Chi tiết tin tức Không suy cử Chủ tịch HĐTS GHPGVN qua truyền thông Phật giáo 20:45:00 - 21/07/2014
(PGNĐ) - Việc Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam không bầu được vị chủ tịch Hội đồng Trị sự trong hội nghị vừa rồi là tin rất không vui, chuyện rất không hay cho tăng ni Phật tử.
Chức vụ đứng đầu việc điều hành Giáo hội Phật giáo sẽ còn bỏ trống trong một thời gian tất yếu sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng đến niềm tin của tu sĩ tín đồ Phật giáo, không có lợi cho hoạt động và đối với uy tín của giáo hội. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là nó thể hiện sự phân hóa, thiếu đoàn kết, chia rẽ, không áp dụng được nguyên tắc vận dụng Hiến chương và biểu quyết, lấy quyết định tập thể trong việc điều hành hoạt động Giáo hội của tập thể lãnh đạo cao nhất.
Việc bầu cử chức danh Chủ tịch Hội đồng Trị sự không phải là việc mật vì được thông tin khá chi tiết trên phương tiện truyền thông đại chúng. Việc bầu cử chức danh Chủ tịch Hội đồng Trị sự là việc của cơ quan lãnh đạo giáo hội, nhưng đó là sự quan tâm của toàn thể tăng ni Phật tử, vì giáo hội là tổ chức chung của toàn thể những người Việt Nam theo đạo Phật. Vì thế, chúng tôi thấy cần thiết ghi nhận và bình luận về sự kiện quan trọng này của Phật giáo Việt Nam, trong mối quan tâm chung của người theo đạo Phật mong muốn ngôi nhà giáo hội luôn bền vững, chắc chắn. 1) Ghi nhận từ những phương tiện thông tin đại chúng Phật giáo Chúng tôi sẽ chỉ ghi nhận, tập họp những thông tin mà truyền thông Phật giáo đã nêu, đặc biệt là từ báo Giác Ngộ, một tờ báo Phật giáo chính thức, và bình luận trên cơ sở những thông tin đó. Như vậy, trước hết, những thông tin sẽ bảo đảm tính tin cậy và đã được phép công khai. Việc bình luận chỉ giới hạn trong những thông tin như vậy cũng sẽ bảo đảm chất lượng nội dung bình luận và tính chất hợp pháp. Báo Giác Ngộ số 750, trang 8, mục “Câu chuyện trong tuần”, đã đăng bài phỏng vấn Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký HĐTS GHPGVN, nhan đề “Nhân Hội nghị Ban thường trực HĐTS GHPGVN – Sẽ suy cử Quyền Chủ tịch HĐTS GHPGVN”. Bài phỏng vấn quan trọng này có đoạn đáng chú ý như sau: “Theo Chương V, Điều 28 Hiến chương GHPGVN sửa đổi “Nếu Chủ tịch Hội đồng Trị sự khuyết vị khi chưa hết nhiệm kỳ, thì Ban Thường trực Hội đồng Trị sự sẽ tổ chức Hội nghị bất thường của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự để suy cử…”, bạch Hòa thượng, Hội nghị lần này sẽ bàn bạc vấn đề này như thế nào? Thành phần nhân sự Ban Thường trực HĐTS GHPGVN có những thay đổi nào hay không? - Theo Chương V, Điều 28 Hiến chương GHPGVN (sửa đổi lần thứ 5), tại Hội nghị Ban Thường trực HĐTS GHPGVN để sơ kết công tác Phật sự 6 tháng đầu năm 2014, Hội nghị sẽ đề cập đến vấn đề Chủ tịch HĐTS GHPGVN. Theo dự kiến, Ban Thư ký sẽ trình và xin ý kiến các thành viên Ban Thường trực HĐTS về việc khuyết vị chức danh Chủ tịch HĐTS GHPGVN và xin ý kiến về việc này. Thủ tục xin ý kiến các thành viên Ban Thường trực HD9TS, Chủ tọa Hội nghị sẽ giới thiệu một trong 3 Phó Chủ tịch Thường trực, sau đó xin ý kiến Hội nghị bằng cách giơ tay; nếu giới thiệu 2 vị Phó Chủ tịch Thường trực thì Hội nghị sẽ biểu quyết cũng bằng cách giơ tay, vị nào nhiều phiếu hơn thì được đề cử vào chức vụ Quyền Chủ tịch HĐTS và sẽ được chính thức suy cử tại Hội nghị Thường niên TƯGH vào cuối năm 2014. Các chức danh khác trong Ban Thường trực HDTS, tùy tình hình thực tế, Ban Thường trực HĐTS sẽ tùy nghi giải quyết. Trưởng ban Kiểm soát T.Ư và Trưởng ban Pháp chế T.Ư sẽ làm công tác giám sát cho việc suy cử trên”. Như vậy, quy trình, thủ tục suy cử Quyền Chủ tịch HĐTS GHPGVN đã được đề cập chi tiết trong Hiến chương GHPGVN. Việc cần làm chỉ là thực hiện đúng nội dung đã quy định vị trúng cử sẽ là vị có số phiếu biểu quyết cao. Căn cứ vào bài phỏng vấn Hòa thượng Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN dẫn lại chương liên hệ trong Hiến chương GHPGVN, thì quy trình, thủ tục suy cử rõ ràng, đã có các ứng viên là Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, vì thế việc bầu cử là dễ dàng, đơn giản, nếu tuân thủ Hiến chương và cách bầu cử văn minh như đã được miêu tả. Người Phật tử khi đọc bài phỏng vấn nói trên đăng trên Báo Giác Ngộ số 750 đương nhiên là rất vui mừng, lạc quan, tin tưởng. Vì lẽ, sau việc Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN viên tịch, thì toàn thể tu sĩ tín đồ Phật giáo Việt Nam đều mong ước GHPGVN sớm có tân Chủ tịch HĐTS để lèo lái con thuyền giáo hội. Một tổ chức lớn như GHPGVN, lãnh đạo hàng chục triệu tăng ni Phật tử không thể bỏ trống lâu dài chức vụ lãnh đạo. Một cuộc bầu cử văn minh, trung thực, tin cậy, hợp pháp là việc bình thường của mọi tổ chức, đoàn thể, huống nữa, tuyệt đại đa số thành viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đều là các nhà tu hành đạo cao đức trọng và dân chủ đã là một truyền thống lâu đời của Phật giáo. Người theo đạo Phật Việt Nam, qua thông tin từ báo Giác Ngộ, hoan hỷ chờ đợi một cách chắc chắn vị tân Quyền Chủ tịch HĐTS được suy cử. Không có thể có vấn đề gì để nghi ngờ điều đó! Thế nhưng, đông đảo tăng ni Phật tử đã hụt hẫng khi số báo Giác Ngộ tiếp sau đó, dù tường thuật rất chi tiết hoạt động và kết quả của Hội nghị Ban Thường trực HĐTS, với Nghị quyết Hội nghị, đã không đề cập gì đến việc suy cử Quyền Chủ tịch Hội đồng Trị sự. Những trang web Phật giáo khác cũng thế, không hề có một thông tin hay một lời giải thích nào hết.
Sự tương phản trên báo Giác Ngộ trước và sau Hội nghị Ban Thường trực HĐTS GHPGVN xoay quanh việc suy cử Quyền Chủ tịch HĐTS đương nhiên là cho thấy đã có một điều rất hệ trọng và bất thường đã xảy ra. Đã không thể suy cử được vị Quyền Chủ tịch HĐTS, nội dung có thể coi là quan trọng hàng đầu trong chương trình nghị sự của Hội nghị Ban Thường trực HĐTS GHPGVN. Hơn nữa, thông tin về sự việc đã được ỉm đi, không hề nhắc tới. Nhưng qua những gì mà Báo giấy Giác Ngộ và các trang web Phật giáo đã thông tin, người đọc có thể hình dung việc gì đã xảy ra. Đương nhiên, đó là việc không suy cử được chức danh Quyền Chủ tịch HĐTS, mà đằng sau đó chưa rõ chuyện gì.
Dò tìm lại những thông có liên hệ đến việc suy cử Quyền Chủ tịch HĐTS GHPGVN trên các phương tiện truyền thông Phật giáo, thì thấy ngoài phát biểu của Hòa thượng Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký HĐTS, các trang mạng có dẫn lại lời của quan chức chính quyền, khách mời của Hội nghị Ban Thường trực HĐTS. Những ý kiến dẫn lại bày tỏ sự quan tâm đối với việc suy cử chức danh Quyền Chủ tịch HĐTS. Đặc biệt, trang Phattuvietnam.net có nhắc đến yêu cầu suy cử “với tinh thần hòa hợp”.
2) Bình luận từ những thông tin đã ghi nhận Về Hội nghị Ban Thường trực HĐTS GHPGVN không tiến hành suy cử được vị Quyền Chủ tịch HĐTS, được phản ánh gián tiếp qua truyền thông đại chúng Phật giáo, đã đương nhiên làm tăng ni Phật tử hết sức thất vọng. Việc suy cử đã được thông tin rộng rãi như một nội dung quan trọng của Hội nghị Ban Thường trực HĐTS GHPGVN, rồi kết quả là sự im lặng bao trùm trong thông tin sau Hội nghị. Nhìn thấy thế thì người Phật tử làm sao không hoang mang, bất an. Trong khi đó, quy trình thủ tục suy cử chức danh Quyền Chủ tịch HĐTS đã được trình bày trong Hiến chương, ứng viên là các vị Phó Chủ tịch thường trực HĐTS, một việc đã quá rõ ràng. Cứ như thế mà thực thi Hiến chương và tiến hành thủ tục, quy trình bầu cử. Thế nhưng, việc đơn giản, rõ ràng như thế mà đã không làm được. Chuyện gì thực sự đã xảy ra? Để tránh suy diễn không có lợi cho uy tín HĐTS GHPGVN, thiết tưởng, HĐTS nên thông tin đầy đủ, rõ ràng, chi tiết về việc suy cử Quyền Chủ tịch HĐTS. Vì nếu đã không thông tin gì hết thì thôi, còn báo chí Phật giáo đã thông tin như thế về việc suy cử Quyền Chủ tịch HĐTS rồi đột ngột tự dưng bỏ ngang, im lặng khó hiểu, là điều rất không nên. Nếu không minh bạch thông tin, để cho việc suy diễn mặc nhiên, tự tiện diễn ra, thì tất yếu sẽ là suy diễn theo chiều hướng không tích cực. Vì tại sao lại im lặng đột ngột, bất thường, tương phản với thông tin trước và trong khi diễn ra Hội nghị Ban Thường trực HĐTS. Đột ngột im lặng thông tin về kết quả suy cử Quyền Chủ tịch HĐTS, chức vụ điều hành cao nhất của giáo hội, tất yếu đưa công chúng truyền thông đại chúng đến sự hụt hẫng, nghi vấn: - Tại sao Hiến chương của GHPGVN đã không được áp dụng trong một trường hợp bầu cử rõ ràng là không có gì là phức tạp như trường hợp suy cử này? - Tiêu chí của hoạt động bầu cử của GHPGVN đang ở mức nào và đã có tác động ra sao, mà lại dẫn đến kết quả như vậy. - Tình trạng lộn xộn, mất ổn định nhân sự Giáo hội, điều xảy ra ở một số địa phương, có phải là đã lan rộng đến cấp điều hành cao nhất của Giáo hội? - Vì sao những ý kiến từ giới chức phẩm quyền mong muốn điều hòa hợp cho giáo hội đã không đưa lại kết quả tốt, đã không được thực hiện? - Có hay không việc mất đoàn kết, thiếu hòa hợp trong nội bộ cấp lãnh đạo cao nhất của giáo hội? - Có vấn đề trong việc tôn trọng Hiến chương GHPGVN hay không? Nếu có, thì mức độ thực tế đến đâu và giáo hội đã làm gì để giải quyết? - Việc không bầu được Quyền Chủ tịch HĐTS tất yếu sẽ dẫn đến một việc khủng hoảng nhân sự lãnh đạo GHPGVN. Vì bất cứ tổ chức, đoàn thể nào, nếu có kịp thời bầu cử chức vụ điều hành cao nhất mà lại để trống, tất yếu sẽ không tránh khỏi khủng hoảng, bị động. Những nhà lãnh đạo Giáo hội nhận thức như thế nào về nguy cơ tự làm tổn thương Giáo hội? - Thực chất việc im lặng trước kết quả không bầu được Quyền Chủ tịch HĐTS có phải là một dạng thả nổi, phó mặc, bế tắc? - Nếu lần suy cử này không áp dụng được Hiến chương với thủ tục đã được công bố rõ ràng trên báo chí, thì liệu lần suy cử sau vẫn sẽ không kết quả, hay có một loại nguyên tắc nào ngoài Hiến chương sẽ được áp dụng? Việc GHPGVN để xảy ra tình trạng không bầu được vị Chủ tịch Hội đồng Trị sự và để mọi chuyện bày ra trên báo chí truyền thông là điều hết sức đáng tiếc. Đáng tiếc, nhưng dù sao việc bày ra trên báo chí là không thể tránh được. Vì khi chức vụ điều hành cao nhất của giáo hội bị khuyết thì ắt phải bầu cử để thay thế. Không nói đến bầu cử nhưng mọi người sẽ đều biết rằng vẫn có bầu cử và bầu cử không kết quả. Vấn đề được bộc lộ, dù nửa sau là im lặng. Vấn đề không chỉ ở mức nhân sự, có hay không có vì Quyền Chủ tịch HĐTS kế nhiệm, mà vấn đề nghiêm trọng ở chỗ nhận thức của tập thể điều hành cao nhất của giáo hội về việc vận dụng Hiến chương giải quyết các vấn đề của Giáo hội bằng cách biểu quyết tập thể, lấy sự lựa chọn dựa trên những nguyên tắc đã đồng thuận một cách văn minh. Nếu làm được như thế, thì chuyện không hay như vậy bày ra trước mặt mọi người đã không xảy ra. Vì bầu cử trung thực, minh bạch, giá trị, chọn 1 dù giữa 2-3 ứng cử viên có sẵn đâu phải là chuyện khó, cứ y như Hiến chương, nguyên tắc, thủ tục mà làm. Để làm chi đến nỗi bầu không được, rồi đột ngột im lặng? Giáo hội là tổ chức tôn giáo. Hành động và quyết định của tập thể điều hành cao nhất không chỉ là việc làm của cấp lãnh đạo như đối với tổ chức thông thường, mà còn là tấm gương đối với tất thảy tu sĩ và tín đồ. Không giải quyết được vấn đề của giáo hội bằng cách tuân thủ Hiến chương và những nguyên tắc xử sự văn minh trên cơ sở những nội dung đã đồng thuận, theo tiêu chí đoàn thể văn minh, dân chủ từ tập thể điều hành cao nhất của giáo hội, là Ban Thường trực HĐTS, thì sẽ tạo ra tiền lệ không hay đối với sinh hoạt Phật giáo. Các cấp các cá nhân trong Giáo hội có thể cũng sẽ hành động tùy tiện, không theo hiến chương, không theo những nguyên tắc điều hành cơ bản, rồi viện dẫn trường hợp trung ương giáo hội ra để làm căn cứ, để bào chữa. Như thế, dù tình trạng một giáo hội không người điều hành đã là không hay, nhưng đáng ngại nhất là nó trở thành một tiền lệ trong cách giải quyết. Khuôn hình thủ tục, quy trình có sẵn, nội dung của Hiến chương không được vận dụng, thì sẽ đẻ ra không biết bao nhiêu cách giải quyết từ những ý muốn chủ quan, tùy tiện, theo các nhóm lợi ích khác nhau. Tiền lệ không hay như thế sẽ không chỉ tác dụng đến các cấp dưới, mà có nguy cơ trở thành một kiểu giải quyết công việc ở cấp cao nhất. Có thể sẽ không bầu cử, biểu quyết theo những quy định sẵn có, đã đồng thanh chấp thuận, mà chỉ còn là giải quyết giữa những ý kiến riêng tư chồng chéo, không lấy văn bản cơ sở làm chuẩn, mà lấy suy diễn cá nhân làm chuẩn. Và nếu không thỏa hiệp được thì để đột ngột bế tắc và theo luật im lặng. Đọc thấy chuyện không suy cử được Quyền Chủ tịch HĐTS trên truyền thông đại chúng Phật giáo, tôi nghĩ thì thôi, bầu cử là việc của quý thầy, chẳng cần “tâm tư”. Nhưng nghĩ lại, Giáo hội là chung của tăng ni Phật tử, trong đó có mình, biết mà im lặng thì vô tình đã theo một kiểu luật im lặng tiêu cực, nên viết bài này và có thể nhiều bài tiếp nữa mong rằng từ Giáo hội sẽ có thông tin minh bạch, rõ ràng, đúng với truyền thống chánh ngữ của Phật giáo giải tỏa tâm trạng hoang mang ở Phật tử. MT Thông tin, thảo luận riêng: vinasat132@yahoo.com hoặc facebook.com/cusiminhthanh
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |