Chi tiết tin tức

Tỉnh thức để tự bảo vệ mình

09:49:00 - 23/06/2016
(PGNĐ) -  Đọc báo, thi thoảng lại thấy những vụ lừa hàng tỷ đồng mà mánh lới của kẻ lừa na ná nhau: gợi ý tặng quà với giá trị lớn hoặc tiền đô, sau đó hướng dẫn nạn nhân nộp tiền...

Từ một vụ điển hình xôn xao

Báo Thanh Niên ngày 5-4-2016 thông tin, thượng tá Cao Xuân Lợi, Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an TP.HCM cho biết, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa bắt khẩn cấp 7 nghi can, gồm: Ihugba Augustine Chinonso (30 tuổi, quốc tịch Nigeria), Onu Chinonso Peter (31 tuổi, quốc tịch Nigeria, cả 2 lưu trú Q.12); hai vợ chồng Trần Viết Hùng, Lê Thị Mai Phương (cả hai đều 34 tuổi, ngụ Q.12); Nguyễn Thị Tuyết (25 tuổi, ngụ Q.7), Lê Văn Nhóc (21 tuổi, ngụ Tây Ninh), Phạm Trường Thành (23 tuổi, ngụ Đồng Nai), Nguyễn Văn Hải (26 tuổi, ngụ Bình Thuận) để điều tra làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Anh 1, Van hoa.jpg
Công an đang làm việc với Ihugba Augustine Chinonso - Ảnh: Đàm Huy

Theo thông tin ban đầu từ cơ quan công an, từ đầu năm 2016 đến nay, băng nhóm này qua Facebook, tin nhắn gửi quà có giá trị, tin trúng thưởng lừa nhiều nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản, sau đó rút tiền, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng.

Để rút tiền chiếm đoạt, Ihugba Augustine Chinonso, Onu Chinonso Peter cấu kết với Hùng. Hùng móc nối với Nhóc, Thành, Hải sử dụng giấy CMND giả mở tài khoản cá nhân rồi rút tiền chiếm đoạt được chia nhau tiêu xài.

Cũng vụ này, tờ VnExpress cho biết thêm, trước đó, cảnh sát nhận được trình báo của chị Hồng về việc bị “bạn trai” nước ngoài lừa gần 300 triệu đồng bằng hình thức tặng quà. Vẻ ái ngại, người phụ nữ 27 tuổi cho biết qua Facebook quen người đàn ông xưng là Brian Ronald - thương gia. Sau thời gian dài trao đổi, chị phát sinh tình cảm với ông ta. Ngày 2-2, chị Hồng nhận được tin nhắn của “người tình online”, nói rằng đã gửi quà cho mình gồm laptop, iPad, nước hoa và 100.000 USD.

Đang háo hức chờ ngày nhận quà giá trị thì chị nhận cuộc gọi của người phụ nữ Việt Nam, nói là người của công ty chuyển quà, yêu cầu nộp gần 30 triệu đồng lệ phí. Tin lời, chị Hồng chuyển tiền vào tài khoản của một người tại TP.HCM. Những ngày sau, chị Hồng lại bị yêu cầu đóng phí hải quan 80 triệu đồng.

Tiếp đó, một người xưng từ công ty vận chuyển, gọi đến bảo chị nộp thêm 110 triệu đồng mới “lấy được hàng ra”. Hy vọng vào món quà lớn, chị Hồng đã chuyển toàn bộ số tiền này. “Chỉ đến khi một người gọi đến tự xưng là Công an Hà Nội, đang giữ gói hàng tại sân bay Nội Bài có giá trị rất lớn, yêu cầu tôi phải nộp phạt 200 triệu đồng để nhận hàng tôi mới nghi ngờ, báo cảnh sát”, chị Hồng kể.

Tương tự, chị Tú (33 tuổi, ngụ Đà Nẵng) cũng bị sập bẫy lừa nhưng được đánh giá là tinh vi hơn. Trình báo với cảnh sát, chị Tú cho biết mẹ mình ở Mỹ và có quen với một “thương gia” qua mạng. Ông này nhận là người giàu có, nói chuyển quà trị giá hàng trăm nghìn USD cho mẹ chị Tú, song sẽ chuyển về Việt Nam cho gia đình bà để “tránh rắc rối”. Do quà đứng tên mẹ mình nên chị Tú tin tưởng, tổng cộng đã “đóng phí” 10 lần với số tiền 2,2 tỷ đồng cho kẻ lừa đảo.

Đáp máy bay từ Hà Nội vào trình báo với Công an TP.HCM, anh Hoàng (43 tuổi, nhân viên một hãng hàng không) cho biết, ngày 2-3 bất ngờ nhận được tin nhắn ở Anh, báo trúng thưởng 1.000.000 USD của công ty viễn thông tại Mỹ. Liên hệ qua email trong tin nhắn, anh Hoàng được xác nhận “đã trúng thưởng” và công ty đã ủy quyền cho một ngân hàng tại New York (Mỹ) trao thưởng.

Theo địa chỉ email được cung cấp, anh Hoàng liên lạc và được thông báo phần thưởng đã chuyển vào ngân hàng ở Thụy Sĩ. Tiếp đó, anh nhận được thư cung cấp số điện thoại tại Việt Nam - được cho là đại diện pháp lý của ngân hàng để anh nhận thưởng.

Nam nhân viên hàng không sau đó nhận được nhiều đề nghị phải chuyển “lệ phí”. Lúc đầu là 1.000 USD, sau tăng lên 20.000-40.000 USD và VND. “Ban đầu tôi tưởng thật nên làm theo yêu cầu. Sau có nghi ngại nhưng đã lỡ chuyển mấy lần trước rồi, hy vọng quá nhiều vào số tiền trúng thưởng sẽ được nhận nên đã phải vay tổng cộng hơn 3,2 tỷ đồng chuyển cho chúng”, anh Hoàng nói bằng giọng buồn bã.

Xác minh những số tài khoản, điện thoại, Công an TP.HCM bắt vợ chồng Trần Viết Hùng (34 tuổi) và phát hiện toàn bộ màn kịch do nhóm này dựng ra.

Hùng thừa nhận đang làm việc cho Ihugba và Onu, có nhiệm vụ lôi kéo người Việt lập tài khoản ngân hàng cung cấp cho họ. Ngoài ra, cặp vợ chồng này còn đóng giả nhân viên hải quan, công ty giao nhận hoặc công an để gọi đến “con mồi”. Họ sẽ dựng những kịch bản để dụ nạn nhân chuyển tiền, lấy quà, hay để “hối lộ cảnh sát”.

Từ lời khai của vợ chồng này, cảnh sát bắt Ihugba và Onu tại căn hộ chung cư Thới An (Q.12), thu giữ gần 100 thẻ ATM, Visa đứng tên người Việt. Nhiều nghi can khác bị cảnh sát bắt với cáo buộc tiếp tay rút tiền của nạn nhân.

Hai nghi can người Nigeria khai, họ nhập cảnh vào Việt Nam từ tháng 10-2015, làm việc theo lệnh của “ông chủ” ở quê hương. Bước đầu Ihugba và Onu thừa nhận đã thực hiện thành công nhiều vụ, lấy được nhiều tỷ đồng.

 “Đây được xem là đường dây lừa đảo xuyên quốc gia lớn nhất từ trước đến nay bị phát hiện ở TP.HCM. Số người từng bị lừa có thể sẽ đến trình báo thêm nữa”, lãnh đạo PC46 cho hay.

Cẩn thận với... lòng tham

Mẫu số chung của vụ lừa trên và những vụ lừa tương tự chính là lòng tham ẩn nấp trong mỗi người, nên khi nghe có một “món hời” như kịch bản của kẻ lừa bày ra thì đều sẽ sập bẫy. Lòng tham trong quan niệm của Phật giáo là ba món độc (tham-sân-si), dắt dẫn con người đi vào khổ đau. Lòng tham là “kẻ thù” bên trong mỗi người, thôi thúc con người phạm tội, làm những việc mà không ai có thể chấp nhận được, thậm chí ngay bản thân họ khi nhìn lại việc mình làm cũng giật mình, không chấp nhận được chính mình.

Lòng tham như đã nói, là ba món độc mà ai cũng có, người tham danh, người hám lợi, kẻ thì mê sắc... Nhưng, nếu để lòng tham vượt mặt sự tự trọng, lương thiện, khát khao làm người tử tế thì khi đó chúng ta dễ nghĩ, nói, làm những điều xằng bậy, đi ngược lại lợi ích chung, gây tổn hại lợi ích và tính mạng người khác để có lợi cho bản thân.

Tuy nhiên, cái lợi (nếu đạt được) thì chỉ là cái lợi trước mắt, bởi sau đó, đa số kẻ thủ ác, gây hại cho người đều phải rơi vào vòng lao lý, bị xã hội lên án, quay lưng. Đó là điều tất yếu cho người đã gây tạo hành vi sai trái, tổn hại đến người vì sự ích kỷ của bản thân.

Vì lòng tham ai cũng có nên việc đề phòng để tránh trường hợp người khác nổi lòng tham là điều cần thiết. Song, mỗi người nhất thiết phải cẩn trọng với lòng tham của mình, đừng để vì danh, lợi, sắc đẹp... mà làm hủy hoại hạnh phúc gia đình, hủy hoại cả bản thân trong nỗ lực giữ mình, làm người lương thiện.

Gần đây, luật pháp quy định sẽ phạt tù người có hành vi ngoại tình gây ra những nỗi đau lớn cho người khác, cho thấy việc mê gái/trai khi đã “an phận” với hôn nhân - cũng là hành vi phạm tội cần được điều chỉnh bởi Luật Hình sự hẳn hoi. Điều chỉnh này là điều chỉnh về tham sắc trong mỗi người, nhất là những người thích đèo bòng, đã có còn muốn thêm nữa.

Lòng tham quả thật rất nguy hiểm, có thể phá nát gia đình đang êm ấm, làm cho tài sản kiếm được từ sự khó nhọc thoáng chốc chảy vào túi của kẻ lừa đảo.

Khi lòng tham có mặt, làm chủ - mình sẽ bị mờ mắt bởi món hời được kẻ lừa đảo (đa cấp, vay trả lãi cao, quà tặng với giá trị lớn) tung ra. Khi đó, những toan tính ngồi không hưởng số tiền lớn với số đầu tư ban đầu (tuy lớn nhưng vẫn còn đó) khiến nhiều người mắc bẫy.

Để tránh những vụ việc như trên, nhất là khi tham gia vào thế giới ảo, chúng ta cần tỉnh thức. Mọi thứ đều có nhân-quả, không thể tự dưng có người mang tới cho mình món lợi lớn, vì chắc chắn phía sau luôn có những đòi hỏi đáp đền hoặc âm mưu chiếm đoạt. Tỉnh thức để không trao niềm tin một cách mù quáng bằng những sự hiểu biết hời hợt trong thế giới thật giả lẫn lộn chính là cách tự bảo vệ mình. Đó mới là điều cốt yếu chứ không thể trông mong vào sự thành thật ở người khác khi chính mình tiếp cận với cái lợi bằng lòng tham nông nổi... 

 

Lừa đảo cũng nhắm tới nhà chùa

Thi thoảng tòa soạn Giác Ngộ cũng nhận được tin báo, có kẻ lừa đảo gửi e-mail hoặc điện thoại tới chùa, yêu cầu thầy trụ trì đóng một khoản tiền để nhận “tiền từ thiện từ nước ngoài”. Rất may, những vụ việc như vậy đã được các chùa cảnh giác.

Phong Châu

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin