Chi tiết tin tức

Vụ chùa Bồ Đề: Đưa chùa chiền lên truyền thông phê đấu

08:39:00 - 21/08/2014
(PGNĐ) -  Trong tuần vừa qua, nhiều bạn đọc liên tục liên hệ với tôi bằng đủ mọi cách, hỏi tôi tại sao lần này không kịp thời bên vực chùa Bồ Đề. Có bạn đọc nói chờ đợi hàng ngày trên những trang web từng đăng bài mạnh mẽ lên tiếng chống lại những đợt phê phán ác ý với Phật giáo, nhưng chờ mãi mà vẫn không thấy.

Xin trả lời, lần này, vấn đề trầm trọng hơn rất nhiều, và cần thời gian để quan sát sự việc một cách toàn diện. Hơn nữa, sự việc còn đang trong giai đoạn tiếp tục phát triển phức tạp, với nhiều khả năng, cấp độ, tình huống.

Với bài viết này, tôi chỉ muốn đưa ra một cái nhìn bước đầu về sự việc.

Vấn đề quan trọng bây giờ không còn là bênh vực trên truyền thông nữa, vì sự việc đã vượt quá mức đó rồi. Mà trước mắt cần nhận rõ việc gì đã xảy ra cho Phật giáo Việt Nam, lý giải bản chất vấn đề, tìm kiếm những biện pháp hạn chế thiệt hại.

Chúng tôi nhấn mạnh đến những thiệt hại cho Phật giáo Việt Nam, vì vấn đề đã vượt ra khỏi giới hạn một ngôi chùa, một cơ sở từ thiện, để có thể không nói cường điệu, là đã trở thành một diễn biến khủng hoảng, với mức độ tác hại ghê gớm chung cho cả Phật giáo Việt Nam. Vì vậy, không nên chỉ thấy đây là sự việc của riêng chùa Bồ Đề, mà nó nằm trong một mắt xích hệ thống những vấn đề Phật giáo Việt Nam đang gặp phải. Nếu chỉ thấy là chuyện của chùa Bồ Đề, thì như trong chữa bệnh chỉ thấy triệu chứng mà không thấy căn nguyên. Nếu chỉ thấy triệu chứng thì chữa hết triệu chứng này, thì rồi lại sẽ bùng lên những triệu chứng khác.

Vậy căn nguyên là ở đâu? Theo tôi, việc ở Việt Nam, một nhánh thế lực trong báo chí cố gắng khắc họa hình ảnh một ni sư nuôi trẻ là buôn người, thì cũng giống như một bộ phận truyền thông người Việt ở Mỹ làm rùm beng và nhắc đi nhắc lại vụ cảnh sát Mỹ bắt một vị hòa thượng. Điều đó cũng tương tự truyền thông ầm ỉ vụ “nhà sư tạc tượng mình”, hay “nhà sư ở biệt thự”… Nguyên nhân sâu xa, căn bản, theo chúng tôi chính là ở mục tiêu cải đạo tín đồ Phật giáo, làm lung lay niềm tin của tín đồ Phật giáo đối với người tu sĩ Phật giáo. Sau khi nhà sư bị bắt còng tay vì bị cáo buộc những tội mà sau đó đã không có, nhà sư “tạc tượng mình”, nhà sư ở biệt thự bạc tỷ, thì bây giờ đến “nhà sư buôn người”! Cần nhìn vụ việc theo hướng phát triển như vậy, thì mới thấy rõ thực chất, căn nguyên của nó. Chứ cứ nhìn chỉ sự việc chùa Bồ Đề thì không thể hiểu chuyện gì xảy ra.

Có thể có một câu hỏi đặt ra ở đây. Bây giờ hầu như tất cả tờ báo giấy, trang mạng, kênh phát thanh truyền hình trong và ngoài nước đều đã đề cập tới vụ việc chùa Bồ Đề, thì sao lại coi có một kịch bản riêng của ai đó với mưu tính như vậy?

Câu trả lời là hãy xem cách đặt vấn đề, cách nhìn vấn đề, cách thể hiện vấn đề, đặc biệt văn phong của mỗi tờ báo, mỗi trang mạng. Chính sự khác biệt sẽ nói lên vấn đề. Có tờ báo nhìn vấn đề trong mối liên hệ với Phật giáo trong sự dè dặt tối đa. Nhưng có tờ báo thì coi đây là dịp đưa Phật giáo Việt Nam lên dàn hỏa phê đấu, văn phong dữ tợn khác thường.

Bạn đọc cho tôi biết, có trang mạng khi bạn đọc viết phản hồi bênh vực chùa Bồ Đề, đòi hỏi sự khách quan, vô tư, không thiên kiến thì không đăng. Trong khi đó, nhiều phản hồi tiêu cực cho Phật giáo chừng như đã được chuẩn bị từ trước khi có bài viết, chờ đăng bài là tung lên ngay, mọi việc chừng như được tổ chức chặt chẽ, bài bản. Ngồi đọc lại tất cả các bài báo và phản hồi liên hệ, so sánh chúng, thì thấy ngay ra vấn đề.

1)    Một diễn biến tất yếu, ắt phải, đã được chuẩn bị

Ni sư trong cuộc trả lời trang mạng BBC tiếng Việt trong bài “Trụ trì chùa Bồ Đề bác cáo buộc  buôn trẻ, rằng “rất bất ngờ” trước cáo buộc từ báo chí”.

Có thể vì người đạo Phật chúng ta chân chất, có thể hời hợt nên mới “bất ngờ” như vậy. Hậu quả là những điều không hay xảy đến, ảnh hưởng đến toàn thể Phật giáo Việt Nam.

Cách đây chỉ ít năm, thì đã có một pass tập kích truyền thông vào chùa Bồ Đề. Khi đó chúng tôi đã chỉ ra, đó là vấn đề đối với hoạt động từ thiện xã hội Phật giáo, chứ không chỉ ở mỗi trường hợp được đề cập qua. Cái chính là bạn đọc Phật tử sẽ hoang mang, đặt dấu hỏi, dù kết luận còn bỏ lửng.

Trường hợp, “nhà sư…” rồi lại “nhà sư…” cứ nối nhau lên báo chí trong nước đã được cảnh báo là từ một động cơ nào đó.

Như vậy là đã có rất nhiều dấu hiệu báo trước, kể cả liên hệ đến chính đối tượng. Sao cứ vô tư “bất ngờ” được? Người ta đã tung ra một pass đánh thăm dò, đánh trắc nghiệm phản ứng, đánh diễn tập rồi!

Chùa Bồ Đề như vậy đã là một điểm nhạy cảm, một hỏa điểm của Phật giáo Việt Nam. Ni sư trụ trì, dù chỉ là người làm từ thiện, đã là một khuôn mặt của Phật giáo Việt Nam, thu hút nhiều cái nhìn xoi mói, căng thẳng.

Chùa Bồ Đề đã là một thành quả hoạt động từ thiện của Phật giáo Việt Nam. Thành quả càng lớn, càng được quảng bá, thì độ nóng của hỏa điểm càng tăng, lửa mâu thuẫn càng tập trung vào.

Một sự yên lặng nào đó diễn ra sau bài báo thăm dò là yên lặng trước cơn bão. Thời gian đó, người ta điều nghiên trận địa, thu thập dữ kiện, tích cực chuẩn bị cho cú đánh quyết định số phận.

Người Phật giáo đơn giản, và thật thà, để đến nỗi bất ngờ như vậy, dù là đã được cảnh báo liên tục. Sau vụ “nhà sư…”, sẽ là vụ “nhà sư…”. Rồi bây giờ đến “nhà sư buôn người”!.

Buôn người là một trọng tội, một tội ác. Gọng kềm tội ác như thế nay đã bủa quanh một nhà sư. Dù là chưa kết luận gì đi nữa, nhưng việc khiến cho dư luận trong và ngoài nước, đủ loại báo giấy, trang mạng, phát thanh truyền hình hồ nghi về việc đó, cũng đã là đạt mục đích, làm cho Phật giáo Việt Nam tổn thương nghiêm trọng. Nhà sư buôn người, hơn nữa lại buôn trẻ em. Ghê chưa!

Một gương mặt Phật giáo Việt Nam đã bị triệt hạ, ít ra là trên truyền thông, vì đã hình thành dư luận. Nhưng cái cách nói quy trách nhiệm của một số bài báo cho thấy mục đích không phải chỉ là dư luận, “nhà sư bị báo buộc…” mà còn hơn thế nữa. Đến mức đó thì có thể hình dung hình ảnh Phật giáo Việt Nam bị tổn hại đến mức nào!

Một điểm sáng từ thiện của Phật giáo Việt Nam bị dập tắt. Trong tình trạng hiện tại thì đó đã là khả năng. Còn kết quả trước mắt thì cửa thiền đã bị bao phủ bởi những nghi vấn.

Trong khi những bài báo chính thức và ý kiến phản hồi thì tạo dư luận, còn lại song song là vô số những tin đồn. Hoạt động truyền thông song hành này được tổ chức khá nhịp nhàng. Chỉ cần bấy nhiêu là đủ đánh sập mục tiêu chùa Bồ Đề.

Kết luận cuối cùng là do cơ quan điều tra. Cũng không thể loại trừ tình huống không hay. Nếu đến như thế, ảnh hưởng của vụ việc đối với Phật giáo Việt Nam sẽ vô cùng lớn.

2)    Cấu trúc “đề thuyết”

“Đề thuyết” là một khái niệm của ngôn ngữ học hiện đại. Có thể tạm hiểu nó giống như chủ ngữ - vị ngữ trong “cụm chủ vị” nhưng đi vào chiều sâu, phức tạp và tinh tế hơn. Ở đây chúng tôi muốn nói đến phần đề, hay “chủ ngữ” là “nhà sư”, ứng với phần đề cố định đó, người ta sẽ lắp vào những phần thuyết, hay vị ngữ tương tự nhau, đều là xấu, tiêu cực, thoái hóa… Nay đã nảy sinh ra phần thuyết mới: “buôn người” trên truyền thông.

Các phần thuyết khác thì chỉ làm mất uy tín, gieo tiếng xấu cho phần đề “nhà sư”, nhưng phần thuyết “buôn người” còn có thể đem đến tù tội.

Song song với vụ chùa Bồ Đề, cũng có một vụ lắp phần thuyết “vi phạm pháp luật” vào phần đề “nhà sư”.

Cái cốt yếu trước tiên là phải thấy cấu trúc đề thuyết này, thấy được vụ việc chùa Bồ Đề trên truyền thông trong hệ thống các sự kiện tương tự, cùng cấu trúc đề thuyết.

Ý nghĩa từ Phật giáo cũng đã có. Người trong cuộc thì “bất ngờ” trước báo chí. Vị có trách nhiệm thì rút kinh nghiệm từ sự kiện. Không ai thấy là Phật giáo đang nằm trong một vấn đề vốn là hệ thống này.

Bây giờ, để gây tổn hại cho Phật giáo, những thế lực cải đạo không thể dùng những cách thức thô thiển như phá dỡ chùa rồi xây dựng cơ sở tín ngưỡng khác hay ép đi học đạo khác để đổi lấy quan chức, bình yên như thời Pháp, Mỹ.

Trong giai đoạn hiện nay và về sau, truyền thông là không gian của các vấn đề có liên hệ tới tôn giáo.

Chuyện đưa lên đó, có thể đúng có thể sai, có thể đúng sai lẫn lộn, có thể cường điệu, có thể tạo lăng kính, nhưng chúng ta chú ý đến mục đích của nó.

Không chỉ điều gì đã xảy ra, mà thực chất đó là muốn gì!

Trong những ngày tới có thể có nhiều diễn tiến mới, xoáy sâu vào chùa Bồ Đề, hay mở rộng ra ở nhiều cơ sở từ thiện khác của Phật giáo. Điều gì xảy ra thì nên nhìn vấn đề bằng con mắt trí tuệ, với tầm nhìn bản chất.

Để hạn chế thiệt hại cho Phật giáo Việt Nam thì nên tác động để dư luận bao quát được vấn đề. Nuôi trẻ mồ côi là một lãnh vực do nhiều tôn giáo đảm nhận, không riêng gì Phật giáo. Nếu đi đến hoạt động thanh tra toàn diện cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi thì việc phát hiện tình trạng tương tự ở các cơ sở nuôi dạy trẻ khác nhau và không chỉ riêng của Phật giáo là điều không thể loại trừ.

Ý của tôi là cấu trúc đề thuyết bất lợi cho chỉ riêng Phật giáo có thể thay đổi nếu không chỉ là các phần thuyết. Đó là khi hướng được dư luận không chỉ vào một cấu trúc đề thuyết cố định, mà là vào một nội dung chung. Khi đó vấn đề không chỉ gắn với tên một ngôi chùa, một nhà sư, mà là vấn đề chung, có thể từ nhiều “chủ ngữ”.
Như vậy, nếu có một cuộc tổng thanh tra các cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi ở tất cả tôn giáo thật toàn diện, triệt để, chặt chẽ, nếu có vi phạm thì điều tra đến nơi đến chốn, xét xử nghiêm minh, là điều nên mong mỏi, xét từ lợi ích Phật giáo Việt Nam.

MT

Nguồn: PTVN

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin