Chi tiết tin tức Sự đớn đau của những chú rùa biển và lời kêu gọi tha thiết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 09:22:00 - 19/06/2019
(PGNĐ) - Thủ tướng đề nghị từng cơ quan, đơn vị có chương trình, kế hoạch thực hiện ngay các hoạt động cụ thể chống rác thải nhựa như hạn chế, tiến đến không dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong cơ quan, đơn vị; hạn chế sử dụng kinh phí Nhà nước mua sắm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần...
Sự đớn đau của những chú rùa bị mắc vào rác thải trên biển Nếu yêu và chịu khó tìm hiểu về thiên nhiên bạn sẽ biết cơ hội để sống sót của một chú rùa con kể từ khi là những quả trứng được mẹ rùa đẻ ra và vùi trong cái tổ cát ở bờ biển cho đến lúc nở rồi tìm đường về biển khơi và trưởng thành là 1/1000, thậm chí là 1/10000. Một con rùa biển từ khi còn nhỏ xíu, trong khi bơi lội đã bị chiếc vòng nhựa vốn được đeo trên cổ tay con người mắc ngang thân. Không thể thoát nổi, 19 năm đằng đẵng sau đó, khi rùa đã trưởng thành, mọi thứ đều đổi thay, từ kích cỡ, màu sắc, độ cứng cáp của con rùa biển, duy chỉ có chiếc vòng nhựa là vẫn thế, vẫn mắc ngang thân con rùa tội nghiệp. Chiếc vòng không lớn lên cùng con rùa, cũng không mất đi, nó siết chặt phần mai rùa, làm cả thân mình rùa biển bị biến dạng thành hình số 8 với chiếc vòng nhựa thắt chẹn ở giữa khi năm tháng dần trôi qua. Đó không phải là con rùa duy nhất bị đau khổ vì con người, một con rùa xanh nặng 23kg đã được tìm thấy trên bờ biển Struisbaai (Cape Town, Nam Phi) trong tình trạng khó thở. Qua khám nghiệm, các bác sĩ lôi được mẩu ống hút nhựa màu đen ra khỏi khí quản con rùa. Rùa quằn quại đau đớn khi được lôi ống hút nhựa ra khỏi mũi. Một con rùa xanh khác đã nhầm mẩu nhựa màu xanh với miếng rong biển và miếng nhựa đó đương nhiên không những không tiêu mà còn làm tắc nghẽn thực quản của rùa. Một con rùa con mắc kẹt trong vòng nhựa 6 lỗ thường được sản xuất để giữ các lốc bia. May mà được giải cứu sớm, vì nếu để lâu, con rùa sẽ chịu chung số phận với rùa biển trong câu chuyện mở đầu.
13 triệu tấn nhựa được thải ra đại dương/năm, Việt Nam bị thế giới gọi tên Nhận định này được ông Albert T. Lieberg - Trưởng đại diện Tổ chức Lương nông Liên Hợp quốc (FAO) tại Việt Nam đưa ra trong hội thảo “Rác thải nhựa - Khu vực công - tư cùng giải quyết thách thức” do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức ngày nhân Ngày Môi trường thế giới 5/6 và Ngày Đại dương thế giới 8/6 vừa qua. Theo đại diện FAO, ước tính có 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở Việt Nam/năm, trong khi lượng nhựa tiêu thụ ước tăng 16-18%/năm. Ông Albert T. Lieberg đánh giá trong khi nhựa sử dụng một lần rất phổ biến, năng lực quản lý chất thải ở Việt Nam còn rất hạn chế càng khiến gánh nặng gia tăng từ chất thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng ngày một lớn. Tỉ lệ nghịch với tiêu thụ nhựa và xả thải rác nhựa tăng là chính sách quản lý chất thải, việc xây dựng cơ sở tái chế và các chính sách có liên quan lại không đáp ứng kịp cho nhu cầu nói trên. Đây là một thực trạng mà chúng ta cần phải chung tay giải quyết. Còn theo ông Nguyễn Thành Phương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Nam - Tổng cục Môi trường, để xử lý vấn đề rác thải nhựa một cách toàn diện đòi hỏi nỗ lực chung, cả từ Chính phủ, doanh nghiệp đến hộ gia đình. Năm 2025 Việt Nam sẽ không sử dụng đồ nhựa dùng một lần Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa. Theo Thủ tướng, vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại về rác thải nhựa, từ nhận thức của một bộ phận doanh nghiệp, người dân đến thói quen phổ biến trong sinh hoạt, sử dụng túi nylon. Vì vậy, theo Thủ tướng, để các thế hệ tương lai, con cháu chúng ta được sống trong môi trường trong lành, an toàn và bền vững, chúng ta cần có quyết tâm chính trị cao, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống, xử lý, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, thực hiện phương châm: nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa, xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa. Phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị từng cơ quan, đơn vị có chương trình, kế hoạch thực hiện ngay các hoạt động cụ thể chống rác thải nhựa như hạn chế, tiến đến không dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong cơ quan, đơn vị; hạn chế sử dụng kinh phí Nhà nước mua sắm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần...Từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải đi đầu, gương mẫu trong việc nói không với sản phẩm nhựa, túi nylon sử dụng một lần…
Bình Minh
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |