Chi tiết tin tức Tinh thần nhập thế của Thiền sư Thích Nhất Hạnh 17:23:00 - 20/12/2022
(PGNĐ) - Đạo Phật từ xưa đến nay luôn trên tinh thần hòa hợp, từ bước sơ khởi đến khi phát triển Phật giáo không những không tách mình khỏi thế sự mà còn dấn thân một cách tích cực vào cuộc đời, vào nếp sống con người ở từng địa phương để chuyển hóa, xây dựng cuộc sống cao đẹp, thánh thiện hơn.
Phật giáo là một tôn giáo lớn, vì thế những đường lối cũng như giáo pháp Phật dạy không chỉ là phương thức chuyển hóa khổ đau, mà còn là triết lý sống. Đường lối tu tập của Đức Phật khi còn tại thế cùng với tư duy, hành động không xa rời chúng sanh. Tinh thần Phật giáo đi vào đời được thiết lập từ bước sơ khởi khi đạo Phật bắt đầu hình thành. Ngày nay, thuật ngữ “Phật giáo nhập thế” đã trở nên quen thuộc và phổ biến. Tinh thần nhập thế có nghĩa là không phải chỉ lo tu học Phật pháp mà thờ ơ với đời, cũng không phải sống với đời mà xa rời đạo. Như bài kệ của Lục tổ Huệ Năng: Phật pháp tại thế gian Bất ly thế gian giác Ly thế mích Bồ đề Kháp như cầu thố giác. Từ thời Đức Phật cho đến chư vị Tổ sư đều khuyến tấn tư tưởng này. Ở thời nhà Trần, đó là “Hòa quang đồng trần”. Đến thời hiện đại, Thiền sư Thích Nhất Hạnh tiếp nối truyền thống đã đưa ra khái niệm về “Phật giáo dấn thân” hay “Phật giáo đi vào đời”. KHÁI NIỆM THUẬT NGỮ PHẬT GIÁO NHẬP THẾ Nhiều nhà nghiên cứu đã tìm hiểu và định nghĩa về khái niệm này. Học giả phương Tây Allie B. King cho rằng: “Phật giáo nhập thế (Engaged Buddhism) là một hình thức đương đại của Phật giáo, tham gia tích cực nhưng không bạo lực để giải quyết các vấn đề xã hội, kinh tế chính trị, môi trường. Ở trạng thái tốt nhất, sự tham gia này không tách rời khỏi tinh thần của Phật giáo, mà là một biểu hiện của nó” [1]. Nhà nghiên cứu Ken Jones trong tác phẩm Diện mạo xã hội trong Phật giáo (The Social Face of Buddhism) định nghĩa như sau: “Phật giáo Nhập thế là một áp dụng của một quá trình xã hội, kinh tế, chánh trị và môi sinh phát sinh từ quan điểm nhân sinh của đạo Phật” [2, p.1]. Thiền sư Thích Nhất hạnh với tác phẩm Hoa sen trong biển lửa (The Lotus in the Sea of Fire) đã giới thiệu tư tưởng đạo Phật dấn thân, hay Phật giáo nhập thế. Đạo Phật đi vào cuộc đời đến công chúng giữa thời buổi nhiễu nhương. Quyển sách này đề cập rất nhiều về phong trào Phật giáo gắn liền đời sống dân tộc. Nhà phê bình Dạ Thảo nêu lên điểm khác biệt của đường lối Phật giáo đối với các học phái khác: “Ở bất cứ nước nào trên thế giới cũng vậy, khi bước chân đến, đạo Phật cũng thích nghi ngay với phong tục, khí hậu, nhân tính để biến thành một lối sống cho quần chúng. Ở Việt Nam cũng thế, Phật giáo đã hoà hợp trong cá tính dân tộc, đã cùng dân tộc ta xây dựng một nền quốc gia độc lập” [3, p.38]. Còn học giả Thích Đồng Thành đưa ra khái niệm về Phật giáo nhập thế như sau: “Trên thực tế, Phật giáo nhập thế là một loại phong trào trong Phật giáo rộng khắp, bao gồm cộng đồng cư sĩ cũng như các tu sĩ, phương Tây cũng như phương Đông. Bên cạnh việc duy trì sự phát triển tâm linh hướng nội, Phật giáo nhập thế cũng nhằm mục đích giảm bớt đau khổ và áp bức xã hội thông qua cải cách chính trị và xã hội. Do đó, Phật giáo nhập thế phản ánh mặt tích cực của Phật giáo trong việc áp dụng giáo lý Phật giáo một cách hoạt động và xã hội hơn so với truyền thống” [2, p.2]. Như vậy, các quan điểm của mỗi học giả đã phần nào khái lược tư tưởng này. Tuy hình thức, nội dung diễn đạt có khác nhau nhưng nhìn chung đều hướng đến đem giáo lý đạo Phật tiếp cận với quần chúng nhân dân. Đạo Phật từ xưa đến nay luôn trên tinh thần hòa hợp, từ bước sơ khởi đến khi phát triển Phật giáo không những không tách mình khỏi thế sự mà còn dấn thân một cách tích cực vào cuộc đời, vào nếp sống con người ở từng địa phương để chuyển hóa, xây dựng cuộc sống cao đẹp, thánh thiện hơn. Đó là đặc tính nhập thế của Phật giáo trong mọi thời đại, mọi không gian, không phân biệt địa phương, chủng tộc, giàu nghèo và giai cấp. MỘT SỐ HÌNH THỨC CỦA ĐẠO PHẬT NHẬP THẾ Đời sống của Đức Phật và Tăng đoàn luôn vì mục đích lợi sanh: “Này các Tỳ kheo, hãy lên đường thuyết pháp vì hạnh phúc, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người” [4, p.502]. Đức Phật chỉ dạy hàng đệ tử đem giáo pháp lan tỏa khắp nhân gian vì lòng thương tưởng cho đời. Đấy là lý tưởng nhập thế tồn tại mãi cho đến ngày nay. Ở nước ta, Phật giáo thời Trần cũng đánh dấu một giai đoạn thật sự hoà nhập vào đời sống cả hình thức lẫn nội dung. Đạo không tách rời đời và đời cũng không thiếu vắng đạo, nó trở thành một hợp thể linh động, sáng tạo và diệu dụng trong mọi hoàn cảnh. Có thể nói, các vị vua, các Thiền sư đã vận dụng tính uyển chuyển, tùy duyên hay nhập thế để tạo cho Phật giáo Đại Việt một nét đặc trưng. Trong thời hiện đại, tuy việc Phật giáo nhập thế về hình thức có thể thay đổi nhưng bản chất vẫn được thiết lập dựa trên nền tảng truyền thống. Hiện nay có khá nhiều cách thức, trong đó, việc tổ chức các khóa tu cho mọi lứa tuổi như: “Khóa tu mùa hè”, “Khóa tu một ngày an lạc”, “Búp sen hồng”… tại các chùa là một phương thức hữu hiệu đưa đạo Phật lan tỏa trong quần chúng bên cạnh các hoạt động từ thiện, trao học bổng,… Vào thời điểm dịch COVID-19 hoành hành, những hành động mang tính thiết thực của các tu sĩ Phật giáo như: Bếp ăn cho bệnh viện dã chiến, chợ không đồng, hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân ở tuyến đầu,… đã góp phần giúp xã hội chiến thắng dịch bệnh. Một phong trào nhập thế Phật giáo cũng được thể hiện rõ nét là phương thức tu tập tại Làng Mai của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, pháp môn này phổ biến rộng rãi bằng nhiều hình thức khác nhau như: văn học, nghệ thuật, thiền tập… Tinh thần đạo Phật nhập thế luôn hòa vào lòng dân tộc qua mọi thời đại, giống như những dòng sông đem giáo pháp vào đời tạo nên phù sa làm cho vùng đất đó tươi mới hơn. Phật giáo luôn mang tinh thần hòa nhập tạo thành năng lượng mới tích cực và hữu hiệu. THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH VỚI CÁI NHÌN VỀ PHẬT GIÁO NHẬP THẾ SỰ NGHIỆP TU HÀNH VÀ DẤN THÂN Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh năm 1926 ở Huế, thế danh là Nguyễn Xuân Bảo. Ông xuất gia năm 16 tuổi tại chùa Từ Hiếu, thọ giáo với Hòa thượng Thanh Quý – Chân Thật, được đặt pháp danh Trừng Quang, tự Phùng Xuân. Ông là Thiền sư thuộc đời thứ 42 dòng thiền Lâm tế, thứ 8 của phái Liễu Quán. Là một tu sĩ trẻ và năng lượng nhiệt huyết, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã tham gia nhiều phong trào của Phật giáo. Thiền sư xếp thứ 4 trong bảng xếp hạng 100 nhân vật tâm linh có tầm ảnh hưởng lớn nhất toàn cầu năm 2011. Ngài là một trong số đệ tử lớn của Hòa thượng Thanh Quý, được phó pháp truyền đăng năm 1966 với bài kệ: 一向逢春得健行 行當無念亦無爭 心 燈若照 其原体 妙法東西可自成
Nhất hướng Phùng Xuân đắc kiện hành Hành đương vô niệm diệc vô tranh Tâm đăng nhược chiếu kỳ nguyên thể Diệu Pháp đông tây khả tự thành. Năm 1960, ông thành lập trường Thanh thiếu niên với các dịch vụ xã hội, tổ chức cứu trợ nhân đạo, lập trường học, trung tâm y tế. Năm 1961, Thiền sư sang Mỹ tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy ở Đại học Columbia Phật giáo thuộc Viện Đại học Princeton. Tại đây, ông nhận bằng Thạc sĩ chuyên ngành Tôn giáo học của Viện Đại học Columbia vào năm 1963. Đến năm 1966, ông thành lập dòng tu Tiếp Hiện, là một dòng tu theo tư trào Phật giáo dấn thân, dành cho người xuất gia cũng như người thế tục, nam cũng như nữ. Năm 1966, ông khai sơn ngôi chùa có tên Nôm là chùa Lá, tên chữ là Pháp Vân, thuộc quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh hiện nay). Đây là cái nôi nuôi dưỡng thế hệ thanh niên phụng sự đầu tiên. Trước năm 1975, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đi khắp thế giới thuyết giảng về hòa bình. Đầu năm 2007, với sự đồng ý của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thiền sư Thích Nhất Hạnh tổ chức ba trai đàn chẩn tế lớn tại ba miền Việt Nam với tên gọi “Đại trai đàn Chẩn tế Giải oan”, cầu nguyện và giải trừ oan khổ cho những người từng chịu hậu quả của chiến tranh. Với sứ mệnh hiện đại hóa đạo Phật mà ông hay gọi là đạo Bụt, Thiền sư đã tổ chức nhiều trung tâm Làng Mai trên thế giới và du hành khắp nơi thuyết giảng, tổ chức các khóa tu thiền thực hành pháp môn tu tập chánh niệm, thiết lập nền tảng hạnh phúc bây giờ, ở đây. NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC TU HỌC Trong việc tu tập, đạo Phật dạy có nhiều cách hành trì tùy theo nhân duyên và căn cơ người tiếp nhận. Điều quan trọng là làm thế nào để đem lại lợi lạc không chỉ cho bản thân người tu tập, mà còn đem nguồn năng lượng ấy đến với muôn người dựa trên tinh thần “tùy duyên hóa độ” đi đúng chánh pháp.Riêng Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ điểm khởi đầu đã chọn con đường nhập thế, cho đến nội dung tư tưởng, giáo lý là một chuỗi dài nối kết với nhau. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã luôn bước những bước chân an lạc, vững chãi và hướng dẫn mọi người cũng như vậy, hãy sống cuộc đời bằng một tinh thần an lạc, dũng mãnh, đó là cách tri ân đến với cuộc đời này. Tại Làng Mai, Thiền sư tổ chức nhiều khóa tu học như: Khóa tu xuất sĩ, Wake Up Quốc Tế, Khóa tu Gia đình cho người Thái, Tiếp Hiện… Như vậy với nhiều khóa tu được sắp xếp phù hợp với đối tượng, đây cũng là phương thức nhập thế hữu hiệu. Thiền sư Thích Nhất Hạnh giảng: “Sống trong giây phút hiện tại là một phép lạ. Phép lạ không phải là đi trên mặt nước. Phép lạ là đi trên hành tinh xanh xinh đẹp này trong giây phút hiện tại, biết trân quý sự bình an và vẻ đẹp có sẵn ngay bây giờ”. Nếp sống tại tu viện Làng Mai có nhiều điểm khác biệt so với các tự viện về phương pháp hành trì, nhưng vẫn không xa rời chất liệu tu tập. Người viết đã từng được tham gia thực tập với các hình thức này cảm nhận có nhiều điều mới mẻ, ví như khi mọi người đang đi bỗng nghe thấy tiếng chuông hay tiếng đồng hồ tích tắc liền dừng lại mọi hoạt động. Ban đầu sẽ rất ngạc nhiên, nhưng đó là phương pháp giúp mỗi người giữ chánh niệm, tỉnh thức. Bởi đôi lần chúng ta bước đi bằng bước chân vội vã, vô thức. Với thời khóa tụng niệm phù hợp cho tất cả thiền sinh, bằng các ngôn ngữ Anh, Thái, Việt trong mỗi thời khóa. Do vậy, có thể nhận thấy rõ về một tư tưởng nhập thế qua những tư duy cụ thể: “Mỗi khi đi thiền hành về, tôi thường có ý viết để nói chuyện với những người bạn trẻ. Ngày xưa tôi đã từng là người trẻ tuổi. Tôi đã có những thao thức, những khổ đau, những tìm kiếm. Tôi biết hôm nay, anh (hay chị cũng thế) cũng đang có những thao thức, những khổ đau, những tìm kiếm. Có rất nhiều đề tài để mình nói chuyện với nhau. Nhưng tôi muốn anh đề nghị đề tài. Đề tài lấy từ những thao thức, khổ đau và tìm kiếm của chính mình” [6, p.5]. Ngoài hình thức khóa tu đa dạng dành cho mọi thành phần, phù hợp với từng lứa tuổi, Thiền sư Thích Nhất Hạnh còn là nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa sáng tác những tác phẩm nghệ thuật thư pháp, thiền ca… Các tác phẩm nổi tiếng của Thiền sư như: “Đường xưa mây trắng”, “An lạc trong từng bước chân” hay “Phép lạ của sự thức tỉnh” được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Ông luôn lấy con người và sự tu tập làm mục đích hướng đến. Thiền ca là những bài hát có công năng nuôi dưỡng chánh niệm, lời được lấy ra từ những kinh văn hoặc thiền ngữ ghi lại kinh nghiệm trong khi thực tập.Những bài thiền ca nhẹ nhàng sâu lắng đi vào lòng người như: Bông hồng cài áo, Thiền sinh ru nội kết, Không đến không đi… nhẹ nhàng, sâu lắng, dễ đi vào lòng người. Nhạc sĩ Anh Việt nhận xét về thiền ca Làng Mai: “Thơ và nhạc của Làng Mai không vương vấn những nét sầu khổ và đau thương hoặc chán chường mà ở đây rất lành mạnh cao vút và đầy chất liệu tâm linh”. Như vậy, từ hình thức đến nội dung đều mang ý chuyển tải sự tu tập, phương pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng Tăng thân đem đến cho đời tinh thần đạo Phật nhập thế tích cực. THỰC HÀNH GIÁO LÝ NHẬP THẾ TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN NAY Để thích ứng với thời đại mới, Phật giáo có nhiều hình thức làm phương tiện độ sanh, thay đổi từ hình thức và nội dung nhưng vẫn không xa rời giáo lý Phật dạy. Vấn đề đưa Phật pháp vào đời rất cần sự linh động với thời cuộc, thích nghi hoàn cảnh phát triển xã hội. Khi đã dấn thân phụng sự, rất cần những ý tưởng hòa hợp và thích nghi văn hóa vùng miền nhưng không xa rời giáo lý, tất cả không ngoài mục đích “Xiển dương Phật pháp lợi lạc chúng sanh”. Đứng trước một xã hội đang hội nhập và phát triển, Phật giáo ngày nay cần thích nghi để xiển dương Phật pháp, như việc truyền thông qua mạng Internet bằng những bài giảng, giúp truyền tải giá trị đạo đức, lối sống lành mạnh đến giới trẻ. Mỗi tu sĩ là một tấm gương sáng đem giáo lý đạo Phật đến với mọi người. Vị tu sĩ có thể hướng dẫn các khóa tu, thuyết pháp qua truyền thông. Muốn làm được điều này, tu sĩ cần am hiểu giáo lý cả nội điển và ngoại điển, tiếp cận mọi người từ thành thị đến thôn quê. Phật pháp không thể tách rời thế gian, Phật pháp không phải là của riêng một ai, mà Phật pháp là nghệ thuật sống. Vậy nên cần có phương pháp truyền tải Phật pháp cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Có thể nói, cả cuộc đời Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dấn thân vì sự nghiệp độ sanh, phấn đấu không ngừng, những bài giảng và phương thức người dạy rất gần gũi, thiết thực, dễ thực hành trên nền tảng giáo lý Phật dạy. Những bài học thực tế chứa đựng cả tấm lòng thấu hiểu, yêu thương. Thông qua kinh nghiệm tu tập của mình, Ngài tìm ra phương pháp thích hợp cho mọi người, ứng dụng đạo Phật vào cuộc đời, để chuyển hóa khổ đau thành niềm an lạc ngay trong đời sống thực tại. KẾT LUẬN Sự tiến bộ không ngừng của xã hội không giải quyết được những nỗi khổ, niềm đau thành an lạc, hạnh phúc. Thế nên, tinh thần đạo Phật nhập thế đáp ứng nhu cầu tu học và cả lĩnh vực tâm linh là điều cần thiết. Đạo Phật là từ bi và trí tuệ, tu sĩ Phật giáo với nhiệm vụ thiêng liêng đem ánh sáng Phật pháp soi sáng thế gian. Thế nên một tư tưởng Phật giáo nhập thế cần được xây dựng và phát triển. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã bằng thân giáo, sống giản dị để dạy hàng đệ tử của mình, vì hạnh phúc của muôn người. Đến khi thành công trên con đường tu tập, Ngài lại tiếp tục phụng sự, đi khắp nơi truyền bá Phật pháp, giảng dạy truyền trao năng lượng cho hàng đệ tử trau dồi đức hạnh hướng dẫn mọi người. Cả cuộc đời Ngài là một quá trình hoa trái công phu, thành tựu tu học rất lớn lao và đóng góp cho đời những tác phẩm, pháp môn tu tập theo hướng nhập thế tích cực. Thiền sư Thích Nhất Hạnh tạo nguồn cảm hứng cho mọi người về sự nghiệp dấn thân tu tập chuyển hóa, phụng sự chúng sanh hướng đến đời sống an lạc, thảnh thơi ngay trong hiện tại bằng con đường thực nghiệm hạnh phúc như câu nói tại Làng Mai: “There is no way to happiness, happiness is the way” (không có con đường nào đi đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường).
SC. Thích Nữ Nguyên Hoa/TCVHPG403Tài liệu tham khảo: [1] A. B. King (2009), “Socially Engaged Buddhism – Dimensions of Asian Spirituality, University of Hawaii press, Honolulu,” ism – Dimensions of Asian Spirituality, University of Hawaii press, Hon, Phật giáo nhập thế trong cái nhìn đối sánh giữa Lào và Việt Nam – Cơ sở dữ liệu GHPGVN. [Online]. [Accessed 12/9/2019]. [2] Thích Đồng Thành, Bài 1. Giới Thiệu Phật Giáo Nhập Thế, TP HCM: Học viện Phật giáo Việt Nam, 2019. [3] Thích Nhất Hạnh (2000), Hoa sen trong biển lửa, Nxb. Lá Bối. [4] Thích Minh Châu (1991), Kinh Trường bộ, tập 1, Kinh Đại Bổn, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. [5] Bách khoa Toàn thư, “https://vi.wikipedia.org/wiki/Dòng tu Tiếp Hiện” Dòng tu tiếp hiện, 4/1/2021. [Trực tuyến]. [Đã truy cập 2022/11/18]. [6] Thích Nhất Hạnh (1998), Chỉ nam thiền tập dành cho người trẻ, Nxb. Phương Đông.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |