Chi tiết tin tức

Không nên tư lợi trên sự thành tâm của phật tử

16:05:00 - 20/02/2014
(PGNĐ) -  Đặt tiền giọt dầu và phát tâm công đức đã tồn tại từ lâu trong đời sống của người Việt. Tiền công đức là sự tự nguyện và lòng thành của mỗi người với những nơi thờ tự.  

Nhiều người cho rằng, công đức càng nhiều, sẽ nhận được càng nhiều may mắn, tài lộc. Tận dụng tâm lý đó, nhiều nơi đã cho đặt la liệt hòm công đức ở những nơi thờ tự để thu thật nhiều tiền về. Trong khi đó, việc quản lý, sử dụng khoản tiền công đức hàng trăm tỷ mỗi năm vẫn còn là điều chưa ngã ngũ.

Không nên tư lợi trên sự thành tâm của phật tử - Ảnh 1

Việc quản lý và sử dụng tiền công đức còn nhiều điều chưa ngã ngũ.

Quy định chỉ nằm trên giấy?

Mùa lễ hội 2014 đang bước vào những ngày tháng sôi động nhất. Mỗi ngày, các điểm di tích, chùa chiền... tiếp đón hàng ngàn lượt du khách. Ai đến chùa cầu may cũng phát tâm công đức để bày tỏ chút lòng thành, xây dựng tu bổ chùa. Ít ai có thể ngờ rằng, số tiền lẻ chỉ 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng... nhưng được gom lại từ gần 8.000 lễ hội trên cả nước có thể lên tới số tiền hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Chẳng hạn như ở chùa Hương (Hà Nội), trong mùa lễ hội 2013, chùa này đã thu được 1.200baotiền lẻ và quy đổi được khoảng 20 tỷ đồng. Năm 2012, số tiền công đức trên cả nước ước tính cũng gần 300 tỷ đồng.

Như vậy có thể thấy, số tiền công đức trên cả nước hàng năm là không nhỏ. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, câu chuyện quản lý và sử dụng tiền công đức vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Theo quy định của bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), mỗi di tích đặt không quá 3 hòm công đức tại 3 ban thờ chính.

Trước đó, trong dịp tổng kết mùa lễ hội 2013, lãnh đạo bộ VHTT&DL đã khẳng định, không có chuyện nhiều hòm công đức được đặt trong lễ hội mà đây là các hòm để ban quản lý thu gom tiền giọt dầu dân thường đặt tràn lan các nơi. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PVbáoĐS&PL, tại một ngôi chùa nổi tiếng về "bắt ma" ở Bắc Ninh, chỉ ở riêng một gian thờ vong đã có tới 6 hòm công đức được đặt. Tại nhiều điểm chùa chiền, lễ hội, quy định này dường như chỉ nằm trên giấy.

Có dịp đi lễ chùa đầu năm ở Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), chị Nguyễn Hương Thơm (Giáp Bát, Hà Nội) cho hay, chị quan sát thấy các điểm chùa ở khu di tích này bày rất nhiều hòm công đức. Chùa đã bố trí các bàn ghi công đức nhưng những ban chính có tới hai hòm công đức được bố trí gần nhau. Ở Hà Nội, một số chùa nổi tiếng như Đồng Quang, đền Cổ Loa... việc bố trí nhiều hòm công đức vẫn diễn ra.

Trao đổi với PV báoĐời sốngpháp luật, Đại đức Thích Bản Quyền, trụ trì chùa Phúc Long (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) cho biết: Ở những cơ sở thờ tự, đền đình, miếu mạo, những nơi du lịch do địa phương quản lý thường thì các vị đặt hòm công đức tuỳ theo ý muốn. Khắp các ban, thậm chí cả mỏm đá trong hang động, gốc cây cũng có hòm công đức hoặc đĩa để đặt tiền. Điều đó thể hiện tính thương mại, kiếm tiền kiếm lộc của phật tử về cho ban quản lý.

Còn đối với nhà chùa, việc cúng Giàng rất là trân trọng, phật tử đến gieo duyên lấy phúc là điều tốt. Song cũng có một số chùa tính nặng về kinh tế quá, các vị sư trụ trì nặng về tiền nên chỗ nào họ cũng đặt hòm công đức, đặt đĩa đựng tiền... Bộ VHTT&DL đã có thông tư hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh ở các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, song tôi nghĩ, để phát huy hiệu quả thì chính quyền địa phương phải kiểm soát chặt chẽ hơn.

Nhiều địa phương mập mờ trong việc quản lý tiền công đức

Nhìn nhận một thực tế đáng buồn khi các không gian tín ngưỡng đang bị thương mại hóa quá mức, vị Đại đức này lo lắng: Nhiều nơi bị thương mại hóa quá mức, nhất là ở những nơi mà chính quyền địa phương quản lý. Ban nào, chỗ nào thờ cúng họ cũng đặt, thậm chí không hiểu ban nào thờ ai cũng đặt công đức lên để thu về cho phúc lợi địa phương. Rất nhiều nơi như thế, đặc biệt là ở miền Bắc.

Bên cạnh đó cũng phải trách một phần là phật tử mình không am hiểu về giáo lý về nghi thức cúng Giàng nên đâm ra đi lễ chùa như đi mặc cả, "đút lót" Phật. Lỗi này là một phần từ phía phật tử. Những phật tử trong miền Nam, khi công đức, họ không nhất thiết phải cho tiền vào các hòm đặt ở các ban. Họ thường gặp vị trụ trì hoặc ban tiếp khách để trao lòng thành của mình. Còn người ngoài Bắc, họ đi cúng Giàng như mang tính chất là mặc cả với thần thánh. Nhiều người đến chùa không phải để học hỏi mà là để đòi hỏi, mặc cả rằng con cúng thế này thì mong thần thánh cho con nhiều tiền tài, lộc lá... Như thế là đi cúng như đi phát chẩn, "bố thí" cho Phật chứ không cung kính. Thế nên, họ cứ đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ rồi rải ra các ban.

Chính vì thế, theo Đại đức Thích Bản Quyền, người đi lễ nên hiểu rằng đã ở chùa thì chỗ nào cũng bình đẳng, chỗ nào cũng đáng kính trọng hết. Tính Phật là bình đẳng. Bồ tát, Hộ pháp hay cấp dưới Phật... đều rất bình đẳng. Phật không bắt là mọi người nhất thiết phải cúng hết ở ban Phật và các ban. Tâm xuất thì Phật biết và ban nào cũng đáng cung kính. Đâu phải đặt ở ban Phật mới biết vì Phật có nhìn đâu. Điều quan trọng là lòng tôn kính, trân trọng, đứctincủa mình là Phật hiện. Chính vì vậy, nếu có thành tâm thì cúng ban chính là đủ. Nhiều nơi vì chiều lòng phật tử hoặc vì điều gì đó lại đi sắm nhiều hòm quá, thành ra phản cảm.

Nói về mục đích sử dụng của các khoản công đức, vị này cho hay: Nếu trong chùa có sư trụ trì thì việc sử dụng phụ thuộc vào các sư như xây dựng, kiến thiết, in ấn kinh sách phục vụ cho việc tu học, làm phúc làm từ thiện. Các sư đã đi tu, tất cả các khoản nhỏ to nhiều ít đều xây dựng chăm lo chùa, làm phúc. Còn nếu cơ sở thờ tự, đền đình miếu mạo thuộc quyền quản lý thì hiện chưa rõ.

Có lẽ, họ cũng xây dựng kiến thiết tu bổ chùa chiền, di tích, số còn lại vào việc gì thì cũng không ai rõ được. Còn đối với những ngôi chùa lớn như ở Yên Tử (Quảng Ninh), Chùa Hương (Hà Nội) thì cần có sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền, ban quản lý vì tiền nhiều hay ít và dùng vào việc gì thì ông Trưởng ban quản lý là nắm rõ nhất. "Việc quản lý, sử dụng tiền công đức của phật tử là rất khó nếu các bên liên quan không thành thật, không dám công khai. Đừng nên tư lợi trên sự thành tâm của người đến lễ", Đại đức Thích Bản Quyền nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV báo Đời sống và pháp luật, GS Lê Hồng Lý, viện Nghiên cứu văn hóa cho rằng, bộ VHTT&DL đã có thông tư quy định, mỗi di tích đặt không quá 3 hòm công đức tại 3 ban thờ chính. Đĩa đặt tiền giọt dầu chỉ đặt trên những ban thờ chính. Khuyến khích tại mỗi di tích (di tích đơn lẻ hoặc di tích thuộc cụm di tích) chỉ đặt 1 hòm công đức ở vị trí thích hợp. Thanh tra Bộ là lực lượng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định này. Điều quan trọng nhất là việc áp dụng hình thức quản lý công khai, minh bạch về số tiền cung tiến, cũng như cách sử dụng. 

Vẫn có những ngôi chùa không có hòm công đức

Trong khi có nơi chùa chiền, di tích thu bộn tiền công đức từ lòng thành tâm của phật tử thì vẫn có những ngôi chùa không hề có hòm công đức theo đúng tinh thần của văn hóa thờ tự. Chùa Tiêu thuộc xã Tương Giang (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) hay chùa Bà Nành ở Nguyễn Khuyến (Hà Nội) là những nơi như vậy. 

Tăng cường tần suất thanh tra để xử lý sai phạm

Phó chánh thanh tra bộ Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch, Phạm Xuân Phúc khẳng định trong mùa lễ hội 2014, Bộ sẽ có các biện pháp xử lý mạnh tay hơn. Thay bằng lập biên bản nhắc nhở các sai phạm như 4 năm qua, lần này, Bộ sẽ phạt hành chính các vi phạm theo Nghị định 158. Đồng thời, Bộ sẽ duy trì tần suất thanh tra kiểm tra các lễ hội như 2013 và tổ chức đoàn thanh tra lễ hội trước và sau Tết Nguyên đán.


 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin