Chi tiết tin tức

Phát huy vai trò của Phật giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

20:44:00 - 04/11/2022
(PGNĐ) -  Các tôn giáo trên thế giới và ở Việt Nam đều lấy con người làm trung tâm, thông qua tôn chỉ hoạt động, giáo lý để giáo huấn tín đồ mở rộng tình thương yêu, sống vị tha, bao dung, hoà hợp, đoàn kết và tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ sự cân bằng, hài hòa sinh thái và vươn tới chân – thiện – mỹ.

Vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và nguồn nước… hiện đã trở thành vấn đề lớn toàn cầu, không một quốc gia nào đủ sức tự giải quyết, mà cần có sự tham gia của cả cộng đồng thế giới. Đối với Việt Nam, dù Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn với nhiều nỗ lực, đồng thời đạt được kết quả bước đầu quan trọng về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng chúng ta vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ở một số khu vực thành thị, nông thôn, khu công nghiệp và làng nghề; tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức. Theo cảnh báo của các chuyên gia môi trường thế giới, trong 10 năm tới, GDP Việt Nam có thể tăng gấp đôi, nhưng nếu không quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, trung bình tăng thêm 1% GDP thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi khoảng 3% GDP. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, nặng nề với nước ta khi phải tập trung đồng thời phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; xem bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững.

Giáo hội đẩy mạnh việc tuyên truyền, thuyết giảng trong quần chúng nhân dân, Phật tử về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mối liên hệ mật thiết giữa con người với thế giới tự nhiên qua giáo lý Duyên khởi và Vô ngã, từ đó gây dựng niềm tin về một đạo đức ứng xử “thiện” với tự nhiên, môi trường nhằm tiến tới một thế giới chung an bình, tốt đẹp, để Tăng Ni, Phật tử chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi, sống có trách nhiệm với xã hội, góp phần thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác môi trường.

Thực tế vẫn còn tình trạng coi trọng các lợi ích phát triển kinh tế trước mắt hơn nhiệm vụ bảo vệ môi trường bền vững lâu dài. Mặt khác, công tác bảo vệ, khắc phục hậu quả môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu cần có nguồn lực không nhỏ, trong khi nguồn vốn đầu tư cho phát triển còn hạn hẹp. Vì vậy, trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2016 – 2020, nước ta xem bảo vệ môi trường là nội dung quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh và hướng tới người dân, nhằm phát triển bền vững và bảo vệ sức khỏe, thể chất của nhân dân.

GIÁO LÝ PHẬT GIÁO CHÚ TRỌNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Các tôn giáo trên thế giới và ở Việt Nam đều lấy con người làm trung tâm, thông qua tôn chỉ hoạt động, giáo lý để giáo huấn tín đồ mở rộng tình thương yêu, sống vị tha, bao dung, hoà hợp, đoàn kết và tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ sự cân bằng, hài hòa sinh thái và vươn tới chân – thiện – mỹ. Là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong những năm qua, Phật giáo Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc, sẻ chia trách nhiệm xã hội, tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và những ban ngành, đoàn thể phát động; góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đức Phật là bậc đạo sư đại giác ngộ đã đem đến cho nhân loại thông điệp về hòa bình, sự hòa hợp, an lạc tâm hồn giữa con người, vũ trụ xung quanh, môi trường tự nhiên và xã hội. Ngay từ khi ra đời cách đây hơn 26 thế kỷ, Đức Phật đã dạy các đệ tử về tầm quan trọng của môi trường và bảo vệ môi trường. Trong Kinh A Hàm, phẩm Kinh Lâm có dạy: “Tỳ kheo nương vào một khu rừng để ở. Vị ấy nghĩ rằng: Ta nương vào khu rừng này để ở, chưa có chính niệm sẽ được chính niệm; tâm chưa định sẽ được định; nếu chưa giải thoát sẽ được giải thoát, các lậu chưa diệt tận sẽ được diệt tận; chưa chứng đắc Niết bàn an ổn vô thượng thì sẽ chứng đắc Niết bàn… Này các Tỳ kheo phải bảo vệ môi trường tự nhiên trong sạch”. Như vậy, Đức Phật đã dạy các đệ tử ý thức bảo vệ thiên nhiên, nếu ai tác động tiêu cực đến môi trường là đồng nghĩa với việc hủy hoại nơi tu tập, cũng là điều kiện để chúng sinh tồn tại, thì toàn bộ quá trình chứng đắc sẽ không diễn tiến như mong đợi.

Ngoài ra, chúng ta còn thấy một số lời dạy của Đức Phật trong các kinh điển nguyên thủy liên quan đến việc bảo vệ môi trường, như trong Kinh Anguttara Sutra, Ngài dạy rằng: “Trồng cây cho ta bóng mát, ngoài việc thanh lọc không khí, nó còn bảo tồn Trái Đất, đó là điều lợi lạc cho tất cả mọi người và cho cả bản thân ta”. Hoặc Kinh Vinaya-matrka-sastra dạy rằng: “Một Tỳ kheo trồng ba loại cây: cây ăn trái, cây cho hoa và cây cho lá để cúng dường Tam bảo thì sẽ ân hưởng sự gia trì và sẽ không phạm tội”, hoặc: “Có năm loại cây mà một người không được chặt, đó là cây bồ đề, cây thuốc, những cây lớn mọc bên đường, cây trong rừng xứ lạnh và cây đa”. Đức Phật cũng khuyên mọi người không nên lãng phí, mà phải biết trân quý tài nguyên. Ngài đã cống hiến cho nhân loại một học thuyết vô cùng giá trị, đó là học thuyết Duyên khởi. Lý Duyên khởi khẳng định mối tương quan giữa các hiện tượng tự nhiên, nhân sinh và vũ trụ: Cái này có thì cái kia có; cái này sinh thì cái kia sinh; cái này diệt thì cái kia diệt. Các pháp tùy thuộc vào nhau mà sinh khởi, hủy hoại thiên nhiên đồng nghĩa với hủy hoại môi trường sống của con người.

Nhất quán với triết lý Duyên khởi, Vô thường, Vô ngã,… Phật giáo luôn đặt con người trong mối quan hệ phổ biến với thế giới. Thuyết Duyên khởi cho rằng, sự hình thành và phát triển của con người cũng là sự kết hợp nhân duyên của điều kiện tự nhiên, xã hội, tâm-sinh lý. Đó là sự kết hợp của các yếu tố vật chất (tứ đại: Đất, Nước, Lửa, Khí) và các yếu tố tinh thần (Thọ, Tưởng, Hành, Thức). Do vậy, từ góc độ tự nhiên, con người và giới tự nhiên vốn có mối quan hệ hữu cơ bền chặt. Con người không thể tồn tại được nếu không có thiên nhiên, môi trường. Môi trường là điều kiện cho sự sống con người. Khi môi trường bị phá hoại, sự sống con người cũng bị tổn thương, đe dọa. Phật giáo ý thức rằng, con người phải đối xử với tự nhiên theo nguyên tắc trung đạo, phải sống dựa vào tự nhiên, bảo tồn tự nhiên để tồn tại. Giáo lý nhà Phật khuyên con người phải sống từ bi, tránh tham – sân – si, không tạo nghiệp ác, dưỡng nghiệp thiện, tránh sát sinh, sống thân thiện với môi trường.

Theo đạo Phật, con người là chủ nhân của hành tinh có cấu trúc thân vật lý với bốn yếu tố, gọi là tứ đại gồm: Đất – Nước – Gió – Lửa. Do vậy, việc bảo vệ môi trường đất, môi trường nước, môi trường gió, môi trường lửa chính là bảo vệ sự sống của con người và muôn loài. Nếu môi trường đất – nước – gió – lửa bị ô nhiễm thì theo luật nhân quả sẽ tác động lại chính cuộc sống con người. Phật giáo rất coi trọng sự trong lành của đất và môi trường tự nhiên, vì màu áo mà chư tôn đức Phật giáo, Phật tử thường mặc là màu áo lam, màu nâu, màu vàng đều là màu của đất,… Đó là chiếc áo tinh khiết, nhẫn nại và biết ơn đất, môi trường sống của con người và muôn loài. Phật giáo, rất coi trọng sự tinh khiết, thuần nhất của môi trường nước. Phật giáo thường lấy hình ảnh nước như dòng suối mát “nước cam lồ” tưới tắm tâm hồn. Do vậy, nếu nguồn nước bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng rất trầm trọng đến môi trường sống của con người và muôn loài. Phật giáo rất coi trọng tầm quan trọng của môi trường gió, thực tế như chúng ta biết gió – không khí là điều kiện cơ bản để con người xuất hiện trên Trái Đất. Trong cơ thể con người, chỉ cần ngừng hơi thở là chết, sự sống chấm hết. Do vậy, nếu trong tự nhiên, gió giúp điều hòa không khí, nếu gió bị ô nhiễm sẽ khiến môi trường sống bị hủy hoại.

CÁC HOẠT ĐỘNG THIẾT THỰC BÀO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Với tinh thần đó, năm 2015, tại Hội nghị toàn quốc phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Phật giáo Việt Nam đã cùng với các tổ chức tôn giáo ký kết chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên – Môi trường và 40 tổ chức tôn giáo trong cả nước.

Sau khi ký kết chương trình phối hợp ở Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đưa những nội dung của này vào chương trình hoạt động Phật sự hàng năm của các ban, ngành, viện Trung ương và hoạt động của Ban Trị sự Phật giáo địa phương. Đến nay, 63 Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh/thành phố trong cả nước đã tham gia ký kết chương trình phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh/thành. Nhiều địa phương đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp 3 bên (Mặt trận, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam) đến cấp huyện, tạo ra sự chuyển biến đồng bộ về nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong Tăng Ni, Phật tử cả nước.

Giáo hội đã phát động và tổ chức thực hiện nhiều phong trào như: phong trào trồng cây, gây rừng trong Tăng Ni, Phật tử và nhân dân nhằm trả lại màu xanh cho tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu thiên tai lũ lụt, hạn hán… Giáo hội đã kêu gọi “người người trồng cây, nhà nhà trồng cây”, thế giới trồng cây để đem lại màu xanh cho Trái Đất, góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường, giảm thiểu thiên tai lũ lụt, hạn hán… tiến hành chương trình “Trồng cây hoa ngọc lan tại các chùa, di tích ở 9 tỉnh Đồng bằng sông Hồng và vùng phụ cận” từ ngày 11-15/5/2016. Chương trình đã thực hiện trồng 1.000 cây hoa ngọc lan tại các di tích lịch sử, đền, chùa tạo môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho các khu di tích. Chương trình “Chung tay trồng rừng Việt Nam” do Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Trung tâm Phát triển Thế giới thêm xanh thực hiện trong năm 2019 đã trồng và trao tặng gần 2 triệu cây giống lâm nghiệp cho hộ nghèo vùng bị cháy rừng ở các tỉnh miền Trung như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên… Giáo hội đã phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chương trình phóng sinh bảo vệ môi trường sống cho các loài. Chương trình góp phần phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các Tăng Ni, Phật tử về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong thực hành nghi lễ phóng sinh tu phúc trong Phật giáo.

Giáo hội lồng ghép phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong các trường hạ, khóa tu, các buổi học chính khóa, chương trình sinh hoạt ngoại khóa của Tăng Ni sinh tại các trường đào tạo Phật học; có văn bản hướng dẫn Tăng Ni trụ trì các tự viện, nhất là các tự viện là di tích lịch sử – văn hóa thực hiện việc tổ chức lễ hội văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức; hướng dẫn đồng bào Phật tử loại bỏ mê tín dị đoan, không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam; giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội; lan tỏa giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo bạn; tổ chức nhiều hội thảo về chủ đề bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Giáo hội đẩy mạnh việc tuyên truyền, thuyết giảng trong quần chúng nhân dân, Phật tử về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mối liên hệ mật thiết giữa con người với thế giới tự nhiên qua giáo lý Duyên khởi và Vô ngã, từ đó gây dựng niềm tin về một đạo đức ứng xử “thiện” với tự nhiên, môi trường nhằm tiến tới một thế giới chung an bình, tốt đẹp, để Tăng Ni, Phật tử chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi, sống có trách nhiệm với xã hội, góp phần thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác môi trường. Ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo việt Nam đã ra mắt chuyên mục “Phật giáo và môi trường bền vững” và đẩy mạnh công tác truyền thông trên các trang thông tin Giáo hội như: phatgiao.org.vn, Giác Ngộ Online, Phật Sự Online, Mạng xã hội Phật giáo Butta và kênh Truyền hình An Viên… 

Giáo hội chú trọng kiến tạo không gian xanh, thanh tịnh ở những nơi thờ tự để gắn kết con người với tự nhiên, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng phong trào “trồng cây phúc đức”, “trồng cây trí đức” hàng năm vào các dịp lễ hội Phật giáo, lễ tết dân tộc, thay cho tục lệ “hái lộc”, “bẻ lộc”; kêu gọi chuyển đổi hình thức đóng góp tiền từ thiện cho việc xây dựng “chùa lâm viên” thay cho hình thức bố thí tiền gạo hoặc phóng sinh chim cá; kêu gọi xây dựng lối sống thân thiện với môi trường ngay trong cộng đồng dân cư như: “sạch và đẹp từ bàn thờ, trong nhà, ra ngoài sân, đến đường đi và cùng khắp đất nước”. Thực hiện tiết kiệm nguồn nước, trồng cây xanh, tham gia quét dọn vệ sinh tại nơi cư trú và các khu dân cư. Các tự viện Phật giáo cũng thường xuyên tổ chức khóa tu cho Phật tử với nhiều nội dung phong phú, trong đó vấn đề bảo vệ môi trường cũng được các vị lãnh đạo Giáo hội, Tăng Ni thuyết giảng, tuyên truyền cho Phật tử như một nội dung quan trọng, thường xuyên trong hoằng pháp. Giáo hội các cấp đã biên tập những kiến thức về bảo vệ môi trường theo quan điểm Phật giáo, để từ đó có những ứng dụng, thực hành ngay trong cuộc sống thường ngày và khuyến khích mọi người cùng chung tay hành động vì môi trường.

Ngoài ra, lối ăn chay, không sát sinh trong truyền thống Phật giáo không chỉ như hành động tu dưỡng để kiểm soát Tham – Sân – Si (xét theo mức độ Thân – Khẩu – Ý) của bản thân để đạt tới giải thoát, giác ngộ, mà còn được quy thành “tính thiện” tự giác, từ bi, vị tha của Phật tử. Tinh thần ăn chay, “bất sát” của Phật giáo rất gần tới ý thức về đạo đức môi trường hiện đại khi chuẩn hóa lối sống ứng xử thân thiện với môi trường thành giá trị đạo đức của con người giác ngộ.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chỉ đạo xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả mô hình điểm tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, gồm: 4 mô hình điểm ở cấp Trung ương (chùa Pháp Vân – Hà Nội, chùa Pháp Bảo – TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm hỗ trợ Cộng đồng Hải Đức – TP. Huế và hệ thống Tông phong Tịnh Độ Non Bồng) và nhiều mô hình ở các địa phương.

Chùa Pháp Vân

Đã tập trung phát triển nguồn nhân lực, thành lập được 3 câu lạc bộ chuyên hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tuyên truyền thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong quần chúng tín đồ (CLB An Lạc, CLB Môi Trường Xanh; CLB Pháp Vân Xanh). Các câu lạc bộ được tổ chức, hoạt động chuyên nghiệp, nề nếp, thu hút nhiều thành phần xã hội tham gia hưởng ứng. Tổ chức nhiều buổi truyền thông, thuyết giảng cho Phật tử, người dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm; liên kết với các trường học, Đoàn Thanh niên để thường xuyên truyền thông các chủ đề về bảo vệ môi trường cho các đạo tràng Phật tử sinh hoạt tại chùa; tham gia vệ sinh những nơi công cộng như công viên, bệnh viện, bến xe, trường học… Phối hợp với chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể phường Hoàng Liệt tổ chức 5 chiến dịch Xanh – Sạch – Đẹp: phát động phong trào thu gom, phân loại, xử lý rác thải, trồng cây xanh, truyền thông cho Phật tử và nhân dân trong vùng nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường, nói không với thực phẩm bẩn (mỗi chiến dịch có từ 50 đến 100 Phật tử và nhân dân tham gia hưởng ứng); Tổ chức các đợt gây quỹ để hỗ trợ đồng bào miền Trung gặp thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra. Đặc biệt, mô hình điểm ở chùa Pháp Vân đã phát động và tổ chức sự kiện “Ngày An lạc” định kỳ vào chủ nhật tuần đầu hàng tháng, trong đó nhấn mạnh đến giải pháp “Ăn chay, sống xanh, bảo vệ môi trường”, tăng số ngày ăn chay trong tuần/tháng… Có thể nói, đây là một giải pháp kép cho vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay và bảo vệ môi sinh; giải pháp này phù hợp với xu thế ăn chay để bảo vệ môi trường ở Việt Nam và trên thế giới. Văn hóa ăn chay của Tăng Ni, Phật tử dần trở thành một giải pháp đơn giản mà hữu ích đối với vấn đề môi trường. Sự kiện “Ngày An lạc” đã truyền bá, phổ biến những tác dụng của việc thực hành ăn chay đối với môi trường, giúp cải tạo và cân bằng cuộc sống mỗi người. Việc không sử dụng những sản phẩm từ động vật sẽ giúp một số loài tránh khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Việc chủ trương ăn chay trong cộng đồng Phật giáo do chùa Pháp Vân khởi xướng không chỉ đem lại những lợi ích thiết thực cho người phát tâm thực hiện, tạo chuyển biến trong suy nghĩ của mọi người về vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường mà còn trở thành cách thức hiệu quả, khả thi nhất để bảo vệ môi trường sống, chống biến đổi khí hậu, bảo đảm tương lai tốt đẹp cho thế hệ mai sau.

Chùa Pháp Bảo

Là mô hình điểm của Phật giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại miền Nam. Mô hình đã thực hiện các chương trình tập huấn nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho các tình nguyện viên, Phật tử và Ban Điều hành khu phố các phường trên địa bàn quận Gò Vấp (TP HCM). Chùa đã phối hợp với Ủy ban MTTQ VN quận Gò Vấp tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường cho hơn 400 Phật tử các chùa trên địa bàn quận Gò Vấp và quận 5. Đồng thời, tổ chức chiếu phim về bảo vệ môi trường – giảm thiểu sử dụng túi nilon; phát tờ rơi tuyên truyền ứng phó với biến đổi khí hậu cho Phật tử, người dân trong khu dân cư, một số tiểu thương ở các chợ trên địa bàn quận Gò Vấp; xây dựng mô hình “Khu phố xanh” tại khu phố 13 (phường 11); tổ chức 6 chương trình Trà Đàm gây quỹ, buffet gây quỹ hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt và tạo nguồn quỹ cho các chương trình hỗ trợ giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Chùa Hải Đức

Đã kết hợp với Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NCA) cùng thực hiện dự án xây dựng năng lực cho cộng đồng để giảm thiểu rủi ro của biến đổi khí hậu, với các hoạt động tích cực và cụ thể, như: Thành lập ban điều phối cứu hộ, cứu trợ có khả năng ứng cứu khẩn cấp với biến đổi khí hậu, đồng thời việc kết hợp chặt chẽ các tổ chức xã hội đã giúp các hoạt động mang tính xã hội sâu rộng hiệu quả hơn. Đồng thời, triển khai thành công dự án biết bơi để giảm rủi ro thiên tai; vận động nguồn lực từ cộng đồng để tặng các suất học bổng và xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, phát quà tại bệnh viện, thăm hỏi và tặng quà cho các bà con vùng lũ.

MÔ HÌNH CỦA TÔNG PHONG TỊNH ĐỘ NON BỒNG

Trong nhiều năm qua, hệ thống tự viện của Tông phong Tịnh độ Non Bồng ở nhiều địa phương đã tiếp nhận và ký kết giao ước tự trồng rừng, phủ xanh đồi trọc với diện tích hơn 1.000 ha tại các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai… 

Trong Thông điệp gửi Liên Hiệp quốc về biến đổi khí hậu, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết: “Dù thuộc quốc tịch nào, nền văn hóa nào, dù theo tôn giáo nào – Phật tử, tín đồ Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo hay người theo chủ nghĩa vô thần – thì ta cũng có thể thấy Trái Đất không phải là một vật vô tri. Trái Đất đã cho ra đời nhiều vị Bụt, Bồ tát, những nhà tiên tri, những vị Thánh, những người con trai, con gái của Thượng đế và loài người. Trái Đất là một bà mẹ đã nuôi dưỡng, bảo vệ mọi người và mọi loài với một tình thương không phân biệt, không kỳ thị. Khi nhận ra Trái Đất không chỉ là môi trường, chúng ta sẽ thấy cần phải bảo vệ trái đất như là bảo vệ chính mình. Đó là một sự tỉnh thức, một sự giác ngộ mà ta cần phải có. Tương lai của hành tinh này tùy thuộc vào khả năng chúng ta có thể nuôi lớn tuệ giác đó hay không. Trái Đất và các chủng loại sống trên đó đang ở trong tình trạng nguy hiểm thật sự. Nếu xây dựng được mối liên hệ sâu sắc với Trái Đất thì ta sẽ có tình thương, có sức mạnh và tuệ giác để thay đổi lối sống của mình…

Chỉ khi nào ta yêu đất mẹ thật sự thì hành động của ta mới phát xuất từ sự tôn kính và từ tuệ giác tương tức. Hiện nay rất nhiều người đang đánh mất liên hệ với đất mẹ. Chúng ta bị lạc lối, xa cách và cô đơn. Chúng ta làm việc quá nhiều. Đời sống của ta quá bận rộn. Tâm ta trở nên bất an, tán loạn và ta đánh mất mình trong sự tiêu thụ. Nhưng đất mẹ luôn có mặt đó cho ta, hiến tặng cho ta những thứ cần thiết cho sự nuôi dưỡng và trị liệu: những hạt ngũ cốc màu nhiệm, những dòng nước mát trong, những cánh rừng thơm ngát, những đỉnh núi tuyết hùng vĩ và tiếng chim hót tươi vui của buổi bình minh…

Hạnh phúc có thể có được bây giờ và ở đây. Chúng ta không cần phải tiêu thụ thật nhiều mới có thể hạnh phúc. Thật ra ta có thể sống rất giản dị. Nếu có chánh niệm thì mỗi giây phút đều có thể trở thành một giây phút hạnh phúc. Thưởng thức một hơi thở, cho phép mình dừng lại để ngắm bầu trời xanh, thưởng thức trọn vẹn sự có mặt của một người thương, chỉ như vậy thôi cũng đã quá đủ để cho ta hạnh phúc. Mỗi người trong chúng ta cần phải trở về để kết nối lại với chính mình, với những người thương của mình và với trái đất. Tiền bạc, uy quyền và sự tiêu thụ không cho ta hạnh phúc, mà ta chỉ có hạnh phúc thực sự khi trong trái tim ta tràn đầy tình thương và sự hiểu biết… 

Chúng ta phải tiêu thụ như thế nào để nuôi dưỡng lòng từ bi trong ta. Hiện nay, những khu rừng đang bị tàn phá để làm đồng cỏ nuôi gia súc lấy thịt hay để trồng ngũ cốc làm rượu, trong khi hàng triệu người trên thế giới đang chết đói. Nếu ta giảm ăn thịt và uống rượu xuống 50%, đó là một hành động thương yêu chính mình, thương yêu Trái Đất và những loài khác. Ăn với lòng từ bi có thể giúp thay đổi tình trạng mà hành tinh của ta đang lâm vào, thiết lập lại sự cân bằng cho chúng ta và Trái Đất”.

Hòa thượng Thích Phổ Tuệ – Cố Đệ tam Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gửi đi thông điệp về vấn nạn môi trường và gửi lời kêu gọi bảo vệ môi trường đối với tất cả Phật tử nhân ngày Phật đản năm 2011: “Thế giới nói chung và đất nước ta nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn tác hại do ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, môi trường, nguồn tài nguyên ngày một cạn kiệt, nhiệt độ trái đất gia tăng, hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh, sóng thần, động đất, nước biển dâng,… đang là những thảm họa đe dọa đến sự an nguy của sự sống con người. Hơn lúc nào hết, tôi kêu gọi mỗi Tăng Ni, Phật tử chúng ta cần phải hiểu rõ bản chất của giáo lý Phật đà về luật vô thường, về tôn trọng sự sống và mối liên hệ hữu cơ giữa con người và thiên nhiên, để chung tay với cộng đồng xã hội bảo vệ môi trường xã hội và sự an nguy của trái đất, đó là việc làm thiết thực để kính dâng ngày đản sinh Đức Từ Phụ của chúng ta”.

KẾT LUẬN

Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, cần hoạch định phương thức giáo dục và giúp Phật tử hình thành thói quen tự giác với những hệ quả của hành vi bản thân đối với môi trường, coi đó như là cách thức để tích nghiệp thiện. Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự sống cho chúng ta hôm nay và thế hệ mai sau. Do đó, việc tuyên truyền, vận động đông đảo Tăng Ni, Phật tử và nhân dân cả nước gắng sức, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Xem đây là nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa to lớn, nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, thực thi cam kết hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và cổ súy những giá trị phổ quát của thế giới.

 

ThS. Hà Thị Xuyên/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 400

Chú thích:

* Thạc sĩ Hà Thị Xuyên – Chuyên viên chính, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2015), Thông điệp tại Hội nghị toàn quốc “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.”

2. Thích Nhất Hạnh (2015), Thông điệp gửi đến Liên Hiệp Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu.

3. Thích Phổ Tuệ (2011), Thông điệp Phật đản 2011.

4. Thích Trí Quảng (2011), Phật giáo và môi trường sinh thái.

5. Lê Văn Tâm (1995), Đạo Phật đối với vấn đề phát triển lâu bền và bảo vệ môi trường.

6. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (2021), Báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin