Chi tiết tin tức

Đức Phật an nhiên tự tại giữa cuộc đời

14:37:00 - 09/06/2017
(PGNĐ) -  Ngày xưa, Bồ tát Sĩ Đạt Ta hiên ngang, dũng mãnh, vững vàng vượt qua Tám gió được-mất, khen-chê, tốt-xấu và khổ-vui để thành tựu đạo quả dưới cội Bồ Đề. Trước tiên, Ngài đã từ giã cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan cùng thần dân thiên hạ, Ngài có được tất cả mà vẫn chấp nhận bỏ hết để không bị các thứ đó làm lung lạc, say mê.

Dưới cội Bồ đề, bọn ma đầu trâu mặt ngựa, hình thù quái dị hung hăng, dữ dằn kéo đến hăm dọa, khủng bố nhằm làm cho Bồ tát kinh hoàng, khiếp sợ mà tâm bị dao động, bất an. Chúng quấy nhiễu đủ cách để Bồ tát mất chính định mà hoảng sợ rút lui, cuối cùng vẫn không làm gì được Ngài nên chúng đành bỏ cuộc tháo chạy không kịp quay đầu.

 

Ma vương Ba Tuần tức quá bèn sai ma dân hóa ra hàng trăm cung phi mỹ nữ tuyệt đẹp cùng với công chúa Da Du Đà La đến để khóc than, van xin, quỵ lụy quỳ bên chân Ngài mong Ngài thương xót mà quay trở về sống với vợ con, hưởng tất cả mọi lạc thú trên thế gian này. Đối diện với các loại ma đó, Bồ tát Sĩ Đạt Ta vẫn bình tĩnh, thản nhiên trước những lời quyến rũ ngọt ngào mà nói rằng: “Ta vẫn biết các ngươi tuy đẹp thật, nhưng đó là vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài được bao bọc bởi đãy da không mấy gì trong sạch. Ta đã rời bỏ nó từ lâu lắm rồi, các ngươi đi đi, đừng làm náo động chân tính ta.”

 

Ma nữ liền nói: “Thái tử yêu dấu, chàng nỡ lòng nào phụ bỏ tình xưa nghĩa cũ với thần thiếp và đứa con trai duy nhất hay sao?” “Ta đã biết các ngươi là bọn giả dối. Hãy cút đi!” Thế là chúng tự xấu hổ mà rút lui có trật tự.

 

Cuối cùng, Ma vương Ba Tuần hiện ra hỏi: “Ông có sợ chúng tôi không?” Bồ tát nói: “Ta không sợ vì các ngươi là thứ huyễn hóa.” Ma vương bảo: “Cõi này là cõi của ta, ta không thể để một ai vượt khỏi tầm tay của ta.

 

Ta có trong tay hằng hà sa số thiên binh vạn tướng, ông chỉ có một mình mà ông nói ông không sợ ta là ông đang nói dối đó sao?” Bồ tát trả lời: “Dù các ngươi có thiên binh vạn tướng trong tay nhưng cả bọn ngươi đều là đồ giả tạm.

 

Ta tuy chỉ có một mình đơn thân độc mã nhưng ta có cây cung Thiền định cùng lưỡi kiếm trí tuệ. Các ngươi là thứ yêu tinh ma mị giả tạo thì làm sao có đủ năng lực để đối phó với cây cung Thiền định và cây kiếm trí tuệ của ta.” Bồ tát vừa nói xong thì vầng hào quang sáng chói phủ trùm hết tất cả làm cho chúa tể Ba Tuần và cả bọn ma quân khiếp sợ mà tháo chạy thụt mạng. Đó là trường hợp Phật đã hàng phục chúng ma dưới cội Bồ đề.

Đến khi Ngài đi giáo hóa thì bị nhiều người mắng chửi, khen chê đủ điều, bị vu oan hủy nhục đủ thứ nhưng Ngài vẫn bình thản, an nhiên, tự tại trước những cơn gió độc để chứng minh với đời mình đã thoát khỏi mọi sự ràng buộc của thế gian. Chính vì vậy, trước khi nhập diệt Ngài đã báo cho bốn chúng trời người biết rõ thời gian thị tịch của mình hơn ba tháng.

 

Cho nên, tùy theo sự dụng công tu hành của mọi người mà có các thứ ma khác nhau đến để nhiễu loạn quấy rối làm hại ta. Như bản thân chúng tôi còn quá dính mắc vào nghiệp si mê tình ái thì ma Ba tuần không cần đến để thử thách mà chỉ cần sai ma nữ thôi là đã làm chúng tôi điên đảo đến bấn loạn cả người.

 

Đó là một sự thật, là thói quen thâm căn cố đế tệ nhất của chúng tôi. Do đó, mặc dù được xuất gia tu học và hiện nay đã thuộc hàng U50 nhưng khi đối diện với sắc đẹp tôi vẫn bị nó mê hoặc làm tê tái cả tâm hồn. Chúng ta có thể vì thương yêu nhân loại còn đang đắm chìm trong biển khổ sông mê mà muốn ra tay cứu giúp chúng sinh.

 

Do đó, khi ta muốn giúp mọi người thì ta cần phải bình tĩnh, sáng suốt dùng cây cung Thiền định và lưỡi kiếm trí tuệ để quét sạch mọi yêu tinh ma mị mà vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Người tu hành như chúng ta, đầu tiên dễ bị ma danh vọng làm nhiễu loạn, kế đến ma lợi dưỡng và sau đó là ma sắc dục.

 

Hai loại ma danh vọng và lợi dưỡng dễ chi phối người tu hành, có nghĩa là được tiếng khen và được lợi lộc. Hai ngọn gió này dần dần làm ta mờ mắt, cho đến khi ta hết thấy đường thì chúng xỏ mũi ta đi một cách nhẹ nhàng.

 

Niềm vui của người tu hành là từng bước vượt qua sự cám dỗ của cuộc đời, muốn vậy ta phải nhận ra tính biết sáng suốt và hằng sống được với tính biết đó. Được vậy thì những yêu tinh ma mị phiền não từ vô thủy kiếp đến nay mới có thể dần hồi được chuyển hóa và tan hòa vào hư không. Giống như mặt trời vừa mọc thì bao nhiêu u mê, hắc ám trong đêm tối sẽ được ánh sáng mặt trời chiếu soi.

 

Đức Phật của chúng ta đã làm cho lũ chúng ma một phen kinh hồn, khiếp đảm bởi cây cung Thiền định và lưỡi kiếm trí tuệ nên Ngài đã vượt qua cạm bẫy của ma và tuyên bố “Ta đã chứng được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.

 

Đó là niềm vui lớn, niềm vui chân chính, niềm vui của toàn thể nhân loại. Phật đã hàng phục được toàn thể ma quân, không bị Tám ngọn gió đời làm lay động. Nhờ vậy, hàng phật tử chúng ta ngày nay biết được điều hay lẽ phải để học hỏi và tu hành.

 

Chúng ta cung kính quy ngưỡng, tôn thờ Thế tôn mà cố gắng bắt chước học hỏi hành trì, ứng dụng lời Phật dạy vào trong đời sống hằng ngày để ta và người sống trong bình yên, hạnh phúc. Muốn vậy, người tu của chúng ta làm sao giữ được tâm bình thường và luôn bình tĩnh, sáng suốt mà an nhiên, bất động trước những cơn gió lốc cuộc đời.

 

Nói tóm lại, người tu là người bất động trước sự khổ-vui, được-mất, khen-chê… Ai tu được như vậy thì bà con quyến thuộc nhà ma không thể làm gì được ta nữa.

 

Trong nhà Phật dạy, người được Thiền định và trí tuệ là người xứng đáng nhận lãnh danh hiệu “Tám gió thổi chẳng động.” Chúng ta bây giờ như tôi chẳng hạn chỉ cần một ngọn gió thôi là đủ bay rồi chứ nói gì đến “Tám gió thổi chẳng động”.

 

Ví dụ có ai chửi ta mà mình nổi tam bành lục tặc la hét trở lại thì chỉ cần một gió sân thôi đã thổi ta vào địa ngục, gió tham thì thổi ta vào quỷ đói, gió si thì thổi ta vào các loài súc sanh. Ngay nơi cuộc sống hiện tại này mà ta đã rơi vào các loài như thế, huống hồ đến khi ta đối diện với cái chết sẽ không làm chủ được bản thân thì làm sao ta có cơ hội được sinh trở lại làm người để tiếp tục tu tập.

 

Các vị Bồ tát thường nói, “Nếu Ta không vào địa ngục để cứu độ chúng sinh thì ai sẽ can đảm vào đây? Gông cùm, xiềng xích, khổ đau trong địa ngục Ta không mang thì ai mang?” Nhưng vì sao các vị Bồ-tát lại phải phát nguyện như thế? Bồ-tát Quán Thế Âm thường phát nguyện đi vào đời để cứu độ chúng sinh mà không biết mệt mỏi, nhàm chán để cùng chia vui sớt khổ với tất cả mọi người. Bồ tát Địa Tạng phát nguyện vào địa ngục để cứu khổ chúng sinh.

 

Vô lượng các vị Bồ tát phát đại thệ nguyện như thế trước đức Thế Tôn để vào cõi Ta bà vui ít khổ nhiều này mà tìm cách cứu độ chúng sinh. Các Ngài đã phát tâm dũng mãnh nên không hề run sợ bởi các loại yêu tinh ma mị đó, các Ngài luôn dấn thân đi vào đời đem niềm vui đến cho nhiều người và sẵn sàng an ủi, sẻ chia để làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh mà không hề tìm chỗ an ổn riêng cho mình.

 

Vậy mà chúng ta bây giờ và đa số các phật tử cứ muốn yên ổn cho riêng mình nên khi tu chỉ thích cầu làm sao cho mau sớm về cõi Cực lạc, muốn Phật rước cho lẹ, muốn khỏi phải làm gì hết mà được mau thành Phật. Nếu ta không phát nguyện tu theo hạnh Bồ tát mà muốn mau thành Phật thì e rằng ta đang bị ngọn gió tham lam hưởng nhàn đang cuốn trôi.

 

Ta sống được và an vui, hạnh phúc ở thế gian này thì không biết bao nhiêu con người, con vật và tài nguyên thiên nhiên phải chịu hy sinh gánh lấy nhiều khổ đau để ta được tồn tại. Chúng ta tu mà không có sự trải nghiệm trong khổ đau thì làm sao biết được chúng sinh đau khổ như thế nào mà tìm cách cứu giúp?

 

Chúng ta tu mà không thấy được lẽ thực, không thấy được chân lý thì làm sao ta biết được cái gì giả để chuyển hóa, để loại trừ? Mình tu chưa được bao nhiêu, chưa dấn thân đóng góp, phục vụ cho ai mà đã muốn sung sướng hưởng nhàn thì làm sao cứu khổ chúng sinh?

 

Thực tế, trong cuộc đời tu hành của chúng tôi bữa nào lỡ ban trị nhật nêm nếm hơi lạt hay quá mặn một tí thì chúng tôi đã thấy khó chịu rồi; khi nghe ai đó nói một lời nặng nề khó nghe thì đã cảm thấy chịu không nổi thì thử hỏi làm sao người đời chịu nổi; bởi vì chúng sinh ở cõi Ta bà này ngang tàng, lỳ lượm, bướng bỉnh, cang cường, khó điều phục.

 

Cho nên, ai tu mà muốn được an ổn, nhàn hạ thì bị con ma hưởng thụ chi phối và sẽ chịu chết chìm trong lạc thú nên dễ dàng bị nghiệp báo sai sử. Khi đã bị nghiệp dẫn thì ta khó lòng an nhiên, tự tại trước Tám ngọn gió được-mất, khen-chê, danh thơm-tiếng xấu và khổ-vui.

 

Thành ra, đối với người tu như chúng ta thì không được dễ duôi mà để tháng ngày trôi suông vô ích, tới lúc vô thường đến nhanh chóng thì vô số chúng ma danh vọng, lợi dưỡng, sắc đẹp bao phủ, vây quanh thì ta đành chịu bó tay chào thua để cho chúng trói chặt. Chúng biến ra các cảnh thiên đàng đang hưởng thụ các dục lạc tối cao làm cho tâm tư chúng ta rối loạn, mất hết sự định tĩnh.

 

Trong lúc đang tu hành mà ta lơ là, bất giác một chút thì các loài yêu tinh ma mị sẽ có cơ hội tấn công làm ta mất bình tĩnh mà dẫn mình đi vào chỗ sa đọa, khổ đau. Chúng ta tu mục đích chính là để chuyển nghiệp, thắng được nghiệp và làm chủ các nghiệp tập của mình. Muốn được như thế thì mỗi hành giả cần phải thường xuyên sử dụng cây cung Thiền định và lưỡi kiếm trí tuệ.

 

Mục đích của chúng ta là chặt đứt các dây mơ rễ má tham lam, sân hận và si mê để được giác ngộ, giải thoát. Ta chưa có được Thiền định thì sẽ bị nghiệp dẫn đi trong lục đạo luân hồi mà chịu khổ đau sinh tử. Ta chưa có được trí tuệ sáng suốt thì không đủ sức chống chọi với Tám ngọn gió được-mất, khen-chê, danh thơm-tiếng xấu và khổ-vui.

Tóm lại, muốn được làm chủ bản thân để tu hành viên mãn mà vượt qua cạm bẫy cuộc đời thì ta phải có cây cung Thiền định và lưỡi kiếm trí tuệ. Nhờ có định tĩnh ta không bị các phiền não trần lao chi phối, nhờ có trí tuệ ta dấn thân phục vụ tha nhân mà không biết mệt mỏi, nhàm chán nên dễ dàng cảm thông và tha thứ bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.

Thích Đạt Ma Phổ Giác

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin