Chi tiết tin tức Cha mẹ thì sẽ sống đến hai lần ư? 05:44:00 - 05/09/2015
(PGNĐ) - 1. Tôi có một người bạn thân. Từ ngày tôi đi học xa, tôi và bạn thỉnh thoảng mới nói chuyện, nhưng chúng tôi vẫn thường cập nhật tình hình cho nhau qua những tin nhắn Viber.
Bạn nói bạn đang cùng lúc thất nghiệp và thất tình. Bạn rời Hà Nội về Hải Phòng ở cùng bố mẹ một thời gian. Hình như bố mẹ cũng vì lo lắng cho bạn mà thường nhắc chuyện công việc, khiến bạn cảm thấy ngày càng áp lực. Bạn trách cứ tất cả mọi người, vì không thấu hiểu cho bạn, vì khiến bạn áp lực.
Mỗi lần tôi nói chuyện với bạn là một lần tôi kéo mọi thứ trở lại vị trí của nó, xoa dịu những cảm xúc ngỗ ngược và giúp bạn lấy lại tinh thần. Nhưng chỉ được lúc đó thôi, đến một lần nói chuyện khác, có thể là ngay ngày hôm sau, thì bạn lại đâu trở lại đó. Có một lần, trong khi nói chuyện với bạn, tôi gửi cho bạn nghe bài hát Gặp mẹ trong mơ do em Ngọc Duy thể hiện, với lời nhắn là, “nghe thử đi, mấy lần nghe tao đều khóc”. Bạn nghe xong thì nhắn lại cho tôi, “buồn cười nhỉ, bố mẹ hy sinh cho mình thì mình cho đó là điều hiển nhiên, trong khi người mình đắc lỗi nhiều nhất lại chính là bố mẹ, xong lại đi buồn vì một người không thương mình”. Tôi thở phù. 2. Tháng trước, tôi đi hộ niệm cho mẹ của một bạn đồng tu. Giữa chúng tôi đơn thuần là bạn đồng tu. Người mẹ của bạn tôi, trước đây tôi chỉ gặp một lần và không có ấn tượng nào. Ca hộ niệm kết thúc. Người bạn đồng tu hướng dẫn gia đình đến trước di ảnh của người mất để quỳ lạy và dâng lên những lời sám hối muộn màng sau cùng. Trong nước mắt, bạn đã nấc lên không biết bao nhiêu lần, “chúng con ngu si quá, chỉ mải lo kiếm tiền”, “chúng con ngu si quá, đi làm về mệt không hỏi thăm mẹ, cứ nghĩ rằng tới ngày mai cũng được”… Khi chiếc xe nhà tang lễ chở xác người mất bắt đầu lăn bánh, gia đình bạn cả hai chục người quỳ lạy không ngừng. Tôi được đi hộ niệm không ít lần, nhưng đó là một trong số ít lần tôi không cầm được nước mắt. 3. Khi tôi là sinh viên năm nhất ở Hà Nội, một lần tôi cùng các bạn hỗ trợ công việc trong khóa tu mùa hè cho người trẻ, tôi thấy rất nhiều bạn trẻ ngồi nghe giảng và khóc. Những hình ảnh này thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp khi đọc những bài báo về những khóa tu mùa hè cho người trẻ. Có thể bạn cũng đã từng ngồi dưới tòa của quý thầy, cô; nghe giảng về cha mẹ và tức tưởi khóc. Có thể bạn cũng giống tôi, nghe một bài hát về cha mẹ và nghẹn ngào khóc. Hoặc có thể là vô vàn tình huống khác, khi ta chạm vào những dòng cảm xúc thân thiết nhất dành cho cha mẹ mà dường như đã lâu lắm rồi, những cảm xúc ấy không được khơi gợi, ta oà khóc. Có lẽ vào thời điểm đó, ta tự cảm thấy rằng mình đã thiếu sót rất nhiều, rất nhiều với cha mẹ. Cha mẹ không đòi hỏi ta phải báo đáp công ơn, nhưng than ôi, ta còn chưa từng bao giờ nghĩ đến công ơn của cha mẹ! Ngay cả đến tâm báo ơn còn không có, thì hành động sao có thể không làm tổn thương cha mẹ cho được? Cha mẹ đã cho ta mạng sống, cho ta hơi thở, cho ta cuộc đời; còn ta gửi lại cha mẹ là phiền muộn, âu tư, lo lắng; vậy thì nước mắt rơi bằng biển rộng sông sâu, e rằng vẫn không khiến ta nguôi lòng. Phải làm gì đó để thay đổi chứ? 4. Tôi đi xa đã ba năm rồi chưa về nhà. Nhưng thà là tôi đi ba năm không về, để va vấp với cuộc sống và nhận ra rằng mình phải biết yêu thương cha mẹ, còn hơn là tới khi cha mẹ rời bỏ tôi ra đi mãi mãi không về, lúc đó nếu có khóc cạn nước mắt thì so với ba năm của tôi cũng là trễ rồi. Cha mẹ mong đợi điều gì ở ta? Ở nhà là một người con ngoan, ra xã hội là một người tốt; có nhiều quá chăng? Yêu thương cha mẹ, tôi tin rằng điều đó ai cũng có. Nhưng có khi sự yêu thương đó nằm sâu trong tâm tư và không có cơ hội để thể hiện ra ngoài, vậy thì xin hãy làm ngay đi một cử chỉ yêu thương nào đó, nếu không sẽ là quá muộn. “Bạn chỉ sống một lần” (YOLO), còn cha mẹ thì sẽ sống đến hai lần ư? Một Học Sinh
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |