Chi tiết tin tức Tinh thần Phật giáo và xây dựng xã hội “đức trị” thời nhà Lý 17:24:00 - 28/05/2022
(PGNĐ) - Phật giáo thời nhà Lý là triều đại phát triển rực rỡ, mở đầu cho công cuộc kiến thiết quốc gia độc lập, tự chủ. Tiếp cận Phật giáo bằng phương pháp lịch sử thông qua chính sách đức trị và xây dựng đất nước trên nền tảng Phật giáo của triều đại nhà Lý cho chúng ta cũng thấy rõ Phật giáo không phải là hệ tư tưởng tiêu cực, trốn đời. Mà ngược lại Phật giáo là một hệ tư tưởng nhập thế tích cực, nhìn thẳng vào những vấn đề xã hội, quốc gia – dân tộc và đưa ra phương án giải quyết.
1. Phật giáo thời Lý1.1. Khái quát thời kỳ du nhập và phát triểnPhật giáo được truyền đến Việt Nam vào thế kỷ đầu – chậm là vào khoảng đầu công nguyên. Những nhà truyền giáo đầu tiên đến Việt Nam là các tăng sĩ nước ngoài như: Ma Ha Kỳ Vực, Khâu Đà La, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác… Bốn vị đầu là người Ấn Độ và vị thứ năm là người Trung Quốc, họ đã đi đường thủy và đường bộ để đến truyền đạo. Trong thời kỳ đầu tiên du nhập vào nước ta, đạo Phật tập trung vào sinh hoạt tín ngưỡng và truyền bá những giáo lý cơ bản như: Nhân quả Nghiệp báo, Luân hồi… gầy dựng đức tin Tam Bảo để đưa đạo Phật vào nếp sống đạo đức của xã hội. Mãi cho đến về sau, nhờ hai phái đoàn truyền giáo, một đoàn do Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi, người Ấn Độ lãnh đạo, đến Việt Nam vào khoảng năm 580 TL; một đoàn do Ngài Vô Ngôn Thông – người Trung Hoa lãnh đạo, đến Việt Nam vào khoảng năm 820 TL. Từ đó, Phật giáo mới dần dần được phổ biến, lan rộng trong các giới quần chúng. Từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam cho đến tiền Lý Nam Đế, trên ba trăm năm (189 – 548) nhưng vẫn còn trong tình trạng vừa tiếp nhận tự tưởng Phật giáo, vừa canh tân và phát triển cho phù hợp với phong tục tập quán bản địa, nên giai đoạn này Phật giáo chưa có sự phát triển mang tính phổ biến. Đến khoảng thời kỳ Lý Nam Đế (571 – 602) và giai đoạn (603 – 939), Phật giáo mới bắt đầu bước vào thời kỳ phát triển thịnh đạt. Đến giai đoạn nhà Ngô sau chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt (939 – 968), chấm dứt thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử Việt Nam: kỷ nguyên độc lập và phát triển. Nhưng vì nước nhà đang còn ở trong hoàn cảnh tao loạn can qua, giặc giã nổi lên khắp nơi, dân tình rất thống khổ nên sự truyền bá Phật giáo dĩ nhiên vẫn bị đình trệ chưa phát triển rộng rãi. Đến nhà Đinh và Tiền Lê (968 -1009) mới là thời kì hưng thịnh của Phật giáo. Trong hai triều đại này, đạo Phật rất phát triển. Có thể nói chính từ triều đại độc lập nhà Đinh mà quốc gia Việt Nam đã chính thức chọn Phật giáo làm quốc giáo và lấy Phật giáo làm nguyên tắc chỉ đạo tinh thần cho quốc gia. Nhà vua đã nghĩ đến hàng ngũ tăng già và định phẩm cho các tăng sĩ lỗi lạc hữu công tham gia quốc chính bao gồm mọi lĩnh vực văn hóa, chính trị, xã hội… Vua Đinh Tiên Hoàng ban chức Tăng thống cho Thiền sư Ngô Chân Lưu. Bên cạnh đó ở trong nước một phần nhờ sự đồng tình kính ngưỡng và ủng hộ của nhân dân cho nên đạo Phật dễ dàng truyền bá trong quân chúng. Ở giai đoạn này, mặc dù học thuyết Nho và Lão giáo đã được truyền vào nước ta từ lâu nhưng không có được ưu thế này. Sau khi nhà Đinh mất, Lê Đại Hành kế vị, Phât giáo luôn luôn được các vua chúa và các quan chức trong triều trọng đại. Vua thường triệu thỉnh các vị Tăng trưởng vào triều để bàn hỏi việc nước và cùng ủng hộ chính pháp để phát triển Phật giáo. Bằng chiến thắng nhà Tống thần kỳ oanh liệt, vua Lê Đại Hành xứng đáng là người đại diện cho dân tộc ta để đóng lại cánh cửa quá khứ nô lệ của một ngàn năm đầu tiên sau công nguyên. Nhưng chính các thiền sư, tiêu biểu là thiền sư Ngô Chân Lưu và thiền sư Vạn Hạnh mới là người mở ra cánh cửa tương lai hưng thịnh và vinh quang cho dân tộc ta trong suốt những thế kỷ tiếp theo. Sự nghiệp dựng nước và giữ nước của Phật giáo rất lớn lao nên vua Lê Đại Hành đã phong cho thiền sư Ngô Chân Lưu người đã được vua Đinh Tiên Hoàng phong làm tăng thống – danh hiệu Khuông Việt đại sư, nghĩa là “thái sư giúp nước Việt”. Thái sư đã tích cực giúp vua không những về đường lối ngoại giao, chính sách nội trị mà còn về cả phương diện văn hóa, lễ nghi, giáo dục, xã hội, tôn giáo. Ngài là người cố vấn tối cao của vua Lê Đại Hành. Sách Thiển Uyển Tập Anh ghi rằng: “Vua Lê Đại Hành rất kính trọng Ngài, phàm những việc quân quốc trong triều, sư đều dự vào” [7; tr.43]. Chính ông cùng với thiền sư Khuông Việt đã dùng nghệ thuật phù sấm để giúp Lê Hoàn nắm lấy quyền bình trong cuộc đảo chính ôn hòa năm 980. Thiền Uyển Tập Anh tán dương: “… Ông là một nhà bác học, giỏi về nghệ thuật và thi ca, có tài năng phụ tá nhà vua trong việc chính trị và thông hiểu tình hình của đất nước” [7; tr.180]. Vua Lê Đại Hành làm vua được 25 năm thì mất vào năm 1005. Cuối nhà tiền Lê, vì vua Lê Long Đĩnh của triều đại này là một kẻ bạo ngược tham tàn, chuyên quyền độc đoán, nền triều đình đã truất phế. Đồng thời, suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế thuận theo lòng người vận nước, khai sáng một triểu đại độc lâp, hưng thịnh trong lịch sử kể từ thời Hùng Vương. 1.2. Thời kỳ phát triểnDưới triều đại nhà Lý (1010 – 1215), xã hội Việt Nam dần dần tiến tới sự ổn định, bộ máy tập quyền được tổ chức hoàn bị dần từ trung ương đến địa phương. Hình thư, bộ luật thành văn đầu tiên được ban bố. Nền kinh tế nông nghiệp được phát triển nhờ chính sách khuyến nông và sự phát triển của các công trình thủy lợi. Công thương nghiệp cũng có những bước tiến mới. Cuộc kháng chiến chống Tống thắng lợi đã góp phần làm tăng ý thức dân tộc đang phát triển. Bấy giờ, Nho giáo đang có những tác động ngày càng tăng trong hệ tư tưởng và đời sống tinh thần, đặc biệt là những thập kỷ cuối thế kỷ XI, nhưng địa vị Phật giáo không vì thế mà kém sút, ngược lại đã phát triển đến đỉnh cao dưới thời Lý. Lý Công Uẩn là con nuôi của thiền sư Khánh Vân ở chùa Cổ Pháp, thọ giáo với thiền sư Vạn Hạnh. Khi lên ngôi vua hiệu là Lý Thái Tổ (1010- 1028), đặt niên hiệu là Thuận Thiên, dời đô về Thăng Long. “Ông là người thông minh nhân ái, có chí lớn và lập được nhiều võ công, mặt khác cũng là người rất hâm mộ đạo Phật, đặc biệt ưu đãi tăng, ni, chú trọng đến việc đúc tượng xây chùa” [18; tr. 227]. Sự nghiệp dựng nước và sự nghiệp hoằng pháp lớn nhất của vua Lý Thái Tổ là lấy Phật giáo làm nguyên tắc cho chính sách quốc gia và cho đời sống xã hội. Công việc này vừa có lợi ích lớn cho dân tộc, vừa là cách hoằng dương đạo pháp một cách tích cực và thiết thực nhất. Năm 1020, vua lập đạo tràng và mời tăng sĩ truyền giáo ở nhiều nơi trong nước. Các vị Thiền sư lúc bấy giờ như Vạn Hạnh, Đa Bảo, Sùng Phạm, đều là những bậc danh tăng mà dân, quan và vua rất tín phục. Các Ngài đều thuộc hai phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Triều đại này có thể nói là triều đại mà Phật giáo thịnh đạt nhất. Lý Thái Tổ thật sự đã tổ chức ổn định hướng phát triển quốc gia, giữ gìn độc lập dân tộc, xây dựng văn hóa đạo đức xã hội bằng cách yểm trợ phát huy tổ chức đoàn thể tăng già Phật giáo, phát triển giáo dục đạo và đời. Những nền tảng vững chắc của ngôi nhà lớn Việt Nam và Phật giáo được vua Lý Công Uẩn xây dựng, các vị vua kế tiếp duy trì và phát triển mạnh mẽ. Người kế vị vua Lý Thái Tổ là Lý Thái Tông (1028 – 1054), tân vương đặt niên hiệu nước là Thiên Thanh. Vua là một vị minh quân rất sùng mộ đạo Phật. Năm 1031, sau khi đánh đẹp giặc Chiêm Thành, vua cho xây 95 ngôi chùa. Khi chùa làm xong, vua mở quốc lễ khánh thành và miễn thuế cho dân một năm. Vua còn là đệ tử xuất sắc của thiền sư Thiền Lão. Ngoài những lúc lo việc triều chính, vua chuyên cần tu học Phật pháp và thường đàm đạo học hỏi với các thiền sư nổi tiếng đương thời. Sau vua ngộ đạo và được thiền sư Thiền Lão truyền tâm ấn và trở thành vị tổ đời thứ bảy. Có thể nói đây là lần đầu tiên nước ta có một vị vua kiêm thiền sư. Thái tử Nhật Tôn nối ngôi vua cha tức Lý Thánh Tông (1054 – 1072), đổi quốc hiệu là Đại Việt, lấy niên hiệu là Long Thụy Thái Bình. Vua Thánh Tông là một ông vua sùng đạo Phật. Lòng từ bi của vua trang trải khắp nhân gian, vua thương cả tù nhân và trị quốc một cách nhân từ, khoan dung theo tinh thần Phật giáo, còn tích cực hoằng dương chính pháp. Sau đó, thái tử Càn Đức lên ngôi lấy hiệu là Lý Nhân Tông (1072 – 1127). Dưới triều đại này, Phật giáo được coi trọng như quốc giáo, tuy rằng vua Nhân Tông có mở khoa thi tam giáo Phật – Lão – Nho, lập Quốc Tử Giám và tòa Hàn Lâm, khuyến khích Nho học. Nhưng vẫn không có ảnh hưởng gì đến vị trí quốc giáo của Phật giáo. Năm 1088, sắc phong thiền sư Khô Đậu làm quốc sư cố vấn việc quốc chính, đồng thời cử một quan chức cao cấp trông nom hết thảy các chùa trong nước. Song song với việc chấn hưng Phật pháp, mẹ vua là Ỷ Lan thái phi cũng là một tín nữ đắc lực, được dân chúng mến mộ và tặng danh hiệu Quan Âm Nữ. Bà đã xuất tiền riêng lập hơn 100 ngôi chùa trong nước. Lúc này lại có nhiều thiền sư lỗi lạc, trước thuật nhiều sách vở làm vẻ vang cho lịch sử Phật giáo nước nhà như thiền sư Viên Chiếu, thiền sư Ngộ Ấn… Từ năm 1128 đến năm 1225, nhà Lý vẫn đang phát triển thịnh hành, và cũng có những vị vua phát tâm tu hành theo Phật giáo. Ông vua cuối cùng của nhà Lý là Lý Huệ Tông (1211 – 1225), vì chán đời sống vương giả, bỏ ngai vàng xuất gia ở chùa Chân Giáo, và tự xưng là Huệ Quang Đại sư. Công chúa Phật Kim tức Lý Chiêu Hoàng lên nối ngôi, sau truyền ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Thế là triều đại nhà Lý chấm dứt, triều Trần bắt đầu và Phật giáo cũng ảnh hưởng theo đó mà bước qua một giai đoạn mới. Nhà Lý trị vì 216 năm với tám đời vua, thái bình lâu năm, từ tiền cổ cho đến khi ấy chưa có triều nào hơn. Trong cuốn Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nguyễn Đăng Thục đã viết: “Triều đại nhà Lý không những là triều đại oanh liệt nhất trong lịch sử Việt Nam về chiến công, về chính trị vương đạo, về nghệ thuật văn hóa nói chung, mà còn là triều đại ý thức dân tộc sáng tỏ mạnh mẽ nhất nữa. Trước sau có tam ông vua kế nghiệp dài hơn hai trăm năm mà không có ông nào thất đức, đều là vua hiển cả” [8; tr.203]. 2. Xây dựng xã hội “đức trị” trên tinh thần Phật giáoThời đại nhà Lý là thời đại ổn định nhất sau khi thoát khỏi ách đô hộ, đồng hoá và tàn phá mọi mặt của phương Bắc, cha ông chúng ta đã xây dựng thành công – trên đồng tro tàn Bắc thuộc – một nền văn hoá nhân bản, chính trị độc lập, khai phóng, từ bi …, thiết lập và duy trì một nên thái bình, thịnh trị tốt đẹp, lâu dài trong lịch sử dân tộc. Thời đại nhà Lý đã có những cống hiến vô cùng vĩ đại cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Cũng chính trong thời đại này, tiền nhân của chúng ta đã khai sinh và áp dụng vào việc trị quốc an dân nền minh triết dân chủ Việt Nam, thể hiện cao nhất tư tưởng Phật giáo và tư tưởng phương Đông. Ông Hoàng Xuân Hãn đã khẳng định: “Sau các đời vua hung hãn họ Đinh, Lê ta thấy xuất hiện ra những kẻ cầm quyền có độ lượng khoan hồng những người giúp việc ít tham lam, phản bạn. Đời Lý có thể gọi là đời thuận từ nhất trong lịch sử nước ta. Đó chính nhờ ảnh hưởng đạo Phật” [1; tr.429]. Phật giáo trong thời đại ấy đã đóng một vai trò trọng yếu và tỏa ra một sức sống mãnh liệt với tinh thần Từ bi và Trí tuệ, đặc biệt là giới tu sĩ Phật giáo. Các Thiền sư là người gắn bó mật thiết với vận mệnh của dân tộc. Họ hành xử tự tại, ích đời đẹp đạo. Họ đã đóng góp vào nhiều lãnh vực khác nhau trong xã hội từ chính trị, tư tưởng, đạo đức đến văn học, nghệ thuật… Có khi lại đóng vai trò là người kiến thiết quốc gia, có khi lại đại diện cho nền văn hiến dân tộc. Trong bộ Lịch sử Việt Nam có nhận định: “Vào thời Lý, Phật giáo chiếm ưu thế và các thiền sư giữ vai trỏ quan trọng. Phật giáo được truyền bá rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân và có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống xã hội, in rõ dấu ấn trong mọi lãnh vực văn hóa” [16; tr.4]. 2.1. Ảnh hưởng của các vị Thiền sư trong việc khai sáng một xã hội “đức trị”Trong những năm nước ta bị phương Bắc xâm lăng, chính quyền đô hộ đã áp dụng chính sách ngu dân với chế độ hà khắc nhằm thủ tiêu ý thức dân tộc của người Việt, Hán hóa dần dần. Những lúc này, cửa chùa trở thành nơi duy trì, gìn giữ nếp sống văn hóa và đảm nhiệm vai trò giáo dục, học thuật trong nhân gian. Các thiền sư không chỉ nghiên cứu giáo lí nhà Phật mà còn uyên thâm các tư tưởng hệ Nho – Lão – Trang, thông thạo dịch lí, văn chương… Chính các Thiền sư là những người đại diện cho tầng lớp trí thức ít ỏi trong buổi đầu xây dựng nền độc lập tự chủ của người Việt. Thiền sư Đỗ Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu đã từng thay mặt triểu đình đón tiếp sứ thần nhà Tống là Lý Giác. Trí thức uyên thâm và tài năng lỗi lạc của họ đã khiến Lý Giác phải khâm phục trước một “văn hiến chi bang”. Tước hiệu “Khuông Việt Đại Sư” của nhà tiền Lê với sự phó thác “phàm sự quốc quân đều giao cho sư hết” đã thể hiện vị trí chính sự hết sức quan trọng của các Thiền sư trong xã hội thời bấy giờ. Điều này được tiếp tục đến đời Lý, Thiển sư Vạn Hạnh là người thầy, đồng thời là người tích cực trong việc đưa Lý Công Uẩn lên cầm quyền, lập ra nhà Lý. Sư là người tham mưu cho Lý Thái Tổ trong việc chăm dân trị nước buổi đầu. Tương truyền, Thiển sư Vạn Hạnh đã cho lưu truyền bài kệ “thập bát tử thành” giúp quy tụ nhân tâm ủng hộ nhà Lý lên ngôi, dời đô ra Thăng Long xây nền móng phát triển văn hóa Đại Việt. Từ trong lòng những chế độ hà khắc, hung dữ của tiền triều, Thiền sư Vạn Hạnh xuất hiện với thần tốc vung tay, siêu việt chuyển hoá, dũng mãnh hành hoạt đem “Trụ tích trấn vương kỳ” (dùng gậy của nhà Phật đề trấn giữ kinh kỳ của nhà vua), hoàn thành một cuộc cách mạng bất bạo động để đưa Lý Công Uẩn – một phật tử thấm nhuần tinh thần Từ bi, bao dung, nhân bản, khai phóng của đạo Phật – lên nắm chính quyền. Và từ đó mở ra một phương trời chính trị mới cho Việt Nam, từ bạo trị sang đức trị và thăng hoa xã hội Việt Nam từ một xã hội bị kìm kẹp sắt máu sang một xã hội Từ Bi thuần hậu. Phạm Văn Sơn viết: “Sư Vạn Hạnh đã đóng một vai trò quan trong bậc nhất trong xã hội đời bấy giờ. Là một đệ từ rất nhiệt thành của Phật giáo mà ông vẫn không nhãng bỏ việc quốc âm. Ông hướng dẫn phong trào chính trị trong nước. Ông đã nhúng tay vào việc đem Lý thay Lê khi Ngọa Triều đã thành cái tai nạn và mối nguy cho dân tộc. Ông có con mắt tỉnh đời vì ngay khi Lê Đại Hành còn sống ông đã quan niệm quốc sự phải đổi thay” [12; tr.311]. Ngoài Thiền sư Vạn Hạnh, chúng ta còn thấy rất nhiều vị Thiền sư khác thường được vua mời tới triều đình bàn việc giúp dân giúp nước. Từ thời Lý Thánh Tông trở đi, nên học thuật được chủ trọng, việc đào tạo tông lớp quan lại đựoc tiến hành mạnh mẽ. Vai trò cố vấn chính trị của các Thiền sự chuyển sang các nhà Nho. Tuy nhiên, những Thiền sư học rộng biết nhiều, họ vẫn được vua tôn làm quốc sư như Thiền sư Thông Biện, Viên Thông hoặc phong làm tăng thống như Thiền sư Khánh Hỷ. Các Thiền sư lại trở vai trò cố vấn đạo đức, giảng giải Phật pháp cho vua quan và dân chúng. Có lúc các Thiền sư cũng đã từ chối tham dự chính sự như Thiền sư Huệ Sinh… Tuy có một vị trí quan trọng với triểu đình như vậy, nhưng các thiền sư không dựa vào thế lực chính trị để cổ suý cho Phật giáo và đưa Phật giáo lên địa vị độc tôn trong tư tưởng; không giữ độc quyền thao túng văn hoá, rồi kì biệt với các hệ tư tưởng khác, như Khổng giáo và Lão giáo, để họ không có cơ hội phát triển. Mặc dù, nhà Lý do phật tử Lý Công Uần khai sáng nhưng không vì thế mà nói rằng Phật giáo đã giữ địa vị độc tôn trong mọi sinh hoạt quốc gia. Trái lại, các Thiền sư thời Lý với tỉnh thần cởi mở, dung hợp các tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên” với tinh thần góp phần xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của dân tộc. Quốc sư Viên Thông (1080 – 1151) đã biểu lộ tâm tư của mình với vua Lý Thần Tông về lẽ trị loạn, hưng vong của đất nước: “Thiên hạ ví như món đồ dùng, đặt vào chỗ yên thì yên, đặt vào – chỗ nguy thì nguy, chỉ ở đức vua thực hành khác nhau đó thôi… Trị và loạn cũng do ở sự dùng người” [10; tr.182]. Thiền sư đã khuyên vua bỏ ác làm thiện, luôn luôn tôn trọng kẻ dưới, nếu làm được như vậy quốc gia hưng thịnh, xã tắc vững bền. Sau này có Thiển sư Nguyễn Thường đã dùng lời lẽ của nhà Nho để khuyên răn vua Lý Cao Tôn: “Tôi nghe bài tựa kinh thị nói: âm nhạc làm loạn nước thì nghe như oán như giận. Nay dân loạn nước khổ, chúa thượng thì rong chơi vô đạo, triều chính rối loạn, nhân tâm ly tán. Đó là triệu chứng mất nước” [15; tr.159]. 2.2. Chính sách trị nước của các vua nhà LýNgoài các vị Thiền sư, vua nhà Lý cũng áp dụng chính sách “đức trị” để xây dựng đất nước. Chính vì lòng từ rộng lớn của các vị vua phật tử đời Lý, vì đã có kinh nghiệm thiết thân về hơn mười thế kỷ sống nô lệ dưới ách của ngoại bang; mà các nhà lãnh đạo phật tử đời Lý đã cùng với toàn dân đứng dậy kháng chiến chống Tống. Giới lãnh đạo và nhân dân ở đời nhà Lý tuy kiên quyết kháng chiến chống lại các đạo quân xâm lược như vậy, nhưng một khi quân thù đã đầu hàng, thì các vị vua phật tử đó vẫn tỏ lòng khoan dung độ lượng, và thậm chí tấm lòng khoan dung đó cũng được thi hành ngay cả đối với kẻ đồng minh của quân địch. Thậm chí ngay cả đối với kẻ phản quốc như trường hợp tha tội chết cho Nùng Trị Cao, cấp phương tiện và lương thực cho hàng vạn bại quân về nước. Đến đời vua Lý Thái Tông, sử chép: “… Vua đem quân đánh Chiêm Thành – đồng minh phương Nam của đại Tống. Quân ta thắng to, giết chết quân địch nhiều vô kể. Vua ra lệnh không được giết bậy người Chiêm Thành, kẻ nào giết bậy người Chiêm Thành cũng sẽ bị Lý Thánh Tông, vị vua thứ ba triều Lý, một vị vua đồng thời là Thiền sư thế hệ thứ hai của phái Thiền Thảo Đường, cũng nổi tiếng là Từ Bi, đức độ. Noi gương ông nội là Lý Thái Tổ, khi vừa lên ngôi đã ra lệnh phá hủy mọi hình cụ, vua Lý Thánh Tông cũng rất nhân từ, lòng Từ Bi của vua trang trải khắp nhân gian. Vua thương xót cả những tù nhân còn tại ngục. Vào mùa đông giá rét, vua bảo các quan hầu cận rằng: “Trẫm ở trong cung cấm, nào là sưởi ngự, nào áo lông cừu mà còn rét thế này, huống hồ những kẻ bị giam cầm trong ngục, gian nguy chưa rõ, lại phải khổ sở vì gông cùm, ăn không đủ no, áo không đủ ấm. Trẫm rất lấy làm thương xót. Vậy ra lệnh cho hữu ty phát chăn chiếu và mỗi ngày cho ăn hai bữa đầy đủ…” [2; tr.416]. Lại một lần trong một phiên xử kiện, khi ấy công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh vua, vua chỉ vào công chúa mà nói rằng: “Ta yêu con ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hành pháp, Trẫm rất thương xót. Từ nay về sau không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm” [2; tr.419]. Đặc biệt cảm động và khâm phục là trong “Lâm chung chiếu” ta thấy hình ảnh ngời sáng của Lý Nhân Tông từ bi, đến lúc chết cũng chỉ có một lòng lo sao cho dân khỏi vất vả, ước nguyện việc tang của mình được thực hiện giản dị, bình dân: “Sau ba ngày nên bỏ áo trở, thôi khóc than, và chôn cất thì kiệm ước… Không xây lăng tẩm riêng… “[2; tr.455]. Phật giáo đã không tồn tại trong thế độc lập mà đóng vai trò như một yếu tố trung gian để làm dịu đi mâu thuẫn gay gắt giữa Nho và Lão giáo, tạo nên một không khí hoà bình trong khuynh hướng xây dựng con người, xây dựng xã hội và bảo vệ nên độc lập tự chủ của dân tộc. Kết luậnĐến đời Lý, nước Việt Nam mới thực sự cường thịnh là do có một con người mới mang một ý thức mới tới, và do đó, có một chính sách mới cải tổ toàn diện các cơ cấu quốc gia. Làm thế nào mà một quốc gia vừa mới thoát khỏi hơn 1000 năm Bắc thuộc, trải qua các triều đại ngắn ngủi Ngô, Đinh, và tiền Lê, tới đến triều đại Phật giáo Lý thì khởi sắc ngay. Các vua nhà Lý trị nước, an dân theo đường lối thương dân như con với lòng từ bi của nhà Phật mà triều đại vẫn ổn định kéo dài hơn 200 năm. Phải chăng đường lối giữ nước và trị nước dựa vào lòng từ bi của Phật giáo là đường lối trị nước, giữ nước hiệu quả nhất như lời nhận định đầy minh triết của Lão Tử: “Phù từ, dĩ chiến tắc thắng, dĩ thủ tắc cố…” (Nghĩa: “Ôi lòng từ, nếu chiến thì thắng, nếu giữ thì vững chắc”) [17]. Qua đây, hé mở cho ta thấy sợi dây tinh thần mật thiết bên trong tạo nên sinh khí của một triều đình, một triều đại. Nhà vua thương dân không chỉ vì mình là “thiên tử”, có nghĩa vụ “chăn dân” mà thương dân vì đã cảm nhận được giữa người dân cùng khốn nhất với cái nhìn có phần “người” như nhau, có một ham muốn như nhau. Đó chính là tinh thần nhân bản của xã hội thời Lý. Từ đó, nhận thức được phẩm chất tinh thần đạo đức của các vua thời Lý, của xã hội, của cộng đồng thời thịnh trị các vương triều Lý. Sử gia Nguyễn Đăng Thục thừa nhận: “Sự thật đạo từ bi đã ảnh hưởng vào chính trị nhân bản của nhà Lý, khiến cho cái tính tàn bạo của triều đình nhà Lê mất đi nhường cho văn tự nhân từ” [8; tr.168]. Đạo đức Phật giáo nói chung và trong thời đại nhà Lý nói riêng đã thấm nhuần trong lòng dân tộc và xã hội. Đạo đức ấy đã trở thành linh hồn của nền chính trị, thành bản chất của mọi chính sách quốc gia, thành chính nghĩa và sự chính thống của chính quyền và chế độ. Chính trong phương trời chính trị nhân bản đạo đức này, trong lòng xã hội từ bi, thuần hậu này mà nước ta đã từ một quốc gia loạn lạc thành một quốc gia thái bình, từ phân hoá chia cắt thành thống trị rất đoàn kết, từ lệ thuộc, suy vi sang độc lập hưng thịnh. Và quan trọng nhất từ một “Nam Man” dưới mắt Trung Hoa đã trở thành một cường quốc văn minh, hùng mạnh và vinh quang không những không bị Trung Hoa đồng hoá mà còn tự xây dựng một nền văn hóa rực rỡ chẳng thua kém gì văn hoá Hoa – Ấn lúc bấy giờ.
Thích Nhật Mỹ – Học viên Cao học – Học viện PGVN tại Huế *** TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |