Chi tiết tin tức

Như thị

20:22:00 - 01/04/2022
(PGNĐ) -  Như thị nghĩa là Như vậy. Pháp như thị là Pháp như vậy, đừng xen cảm nhận chủ quan vào, đừng lấy thái độ làm nhận thức.

Ví dụ: Có người bị đau tay nên cất tiếng than: “Đau quá!”, thì đau là pháp như vậy, còn quá là cảm nhận chủ quan. Hay có hai thanh niên lao vào đánh nhau, mọi người can ra, một người đấm tay vào ngực nói: “Tức quá!”, thì sẽ đúng hơn nếu hắn chỉ nói: “Tức!”. Nhưng nói “tức” cụt ngủn vậy không diễn tả được cảm xúc, nên hầu như ai cũng thêm vào “quá”, “lắm”, “ghê”, “đã”, “khiếp”, “kinh”, “dễ sợ”…

Nên có một nhà sư khi nói chuyện vui với các phật tử, nhân lúc họ vừa mở miệng khen: “Cây đẹp quá!”, nhà sư đáp: “Trung đạo của Phật thì không có quá.”. Không hiểu ý thầy, các vị kia lại khen pho tượng đặt trên bàn: “Tượng Bồ-tát đẹp quá! Sư mới thỉnh ở đâu vậy?”. Nhà sư bảo: “Đã nói là không có quá mà.”. Mọi người liền hỏi sư: “Không quá là sao?”. Sư nói: “Thì chỉ đẹp thôi.”. Ai nấy đều cười. Bấy giờ có một bà cụ từ trong chính điện bước ra, bà vừa xoa lưng vừa than: “Mỏi quá!”. Lập tức có mấy người cất tiếng: “Mỏi thôi, không có quá!”, rồi cười ồ lên… Từ đó ở tịnh xá ấy không có quá, bởi trung đạo của Phật là vừa vặn như thị, với tất cả mọi chuyện, mọi thứ. Mà nó vốn như vậy, không phải do Phật nào lập ra.

Ung-dung-tinh-than-binh-dang-giao-duc-Phat-giao-1-768x543

Người ta có thói quen lấy thái độ làm nhận thức, khiến cho mọi chuyện bị rối lên. Họ thích sống trong cảm nhận, nói khác là họ ưa lấy cảm nhận làm sống. Khi một nhà thơ nói:

Hôm nay trời nhẹ lên caoTôi buồn, chẳng biết vì sao tôi buồn!

Thì nhà thơ ấy đã đề cao cảm xúc, lấy cảm xúc làm sống, nói chung là cái buồn đã lấn át trí tuệ Bát-nhã nội tại của người ấy. Nhưng ai cũng thích hai câu thơ trên cả. Nếu là Phật tử, theo lẽ Trung đạo, lẽ Như thị thì chỉ buồn thôi, đừng gán ghép “tôi buồn”. Chính cái tôi kia là cảm nhận chủ quan của hầu hết mọi người, làm cho cái buồn trở nên phức tạp.

Quả thật cái tôi là cảm nhận chủ quan, là một cái gì đó để mà sĩ diện, để mà sống chết, để mà đáng nói. Lấy cái tôi làm chuẩn để chiếu soi thế giới, người ta bị lầm lẫn, đưa đến biết bao xung đột ở mọi nơi, mọi lúc.

Cuộc sống hàng ngày đây, buồn thì buồn, vui thì vui, tốt thì tốt, xấu thì xấu… hãy ghi nhận trung thật, đó là trí Bát-nhã. Bằng như cho rằng: “tôi buồn”, “cô ấy vui”, “ông đó tốt, “hắn xấu”… thì mọi chuyện sẽ rối, do nhìn qua những lăng kính, tức là bị hạn chế, không đúng.

Có một công án trong nhà Thiền Trung Quốc. Xưa quốc sư Huệ Trung giáo hóa ở kinh đô, bấy giờ có một giảng sư đến hỏi đạo. Quốc sư mới hỏi giảng sư:

– Ông chứa đựng sự nghiệp gì?

Đáp:

– Giảng kinh Kim Cương Bát-nhã.

– Hai chữ đầu kinh là gì?

– Như thị.

Quốc sư gặng hỏi:

– Là gì?

Giảng sư đó không đáp được.

Đúng là trong chữ Hán thì mấy chữ đầu kinh là “Như thị ngã văn…”, nhưng dịch ra tiếng Việt thì sẽ ngược lại: “Tôi nghe như vậy…”, do đó “như thị, như vậy” không còn đứng đầu kinh nữa khi ở Việt Nam! Bây giờ hỏi tương tự: “Như vậy là gì?”, thì tự nhiên đi hỏi vậy sao, có cái gì rồi mới có như vậy chớ.

Như vậy là một đại từ, ám chỉ cho một cái khác. Cái như vậy ở đây là cả bộ kinh Kim Cương đức Phật đã nói mà A-nan nghe được. Nên câu hỏi đó là yêu cầu tóm tắt đại ý kinh Kim Cương chứ có gì mà giảng sư không đáp được. Ông ta bị kẹt ở chính “hai chữ đầu kinh”, đúng là rối, không quá…

Vậy đại ý kinh Kim Cương là gì? Kinh Kim Cương có đại ý là phá tất cả chấp, là độ hết tất cả tâm. Điều đó đã được đại sư Huệ Năng đúc kết: “Phật dạy tất cả pháp để độ tất cả tâm. Ta không tất cả tâm nên không dùng tất cả pháp.”. Do đã độ tất cả tâm nên khi hỏi đại ý kinh Kim Cương là gì, thì đáp án đúng chính là tâm không, mà người trả lời phải thể hiện được.

 

KS. Minh Bình/TCNCPH

  •  

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin