Chi tiết tin tức

Lãnh đạo doanh nghiệp qua tinh thần Tứ nhiếp pháp

21:34:00 - 04/10/2021
(PGNĐ) -  Phật giáo với giáo lý Tứ nhiếp pháp sẽ giúp người lãnh đạo mở ra phương thức hay cách tiếp cận của một nhà lãnh đạo đối với cấp dưới của mình bằng cách nhiếp phục, cảm hóa thông qua cách giao tiếp, hành động thu phục lòng người.

Ngày nay, bê bối xảy ra thường liên quan đến những hành vi sai trái của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đối với nhân viên, dẫn đến lủng củng nội bộ, trì trệ trong sản xuất kinh doanh. Bởi không có sự gần gũi để giải quyết những vướng mắc nên số người thôi việc ngày một tăng. Vì vậy, muốn tổ chức phát triển bền vững, đầu tiên phải xây dựng mối quan hệ giữa lãnh đạo và cấp dưới thông qua việc trao đổi, đồng cảm, khuyến khích, động viên, nâng cao tinh thần và ý thức làm việc của nhân viên nhằm đi đến mục tiêu chung của tổ chức. Vì vậy, mối quan hệ này rất quan trọng, bởi nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của tổ chức đó. Phật giáo với giáo lý Tứ nhiếp pháp sẽ giúp người lãnh đạo mở ra phương thức hay cách tiếp cận của một nhà lãnh đạo đối với cấp dưới của mình bằng cách nhiếp phục, cảm hóa thông qua cách giao tiếp, hành động thu phục lòng người. Từ đó, đưa đến sự đoàn kết, hòa hợp và lợi ích cho tập thể, tạo ra sự đồng thuận của những người cùng chung chí hướng, giúp công ty, tổ chức tạo được nền tảng để phát triển bền vững dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

TỨ NHIẾP PHÁP 

Theo Phật Quang Đại từ điển, Tứ nhiếp pháp tiếng Phạn là Catvàri samgraha-vastùni, cũng gọi là Tứ nhiếp sự, Tứ sự nhiếp pháp, Tứ tập vật. Đây là bốn phương pháp Bồ tát sử dụng để thu nhiếp chúng sinh khiến họ sinh khởi tâm thân ái mà dẫn dắt họ vào Phật Đạo để đạt đến khai ngộ. Bốn phương pháp ấy là: Bố thí nhiếp, Ái ngữ nhiếp, Lợi hành nhiếp, Đồng sự nhiếp [1]. Nhiếp có nghĩa là nhiếp phục, cảm hóa, nhiếp hóa; Pháp là biện pháp, phương pháp, cách thức. Tứ nhiếp pháp là bốn phương pháp thu phục khiến mọi người khởi lên lòng thân ái, để từ đó có thể nhiếp phục họ dễ dàng và nhẹ nhàng nhất về cả hai mặt tinh thần lẫn vật chất, dù trong bất kỳ thời gian nào. Như lời Đức Phật đã dạy: “Nếu có pháp gì nhiếp thủ hội chúng thì tất cả đều là Bốn nhiếp sự. Hoặc có một pháp bố thí, một pháp ái ngữ, hoặc một pháp lợi hành, hoặc một pháp đồng sự nhiếp thủ mà chúng hội trong thời quá khứ có được sự nhiếp thủ cũng là Bốn nhiếp sự. Chúng hội đời vị lai được sự nhiếp thủ cũng là Bốn nhiếp sự;…” [2].

BỐ THÍ NHIẾP (DÀNA SAMGRAHA)

Bố thí nhiếp còn gọi là Bố thí tùy nhiếp phương tiện, Huệ thí,… Nghĩa là đem những gì mình có bằng vật chất lẫn tinh thần để cứu giúp người khác khi cần thiết, nhằm tạo sự thiện cảm để họ tâm phục, khẩu phục và mến mộ. Bố thí có ba phần: Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí. 
Tài thí là ban tặng, giúp đỡ về mặt vật chất để cứu giúp mọi người trong cơn hoạn nạn, thiếu thốn khó khăn. Pháp thí, Pháp là những lời dạy của Đức Phật nhưng có thể hiểu pháp ở đây là đem lời Phật dạy giúp cho nhân viên giảm bớt phiền não, căng thẳng trong công việc hoặc đem những phương pháp làm ăn, nghề nghiệp chân chính dạy cho họ, giúp họ biết sinh sống mà không làm tổn hại đến người và vật. Vô úy thí là chia sẻ cách thức để mọi người biết cách sống không lo lắng, sợ hãi nhằm đem đến bình yên hạnh phúc, giúp họ an trú trong giờ phút hiện tại. 

Người lãnh đạo thực hành Bố thí nhiếp như là cách cảm ơn nhân viên sau thời gian đã tận lực đóng góp, đem lại nhiều thành quả trong công việc. Nhân viên mỗi người một hoàn cảnh và có những khó khăn về mặt vật chất hoặc tinh thần, đa phần họ thường ngại nhờ cấp trên giúp đỡ. Vì vậy, một người lãnh đạo nên chủ động quan tâm đến từng hoàn cảnh của nhân viên mình, luôn luôn lắng nghe để giúp đỡ kịp thời. Đặc biệt, quan tâm đến các nhân viên như: Lao công, bảo vệ,… bởi đây là những người ít được tiếp cận nhất với lãnh đạo, nhưng họ là một phần không thể thiếu trong công ty. Ngoài giúp đỡ về mặt vật chất thì giáo lý Phật giáo còn đề cập đến giúp đỡ về mặt tinh thần. Khi được gỡ bỏ mọi vướng mắc, nhân viên mới có thể toàn tâm toàn ý cống hiến cho công ty. Nhưng lưu ý, người lãnh đạo cần phải thực hành Bố thí Ba la mật, đó là cách bố thí không thấy có kẻ bố thí, người được bố thí và của được bố thí.

ÁI NGỮ NHIẾP (PRIYA-VAFDITA- SAMGRAHA)

Ái ngữ nhiếp nghĩa là khéo léo dùng lời nói hòa nhã, an ủi, khuyên lơn, nói đúng sự thật, làm cho mọi người nâng cao trình độ hiểu biết mà mến phục, để rồi từ đó họ mới theo ta cùng nhau học hỏi và tu sửa.

Trong phong cách lãnh đạo, ái ngữ chính là một nghệ thuật. Tức họ sẽ biết dùng lời nói dịu dàng, hoà ái, khiêm tốn, biết điều gì nên nói và không nên nói, khiến người nghe sanh tâm hoan hỷ cảm mến, rồi từ đó thân cận với mình. Muốn có ái ngữ, người lãnh đạo phải có thái độ trầm tĩnh, nụ cười luôn trên môi. Trong giao tiếp hằng ngày giữa lãnh đạo và nhân viên, khi nói ra bất cứ điều gì cần mang tính cảm thông và xây dựng. Tùy theo trình độ, hoàn cảnh của từng nhân viên mà có lời nói cho phù hợp. Tránh vấp phải theo thói quen xưa nay là lạm dụng quyền hành để bắt ép nhân viên, đưa đến sự mất lòng tin giữa cấp trên và cấp dưới. Dĩ nhiên, quyền lực cũng cần thiết nhưng phải dùng đúng lúc, đúng chỗ, đúng nơi. Như vậy, sẽ nâng cao hình ảnh trong mắt nhân viên.

Còn nếu người lãnh đạo chỉ biết trách móc nhân viên khi họ sai lầm, không bao giờ nở một nụ cười thì chỉ khiến nhân viên cảm thấy áp lực mà không có sự kính phục. Từ đó, dẫn đến thái độ thiếu tôn trọng lãnh đạo, khó mà thu nhiếp nhân viên mình. Chính ái ngữ là công cụ đắc lực giúp người lãnh đạo dễ nhiếp phục lòng người và đủ công năng khích động kẻ khác tiến lên đến chỗ tốt đẹp. Vì vậy, một người lãnh đạo muốn có sức thuyết phục cao không thể không thực hành ái ngữ nhiếp.

LỢI HÀNH NHIẾP (ARTHA-CARYÀ-SAMGRAHA)

Lợi hành nhiếp cũng gọi là Lợi ích nhiếp, Linh nhập phương tiện, Độ phương tiện,… Nghĩa là làm lợi ích cho người bằng ý nghĩ, lời nói và hành động dấn thân phục vụ, giúp người đạt được mục đích tốt đẹp, khiến họ sinh lòng cảm mến. Đây là làm việc vì mục đích cao cả có lợi cho người, không so tính thiệt hơn, nếu không muốn nói hy sinh quyền lợi cá nhân vì người khác. Theo nghĩa này, người lãnh đạo sẽ dùng thân khẩu ý của mình làm tấm gương cho nhân viên noi theo. Nhất là về mặt chăm chỉ, sáng tạo, luôn lạc quan và có thái độ tích cực, như vậy mới xứng đáng là trụ cột của công ty khiến mọi người học hỏi và sẵn sàng nghe theo, làm theo những điều người lãnh đạo khuyên bảo.

Người lãnh đạo hành lợi cũng phải tùy thuộc vào từng đối tượng, bởi mỗi người đều có tài năng riêng. Với những nhân viên tốt thì nên thường xuyên ủng hộ, quan tâm những sáng kiến của họ, khích lệ ngay khi cần, giúp họ có thêm động lực cống hiến, thăng tiến trên con đường sự nghiệp. Nhưng muốn nhân viên có nhiều đóng góp thì phải có chế độ thưởng phạt rõ ràng. Bởi nếu được thưởng công bằng và hợp lý với những cống hiến tích cực thì nhân viên đó ngày càng có nhiều ý tưởng cải thiện năng suất cho công ty. Còn với những nhân viên có tư tưởng trái ngược, thì phải khuyên nhủ, tìm cách vực dậy tinh thần của họ, để họ phân biệt đúng sai mà sinh tâm kính phục, quay về hoàn thiện công việc của mình.

ĐỒNG SỰ NHIẾP (SAMÀNÀR-THATÀ- SAMGRAHA)

Đồng sự nhiếp hay Đồng sự tùy phương tiện, Tùy thuận phương tiện, Đồng hành,… là tạo điều kiện cùng làm chung một công việc, tạo phương tiện sống gần gũi với mọi người nhằm giúp đỡ họ làm tốt công việc ấy.

Không ai làm việc độc lập mà thành công cả, nên trong cùng công ty, phải có sự nối kết mật thiết giữa lãnh đạo và nhân viên, giữa nhân viên này với nhân viên khác. Muốn như vậy, phải đồng hành, cùng làm việc, cùng gánh vác và sẻ chia. Từ sự gần gũi đó, sẽ đưa đến tình đoàn kết, hòa thuận giữa mọi người với nhau, nếu có nghi lầm cũng dễ dàng giải đáp. Khi có sự đoàn kết thì ngại gì khó khăn, gian khổ, không sóng gió nào mà không vượt qua.

Muốn tổ chức phát triển bền vững, đầu tiên phải xây dựng mối quan hệ giữa lãnh đạo và cấp dưới thông qua việc trao đổi, đồng cảm, khuyến khích, động viên, nâng cao tinh thần và ý thức làm việc của nhân viên nhằm đi đến mục tiêu chung của tổ chức.

Một chính sách tốt là chính sách bắt nguồn từ thực tiễn, từ sự lắng nghe, biết đặt mình vào vị trí của người khác. Người lãnh đạo có tầm nhìn không bao giờ đứng trên ban lệnh xuống, mà luôn đồng hành cùng nhân viên của mình. Khi có lợi giữa đôi bên thì doanh nghiệp mới tồn tại và phát triển bền vững. Bởi trong công việc, có những điều rất đa dạng, khó lường, khó dự báo hết được. Cho nên, người lãnh đạo phải chủ động đồng hành cùng nhân viên và chính Đồng sự nhiếp sẽ là phương pháp có lợi ích cho người lãnh đạo và nhân viên.

Có thể thấy, Đồng sự nhiếp là phương pháp hiệu quả nhất để nhiếp hóa mọi người. Các nhiếp trên chỉ gián tiếp cảm hóa nhân viên chứ không ảnh hưởng trực tiếp như đồng sự. Điều đó không có nghĩa mỗi nhiếp đều tồn tại độc lập, mà trong khi thực hành một nhiếp cần có cả ba nhiếp còn lại. Như vậy, pháp môn này có tính tương tức, tương nhập, hỗ trợ nhau trong vấn đề cảm phục rất hữu hiệu. Mỗi phương pháp nhiếp hóa sẽ chú trọng đến từng đối tượng nhưng chủ yếu vẫn bắt đầu từ bản thân người nhiếp hóa tức nhà lãnh đạo.

LỢI ÍCH CỦA VIỆC THỰC HÀNH TỨ NHIẾP PHÁP ĐỐI VỚI NGƯỜI LÃNH ĐẠO 

Người lãnh đạo biết thực hành Tứ nhiếp pháp trước hết là một người gương mẫu. Mỗi lời nói hay hành động đều là một hạt giống thiện gieo vào ruộng phước mà sau này sẽ gặt được những kết quả quý báu, tốt lành. Bên cạnh đó, khi thực hành Tứ nhiếp pháp, người lãnh đạo sẽ nâng cao uy tín cá nhân, những lời nói, việc làm đều được thông cảm, tán thành, mến phục. Từ đó dễ dàng thu hút nhân tâm. Quan trọng là được sự tuân thủ, trung thành và ủng hộ của cấp dưới nên dễ thành tựu trong công việc. Chỉ khi cấp dưới có niềm tin và kính phục cấp trên, người đó mới có thể lãnh đạo được tập thể. Chính từ sự gương mẫu với bản tính tốt đẹp đó sẽ khiến cấp dưới làm việc có trách nhiệm hơn. Nếu một tổ chức có nhiều người như vậy thì chắc chắn sẽ phát triển bền vững và tiếng tốt từ sự thực hành bốn nhiếp này của người lãnh đạo cũng lan rộng như lời Phật dạy: 

“Viên toàn nhiếp sự ấy,
Phước hựu thật huy hoàng, 
Chiếu xa như ánh nhật
Tiếng tốt truyền đi nhanh” [3].

VẬN DỤNG TỨ NHIẾP PHÁP VÀO VIỆC ỨNG PHÓ TRƯỚC ĐẠI DỊCH 

Quan tâm đến đời sống người lao động

Thời gian qua, diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đã gây khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Là một người lãnh đạo, trước tiên phải sát cánh, đồng lòng, chung tay chăm lo đời sống của những người lao động khó khăn, không bỏ mặc họ bơ vơ trong mùa dịch, đó mới là bản lĩnh của người đứng trước đầu sóng. Bởi qua mùa dịch, chính người lao động sẽ là nhân tố vực dậy doanh nghiệp.

Những công ty vẫn đang hoạt động thì cố gắng giúp đỡ nhân viên về thực phẩm, dụng cụ y tế, hỗ trợ chi phí sinh hoạt. Đồng thời, chấp nhận gia tăng chi phí để bổ sung 3 tại chỗ và các biện pháp phòng, chống dịch.

Đối với những công ty tạm ngưng hoạt động, người lãnh đạo nên tìm cách hỗ trợ nhân viên. Bởi, có nhiều người lao động còn mang trên mình gánh nặng kinh tế khi phải nuôi dưỡng cha, mẹ, con cái ở quê, trong bối cảnh sống xa quê phải ở trọ, không có việc làm, tiền bạc cạn kiệt. Với tình hình này, người lãnh đạo phải tìm cách hỗ trợ và động viên, an ủi cho người lao động gặp khó khăn, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, đảm bảo đời sống và an toàn cho họ. Đây chính là tinh thần Bố thí nhiếp và Ái ngữ nhiếp. 
Có thể thấy, khi nhân viên cảm thấy mình được cấp trên quan tâm tận tình, họ sẽ không rời bỏ công ty, dù trong lúc khó khăn. Thực tế, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều công ty phải cho người lao động làm việc luân phiên, bố trí công việc không đúng chuyên môn, giảm thu nhập, tuy vất vả hơn nhưng nhiều lao động vẫn cảm thấy vui vẻ bởi họ ý thức rằng nhờ chính sách đãi ngộ tốt của công ty mà cuộc sống ngày một tốt lên. Vì vậy, trong giai đoạn khó khăn này, người lao động càng phải chăm chỉ hơn, đem lại hiệu suất lao động cao hơn, chung tay cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh. Đây chính là kết quả tốt đẹp khi người lãnh đạo biết thực hành Bố thí nhiếp và Ái ngữ nhiếp.

SÁNG TẠO LÈO LÁI CÔNG TY VƯỢT KHÓ KHĂN VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM 

Sau khi quan tâm, hỗ trợ người lao động, về lâu dài, người lãnh đạo phải tìm cách lèo lái công ty vượt qua giai đoạn khó khăn. Theo ý nghĩa lợi hành và Đồng sự nhiếp, tức là thấu hiểu tâm tư, hoàn cảnh cấp dưới đang rất khó khăn. Đặt mình vào tình thế đó, người lãnh đạo thay vì loay hoay tìm lối thoát đại dịch, thì họ tìm cách thích nghi với hoàn cảnh để đưa ra những giải pháp và chiến lược kinh doanh phù hợp. Tất cả nhằm duy trì hoạt động của doanh nghiệp và tạo điều kiện cho người lao động tiếp tục cống hiến, tránh rơi vào tình thế sau khi được nới lỏng giãn cách, lại gặp khó khăn trong việc khởi động một hệ thống lâu ngày không chạy. Điển hình là các đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã chuyển đổi quy trình sản xuất, sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh. Không chỉ sản xuất hàng may mặc thông thường mà còn tham gia sản xuất nguyên liệu vải kháng khuẩn dành để may khẩu trang, các dòng sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn riêng của doanh nghiệp và bán trên toàn hệ thống bán lẻ toàn quốc.

Do vậy, nếu người lãnh đạo biết nhìn vào hướng tích cực và bắt kịp tâm lý xu hướng tiêu dùng người dân hiện nay để chuyển đổi sang các sản phẩm mà xã hội đang cần, vừa duy trì hoạt động vừa tạo việc làm cho người lao động. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể bền vững trong mùa dịch và phát triển khi xã hội ổn định trở lại.

Bên cạnh đó, để đem lại lợi ích cho mọi người với ý nghĩa Lợi hành nhiếp, không thể không kể đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Các mặt hàng thiết yếu mùa dịch này ồ ạt sản xuất để cung cấp cho thị trường thì cũng nên chú trọng hơn vào chất lượng, bởi đây là thời điểm rất nhạy cảm, người dân không làm ra tiền mà phải mua hàng với giá cao nên sản phẩm kém chất lượng sẽ bị lên án nặng nề. Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Đà Nẵng yêu cầu tạm ngừng hoạt động cung ứng thực phẩm do vừa bị người dân phản ánh việc giao thịt kém chất lượng. Dù chưa biết được nguyên do, nhưng việc siết chặt khâu quản lý, nâng cao chất lượng thay vì tập trung vào số lượng sẽ đưa đến niềm tin cho người tiêu dùng hơn.

VỀ PHƯƠNG DIỆN XÃ HỘI 

Theo tinh thần Lợi hành nhiếp, người lãnh đạo tốt luôn hướng nhân viên đến những điều tốt đẹp và có trách nhiệm với xã hội, tạo ra những giá trị chia sẻ đến cộng đồng. Thời điểm hiện tại, cùng với sự tiên phong của lực lượng tuyến đầu, các doanh nghiệp Việt cũng đang kêu gọi toàn thể nhân viên vững lòng để chiến đấu trên cả hai mặt trận: Phát triển kinh tế và chống dịch. Nhiều doanh nghiệp đã ủng hộ tiền và các trang thiết bị y tế cấp thiết cho công tác phòng chống dịch COVID-19 trên toàn quốc, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân và lực lượng tuyến đầu chống dịch tại nhiều tỉnh, thành Việt Nam. Chính sự đồng cảm và muốn đồng hành cùng người dân vượt qua đại dịch, người lãnh đạo đã tạo ra những công việc thiện nguyện này, vừa san sẻ phần nào khó khăn với người dân vừa khơi gợi hạt giống thiện lành trong mỗi nhân viên.

Tóm lại, để phát triển bền vững trong kinh doanh, trước tiên phải đến từ sự cố gắng, đoàn kết của cả tổ chức. Người lãnh đạo phải là người tiên phong để tạo ra sự đoàn kết đó bằng cách thực hành Tứ nhiếp pháp. Nếu áp dụng được như thế thì lời dạy của Đức Phật không chỉ có giá trị là bản Kinh được cầu nguyện trong chốn Thiền môn, mà còn là đạo lý để sống, để giải quyết vấn đề của con người và xã hội. Tứ nhiếp pháp là “bốn phương pháp đắc nhân tâm” hỗ trợ đắc lực cho người lãnh đạo để nhiếp hóa, cảm phục lòng người một cách có lợi ích thiết thực mà vẫn giữ được triết lý sống của Đạo Phật. Việc một nhà lãnh đạo biết áp dụng Tứ nhiếp pháp vào công tác điều hành, vừa giúp hoàn thành tư cách đạo đức của người dẫn đường, vừa tạo ra sự phối hợp nhịp nhàng giữa cấp trên và cấp dưới, mang lại lợi ích cho lãnh đạo và người lao động. Có được hai yếu tố này, doanh nghiệp mới tạo ra nhiều thành tựu to lớn. Đây chính là nền tảng tạo nên phong cách lãnh đạo phát triển bền vững mà giáo lý Tứ nhiếp pháp mang lại.

 

Thông Bảo/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 375VƯỢT SÓNG CẢ - VỮNG TAY CHÈO

 

Chú thích:

[1] Thích Quảng Độ dịch (2014), Phật Quang Đại từ điển, Nxb Phương Đông, TP HCM, tr.7507.
[2] VNCPHVN (1994), kinh Tạp A-hàm, Kinh số 669, quyển 26, tr.655.
[3] VNCPHVN (1994), Kinh Trung A-hàm, kinh số 135, tr.270.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin