hiện mục tiêu giáo dục của tôn giáo họ. Vì vậy, điều bắt buộc là hệ thống giáo dục đó phải có chất lượng. Không có hệ thống giáo dục đó tuy có nhưng cũng vô dụng, vẫn như là không tồn tại. Vì vậy, tiếng tăm giáo dục của hệ thống trường học đạo Thiên chúa là có thực. Bây giờ giáo dục Phật giáo hướng ra xã hội muốn thành công thì phải đặt chỉ tiêu chất lượng giáo dục phải bằng hay vượt các trường trong các hệ thống giáo dục hướng ra xã hội của các tôn giáo.
 
Cư sĩ Minh Thạnh: Kính bạch Hòa thượng, nhưng nếu đặt vấn đề cần có giáo dục hướng ra xã hội của Phật giáo từ hệ thống giáo dục hướng ra xã hội của các tôn giáo khác, thì có là điều nên làm hay không?
 
Hòa thượng Thích Thiện Tâm: Đạo hữu muốn nghĩ khác đi hay làm khác đi cũng không được, vì lịch sử đã là như thế. Đây là vấn đề phát sinh từ lịch sử như một logic tự nhiên, nếu Phật giáo muốn tồn tại và phát triển. Chúng ta không thể điều chỉnh lịch sử theo ý muốn chủ quan của chúng ta, thì chúng ta không thể né tránh vấn đề liên hệ tôn giáo trong việc phát triển giáo dục hướng ra xã hội của Phật giáo. Hòa thượng Wei Wu đã đặt vấn đề phát triển giáo dục Phật giáo quốc tế ở Malaysia trong một logic tự nhiên như vâỵ. Đó là phản ứng tự vệ của Phật giáo, là nhu cầu từ xã hội đối với Phật giáo.
 
Chúng ta cần lý giải vấn đề ở một tầm vóc sâu xa hơn, không phải đơn thuần là cạnh tranh tôn giáo. Nhu cầu của thời đại đặt ra trước các tôn giáo yêu cầu phát triển giáo dục. Phật giáo chúng ta gắn liền với giáo dục, nhưng có điều theo truyền thống có từ thời Đức Phật, Phật giáo có một cách trình bày hơi khác về giáo dục. Nay xã hội yêu cầu giáo dục trường lớp, giáo dục khoa bảng, gồm cả giáo dục thế tục, thì đây chỉ là việc Phật giáo chúng ta điều chỉnh lại quan niệm, cách triển khai và hệ thống giáo dục của mình. Và vì phải thỏa mãn các yêu cầu của thời đại nên giáo dục Phật giáo hướng ra xã hội cần phải tham khảo các tôn giáo khác, không hẳn căn nguyên vấn đề nằm ở chỗ cạnh tranh tôn giáo. Sự so sánh đối chiếu giáo dục Phật giáo hướng ra xã hội với hệ thống giáo dục hướng ra xã hội của các tôn giáo khác là yêu cầu khách quan của công việc. Thầy cũng thấy điều này ở bài viết của HT Wei Wu khi ngài đi từ một trường hợp cụ thể, nhưng sau đó mở rộng ra trêm phạm vi các nước Phật giáo ở Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á.
 
Chúng ta liên hệ giáo dục Phật giáo hướng ra xã hội với giáo dục hướng ra xã hội của các tôn giáo khác từ động cơ tôn trọng lịch sử khách quan, không phải vì một động cơ đố kỵ, phân biệt. Vì vậy, Phật giáo chúng ta có quyền làm điều này và cần thiết phải làm.
 
Bài viết của HT Wei Wu rõ ràng đi từ sự thật của hiện thực, không phải từ tâm chủ quan so đo, phân biệt tôn giáo. Cách tiếp cận vấn đề của thầy cũng như thế không khác. Hoạt động giáo dục hướng ra xã hội của các tôn giáo khác cũng là một phần của sự thật lịch sử mà chúng ta cần ghi nhận, tôn trọng và giải quyết một cách khách quan, khoa học.
 
Cư sĩ Minh Thạnh: Kính bạch Hòa thượng, thực tế cũng như qua nội dung phản ánh từ bài viết “Chia sẻ về giáo dục Phật giáo ở Malaysia” của HT Wei Wu, giáo dục hướng ra xã hội là một bộ phận đặc biệt quan trọng trong hoạt động của các tôn giáo khác. Điều này có đúng với Phật giáo chúng ta?
 
Hòa thượng Thích Thiện Tâm: Phật giáo chúng ta không có hoạt động giáo dục hướng ra xã hội phát triển theo nghĩa giáo dục hệ thống, giáo dục trường lớp, giáo dục khoa bảng, nhưng không phải vì thế, chỗ trống khuyết đó làm cho giáo dục hướng ra xã hội không có ý nghĩa gì đối với Phật giáo. Giáo dục hướng ra xã hội cũng tác động mạnh mẽ đến Phật giáo thế giới vì nó tạo nên những cục diện tôn giáo mới, mà Phật giáo là bộ phận, những thách thức tôn giáo mà Phật giáo phải đối mặt. Vì vậy, bỏ qua, làm ngơ, không biết đến giáo dục hướng ra xã hội Phật giáo trong mối quan hệ với giáo dục hướng ra xã hội các tôn giáo khác, thì chính là chúng ta không thực lòng với chính Phật giáo, không ghi nhận bức tranh hiện thực trung thực như nó đang tồn tại. 
 
Không thể tách rời giáo dục hướng ra xã hội Phật giáo với giáo dục hướng ra xã hội các tôn giáo khác, vì đó là các mặt vốn dĩ gắn liền nhau của thời đại, là nhân duyên cùng tồn tại, chi phối lẫn nhau. Tách rời chúng ra, chúng ta sẽ không thấy được vấn đề, như đạo hữu sẽ không hiểu hết được bài viết của HT Wei Wu nếu không đọc trường hợp mở đề.
 
Cư sĩ Minh Thạnh: Xin đa tạ Hòa thượng.

Minh Thạnh (thực hiện)
Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin