Chi tiết tin tức Phỏng vấn Hòa thượng Thích Thiện Tâm: Phật giáo Theravada và việc ứng dụng giáo dục Phật giáo trong đời sống 20:18:00 - 24/11/2014
(PGNĐ) - Để hiểu rõ hơn về việc hành đạo của Phật giáo Nguyên thủy (PGNT) Việt Nam Theravada và các vấn đề về việc ứng dụng giáo dục Phật giáo trong đời sống, Hòa thượng Thích Thiện Tâm - Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN - TBT Tạp chí PGNT đã hoan hỷ trả lời các câu hỏi của phóng viên phatgiao.org.vn.
Kính bạch Hòa thượng cho đại chúng được biết về điểm đặt biệt của truyền thống hệ phái Nam Tông Kinh?
Hòa thượng Thích Thiện Tâm: Trước đây, việc sử dụng cụm từ “Hệ phái Nam tông Kinh” là có ý phân biệt với Hệ phái Nam tông thứ hai tại Việt Nam là hệ phái Nam tông Khmer. Từ “Kinh” chỉ dân tộc Kinh, phân biệt với dân tộc Khmer. Theo tôi, nhấn mạnh vào sự khác biệt dân tộc là không nên, vì tuy có thể Phật giáo Nam tông Khmer chỉ gồm người Việt Nam dân tộc Khmer, nhưng hệ phái được gọi là “Nam tông Kinh” có thể gồm tu sĩ và tín đồ nhiều dân tộc Kinh, Hoa, Khmer… trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, tùy thuộc nhiều vào hoàn cảnh địa lý. Thí dụ, người Khmer ở Tp.HCM có nhiều thanh thiếu niên lao động nhập cư thường đi chùa hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh do thuận tiện việc đi lại.
Do vậy, chúng ta có thể dùng cụm từ “Hệ phái Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam Theravada” thay cho cụm từ “Hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh”. Như vậy, cũng đã có sự phân biệt và Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam Theravada là danh xưng chính thức và thông dụng của hệ phái.
Còn đối với Phật giáo Nam tông Khmer thì có thể giữ lại từ Khmer, nhưng đổi thành Hệ phái Phật giáo Khmer Tây Nam Bộ. Như thế, ai cũng hiểu đó là Phật giáo Nam tông, vì đó là hệ phái duy nhất của người Khmer. Người Khmer đương nhiên là theo Phật giáo Nam tông. Tuy nhiên, việc nhấn mạnh yếu tố Tây Nam Bộ là nhấn mạnh đến yếu tố là một phần của Phật giáo Việt Nam tại một khu vực địa lý xác định, thể hiện sự đoàn kết thống nhất tuyệt đối của Phật giáo Việt Nam.
Hệ phái Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam Theravada có truyền thống đặc biệt là giữ gìn tuyệt đối giới luật nguyên thủy của Phật giáo, y cứ vào 5 bộ kinh cơ bản của Phật giáo Nguyên thủy (Kinh Trung bộ, Kinh Trường bộ, Kinh Tương Ưng bộ, Kinh Tăng Chi bộ và Kinh Tiểu bộ), tham khảo luận tạng Phật giáo Nguyên thủy gồm các tác phẩm của các vị Thánh tăng Ấn Độ, Tích Lan, Myanma,…, tu tập theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy thế giới (Tích Lan, Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia). Tính chất ôn hòa, bao dung và xuất thế của Phật giáo Nguyên thủy thể hiện rất rõ.
Phật giáo Nam tông Việt Nam Theravada cũng gắn bó với những giá trị căn bản của Phật giáo Việt Nam nói chung như tính chất yêu nước, tính chất gắn bó với dân tộc, tính chất đoàn kết thống nhất toàn Phật giáo Việt Nam.
Hòa thượng đánh giá như thế nào khi đưa giáo dục Phật giáo vào ứng xử trong cuộc sống đời thường?
Hòa thượng Thích Thiện Tâm: Phật giáo vốn là đạo giáo hóa, đạo tạo nhân cách, đạo của đạo đức, lối sống cao thượng, đạo khai mở trí tuệ. Vì vậy, đưa giáo dục Phật giáo vào xã hội là chuyện thường xuyên và đương nhiên của Phật giáo.
Tuy nhiên, ở đây, cũng có một điều chỉnh nhất định theo yêu cầu của thời đại. Hình thức giáo dục Phật giáo hướng ra xã hội trước đây có thể chỉ là hình thức tự viện, với mối quan hệ chủ yếu tu sĩ/tín đồ, tu sĩ/tu sĩ, thì nay có thể bổ sung hình thức trường học, với mối quan hệ thầy giáo/học sinh.
Thực ra, cũng không có gì là chuyển đổi hay bổ sung, mà đây chỉ là sự thể hiện sinh động hoạt động giáo dục Phật giáo hướng ra xã hội theo những yêu cầu của thời đại. Bản chất của mọi mối quan hệ trong hoạt động giáo dục hướng ra xã hội của Phật giáo đều là tinh thần giáo hóa, đào luyện nhân cách, nâng cao đạo đức, phổ biến các giá trị Phật giáo, hình thành lối sống Phật giáo.
Để có một xã hội tốt đẹp và nhân văn theo Hòa thượng cần phải làm gì? Đặc biệt là hướng tới đối tượng các bạn trẻ thanh thiếu niên, nhi đồng.
Hòa thượng Thích Thiện Tâm: Một xã hội tốt đẹp và nhân văn trước hết phải là một xã hội đạo đức, trân quý con người, quan hệ giữa người và người là quan hệ đoàn kết, thương yêu, quý trọng. Không những hướng tới quan hệ giữa người và người tốt đẹp, Phật giáo còn hướng tới sự tôn trọng đối với cuộc sống mọi loài sinh vật. Xã hội tốt đẹp và nhân văn theo đạo Phật còn bao gồm cả tính chất từ bi với tất cả sinh vật, hài hòa với môi trường, thương yêu tất cả chúng sinh.
Để làm được điều này, Phật giáo hướng đến tất cả mọi đối tượng có thể giáo hóa, gồm tất cả lứa tuổi, trong đó có thanh thiếu niên, nhi đồng.
Tuy nhiên, hiện nay, tại Việt Nam, thanh thiếu niên, nhi đồng chiếm tỷ lệ cao trong dân số, do đó, việc Phật giáo tập trung giáo hóa đối với đối tượng thanh thiếu niên nhi đồng là điều tất yếu.
Hơn nữa, thanh thiếu niên nhi đồng là giai đoạn khởi đầu của đời người, việc giáo hóa có tác động quan trọng trong những năm tháng tiếp theo của đời người. Vì vậy, Phật giáo xem việc hóa độ thanh thiếu niên có tầm quan trong đặc biệt.
Phật giáo Việt Nam coi tình trạng người đi chùa hiện nay đa số là người già, phái nữ là việc không bình thường và cần thiết phải điều chỉnh, hướng nhiều hơn về giới trẻ.
Tuy nhiên, tu học là một hoạt động tâm linh, và theo đạo Phật, là có nhân duyên. Vì vậy, mọi việc phải phụ thuộc vào nhân duyên từng người cụ thể, không chỉ đề cập chung chung đến lứa tuổi.
Đạo Phật của đông đảo người trẻ, năng động, tích cực vì những lý tưởng từ bi, nhân ái, cứu khổ, bố thí sẽ có vai trò quan trọng đóng góp vào xã hội tốt đẹp và nhân văn. Trong đó, mọi quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người và mọi sinh vật đều được tôn trọng và ngày càng nâng cao.
Hòa thượng có thể chia sẻ về việc ứng dụng giáo dục Phật giáo trong các hoạt động tu tập hàng ngày tại các thời khóa, bài giảng tại tịnh xá như thế nào…?
Hòa thượng Thích Thiện Tâm: Tất cả mọi hoạt động của Phật giáo, không chỉ riêng các thời khóa hay bài giảng mới có yếu tố giáo hóa.
Thí dụ nếp sống tu hành đạo đức, nghiêm cẩn giới luật, tinh cần, trí tuệ của chư tăng hàng ngày cũng có tác dụng giáo hóa, không đợi gì phải vào thời khóa hay nghe bài giảng Phật giáo gọi đó là thân giáo.
Phật giáo là một lối sống, một quan niệm sống, là cách thức sống, giá trị sống, không phải chỉ là kiến thức, giáo lý, giáo điều, nên việc giáo hóa trong đạo Phật là muôn màu muôn vẻ, hết sức đa dạng, phong phú.
Ngày nay, người ta chú trọng mở trường, lên lớp truyền đạt… Đó cũng là một cách giáo hóa của đạo Phật.
Nhưng một em bé thấy ngưỡng phục nếp sống thanh bần, tri túc, an lạc, từ bi, giới hạnh của một vị tỳ kheo, thì đó cũng là giáo dục Phật giáo.
Người Phật giáo tu tập không chỉ qua các thời khóa, thời thuyết pháp, mà ở cuộc sống, trong từng hành vi, trong chánh niệm, trong hơi thở…
Tôi nghĩ rằng, giáo dục hiện đại mở trường lớp là một phương tiện để đưa giáo dục Phật giáo đến với mọi người ở một trình độ cao hơn, vượt lên trên kiến thức, là cách nghĩ, là nếp sống, là mục tiêu giải thoát.
Giáo dục Phật giáo cũng gắn liền với điều Phật giáo coi trọng hàng đầu là giữ giới. Giữ giới là hoạt động giáo dục Phật giáo cao nhất.
Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam Theravada đặc biệt coi trọng việc giữ giới và xem giữ giới là hoạt động giáo dục hàng đầu. Không có việc giữ giới thì không thành giáo dục Phật giáo, dù là có thời khóa, bài giảng, trường lớp gì đi nữa.
Kính bạch Hòa thượng, là người sớm được tham gia nhiều công tác Phật giáo Quốc tế và Giáo dục của Giáo hội; Ngài cũng là một Tiến sĩ Giáo dục học, tham gia nhiều lĩnh vực hoạt động khác của Giáo hội và xã hội, đặc biệt trong hoạt động đối ngoại. Được biết Hòa thượng đã được đi rất nhiều nước trên thế giới thì ngoài việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam, của hệ phái Nam tông kinh. Theo đánh giá của Hòa thượng thì Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Nam tông Kinh nói riêng nên tiếp thu và ứng dụng những tinh hoa gì của Phật giáo thế giới đặc biệt là vấn đề giáo dục?
Hòa thượng Thích Thiện Tâm: Phật giáo nhiều nước trên thế giới, nhất là Phật giáo các nước theo hệ phái Nguyên thủy như Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Campuchia… đã có những bước tiến lớn trong hoạt động giáo dục, mà Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo Nam tông Việt Nam Theravada nói riêng có thể học tập, vận dụng.
Việc đào tạo kiến thức Phật học, huấn luyện tu tập không chỉ tập trung vào giới tu sĩ như trước, mà mở rộng hướng vào toàn xã hội. Ở những nước này có thuận lợi lớn là tỷ lệ dân số theo Phật giáo rất cao, giáo dục hướng về tín đồ Phật giáo là giáo dục hướng ra xã hội.
Vì vậy, giáo dục hướng ra xã hội Phật giáo ở các nước Phật giáo Nguyên thủy được tổ chức chỉ với những điều chỉnh nhỏ vì xã hội đã sẵn truyền thống.
Chư tăng các nước Phật giáo Nguyên thủy Theravada nói chung vẫn giữ được vai trò là trí thức trong xã hội, tức vừa có thể là tu sĩ, vừa có thể là thầy giáo. Thuận lợi này là rất lớn trong hoạt động giáo dục hướng ra xã hội.
Người tu sĩ không chỉ là ông thầy tâm linh, mà còn là người thầy dạy kiến thức trong xã hội.
Vai trò của người tu sĩ được nâng cao trong xã hội, thì Phật giáo trong xã hội đó càng có vai trò quan trọng trong đời sống, càng vững bền và phát triển.
Trong khi đó, Phật giáo ở nước ta, vai trò người tu sĩ có phần hạn chế, chỉ giữ vai trò tế lễ, cúng bái.
Điều có ích lợi nhưng chúng ta chưa có thì đó là điều chúng ta phải học tập và vận dụng. Đó là nâng cao vị thế người tu sĩ Phật giáo trong xã hội Việt Nam, sư phạm hóa người tu sĩ, đưa chư tăng, ni lên vị trí người thầy thực thụ trong xã hội về mọi mặt, không chỉ là chỉ ở chiều kích tôn giáo.
Ở các nước Phật giáo Nguyên thủy Therevada, chư tăng có môi trường học nhiều, học cao, vì trong tự viện người cư sĩ tín đồ giữ nhiệm vụ quản lý, điều hành. Nhờ đó, người tu sĩ chuyên tâm giữ giới, học hành, nghiên cứu, không lo việc tiền bạc, chi tiêu, quản lý cơ sở vật chất. Nhờ đó, người tu sĩ dành trọn thời giờ để tu học. Kết quả hiển nhiên là họ sẽ nâng cao giới hạnh trình độ, xứng đáng là người thầy trong xã hội.
Vì vậy, Phật giáo Việt Nam nên chú ý điểm này. Vai trò trụ trì của người tu sĩ (được hiểu là công việc điều hành, quản lý hoạt động vật chất của tự viện) ngày càng mờ nhạt, thì điều kiện tu học của người tu sĩ ngày càng thuận lợi, ngày càng đóng góp nhiều hơn cho hoạt động giáo dục.
Nói cách khác, điều chúng ta học tập là nâng cao xu hướng thầy giáo hóa nhà tu hành và giảm đi xu hướng gia trưởng hóa, thủ trưởng hóa.
Một điểm nữa, là người ta vẫn cho rằng Phật giáo Nguyên thủy là bảo thủ, trì trệ. Không phải như vậy mà ngược lại. Tu sĩ là tín đồ các nước Phật giáo Nguyên thủy ứng dụng tích cực các thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại để hoằng pháp. Phật giáo Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan đều có kênh truyền hình Phật giáo, có nước có nhiều kênh, truyền thông Phật giáo phát triển mạnh. Phật giáo Việt Nam gần đây đã có những bước tiên lớn trong truyền thông, nhưng chưa căn cơ như Thái Lan, Sri Lanka. Mà truyền thông là phương tiện hữu hiệu của giáo dục hiện đại.
Ngoài ra, tôi nghĩ Phật giáo Việt Nam cũng nên mở rộng quan hệ giao lưu với Phật giáo các nước Phật giáo Nguyên thủy, nơi tín tâm phật tử rất cao, tỷ lệ người theo đạo Phật trên dân số được giữ vững, để học tập và vận dụng trong hoạt động hoằng pháp, hộ pháp.
Cẩm Vân thực hiện
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |