Chi tiết tin tức Nghề y dễ tu 19:46:00 - 01/05/2017
(PGNĐ) - Tôi được giúp đỡ từ nhiều thầy thuốc và nhận ra rằng họ là những vị có hạnh Bồ tát giữa đời thường. Một dạo quan tâm thời sự, bác sĩ X - một tín đồ Công giáo ngoan đạo ở quê tôi, phụ trách kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh bệnh viện đa khoa thị xã nhận xét chí lý: nếu bác sĩ của cơ sở thẩm mỹ Cát Tường là người có đạo, có niềm tin tôn giáo thì sự ác không đến vậy.
Tôi miên man nghĩ về nghề y từ lâu khi có nhiều “cơ hội” tiếp xúc thầy thuốc trong bệnh viện cũng như quan hệ đời thường. Thân thiết với một bác sĩ Trưởng khoa bệnh viện lớn, tôi nghe ông nói nhiều về tôn giáo. Ông đọc sách tôn giáo và tham gia nhiều công tác từ thiện.
Từ học thuật, hiểu biết sâu tâm sinh lý con người và trên nền văn hóa sâu rộng, người thầy thuốc tiếp cận Phật giáo một cách tự nhiên và những tôn giáo khác trong tư tưởng thấu triệt thân phận con người và sự vô thường. Không ai hơn thầy thuốc hiểu rõ vô thường, sinh tử. Ngày nay, với hỗ trợ của công nghệ, sinh viên và y bác sĩ “nhìn” rõ ràng hơn bao giờ hết đến cấp độ tế bào cấu trúc cơ thể và hoạt động sinh lý người.
Ở các quốc gia đang phát triển, thầy thuốc đã tiếp cận thiết bị chuyên dụng “khám phá” sâu cơ thể bệnh nhân, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị đến mức gần như không còn gì bí ẩn với họ, điều mà trước đây chỉ ngành y các quốc gia giàu có nhất mới có được. Đương nhiên, việc ấy khiến chất lượng khám và điều trị bệnh tốt hơn, nhưng ở đây chỉ xin bàn về khía cạnh tôn giáo, đặc biệt Phật giáo – rất gần với thầy thuốc, nhờ bản chất nghề nghiệp và tiến bộ công nghệ y khoa ngày nay. Cứ như, ngay từ giảng đường Đại học Y, Pháp đến với họ rất sớm, bài bản và mạch lạc hơn mọi đối tượng khác.
Còn gì quán vô thường tốt hơn những giờ giải phẫu tử thi? Làm sao hiểu tâm vô ngã thông qua đo điện não? Các bác sĩ pháp y còn quán thân bất tịnh “tốt” hơn mọi người qua các ca giải phẫu tử thi hay khai quật.
Môi trường bệnh viện, nhất là ở khoa cấp cứu – hồi sức, thầy thuốc thấy ý nghĩa chữ sát-na rõ rệt lắm, đúng là đời người qua hơi thở, không sai. Những giọt dịch truyền, tín hiệu thở và nhịp tim hiển thị... ở các bệnh viện tuyến cuối, các trung tâm cấp cứu lớn, hàng ngày số ca tử vong không phải đếm trên một hai bàn tay, sự sinh - tử diễn ra hàng giờ, hàng ngày với nhân viên y tế và thầy thuốc.
Phật dạy chúng sinh bình đẳng trên con đường đến niết bàn, giác ngộ, đều là Phật sẽ thành. Song, Phật cũng dạy con người và vạn vật có căn cơ khác nhau, biệt nghiệp và cộng nghiệp khác nhau. Phật cũng nói về nghịch duyên và thuận duyên… Trên cơ sở đấy có thể nói rằng nghề y cao quý trong đời sống suốt lịch sử loài người và cao quý bất luận tồn tại trong nền văn hóa nào hay thể chế nào; và nghề ấy rất Phật giáo hơn hết thảy do thuận duyên căn bản ở sự tiếp xúc chân lý và dấn thân phụng sự tha nhân.
Nếu nói rằng thầy thuốc là Bồ Tát hiện thân cứu độ chúng sinh không có gì sai. Tất nhiên có nhiều người nhiều cảnh, song cao quý như một mặc định, trừ những biệt lệ tồn tại trong mọi ngành nghề.
Hình thức là tồn tại tương đối trong cõi phàm, để phân biệt. Song cá nhân tôi thấy sắc trắng blouse gần nâu sồng hơn hết, mạo muội nhấn mạnh rằng đấy ý tứ cá nhân thôi để khỏi tổn thương các màu sắc khác trong cái nhìn bình đẳng.
Viết để tri ân họ, những thiên thần phụng sự đời bằng y đạo.
Nguyễn Thành Công
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |