Chi tiết tin tức

12 Lý do bạn và người thân nên đi chùa

07:16:00 - 21/08/2015
(PGNĐ) -  Đi chùa lễ Phật sẽ có cơ hội học tập Phật pháp, mở mang trí tuệ, bỏ tà theo chánh, làm tăng trưởng thiện tâm, thăng hoa đời sống tinh thần.


 

Đi chùa ngoài ý nghĩa văn hóa còn có giá trị giáo dục và chuyển hóa rất lớn trong đời sống tinh thần của con người. Chùa viện là nơi lý tưởng nhất để lễ Phật, học giáo pháp, thực hành đời sống đạo đức, thăng hoa đời sống tinh thần, khơi nguồn mạch tâm linh. Dưới đây là những lý do bạn nên đi chùa mà bản thân người viết từng trải nghiệm:

1. Cảnh tịnh khiến cho lòng an: Cảnh chùa thanh tịnh sẽ khiến cho bạn cảm thấy bình an hơn trước những lo toan, được mất, hơn thua trong cuộc mưu sinh quay cuồng, nghiệt ngã.

2. Không gian thanh thoát dễ rũ bỏ phiền não: Môi trường, hoàn cảnh bên ngoài có tác động không nhỏ đến tâm trí bạn. Cuộc sống phố phường xô bồ đầy thị phi, cám dỗ khó có thể rũ bỏ những phiền não. Vì thế bạn cần phải tìm một không gian thanh thoát (dù chỉ vài giờ) để giảm căng thẳng và tái tạo năng lượng sống. Tại đây, bạn thấy thư giãn và cảm nhận được sự bình an trong tâm hồn.

3. Nơi tôn nghiêm tâm lành dễ sinh khởi: Sống trong thế giới đầy ắp phiền não, tâm bạn dễ hình thành tính xấu hơn là phát sinh các đức tính tốt. Nhưng khi ở trong môi trường trang nghiêm thanh tịnh, tâm lành của bạn sẽ sinh khởi và phát triển mau chóng.

4. Sự nghiêm tịnh giúp dễ nhiếp tâm: Ở những nơi ồn náo, bạn khó tập trung, rất khó tu tập chánh niệm, thiền định. Khi đến chùa viện, tâm bạn bỗng trở nên nghiêm tịnh hơn, bạn dễ dàng nhiếp tâm vào câu kinh hay danh hiệu Phật, hoặc dễ dàng thực hành thiền định.

5. Cung kính lễ Phật sẽ sinh phước báo: Thành tâm kính lễ Phật, chư vị Bồ-tát, thánh hiền sẽ tạo ra phước báo vô lượng. Không phải Phật, Bồ-tát ban phước cho bạn mà chính tâm niệm lành, hành động lành của bạn chiêu cảm quả báo tốt.

6. Học theo hạnh Phật, Bồ-tát, thánh hiền: Ngưỡng mộ ai tức là tâm bạn đang hướng về người đó. Hướng về Phật, Bồ-tát, thánh hiền là tâm bạn đang theo khuynh hướng thiện lành, để noi gương, học tập những đức tính quý báu của các ngài.

7. Gieo duyên lành với Tam bảo: Bạn làm bất cứ điều gì cũng là đang gieo nhân, gieo duyên và sẽ dẫn đến kết quả tương ứng. Viếng chùa, chiêm bái thánh tích, lễ Phật đều là gieo duyên với Tam bảo, chắc chắn sẽ được Tam bảo soi sáng, hộ trì.

8. Kết thiện duyên với thiện hữu tri thức: Đến các chùa viện, bạn có cơ hội gặp gỡ, kết duyên với nhiều người. Bạn sẽ học tập được nhiều giáo pháp, những điều hay từ quý thầy, quý sư cô và bè bạn, có dịp trao đổi kinh nghiệm tu học, rút ra được nhiều điều bổ ích cho mình.

 

9. Gieo trồng ruộng phước: Tam bảo là phước điền tối thượng. Đa phần người đến chùa đều tùy tâm cúng dường, ủng hộ từ thiện. Thiện tâm thúc giục bạn hành động như thế. Việc làm thiện lành đó sẽ mang lại cho bạn nhiều phước báo trong đời này và đời sau.
10. Mở mang trí tuệ: Đi chùa sẽ có cơ hội học tập Phật pháp, mở mang trí tuệ, bỏ tà theo chánh, làm tăng trưởng thiện tâm, thăng hoa đời sống tinh thần.

11. Thực hành và trải nghiệm đời sống tâm linh: Ở chùa có các bậc đạo cao đức trọng, là điểm tựa tinh thần cho mọi người tu tập. Phạm hạnh, công đức, phước báo của các bậc cao tăng có tác động tích cực đối với người đến chùa, giúp tâm bạn thanh tịnh, an ổn, hoan hỷ. “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn”, học và tu trong một đạo tràng có thầy, có bạn cũng sẽ giúp hành giả phấn khởi, tinh tấn hơn, trải nghiệm nội tâm sâu sắc hơn.

12. Cầu quốc thái, dân an, thế giới hòa bình: Đến chùa, mọi người đều mong ước, nguyện cầu cho gia đình, tổ quốc, nhân loại, chúng sinh được những điều tốt đẹp, đó chính là đang phát tâm thiện, hạnh lành, và chắc chắn bạn sẽ được thiện quả.

 

Minh Hạnh Đức 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin