Chi tiết tin tức

Thức ăn tinh thần mới quan trọng trong đời sống con người

22:02:00 - 04/06/2015
(PGNĐ) -  Ngoài những thức ăn vật chất để nuôi thân tồn tại, thức ăn tinh thần mới thực sự quan trọng đối với mọi người trên thế gian này. Xúc thực, Tư niệm thực và Thức thực được coi là ba món ăn tinh thần của người xuất gia hay người cư sĩ tại gia. 

Xúc thực là sự tiếp xúc hàng ngày với cuộc đời bằng mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý. Nếu sống trong tu viện thì mỗi ngày đọc kinh, sám hối, ngồi Thiền, được gần gũi các bậc tu hành kiểu mẫu, trông thấy đức hạnh của họ sẽ giúp chúng ta sống tốt theo.


Thật vậy, thức ăn nuôi dưỡng tinh thần chúng ta là Thiền ăn và Pháp hỷ thực. Mỗi ngày trước khi ăn đại chúng luôn nhắc nhở nhau “Thiền duyệt vi thực, Pháp hỷ sung mãn”. Vì vậy, bằng mọi cách phải làm cho Thiền và Pháp trở thành món ăn tinh thần thực sự của chúng ta. Người tu mà không thích ăn cơm Thiền, uống nước Pháp thì không thể sống đời tu hành viên mãn. 
Ăn không có chánh niệm và ý thức cũng giống như hai vợ chồng và đứa con đi qua sa mạc mà hết lương thực đem theo, không còn cách nào khác họ phải ăn thịt đứa con để đủ sức đi ra khỏi sa mạc, nếu không làm vậy thì cả ba đều chết. Khi ăn như thế hai vợ chồng đó rất đau khổ nhưng không còn cách nào khác hơn.
Khi ăn thiếu ý thức ta sẽ tạo nỗi khổ, niềm đau cho các loài vật khác và chính bản thân mình sẽ gánh lấy hậu quả khổ đau. Khi hút thuốc, uống rượu, ăn nhiều đồ nướng, chiên xào là đang hủy hoại từng làn da, thớ thịt của mình. Ta đang ăn thịt của chính ta từ từ vì thuốc làm hại phổi, rượu làm hại gan, đồ béo làm cao huyết áp, đột quỵ và ung thư.
Thành ra ta ăn như thế nào để đừng tạo ra nỗi khổ, niềm đau cho các loài vật và ăn trên sự khổ đau của kẻ khác, tức là ta ăn trong vội vã, vật vờ và si mê. Vì vậy, mỗi khi ăn thịt, ăn cá ta hãy ý thức có thể mình đang ăn thịt cha mẹ hay con cái vì luân hồi sống chết qua lại vô số kiếp. Do đó chúng ta phải tập ăn chay và tập không sát sinh hại vật để mở rộng tấm lòng từ bi, thương xót tất cả chúng sinh. 
Loại thức ăn thứ hai là Xúc thực. Chúng ta có sáu căn là mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý, khi chúng tiếp xúc với sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp ta phải thấy việc tiếp xúc đó có đem chất độc vào người hay không, chất độc này sẽ làm tâm ta bị ô nhiễm; như khi ta xem truyền hình, mắt ta tiếp xúc với hình sắc, tai nghe âm thanh đủ mọi sắc thái.
Chúng ta phải thực tập chánh kiến trong khi xem truyền hình, phải biết lựa chọn kênh giải trí có đạo đức, nhân cách sống hoặc y học đời sống. Chúng ta không nên đưa những phim ảnh có độc tố như giết hại, sợ hãi, căm thù và bạo động vào đầu; nên xem những bộ phim mang lại cho mình sự hiểu biết, lòng từ bi, sự san sẻ hay nâng đỡ, vượt lên chính mình, quyết tâm không làm những điều lầm lỗi. Nhiều người tối ngày chỉ xem phim bạo lực, chiến tranh, tình cảm ủy mị mà không biết chọn lựa những đề tài lợi ích.
Chúng ta phải biết có những chương trình chứa đựng rất nhiều độc tố có tác hại lớn như bạo động, căm thù và kích thích dục vọng. Những dịch vụ quảng cáo ngày nay cũng kích thích lòng tham lam và sự thèm khát dục vọng. Khi đọc một cuốn tiểu thuyết chúng ta có thể tiếp nhận rất nhiều độc tố làm cho mình càng thêm dính mắc và tham muốn. Ðọc xong ta có thể mơ mộng ảo huyền một khung trời mới xa xôi, sẽ chán nản, lo lắng, thèm khát làm mệt cả thân tâm. 
Nếu mỗi ngày ta không tỉnh giác thì những câu chuyện đời thường cũng có thể mang lại cho mình nhiều độc tố. Mỗi ngày từ khi mở mắt thức dậy cho đến khi đi ngủ ta đều thấy-nghe và tiếp xúc với mọi việc, nếu khi tiếp xúc ta thấy thân khỏe, tâm an ổn, nhẹ nhàng thì phải quyết gìn giữ chúng. Những thứ làm ta mệt, buồn phiền, lo lắng và giận dữ thì phải tránh để không tiếp xúc nhiều.
Năm giới là cội nguồn của an vui, hạnh phúc khi chúng ta đã lãnh thọ và hành trì, giới là những bộ da vững chắc bao bọc lấy thân thể và tâm định tĩnh, sáng suốt của ta. Người không gìn giữ 5 giới sẽ đánh mất lòng nhân ái vì đã đưa quá nhiều độc tố như giết hại, căm thù, bạo động, sợ hãi và làm tổn thương cho người và vật.

 

Thích Đạt ma Phổ Giác

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin