Chi tiết tin tức

Cây khoác áo cà sa và hoang thú nghe lời răn của Phật

22:31:00 - 02/05/2018
(PGNĐ) -  Đôi lúc tuyệt vọng với sự tàn sát thiên nhiên, khi mà rừng Việt Nam hiếm hoi đến cả vết chân hoang thú, cả tiếng hót của chim chóc và sắc màu của những cánh bướm, tôi đã nhớ về những hộc cây đáng cảm kích bên xứ người… Biết nâng niu một mầm cây, một tán cổ thụ, một tiếng chim trong vắt giữa ban mai, người ta khó ác với đồng loại của mình.

1. Ai đó, có lẽ sẽ sống chậm lại, thôi nghĩ về những trò giá áo túi cơm phù phiếm khi biết người Lào vẫn mặc áo Phật cho cây rừng.

 

Một ngày nọ, bên bờ sông Mê Kông, Bun Hon rủ tôi cùng mẹ anh đi mặc áo vàng cam cho các tàng cây ngoài rừng. Màu cà sa ấy, mỗi sáng tôi vẫn gặp trong lễ khất thực ở cố đô Luang Prabang. Đoàn người tu hành đi im lặng, chân đất, áo vàng cam bay lật phật trong gió tinh khôi.

 

Đoàn khất thực xuống bờ Nậm U, ra ngã ba sông có bến nước Mê Kông, mỗi người cởi dây chạc, bước lên một con thuyền ơ hờ đứng đợi dưới bóng dừa. Họ tự chèo lái, nhịp bảy nhịp ba sang tán cây ôm ấp một ngôi chùa cô lẻ bên kia sông và buộc chạc thuyền vào đó. Rồi các sư thầy khuất dần vào thiên nhiên vô tận. Con thuyền nan công cộng lại lửng lơ vỗ nước đợi khách đến cởi dây.

 

Mẹ Bun Hon đem thức ăn cho các nhà sư xong, thì bắt đầu đem cơm trắng tãi ra thân cây, lá cây để bón cho rừng bữa sáng. Cây “ăn” xong, thì chim chóc tìm về hưởng lộc.

 

Có lần lên các hang động Pak Ou, nơi có hơn bốn nghìn pho tượng Phật tự cổ chí kim, ở cách Luang Prabang chừng 30km ngược dòng Mê Kông, tôi đã sững sờ gặp lại cảnh cây rừng mặc áo cà sa. Người Lào tín Phật đến mức, họ đẽo cây già chết thành tượng Phật, đi dọc Mê Kông mấy tiếng đồng hồ để vào hang núi thiêng dâng lên đấng tối cao.

 

Một kỳ quan của thế giới ra đời, suốt nhiều thế kỷ, hai hang núi ở đầu nguồn sông Nam Ou, hiện đã có tới hơn bốn nghìn pho tượng. Có ngài sừng sững đầu cộc vòm hang lớn, có ngài bé bằng hai ngón tay, đẽo gọt sinh động từ một mảnh tre, tấm gỗ. Có khi mối mọt ăn mất nửa mặt vài ngài, có ngài xiêm y bằng tre nứa đã rã rục tang thương. Nhưng cũng vì thế mà nơi này khoác thêm vẻ đẹp kỳ ảo và bí ẩn thêm lên…

 

Bao đời nay, người Lào đều giữ tục lệ đi thuyền đến kính Phật ở Pak Ou mỗi dịp lễ, tết. Những cây cổ thụ kiêu hãnh gắn chặt các đỉnh đá tai mèo khô khốc, luồn rễ vào các hang sâu “kỷ lục thế giới”, chỏm chòe từ vách đá dựng trời dòm xuống dòng Mê Kông. Và màu áo cà sa được người Lào buộc quanh gốc cây đã ố cũ theo màu lá ải mục ở nơi thiên nhiên hoang dã được thượng tôn. Tôi sững người nhìn cái cây khổng lồ khoác áo vàng cam, cứ ngỡ đó là một vị đạo sư đã thoát tục đang bao dung nhìn mình.

 Người ta chờ con công đực rụng lông, cắm vào chiếc đèn dầu làm con mắt của linh vật. Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng

2. Cách hang Pak Ou ôm ấp bốn nghìn tượng Phật ấy vài nghìn cây số, ở chính thượng nguồn con sông Mê Kông là xứ Tạng. Nhòm qua mỏm núi lớn là Bhutan. Ở những miền đất chư thiên chư thánh, các nóc nhà thế giới huyền thoại đó, mỗi cái cây, mỗi hòn đá, từng khúc sông của Mẹ Thiên Nhiên đều được ứng xử như… con người.

 

Nếu có dân tộc nào thích xếp đá kiểu “chơi đồ hàng” nhất thế giới, chắc chắn là người Tạng. Có khi họ xếp cả những khối đá … như tòa nhà lại, có khi đẽo cả ngọn núi thành tu viện, cũng có khi chỉ xếp vài viên sỏi bằng ngón tay chồng lên nhau rồi ngồi cầu nguyện cái “tu viện” bé xíu đó. Người Tạng gọi đó là các gò ma ni đôi. Mỗi lần dừng chân, mỗi lần cầu nguyện, người Tạng đều nâng niu vài viên sỏi và cố xếp nó theo hình tháp nhọn dần, cao dần, cao nhất có thể. Ven đường, bìa núi, dọc đền đài cung điện, họ cứ miệt mài xếp, xếp năm này qua năm khác, đời này qua đời khác.

 Chim chóc được hưởng đồ cúng dường trên non cao. Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng
 Đem “thức ăn nhà Phật” vào hang núi cho linh hồn dã thú ở Bhutan. Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng

3. Ở Bhutan, Sonan, một doanh nhân là người của hoàng gia ở đất nước hạnh phúc nhất thế giới, đã đưa tôi lên núi hành lễ ở tu viện cao nhất thủ đô Thimphu. Rừng dày xanh thắm, cây cổ thụ đứng như so đũa. Rêu phủ trùm xòa khắp mỗi tòa thiên nhiên như lông thú, nắng sớm chan hòa, vượn, khỉ rào rào nhảy nhót với một vẻ điềm tĩnh đến mức tôi cứ băn khoăn tự hỏi, không biết chúng đang lẩn trốn hay nhiệt thành xồ ra chào khách lạ?

 

Sonan có cả bộ sưu tập ảnh gấu, hổ, báo, vượn tuyệt đối hoang dã ở nơi này. Tất cả là do chính tay anh chụp. Anh bảo, cây rừng, muôn nghìn loại dây leo và cây ký sinh, được bảo tồn nguyên vẹn. Chính phủ quản lý chặt chẽ, một khoảnh rừng muốn “chuyển đổi mục đích sử dụng” cũng phải được đức vua phê chuẩn. Thế mới có kỳ tích cả loài người thèm khát: Với dân số vỏn vẹn 700 nghìn người, Bhutan là quốc gia có diện tích rừng tự nhiên bao phủ tới gần 70% lãnh thổ. Cây to mấy người ôm, có khi cao như cột chống trời. Có khi giữa trắng xóa tuyết phủ, rừng già đều lùn tịt ngang đầu người, cành lá la đà như bon-sai. Người Bhutan lên rừng lễ cây, chơi cây, chứ không đào cả cụm cây khiêng về nhà chơi kiểu trọc phú và thậm ích kỷ.

 

Trong các tu viện, hầu hết họ để một cây đèn thờ. Vật thiêng này có mắt trông rất ám ảnh. Một vị sư khả kính cho biết, hai “con mắt” được tạo ra từ hai cái lông chim công có hình tròn đầy màu sắc. Người Bhutan không giết chim chóc, họ chờ đến khi đuôi con công đực rụng xuống một cọng lông thì mới đi nhặt về...

 

Các hộc cây được cho ăn cơm nặn hình chóp nón, thú rừng xuống ăn cùng “mộc tinh” luôn. Đặc biệt, người Bhutan chế tác các viên đá giống hệt cái oản nhỏ màu trắng ở ta, bỏ vào các hang núi, hộc cây. Để cho linh hồn các loài dã thú đến “thụ lộc” từ Đức Phật. Vậy là thú hoang đang sống, thú hoang đã chết, đều được chăm sóc tận tình. Cờ phướn rợp trời răn dạy chúng sinh, gió dũng mãnh đem lời mật chú lên cõi cao xa. Và họ tin, đó là lý do để ở rừng Bhutan, thú dữ, hổ, báo, gấu rất nhiều, nhưng chúng hầu như không bao giờ làm hại con người.

 

Sonan xúc động, “cao hơn nữa, chúng tôi không muốn rừng, thú rừng và linh hồn chúng bị cô quạnh, bị uy lực giác ngộ và cứu rỗi của Đức Phật bỏ rơi…”

 Ở Bhutan, các máng nước cũng được thiết kế đẹp và tôn nghiêm như một thánh tích tôn giáo. Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng

Người Bhutan “cúng” cả cho linh hồn hoang thú, cho cả lũ động vật rừng đói khát bằng thức ăn mà họ vẫn dâng cho nhà sư, cho Đức Phật tối cao mỗi ngày. Và tôi quan sát kỹ, con sóc chuột khum khum hai “tay” ôm miếng oản gạo khệnh khạng đi hai chân vào rừng, đúng như nó đang cầu nguyện thật.

 

Một không gian đẫm đùa lời từ bi, chay tịnh, không sát sinh và không một loài nào bị quên lãng trong hành trình hướng tới cõi sáng láng của đức tin tôn giáo. Nhìn lũ sóc, khỉ cầm thức ăn mà tín đồ Phật giáo “ban tặng” chạy vào rừng, nhìn đàn chim chân đỏ mỏ vàng líu ríu chà vào tay người hành hương mà nhận đồ “khất thực”, bất giác tôi nhớ đến cái không gian thần thánh của chùa Hương quê mình, ở cái thời chưa bị lòng tham trần thế vấy bẩn.

 

Bấy giờ thi sĩ, bậc thức giả Chu Mạnh Trinh xúc cảm viết: “Thỏ thẻ rừng mơ chim cúng trái/ Lững lờ khe Yến cá nghe kinh”.

 

Theo laodong.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin