Chi tiết tin tức Bóng cười, ma túy đá – "thuốc độc" dập tắt tương lai thế hệ trẻ 21:53:00 - 30/09/2018
(PGNĐ) - Sự việc 7 người tử vong tại festival âm nhạc điện tử “Trip to the moon” ở hồ Tây diễn ra vào tối ngày 16/09/2018 vừa qua đã khiến dư luận sửng sốt và để lại nhiều nỗi đau cho những người ở lại.
Nhớ lại cách đây hơn chục năm đã diễn ra cuộc đột nhập, vây bắt lịch sử của lực lượng công an và sau đó chốn ăn chơi bậc nhất Hà thành – vũ trường New Century - đã bị đánh sập chỉ sau một đêm. Cơ quan CA đã thu giữ khoảng 200 gói ma túy tổng hợp các loại. Hơn 1160 người bị tạm giữ để phân loại xử lý, lấy mẫu xét nghiệm nồng độ ma túy. Trong số này có hơn 450 người là nữ. Sự kiện này đã gây rúng động dư luận trong một thời gian dài.
Có thể nhận thấy một bộ phận giới trẻ hiện nay coi việc “chơi bóng”, “hút cần”, sử dụng các chất kích thích công khai như một thú vui vô thưởng vô phạt và không gây nghiện.
Chưa bàn đến những loại thuốc kích thích gây nghiện nguy hiểm khác, chỉ riêng những quả bóng cười tưởng chừng như vô hại kia đã có thể gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của người chơi. Bởi “chỉ riêng cười quá mức, liên tục cũng đã có thể gây ngạt do thiếu ôxy, nếu có tiền sử bệnh đường hô hấp thì rất nguy hiểm, có thể bị ngạt, suy hô hấp. Nguy cơ tử vong do biến chứng về tim mạch, rối loạn nhịp tim cũng là tác hại của loại khí này”.
THT – một người dùng facebook comment chia sẻ: Một thời “trẻ trâu” bốc đồng thích giao du với anh em dân chơi, sành điệu nên giờ mình mới hiểu tại sao các em vừa lớn lại hay dễ sa ngã nếu chơi với một đám bạn cùng chơi một “môn thể thao” không dùng sức nào đó. Phần vì lứa tuổi muốn khẳng định bản thân, không muốn bị mang tiếng “hèn” khi từ chối thử các loại thuốc kích thích, phần nữa muốn chứng tỏ mình đang theo kịp thời đại. Sẽ rất khó để có thể giữ mình khi tất cả bạn bè mình đều đang tham gia vào “môn thể thao mới” này. Và có lẽ chuyện “chọn bạn mà chơi” cho con em ở lứa tuổi tập làm người lớn là vô cùng quan trọng.
Trong kinh Phật có câu chuyện về một con khỉ như sau: Vượn chúa ra lệnh cho tất cả vượn con phải đi chung đàn, không được tách đàn, không được tách rời khỏi hàng ngũ sẽ dễ bị đám thợ săn bẫy bắt. Nhưng có một vượn con ham ăn, bèn tách ra khỏi đàn, đi riêng lẻ một mình kiếm ăn. Đi được một hồi thấy miếng mồi ngon quá, nó liền dùng tay phải để chụp lấy, không ngờ đây là bẫy của người thợ săn đã gài keo nhựa xung quanh, nên nó bị dính một tay. Nó vội vàng lấy tay kia gỡ ra nhưng lại bị dính cả hai tay. Kế đến, nó lấy chân sau gỡ và cũng bị dính, còn lại một chân, nó cố vùng vẫy để thoát thân nhưng chất keo làm nó dính luôn cả tay lẫn hai chân.
Vượn thấy hai tay, hai chân đã bị dính nên không còn cách nào khác đành lấy miệng quặp để gỡ ra nhưng bị dính luôn tất cả. Hai tay, hai chân, miệng đều bị dính, không thể cựa quậy. Bấy giờ gã thợ săn chỉ việc đến khiêng vượn về để làm thịt.
Đức Phật chỉ ra những tai hại của ngũ trần đối với chúng ta cũng thế. Ở đời có ai mà không ham muốn được hưởng thụ năm món dục lạc, sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngọt và thân xúc chạm êm ái nhằm thỏa mãn sự ưa thích hưởng thụ trong say mê, đắm đuối. Cũng như chú vượn vì quá tham ăn mà bị dính vào chiếc bẫy, càng xoay xở, tìm cách thoát thân thì lại càng bị dính chặt nhiều hơn; con người một khi đã dính vào các chất kích thích thì sẽ ngày càng lún sâu vào vũng lầy không lối thoát.
“Bố mẹ từng người khóc ngất ai oán, từng mạng người đưa ra băng-ca bên cạnh bàn tay bấu víu, cào xé thét gào những tiếng gọi thảm thiết: “Con ơi! Con ơi! Về đi” của người làm bố, làm mẹ… của cảnh “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh” khiến người vô tâm nhất cũng phải nhói lòng… Tất nhiên các em sẽ vĩnh viễn chẳng bao giờ dậy được nữa…” Vì theo bè bạn vui chơi hòng thỏa mãn cá nhân, các em đã quên đi ân nghĩa quá lớn mà làm người ai cũng phải thọ ân ấy. Cuộc đời nhiều cạm bẫy, nhiều sự cám dỗ quyến rũ, khiến các em sa chân vào con đường tội lỗi, để lại nỗi đau khôn cùng cho đấng sinh thành. Thật đau lòng biết bao!...
Xót thương có, chỉ trích, lên án cũng có, bởi suy cho cùng cái chết vì ma túy, vì sốc thuốc hay ảo giác gây ra khó nhận được sự đồng cảm từ xã hội. Cái xót xa là xót xa cho cha mẹ họ, những người ở lại. Như vụ 7 người tử vong ở đêm nhạc “Trip to the moon” vừa qua. Nếu những đứa trẻ đó là con cháu chúng ta thì không biết liệu chúng ta có nỡ lòng chỉ trích “Chết cũng đáng!” hay không? Chắc chẳng thể nào ngăn được những giọt nước mắt thương tâm…
Chính vì thế nên việc giáo dục, bảo ban thế hệ trẻ là điều vô cùng cần thiết. Để tự bản thân các em nhận thức được rằng những viên kẹo xanh đỏ, những điếu thuốc hay vài ba quả bóng cười chưa bao giờ là “tấm chứng chỉ” thần kỳ công nhận các em là dân chơi như các em vẫn nghĩ.
Nhưng “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, việc thế hệ trẻ sống phóng túng, sử dụng tự do các chất kích thích một phần lỗi lớn từ chính các bậc cha mẹ. Họ mải mê chạy theo tiền tài, danh vọng rồi đôi khi “bỏ quên” trách nhiệm chăm sóc con cái.
Đức Phật đã từng chỉ dạy, mỗi thành viên trong gia đình đều có bổn phận và nghĩa vụ chăm sóc, nâng đỡ nhau trong cuộc sống. Bởi việc thực hiện bổn phận ấy một cách đúng đắn sẽ tạo nên một cá nhân chuẩn mực về phương diện đạo đức, lối sống, cách ứng xử và “hàng rào phòng vệ” tự thân trước những tác động tiêu cực từ xã hội. Trong kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt, đức Phật cũng nhấn mạnh cha mẹ cần can ngăn con cái không cho làm những điều quấy ác.
Vậy nên từ sự việc đau lòng tại lễ hội âm nhạc trên, chúng ta có thể thấy tác hại khôn cùng khi bị ngũ dục lôi kéo và sự quan trọng của việc chăm sóc con cái từ các bậc làm cha làm mẹ. Mong các em còn đang đắm chìm trong những thú vui “kịch độc” kia sẽ sớm thức tỉnh, lìa xa điều xấu trước khi mọi việc trở nên quá muộn màng!...
Tuệ Minh
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |