Chi tiết tin tức Mỗi người một thông số hạnh phúc 07:51:00 - 03/12/2014
(PGNĐ) - Hôm kia, 30-11, tôi dự buổi ra mắt bộ sách "Chất lượng cuộc sống" do Công ty Truyền thông Phật giáo Mani và nhà hàng Mandala tổ chức tại hội trường Báo Giác Ngộ (Q.3, TP.HCM).
Tại buổi giao lưu - chia sẻ, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, tác giả của nhiều tập sách hay, thú vị được nhiều người biết đến như Thư gởi người bận rộn, Thấp thoáng lời kinh, Ngàn cánh sen xanh biếc, Như thị, Ghi chép lang thang, Cành mai sân trước, Thiền & sức khỏe... đã chia sẻ về khái niệm "chất lượng cuộc sống". Theo ông, đối với mỗi người có một thông số "chất lượng cuộc sống" khác nhau. Rồi ông ví dụ, một bà mẹ quê, đối với bà, hạnh phúc chính là được sống với ruộng đồng, động tay động chân làm thứ này thứ nọ, được ăn mắm kho quẹt với rau đồng cỏ nội... Đến một ngày, đứa con thành đạt ở phố thị đã tách bà mẹ ấy ra khỏi chốn quê bình yên thân thuộc, đưa bà lên thành phố để bà được ở nhà cao tầng, sống trong máy lạnh, ăn những món ngon lạ - trong nghĩa báo hiếu mẹ già. Thế nhưng, vô tình, vì vậy đã làm cho bà mẹ quê héo hon, mòn rũ, bởi bà đã bị bứng khỏi môi trường mà ở đó bà khỏe nhất, vui nhất, mạnh nhất... Chất lượng cuộc sống của bà không ở chỗ máy lạnh, nhà lầu, món ngon mà ở chính quê hương đồng nội, là nơi chốn tổ chôn nhau mà bà đã gắn bó cả quãng đời. Ví dụ này nghe quen quen và ta vẫn gặp hoài trong cuộc sống nhưng ta vẫn cứ quên quên nên lặp lại hoài trong cuộc sống để rồi bao phen, ta cứ nghĩ là làm điều này, điều nọ cho người kia tốt hơn, vui hơn, hạnh phúc hơn, không ngờ lại làm cho họ khổ hơn, buồn hơn, chết sớm hơn. Đó là bởi vì ta không hiểu được người kia, là bởi ta lấy thước đo hạnh phúc, hay, đẹp... của mình để cho người khác áp dụng, thậm chí ta còn lạm dụng tình thương buộc người đó phải ứng dụng, phải sống như ta muốn, ta mong. Thi thoảng, sự ích kỷ nó vi tế, âm thầm biểu hiện, chi phối, đầu độc khiến ta hành xử một cách cố chấp, không tùy duyên, chẳng tùy thuận được với bất kỳ ai nên dẫn tới xung đột, dẫn tới rạn nứt hoặc đưa đến sự chia lìa, xa lánh (vì sợ) của nhiều người thân, thương - có nghĩa họ không thể chịu nỗi sự áp đặt của mình nữa. Nguyên do của sự việc đôi khi do khoảng cách thế hệ, do cái biết của ta nó khác xa cái biết của thế hệ trước và sau ta; đôi khi do ta không chịu quan sát, không chịu hài hòa, dung chứa, cân đối giữa người và ta, giữa thực tế và lý thuyết, giữa lý tưởng và hiện tại đang là... nên ta cứ bị dính mắc, bó chặt người khác vào mình để rồi bản thân khổ, người kia cũng mỏi mệt. Không chỉ mỏi mệt mà đôi khi, vì thương ta, vì không muốn ta buồn mà người kia sanh tâm nói dối, che đậy hoặc lén lút, không mở lòng với ta. Vậy là, vì cố chấp và muốn người khác phục tùng theo suy nghĩ của mình một cách cứng nhắc mà từ suy nghĩ thương yêu ta đã đẩy người ta thương xử lý vấn đề trở nên không hay ho cho mấy, khiến tâm hồn họ lầm lạc vào nẻo dối gian, luồng lách... Trong khi học đạo và chia sẻ giáo lý, đôi khi ta cũng bị cái chấp về pháp môn chi phối, dắt dẫn khiến mình chê hết phương pháp này tới cách thực tập khác. Khi đó, ta luôn thấy pháp môn của mình là vô địch, xem đó là cách nhanh nhất, là hướng chuẩn để đạt được kết quả giác ngộ và mình đã coi thường những con đường khác. Ta quên mất rằng, đâu phải ai cũng có thể trạng và căn cơ như mình, đâu phải ai cũng có thể đi theo cách giống mình; đồng thời quên mất rằng dù có thể họ đi phương cách khác nhưng đích đến thì không khác mình - nên ta mới tỏ ra phân biệt, tỏ ra này nọ, chê bai trách móc vậy đó. Lúc ấy, ta cũng đang bị kẹt lại mà ta không hề biết, như thế có đáng thương, đáng tội nghiệp không?
Lưu Đình Long
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |