Chi tiết tin tức

Sư tử ngoại lai xâm lăng không gian văn hóa Việt

10:22:00 - 19/09/2013
(PGNĐ) -  Chưa bao giờ trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam lại tìm thấy một con sư tử nào giống sư tử Trung Quốc như các con sư tử đá hiện đại bây giờ ở Việt Nam.
  • PGS- TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện khảo cổ chia sẻ với VietNamNet quan điểm về hình tượng những con sư tử đá "sặc mùi" Trung Quốc và phi văn hóa Việt tại nhiều nơi thờ tự.

 

 Sư tử đá đỡ bệ tượng chùa Bà Tấm. Các chòm lông và đuôi sư tử thường xoắn lại theo kiểu trôn ốc hoặc xoè ra rất mềm mại, uyển chuyển.

Sư tử Việt là đỉnh cao nghệ thuật
 

Việt Nam phô diễn một truyền thống sư tử riêng không giống bất cứ loài sư tử nào trên thế giới. Bắt đầu là những con sư tử thời Lý ở các chùa Phật tích, Chương Sơn, Bà Tấm, chùa Thầy, Hoàng Kim, Sùng Nghiêm Diên Thánh. Sư tử đá thời Lý là niềm kiêu hãnh của nghệ thuật Việt Nam, biểu hiện tính sáng tạo tuyệt vời và tính dân tộc rất cao của người Đại Việt.

 

Nhưng vì sao, người Việt lại đưa sư tử vào trung tâm điện thờ Phật và đội tòa sen thờ Phật? Đó là vì vẻ đẹp và sức mạnh "Chúa Sơn Lâm” của sư tử đã được đức Phật ví như sức mạnh của Phật pháp. Hình tượng sư tử ở Việt Nam xuất hiện với ý nghĩa biểu trưng cho tinh thần từ bi hỷ xả của Phật giáo. Cho nên hình tượng sư tử được chạm hết sức công phu, trau chuốt. Ngắm nhìn sư tử thời Lý ta thấy rõ một linh vật có biểu trưng hết sức cao quý, thiêng liêng mà không xa cách, tư thế của sư tử Lý cũng biểu hiện rất rõ sức mạnh phi phàm những dáng vẻ vẫn hết sức gần gũi bao dung. Nó khác xa và đối lập hoàn toàn với thần thái dữ tợn của sư tử Trung Hoa canh mộ.

 

 Tượng lân đá, chó đá, voi đá... được coi là linh vật bảo vệ cho nơi thờ tự Việt.
Truyền thống sư tử đá thời Lý còn lưu được đến thời Trần, nhưng số lượng đã phát hiện rất ít (sư tử Chùa Thông). Ngược lại, trong thời Trần lại rất phổ biến những bức phù điêu sư tử nhỏ đang chạy nhảy vờn cầu với vô số tư thế vô cùng sống động trên các bệ thờ đá hoa sen trường hợp ở các chùa Hương Trai, Cát Quế, Long Hoa, Chùa Thầy…..

 

Càng về sau, sư tử càng biến đổi muôn hình vạn trạng ở nhiều nơi với tư cách là một hình tượng trang trí. Nhiều khi nó được thể hiện rõ là hình tượng những con sư tử xinh xắn hiền lành. Nhiều khi nó lại biến tấu, cách điệu rất mạnh và mang thêm các tên mới như "Lân”, hay "Nghê”. Dù ở dạng hình nào, dù mang tên gọi nào thì sư tử Việt vẫn nối tiếp truyền thống sư tử Lý rất sang trọng và gần gũi.


Từ Nam chí Bắc nhan nhản sư tử Tàu
 

Chưa bao giờ trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam lại tìm thấy một con sư tử nào giống sư tử Trung Quốc như các con sư tử đá hiện đại bây giờ.  Không chỉ có sư tử đá, nhiều nơi còn mô phỏng y nguyên tượng Phật, đèn lồng đỏ, đèn lồng đá, chùa, tháp ngoại lai mà không hề thấy có một chút dân tộc nào ở đó. Chỉ cần đi trên đường đã nhìn thấy rất rõ điều đó.

 

 HÌnh dạng dữ tợn của sư tử đá Bắc Kinh được nhân bản tràn lan ở Việt Nam.
Sư tử đá Trung Quốc có dùng vào một số mục đích khác nhưng tượng cặp đôi sư tử đá chủ yếu là dùng để canh mộ, bảo vệ chốn yên nghỉ của thế giới người chết. Do vậy, những con sư tử này đều tạc rất gân guốc, tư thế giơ nanh khoe vuốt, dáng vẻ hết sức đe dọa. Những con sư tử đá trên dọc các đường Quốc lộ của ta hoặc ở các di tích và công sở của ta hiện nay có một vài con dòng Châu Âu, một vài con kiểu canh mộ họ Lương, còn lại chủ yếu là loài canh mộ thời Minh – Thanh.

 

Ở thủ đô Hà Nội, trung tâm văn hóa của cả nước nhưng những cặp sư tử đá xuất xứ từ Trung Quốc đặt chễm trệ ngay cổng cơ quan không phải là hiếm
Từ Hà Nội, theo các đường Quốc lộ đi về các địa bàn Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Hải Dương, Quảng Ninh, Vĩnh Yên… đâu đâu cũng thấy đàn đàn, lũ lũ sư tử đá ngoại lai. Nhiều đình chùa, công sở các cơ quan từ Bắc chí Nam cũng đều đặt nghễu nghện 2 con sư tử đá nhe nanh, múa vuốt đe dọa mọi người đến thăm. Có người nói với tôi rằng những người mua nó để canh di tích và canh công sở vì theo phong thủy có nó tượng trưng cho sự may mắn. Chưa bao giờ tôi đọc sách phong thủy nào nói đặt tượng sư tử là may mắn, là có tiền nhiều.

 

Tại Trung Quốc con sư tử đá này chỉ ở vị trí canh mộ từ ngày xưa của nó. Còn các nơi thờ tự, công sở của Trung Quốc ngày nay, người ta không tốn công tốn của đi đục đẽo con sư tử mới (cho dù làm giống còn ngày xưa) đặt vào làm gì?

 

Trái lại, ở Việt Nam ngày nay ta làm ngược lại là đem con sư tử canh mộ Trung Quốc đặt vào nơi thờ tự và công sở của mình. Trong khi đó, trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam, tồn tại bên cạnh nền nghệ thuật Trung Hoa và cả dòng sư tử đá Trung Hoa đồ sộ, cha ông ta chưa bao giờ mô phỏng các hình tượng sư tử Trung Quốc mà tự mình sáng tạo ra một truyền thống sư tử đá Việt Nam rất riêng và rất đẹp. Vậy mà con cháu các cụ bây giờ không phải ai bảo cứ ngày ngày cho sinh sôi đàn đàn, lũ lũ sư tử đá giống như đúc sư tử ngoại lai.
sư tử đá, ngoại lai, xâm lăng, thờ tự Việt

 

Cách nhau không xa trên trục đường 5, các doanh nghiệp thi nhau đặt sư tử đá
Do đó, các cơ quan quản lý văn hóa của Nhà nước cần phải có các biện pháp vừa tuyên truyền, vừa có chế tài đủ mạnh để dẹp bỏ vấn nạn sư tử đá ngoại lai tràn ngập các nơi công sở, thờ tự của Việt Nam hiện nay.
 
Tác giả:Tống Trung Tín/Nguồn:vietnamnet.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin