Chi tiết tin tức

Tiếng chuông thức tỉnh chủ quyền

19:41:00 - 11/08/2016
(PGNĐ) -  Thế là sau hơn ba năm - từ 22 tháng 1 năm 2013 đến 12 tháng 7 năm 2016, Tòa trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay (Hà Lan) đã thụ lý và ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách của Trung Quốc tại biển Đông. Theo pháp lý - vụ kiện xảy ra chỉ đối với hai nước, nhưng vì sao nó lại trở thành tâm điểm của dư luận Quốc tế. Và vì sao, Trung Quốc đang là một cường quốc, một quốc gia từng đóng góp vai trò tích cực trong vòng đàm phán để hoàn tất Công ước về Luật biển-1982.

(UNCLOS-1982); cùng với hơn 180 quốc gia khác, Trung quốc đã đặt bút ký vào Công ước này - để rồi chính họ đã vi phạm nghiêm trọng Công ước đó?
 
Trong phán quyết 12/7, mặc dù Tòa không giải quyết chủ quyền và phân định ranh giới biển mà quan trọng nhất là Tòa bác bỏ yêu sách “Đường lưỡi bò” - còn gọi là Đường 9 đoạn, chiếm tới 80% biển Đông của Trung Quốc. Trong phán quyết dài 501 trang, PCA khẳng định: “Đường lưỡi bò của Trung Quốc trên biển Đông không có cơ sở pháp lý, do đó cũng không có cơ sở pháp lý để đòi “Quyền lịch sử” với các tài nguyên bên trong Đường lưỡi bò” - trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
 
Dư luận Quốc tế coi đây là những phán quyết xuyên thế kỷ, có ý nghĩa to lớn và lâu dài không chỉ đối với Philippines, các quốc gia ven biển Đông mà còn là quyền, lợi ích cửa ngõ đi lại của nhiều nước. Phán quyết này được coi là giải pháp bình đẳng, thượng tôn pháp luật, chống lại chính sách độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Và phán quyết 12/7 được thông qua bởi một Tòa án Quốc tế được thành lập vào năm 1899, là một tổ chức liên chính phủ bao gồm 121 quốc gia thành viên trong đó có: Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Philipines, Hàn Quốc… một cơ chế thực thi pháp luật cụ thể, rõ ràng, minh bạch và có sự giám sát Quốc tế chặt chẽ - nên nó cần phải được tôn trọng.
 
Là một quốc gia thành viên của Công ước, Việt Nam ủng hộ các nỗ lực có tính chất xây dựng để giải quyết vấn đề biển Đông một cách hòa bình. Điều này đã được Việt Nam nêu ra trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao ngày 5 tháng 12 năm 2014 gửi lên Tòa trọng tài với nội dung: Việt Nam bảo lưu các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở biển Đông, trong đó có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền và lợi ích tại các vùng biển được xác định theo Công ước.
 
Thế nhưng vai trò của PCA và những giá trị phán quyết 12/7 sẽ … là gì, khi Trung Quốc muốn đứng ngoài vòng pháp luật. Bởi trước đó, khi tiên lượng được những phán quyết sẽ bất lợi cho mình, Trung Quốc đã phát động những chiến dịch toàn diện nhằm triệt hạ uy tín của Tòa trọng tài thông qua các cuộc họp báo, hội thảo khoa học. Các giới chức học giả Trung Quốc đã hết sức biện hộ cho việc Trung Quốc không tuân thủ kết quả vụ xử trong “Chiến lược ngoại giao học thuật” của họ. Tại cuộc hội thảo Mỹ - Trung ngày 5/7 do Viện nghiên cứu tài chính Sùng Dương chủ trì với hơn 50 chuyên gia hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc. Tại đây, ông Đới Bỉnh Quốc cựu ủy viên Quốc vụ viện đã nói rằng: “Phán quyết cuối cùng của PCA không có giá trị gì, ngoài việc đó chỉ là một tờ giấy”.
 
Còn sau phán quyết 12/7 của PCA thì Bộ ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố: “Không chấp nhận và không công nhận phán quyết của Tòa”. Và “Phán quyết này là vô giá trị, trống rỗng và không có sức ràng buộc”.

Vâng, nếu phán quyết này của Tòa mà họ cho là “hồ đồ” thì sao sau phán quyết họ lại tỏ ra hoang mang khi phát lệnh cho quân đội “chuẩn bị tác chiến”, hạm đội Hải Nam, bộ đội tên lửa và không quân vào trạng thái “cấp I”. Nói vậy mà không phải vậy! Một cường quốc như Trung Quốc không thể không quan tâm tới danh dự quốc gia, không thể… để ngoài tai những phán quyết có tầm vóc lịch sử này của PCA được.

 
Nhưng thử hỏi, vì sao sau khi đã ký vào Công ước Luật biển (UNCLOS-1982) Trung Quốc lại sớm trở mặt vi phạm nghiêm trọng Công ước này? Hẳn khi thấy mình là cường quốc… đang trỗi dậy, nên “Giấc mộng Trung Hoa” với Đường lưỡi bò được hình thành từ giấc mộng ấy. Trung Quốc đã lớn tiếng thuyết minh rằng: Từ 2.000 năm đã có “Dấu chân chủ quyền” của họ ở đó. Nhưng cũng từ 2.000 năm ấy, sao các vương triều Trung Hoa không hề đòi “Quyền lịch sử” ở 80% biển Đông nhỉ? Mà chỉ khẳng định chủ quyền chỉ “tới đảo Hải Nam” mà những tấm bản đồ cổ của Trung Hoa xưa còn lưu giữ tới ngày nay đã minh chứng điều đó.
 
Và thật kinh ngạc, nếu đòi “Quyền lịch sử” chỉ căn cứ vào cái “dấu chân” thôi thì lịch sử Trung Hoa từng có biết bao “dấu chân” quân Nguyên Mông của Thành Cát Tư Hãn dày xéo. Lại nữa, ngày xưa - cũng chưa đến 2.000 năm đâu, tướng nhà Thanh là Sầm Nghi Đống và đội quân của ông ta cũng để lại nhiều lắm “dấu chân” của họ ở Gò Đống Đa, Hà Nội đấy thôi. Vâng, dấu chân ấy sao có thể gọi là “Dấu chân chủ quyền” được nhỉ?
 
Cho nên Phán quyết 12/7 của PCA đã khẳng định rằng: “Trung Quốc không thể căn cứ vào việc chiếm một cấu trúc rồi tuyên bố chủ quyền được!”. Chẳng hạn: ngày 14 tháng 3 năm 1988, Trung Quốc bất ngờ cuộc xâm lược lần thứ 5 trên biển Việt Nam, chiếm 6 đảo, trong đó có Gạc Ma. 64 chiến sĩ Hải quân của ta đã anh dũng hy sinh bảo vệ đảo - sau cuộc xâm lược ấy họ tuyên bố …chủ quyền! Vì thế mặc dù phán quyết chỉ ràng buộc các bên của vụ kiện, nhưng kết luận của Tòa rõ ràng cung cấp cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc đấu tranh bảo vệ lợi ích của Việt Nam ở biển Đông. Còn chủ quyền của Việt Nam từ xưa đến nay vẫn luôn là: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”.
 
Còn đối với những người con Phật thì phán quyết 12/7 của PCA là tiếng chuông tỉnh thức để mỗi quốc gia trên thế giới hãy “BIẾT ĐỦ” với chủ quyền của mình. Bởi lẽ lịch sử của xã hội loài người luôn đi liền với lịch sử của các cuộc chiến tranh đẫm máu, mà chủ yếu xuất phát từ các mâu thuẫn về chủ quyền. Những cuộc chiến tranh ấy dù để bảo vệ chủ quyền chính nghĩa hay xâm lược chủ quyền phi nghĩa thì đều mang đến sự đổ máu và chết chóc mà hết thảy đều phát nguồn từ tâm trí con người. Đức Phật của chúng ta đã có lời dạy này trong Kinh Pháp cú:
 
Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm làm chủ
Tâm tạo tác.
Hiến chương Liên hợp quốc mở đầu bằng câu: “Vì chiến tranh bắt đầu từ tâm trí con người, cũng từ trong tâm trí của con người mà sự bảo vệ hòa bình được thiết lập”.
 
Ta thấy, lời dạy tỉnh thức ấy của Đức Phật đã nằm ngay trong thông điệp của Liên hợp quốc. Thế nên, phán quyết 12/7 của PCA đã tạo “Quyền lực mềm”, môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông, góp phần thiết lập hòa bình với những chủ quyền quốc gia được tôn trọng. Và đây cũng chính là cuộc đấu tranh BẤT BẠO ĐỘNG mà Phật giáo luôn chủ trương. Và đó cũng là xu thế của thời đại - Nó không phải dấu hiệu của sự yếu đuối, mà đúng hơn nó là dấu hiệu của sự tự tin và lòng dũng cảm.
 
… Phải chăng nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã sớm dự báo được sự bất ổn này, nên ông đã kịp gửi gắm nỗi khát khao hòa giải, hòa bình vào ca từ của mình:
 
“Biển sóng biển đừng âm u,
Đừng nuôi trong ấy trái tim thù”.

Pháp Vương Tử
Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin