Chi tiết tin tức

Mong manh thân phận con người

10:54:00 - 04/01/2015
(PGNĐ) -  Làm thân người mà thân tâm xấu ác, tùy theo mức đọ mà nghiệp lực sẽ dẫn sinh vào bốn loài sau con người, theo luật nhân quả. Còn nếu may mắn được sinh lại làm thân người thì lại rơi vào cái lưới thiên hình vạn trạng của kiếp con người...
 
 
Cụm từ “thân phận con người” nghe qua phảng phất chút thương tâm cam chịu trong sự mặc định an bài của kiếp người. Quả thật không phải tự nhiên mà đức Phật gọi thế giới chúng ta đang sống là cõi Ta Bà (Kham nhẫn), chúng ta đã phải gồng mình chịu đựng đủ mọi thứ, từ những hiểm họa ngoại lai đến các phiền não nội tại. Thân phận con người chúng ta đang phải sống trong ngôi nhà lửa, không biết sẽ cháy bùng lên lúc nào, thiêu đốt chúng ta, thật đáng thương tâm! Tại sao chúng ta không thoát khỏi nhà lửa ấy mà đành cam chịu? Một câu hỏi khá lý thú, có câu trả lời vừa dễ vừa khó, dễ vì câu trả lời đã có trong câu hỏi, còn khó là phải trả lời câu trả lời trong câu hỏi vậy. Phải chăng câu trả lời ấy là sự mặc định an bài? Cái gì có thể “an bài mặc định” được thân phận con người chúng ta trong cõi Ta Bà này? Đáp lại những câu hỏi trên chúng ta phải tìm hiểu con người có từ đâu, từ đâu đến?
          Từ cổ chí kim, từ đông sang tây, các tôn giáo, các nhà tư tưởng, các học thuyết triết học…đều cố đi tìm lời giải đáp câu hỏi: Con người từ đâu đến, rồi đi về đâu? Nhưng chưa có ai biện giải thấu đáo ngoại trừ Phật giáo.

          Theo Ki Tô giáo, con người là một “sản phẩm gốm sứ” được đức Chúa trời “hà hơi tiếp sức” mà thành. Theo truyền thuyết Bà La môn, thì một buổi sáng đẹp trời nọ, khi quả đất này mới hình thành, phát ra ánh sáng rực rỡ, mùi thơm xông lên thơm lừng, vừa lúc một bày tiên đồng ngọc nữ của trời Phạm du hí bay ngang qua, bị ánh sáng và mùi thơm quyến rũ, liền đáp xuống, thấy đất sáng rực thơm ngon, đua nhau bốc ăn, ăn rồi có lẽ nặng bụng, bay lên không được, đành ở lại làm thỉ tổ loài người (vì thế người Ấn Độ tự hào mình có dòng giống Phạm thiên, tiếng nói gọi là tiếng Phạm, ăn bằng tay…). Thời cận đại thì theo “Sinh Vật Tiến Hóa Luận” của ông C.R.Darwin (1809-1882), nguồn gốc của con người là sự tiến hóa từ động vật hạ đẳng (vượn người) lên động vật thượng đẳng (con người). Thì ra tổ tiên chúng ta là loài khỉ vượn! Có điều không biết đến bao giờ thì tất cả khỉ vượn trên thế giới hiện còn sẽ tiến hóa thành người hết vậy? Hay rồi chúng sẽ tuyệt chủng nay mai do sự tác động quá đà của con người đến môi trường sống của chúng! Sự tìm tòi giải thích về nguồn cội loài người trong tôn giáo triết học cổ xưa nhiều lắm và trong khoa học triết học hiện đại cũng không ít vậy. Nhưng đối với tôi, tất cả đều có cái gì đó bất ổn, không đáng tin cậy, chỉ là những chuyện như đùa vậy thôi!

          Vậy thì Phật giáo thì sao?
          Trong Phật điển đã từng khẳng định “thời vô thỉ không có tên Phật và tên chúng sanh”, từ chúng sanh chỉ chung cho tất các loài hữu hình, trong đó có loài người. Cụm từ này đáng lẽ phải nói là không có sự phân biệt tên Phật và tên chúng sanh, tức là sau khi có cái tách ra gọi là chúng sanh thì cái còn lại gọi là Phật. Thế thì cái có từ vô thi trước khi tách ra nếu không gọi là Phật thì gọi là gì? Vì sao trước đó không gọi là Phật?

          Thời vô thỉ không có tên Phật và tên chúng sanh, chỉ có cái lý tánh rỗng không chân thật thành tựu viên mãn (viên thành thật tánh), không một không khác, không tăng không giảm, như như bất động, tịch tịnh châu biến. Rồi một phần của lý tánh ấy bị phiền não nhiễm ô, trộn lẫn tách ra thành cái gọi là chúng sanh, phần còn lại thuần khiết gọi là Phật. “Con người chúng sanh” bắt nguồn từ đó và nếu “Con người chúng sanh” ấy phá tan bóng tối vô minh, diệt hết phiền não nghiệp chướng thì giác ngộ thành Phật. Sự hình thành đầu tiên kiếp con người là sự xâm nhập cái xấu vào cái tốt, chúng sanh tánh vào Phật tánh, con người là sự tổng hòa tốt và xấu, Bồ Đề và phiền nào, Phật và chúng sanh. Vậy nên đức Phật từng dạy “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”,”tất cả mọi người đều có thể thành Phật”, “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”.v.v… Còn chần chờ gì nữa, chúng ta hãy tinh tấn tu hành để mau chóng trở về trong Như Lai Tạng thoát khỏi thân phận con người mong manh!

          Nguồn gốc của con người là như thế, nếu chúng ta có tin là như thế thì vẫn cảm thấy thiếu thiếu một cái gì cụ thể mà ngũ quan, tâm thức chúng ta đòi hỏi, một con người bằng xương bằng thịt, đủ cả tinh thần lẫn vật chất, sinh ra trên cõi đời này như thế nào? Muôn pháp trong pháp giới, vạn hữu trong vũ trụ, sự sự vật vật của thế gian…theo Phật pháp đều do “nhân duyên” sanh. Các duyên hội tụ thì sanh thành, các duyên ly tán thì tử diệt. Lý duyên sanh này chi phối bởi nhân quả nghiệp báo. Thân con người cũng theo quy luật này, Tứ đại, đất nước lửa gió, Ngũ uẩn, sắc thọ tưởng hành thức, hội tụ thì thân người sinh ra, tứ đại, ngũ uẩn ly tán thì mất đi. Sắc trong ngũ uẩn là tứ đại phần tinh thần (phần hồn) của thân người. Nói một cách khác gọn hơn là thân người do ngũ uẩn (hay ngũ ấm) tạo thành, thế nên người học Phật thường gọi thân mình bằng cụm từ “tấm thân ngũ uẩn” để ngầm bảo với mọi người “thân này giả hợp mà có” đó vậy. Thế nhưng sự hội tụ hay ly tán của bốn đại năm uẩn phải chịu sự tác động điều khiển của nhân quả nghiệp báo. Vậy nên con người sanh trên cõi đời này thiên hình vạn trạng, người đẹp kẻ xấu, người minh mẫn kẻ ngu đần, người anh hùng hào kiệt, kẻ yếu hèn ti tiện, kẻ phú quý vinh hoa, người bần cùng khốn khổ, người thiện, kẻ ác, nhiều lắm, nhiều lắm, không thể kể xiết. Về tuổi thọ cũng lắm điều ngang trái, người giàu sang tìm đủ mọi cách kéo dài tuổi thọ để hưởng lạc thú thế gian thì yểu mạng sớm đi làm bạn với giun dế, kẻ nghèo cùng chịu nhiều ma chiết của cuộc đời, muốn sớm “đi chầu trời” nhưng lại kéo dài kiếp sống lê thê trong cõi trần ai, người chết trẻ kẻ chết già, người mất do bệnh tật, kẻ mất vì tai nạn. Con người có hàng trăm lý do để chết để sống trên cõi đời này. Nhưng dù sống thọ hay chết yếu, thời gian sống của con người có bằng ông “Bành tổ”, 800 tuổi, đi nữa mà so với sự vô cùng vô tận của thời gian cũng vô cùng ngắn ngủi, huống gì là tuổi đời của con người gói gọn trong khoảng trên dưới trăm năm vậy! Ôi! Sao mà mong manh thế! Thật đáng thương cảm thay! Mong manh thân phận con người!  www.phathocdoisong.com
          Từ nguồn gốc đến con người thực hiển hiện trên cõi đời này, đều được cấu tạo bằng vô minh phiền não, ngũ uẩn tứ đại, một tập hợp hữu hình và vô hình, vật chất và tinh thần vừa không thanh tịnh lại thiếu bền vững, hợp tan bất định, không chút tự chủ, mặc cho nghiệp lực dẫn dắt, nhân nhân quả quả, chợt có chợt không, quay tròn trong kiếp sống luân hồi. Hơn nữa, trong ngũ thú luân chuyển không chỉ có loài người mà cón các loài Atula, ngạ quỷ, súc sanh và Địa ngục. Làm thân người mà thân tâm xấu ác, tùy theo mức đọ mà nghiệp lực sẽ dẫn sinh vào bốn loài sau con người, theo luật nhân quả. Còn nếu may mắn được sinh lại làm thân người thì lại rơi vào cái lưới thiên hình vạn trạng của kiếp con người, theo quy luật nhân quả nghiệp báo vậy.

          Đã mong manh thiếu bền vững lại không tự chủ định đoạt thân phận của chính mình, thân người chúng ta quả thật là cái mà chúng ta phải quan tâm suy nghĩ phản tỉnh vậy. Con người ta có một tập tính rất phổ biến bắt nguồn từ lòng tham, tham sống sợ chết, tìm kiếm sự bền vững cho tấm thân hiện tại. Tập tính này khiến cho một số người lao tâm tổn trí, hao phí cả cuộc đời, tìm thuốc luyên đan để được trường sanh bất tử. Có kẻ tìm vào rừng sâu, hang núi, lập am cất cốc, tu luyện pháp thuật mong được lột xác thành tiên, sống lâu cùng trời đất… Nhưng rồi tất cả đều vỡ tan giấc mộng trường sanh, ngậm ngùi hiểu ra thân phận mong manh của mình! Khoa học ngày nay cũng đang nỗ lực tìm cách kéo dài thân phận cá nhân của người bằng những biện pháp sinh vật học, tế bào học, thần kinh học.v.v… Người giàu có muốn gì cũng được, nhưng muốn sống mãi thì không được, trước khi chết họ bỏ tiền ra đông lạnh thân xác, đồng thời tài trợ cho những nhà khoa học, y dược tìm kiếm phương thuốc “cải tử hoàn sinh”. Hiện này “khoa học nhân bản” đang được coi là môn khoa học thời thượng, nhân loại rất ngưỡng mộ và rất hy vọng, nhưng mới chỉ thành công ở loài vật (cừu Dolly). Không biết nhân bản thành công ở con người, ngoài việc giữ lại được vẻ bề ngoài thân thể gần như một “bản sao” hoàn chỉnh, có còn “sao lại” được lý trí, tình cảm, ý chí, kiến thức.v.v…của bản gốc không nhỉ? Hay phải trải qua giai đoạn đào tạo lại như những con người bình thường khác trong xã hội? Không khéo sẽ ứng vào đúng câu ca dao có vẻ kỳ bí pha chút khôi hài: www.phathocdoisong.com
Sinh con rồi mới sinh cha
Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông.

          Nói gì thì nói, có cố công gắng sức đến đâu đi chăng nữa, hiện tại con người vẫn loay hoay chưa tìm ra được manh mối phá tan cái qui luật vô thường mong manh của thân phận muôn thuở kiếp con người. Ôi! Thân phận con người quả đúng là như giọt sương buổi sớm, ánh chớp chiều tà, chẳng khác nào hoa trong gương, trăng đáy nước vậy thay! Có rồi không, chợt hiển hiện ra, chợt tan biến vào cõi hư không vô biên, tịch mịch mênh mông mịt mờ, vẫn mơ mơ hồ hồ nơi đến chốn đi, tạo ra những nghĩ suy nhiều ức chế, những mơ tưởng rất viễn vong cho cõi nhân sinh lắm điều nhiều chuyện này.

          Người học Phật chúng ta đã biết, thân người là giả danh giả tướng do tứ đại ngũ uẩn giả hợp tạo thành, hữu hạn mong manh, tan hợp theo nghiệp lực và nhân quả. Do đó chúng ta không thể dựa vào hiện tượng triệu chứng để trị liệu mà phải trị liệu từ gốc, diệt sạch vô minh phiền não tệ hại đã “câu sanh” với con người thánh thiện. Pháp Phật có tám muơi bốn ngàn pháp môn giúp chúng ta trừ diệt vô minh, phiền não, trở về với “bản lai  chân diện mục”, nhập “Phật tri kiến” hòa cùng “Như Lai tạng tánh” không một không khác, như như bất động cùng khắp pháp giới ba đời. Nhưng đằng trước những pháp môn ấy, chúng ta, những người học Phật, phải quyết tâm thực hiện cho bằng được việc kiên trì cải tạo những hành vi đời thường, dừng ngay những việc ác, luôn luôn làm điều thiện (chỉ ác hành thiện), nghiệm trì giới luật phật chế, phát tâm vô thượng Bồ Đề bất thối chuyển… Rồi tùy theo căn cơ, hoàn cảnh bản thân, chọn pháp môn thích hợp để hành trì, người có tâm từ bi hỉ xã thì hành Bồ Tát hạnh, kẻ ưa tỉnh lặng trầm tư thì hành Thiền, người sơ cơ còn mơ hồ Phật lý thì tu Tịnh Độ..v.v… Ta tu môn nào, pháp nào mà nếu hành trì kiên định, nhất tâm, một đời chưa chứng, hai đời chưa thành thì đến ba đời chín kiếp, tôi tin rằng nhất định chúng ta sẽ trở lại được cõi “Thường lạc ngã tịnh” vậy.
          Kinh Kim Cương đã ví von thân phận mong manh Kiếp con người:
“Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điện”
Thật quá mong manh thật quá hư huyễn vậy thay !
Phan Rang, ngày 03 tháng 1 năm 2015
Tuệ Khai Cư Sĩ

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin