Chi tiết tin tức Đường đời hai nẻo 20:39:00 - 07/11/2015
(PGNĐ) - Người ta chỉ đi được một con đường, mà đi con đường nào thì cũng phải trả giá cho sự lựa chọn của mình thôi – và xin nhớ cho sẽ không bao giờ có bất kỳ sự thỏa hiệp nào cho hai lối về riêng lẻ, khác biệt như đất với trời này đâu.
1. Chiếc ô-tô xuôi dòng và chiếc xe đạp ngược dòngMột ngày cuối thu nọ, trước cử tọa là hàng trăm giảng viên trong một trường đại học, cô X. – một giáo sư kinh tế – đã hùng hồn diễn thuyết; trong bài diễn thuyết đó cô đưa ra nhiều lời khuyên cho các đồng nghiệp. Tôi nghe cô nói: “Trong thời đại kinh tế toàn cầu ngày nay, việc giáo dục có thể xem như một công việc kinh doanh vậy; trong đó nhà trường là một đơn vị kinh doanh; sinh viên là các khách hàng, và kiến thức, văn bằng, học vị chính là sản phẩm của doanh nghiệp đó. Chúng ta muốn tồn tại, chúng ta phải có khách hàng; và để có khách hàng, chúng ta phải hết lòng chiều chuộng, chăm sóc họ [ở đây là sinh viên]. Để có thể chăm sóc, phục vụ họ chu đáo tận tình, chúng ta phải biết họ yêu thích và không yêu thích điều gì; để từ đó chúng ta có thể mang đến cho họ sự thỏa mãn tối đa cái nhu cầu của họ. Thí dụ, các em thích những giờ học của các giảng viên sử dụng các loại thiết bị, máy móc hiện đại với công nghệ cao, thì chúng ta cũng cần phải sử dụng những loại thiết bị đó để gây ấn tượng với các em. Thí dụ, các em sinh viên thích những loại nhạc trẻ trung sôi động, thích nhảy múa thì chúng ta cũng phải biết nhảy múa, ca hát chung với các em để có thể đồng hành cùng các em mọi lúc mọi nơi. Các em thán phục những giảng viên ngoài việc đi dạy học, còn làm giám đốc cho một doanh nghiệp này nọ; vừa giàu sang với phương tiện đi lại là những chiếc ô tô đời mới, với phương tiện liên lạc là những chiếc điện thoại cao cấp đắt tiền, lại vừa có học vị cao thì chúng ta cũng cần phải phô bày và chứng tỏ những điều đó để cho các em có thể nể phục, khen ngợi; và từ sự nể phục, thần tượng hóa đó chúng ta mới giữ được các em ở lại ngôi trường này; điều đó cũng có nghĩa là giúp tăng thu nhập cho các giảng viên chúng ta. Nói tóm lại, chúng ta luôn phải “hòa đồng”, niềm nở tươi cười cùng các em sinh viên, và bản thân chúng ta cũng như những chiếc ô-tô đắt tiền chạy xuôi theo dòng đời cùng các em sinh viên, hướng rồi chở các em đến những phương trời tráng lệ, vinh hoa, thành đạt, phú quý”. Cũng dưới mái trường đó, có một vị thầy Y. nọ đã dạy tại nơi này hơn 30 năm và vẫn ngày ngày đến trường trên chiếc xe đạp cọc cạch, cũ kỹ. Gần như toàn bộ thời gian thầy dành cho nghiên cứu mà theo lời thầy, là để bài giảng cho sinh viên luôn đầy ắp những ý tưởng mới, những kiến thức mới. Thầy sợ sự ngu dốt, trì trệ, sáo mòn trong các bài giảng của mình. Thầy đã không còn thời gian cho việc đi dạy hoặc làm thêm bên ngoài để tăng thêm thu nhập, cho nên đời sống vật chất của thầy rất ư đạm bạc, thanh bần. Một hôm bên tách trà, trong một quán nhỏ, tôi nghe thầy tâm sự: “Công việc cả đời mình là dạy học, là trao truyền sở học của mình cho hậu thế; mình u tối, ngu dốt thì làm sao dạy ai được; mình sai trái, lệch lạc, tầm thường thì dạy ai được. Công việc của mình là sửa sai cho người; có nghĩa là mình phải chân chính, đúng đắn, trong sáng, ngay thẳng, vượt trên sự tầm thường từ ngôn từ đến cách sống; từ trí tuệ đến tâm hồn. Nếu thế nhân sai trái thì dù có làm họ đau lòng, hay oán ghét mình, mình vẫn cứ phải sống ngược lại với họ thế thôi; để rồi một lúc nào đó có thể họ sẽ hồi tâm, đổi ý chăng. Ai khen, ai chê điều đó không quan trọng; ai thần tượng, ai không thần tượng, điều đó chẳng hề chi; ai đến với mình, ai bỏ mình đi, điều đó chẳng bận lòng; chỉ cần mình luôn đi về “chính đạo”, đi con đường chân chính, thiện lành, thật đẹp, thật thơ mộng là đủ rồi. Thầy nói, cho dù mình có phải đi trên chiếc xe đạp cà tàng và phải lăn ngược dòng đời đầy ắp cộ xe sang trọng lao đi vun vút thì mình vẫn cứ đi; vì để đi theo con đường về với chân lý thì người ta dẫu có mất cả thân mạng cũng phải đi thôi”. Có sinh viên nào đủ dũng khí để theo con đường thầy Y. đã đi không? Hay họ chọn con đường xuôi dòng, “hòa” rồi “đồng” theo đám đông để đi về những phương trời hoa lệ như cô X. kia? 2. Vị sư già và gã trọc phúMột chiều hôm ấy, ngồi buồn hiu trong một quán café vỉa hè, nhìn qua phía bên kia đưởng thấy một chiếc xe con sang trọng, mới tinh bất chợt dừng lại, rồi anh tài xế lăng xăng chạy ra, trịnh trọng mở cửa xe, và trong xe bước ra một người đàn ông đã lớn tuổi, mập mạp có khuôn mặt trông khá phì nộn, với cách ăn mặc vô cùng chải chuốt, bóng bẩy và trong tay ông là một cô gái trẻ măng, dáng cao ráo, thon thả, với chiếc váy mặc bó sát người, và trên môi nở một nụ cười rất duyên dáng. Hai người dìu nhau đi tay trong tay qua phố, rồi họ trao cho nhau những nụ hôn đắm đuối giữa chốn đông người với bao con mắt trầm trồ nhìn theo bóng họ khuất dần trong một vũ trường sang trọng. Rồi một chiều hôm nọ trên chuyến xe đò xuôi miền cao nguyên bụi mù, xơ xác, chiếc xe tồi tàn kia bất ngờ trục trặc nên đành bỏ khách bơ vơ dọc đường; lang thang tìm nơi trú tạm qua đêm, tôi ghé vào một ngôi chùa trông rất điêu tàn nằm trên một ngọn đồi hoang vu, bốn bề lộng gió. Phía sau ngôi chùa là một gian nhà lá cất tạm làm nơi nghỉ chân cho những kẻ phương xa đến chùa chữa bệnh. Trong chùa chẳng có ai ngoài một vị tu sĩ già gầy yếu, khắc khổ. Vị tu sĩ già sau một buổi chiều miệt mài khám rồi bốc thuốc cho gần ba mươi bệnh nhân nghèo khổ, đang ngồi lặng lẽ bên mái hiên chùa, đôi mắt tinh anh nhìn xa xăm như dõi theo mấy cánh chim đang bay mãi không về. Rồi bỗng chốc trời đổ mưa mù mịt bên ngoài, và dưới mái chùa xiêu vẹo, rách nát, vị sư già cô độc vẫn ngồi đó, bên ngọn đèn dầu; ánh đèn chập chờn soi mờ mờ một khuôn mặt đầy nét phong trần với thần thái ung dung, như khẽ mỉm cười, vị sư già đang phóng bút viết một bài thơ. Hai buổi chiều đã đi qua trong đời và đã gieo lại trong lòng tôi hai hình ảnh trái ngược nhau: Hình ảnh thật bi tráng, thật thơ mộng của một vị sư già cô đơn trong một chiều mưa mù mịt, bên núi đồi heo hút, nơi quán đời mục nát, tang thương, ngồi múa bút làm thơ với tâm hồn bàng bạc, hiên ngang đi về trong hoang vắng chiều tàn, trong thâm sơn cùng cốc. Và hình ảnh một gã trọc phú, già nua, nhăn nheo, chải chuốt trong chiếc xe bóng lộn, mượt mà, tay trong tay một cô con gái mới lớn tung tăng, lượn lờ, uốn éo đi qua phố xá rộn ràng, rồi vi vu đêm đêm dưới ánh đèn vàng nhờ nhờ trong những quán bar ầm ầm những âm thanh thác loạn. Tôi bỗng liên tưởng đến hình ảnh một người đàn ông mình đầy thương tích vẫn kiên cường trên sa trường đẫm máu trong một cuộc chiến khốc liệt với cái ác, cái tăm tối, cái xấu xa, đê tiện và hình ảnh những con người nhởn nhơ, ăn diện bảnh bao, diêm dúa trốn chạy hay thỏa hiệp với cái ác, cái xấu xa và tìm vui trong ánh đèn mờ ảo nơi những vũ trường sang trọng với bia rượu, với ma túy, với ái tình những đêm về bên những nàng con gái thướt tha. Có nhiều người thích no đủ, thích hưởng thụ, thích tiện nghi vật chất phù hoa, thích những ánh mắt trầm trồ, thán phục của đám đông, chấp nhận thỏa hiệp với cái xấu xa để có danh lợi và tất nhiên họ sẽ ao ước được đi trên con đường trải đầy nhung lụa tanh hôi mùi vật dục và sống cuộc đời như gã trọc phú kia cùng những cô con gái trẻ nọ. Có nhiều người không nghĩ nhiều, không bận lòng đến chuyện no đủ, hưởng thụ; không quan tâm lắm những tiện nghi vật chất; không bận tâm, không màng đến những ánh mắt khen hay chê của người đời; chỉ biết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng với cái ác, cái xấu xa, và họ sẽ đi theo con đường hoang vắng, cô độc như vị sư già khắc khổ, nhưng thơ mộng tuyệt vời kia. Tùy ước nguyện của mỗi con người, muốn sống thế nào cũng được, muốn đi con đường nào cũng được – hoặc chọn cho mình một cuộc sống dư dật, đắm chìm trong hưởng thụ dục lạc trần thế đến tận cùng hay chọn cho mình một cuộc sống bi tráng mà thanh cao trong thiếu thốn vật chất nơi một góc trời hoang vu. Tùy con đường mình chọn để hoặc đi về trong tự do, bát ngát, phiêu du hoặc đi về trong hoan lạc nhầy nhụa nơi cuộc đời thế tục. Người ta chỉ đi được một con đường, mà đi con đường nào thì cũng phải trả giá cho sự lựa chọn của mình thôi – và xin nhớ cho sẽ không bao giờ có bất kỳ sự thỏa hiệp nào cho hai lối về riêng lẻ, khác biệt như đất với trời này đâu.■
PHẠM LÃNG YÊN
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |