Chi tiết tin tức

Lan man chuyện bóng - hình

20:00:00 - 24/05/2017
(PGNĐ) -  Tháng Tư, là tháng kỷ niệm ngày Đản sanh của Đấng Từ phụ; cũng là thời điểm của một trong những câu hỏi cốt tử giữa cuộc nhân sinh: Ta là ai? Và, trong cái “cuộc” ấy của mỗi cá thể, thử hỏi mà chơi, rằng, có ai thân thiết, gần gũi, gắn bó không rời, hơn cả cha mẹ, vợ con, anh em và những gì thân thiết nhất trong cuộc đời của mỗi người?

Cùng một câu hỏi ấy, dân gian đã đưa ra những câu đố rất hình tượng và hay hơn nhiều. Ví như: Vừa hơn một thước / Bước mãi không qua; hoặc Bỏ xuống nước không chìm, Bỏ vô than không cháy, Chặt không gãy, bẻ không đứt; hay là Vật thì thấy mà lấy không được, là cái gì? Nói nhanh, thì đấy là câu đố về “cái bóng”. Cái bóng của chính con người. Là một thành phần trong nhân cách theo cách nói của nhà phân tâm học nổi tiếng K. Jung; hoặc là cái hình ảnh xuất phát từ ý muốn phóng chiếu bản ngã của mình lên tha nhân. Và rất nhiều ý nghĩa khác nữa, trong quá trình sống-và-tu của người.

sunset-473754_960_720.jpg

*

Ai cũng biết, đa số người đều có những lý tưởng sống. Nhưng trong việc thể hiện “cái tôi”, giữa thực tế và lý tưởng luôn có khoảng cách. Vì vậy, con người thường tạo ra những “mặt nạ”. Ẩn sâu bên dưới những mặt nạ này, là những “cái bóng”. Nhìn cho rõ được những cái bóng chính là… tu, có phải như thế không?

Còn nếu muốn “vận vào” lĩnh vực triết học, thì người ta vẫn thường nhắc đến “cái bóng” trong bản thể luận của Platon, khi nói đến sự tồn tại đích thực. Theo triết gia, đó phải là tồn tại vĩnh cửu, tự thân đồng nhất, bền vững, siêu cảm tính, không phân chia. Và “cái bóng” của tồn tại đích thực là sự sinh thành, tính nhất thời, khả biến, có khả năng trở thành cái khác, chịu sự quy định của không - thời gian, cảm tính, có thể phân chia và có thể phá hủy. Sự khác nhau giữa hai thế giới vừa nêu được Platon diễn đạt qua ẩn dụ huyền thoại về “cái hang”, đã có ảnh hưởng rất lâu dài trong lịch sử nhận thức luận.

Đối với Phật giáo, thì vấn đề chính yếu của “cái bóng” đã được Đức Thích Ca Mâu Ni giải quyết rốt ráo từ rất lâu bằng học thuyết “vô ngã”, khi Ngài trả lời những nhà theo thực thể bản thể luận về giáo lý ngã / phạm. Cùng trong nhận thức về tam pháp ấn, tại Việt Nam, trong thơ văn thời Lý, vẫn thường nghe nhắc đến bài thi kệ nổi tiếng về lẽ sinh-diệt của Thiền sư Vạn Hạnh  (?-1018): 

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

Nhậm vận thạnh suy vô bố úy

Thạnh suy như lộ thảo đầu phô.

Ngô Tất Tố dịch:

Thân như bóng chớp có rồi không

Cây cối xuân tươi, thu não nùng

Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi

Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông.

Không phải là thiền sư chứng đắc nhưng trước đó 300 năm, Thi tiên Lý Bạch đời nhà Đường bên Tàu cũng tìm thấy niềm vui chân thực giữa đời sống khi uống rượu với bóng trăng sáng rỡ trong vườn và với cái bóng của chính mình:

Hoa gian nhất hồ tửu

Độc chước vô tương thân

Cử bôi du minh nguyệt

Đối ảnh thành tam thân

Nguyệt tức bất giải ẩm

Ảnh tùng tùy ngã thân

Tạm bạn nguyệt tương ảnh

Hành lạc tu cập xuân

Ngã ca nguyệt bồi hồi

Ngã vũ ảnh linh loạn

Tỉnh thời đồng giao hoan

Túy hậu các phân tán

Vĩnh kết vô tình du

Tương kỳ mạc vân hán - (Nguyệt hạ độc chước) 

Bản dịch của Tương Như: 

Có rượu không có bạn, 

Một mình chuốc dưới hoa. 

Cất chén mời trăng sáng, 

Mình với bóng là ba. 

Trăng đã không biết uống, 

Bóng chỉ quấn theo ta. 

Tạm cùng trăng với bóng, 

Chơi xuân cho kịp mà! 

Ta hát, trăng bồi hồi, 

Ta múa, bóng rối loạn. 

Lúc tỉnh cùng nhau vui, 

Say rồi đều phân tán. 

Gắn bó cuộc vong tình, 

Hẹn nhau tít Vân Hán.

Cái bóng trong thơ Lý Bạch dễ dẫn đến những cái bóng… buồn hơn, nếu ta liên tưởng đến tâm trạng cô đơn của Nguyễn Gia Thiều trong tác phẩm Cung oán ngâm khúc. Đó là cái bóng người cung nữ trong khuê phòng vắng lạnh: Trong cung quế âm thầm chiếc bóng. Đó là Bóng dương lồng bóng đồ mi trập trùng, là Mùi hương tịch mịch, bóng đèn thâm u; là Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi… Những cái bóng ấy cũng chính là cái bóng của Nguyễn Gia Thiều, trong thế giới tâm thức và thế giới nghệ thuật của thi sĩ.

Mà nào phải chỉ trong văn chương bác học mới có cái bóng, nếu ta chưa quên sự cô đơn của người bình dân qua câu chuyện người thiếu phụ Nam Xương trong Truyền kỳ mạn lục, đêm đêm chỉ vào cái bóng mình mà trò chuyện với đứa con. Cái bóng, như thế, đã trở thành phân thân của con người, làm chứng cho sự hiện hữu của thực thể.

*

Trở về với chuyện… tu ở đầu bài viết, thì có lẽ, một việc hết sức quan trọng là nhận biết-nắm bắt cho được cái bóng của chính mình. Cái bóng, ấy là sự phóng chiếu của bản thân mỗi cá thể lên những đối tượng trong các mối tương giao của họ. Nghĩa là, mỗi khi ta nhìn thấy cái tốt hoặc cái xấu nơi người khác, thì cái tốt hoặc cái xấu ấy cũng nằm sâu trong chính bản thân mình; hoặc ngược lại, đó là sự mơ ước được “trở thành” giống như đối tượng. Bước tiếp theo, có lẽ là việc ném bớt những cái “mặt nạ” nhằm đem lại sự cân bằng trong đời sống hàng ngày. Cân bằng, để dần dần giải thích những hiện tượng tâm linh, nhằm vượt lên trên sự vận hành của những cái bóng để hướng tới một thực tại khác.

Thì thôi, để chấm hết chuyện bóng-hình đã quá rềnh rang dằng dặc, xin trở lại với một chuyện quá đỗi đời thường. Ấy là cái chuyện vặt trên đường phố, mỗi khi dừng xe chờ đèn đỏ chuyển sang xanh. Chỉ trong khoảng mươi hoặc vài mươi giây ngắn ngủi ấy, nhiều người đều cố gắng “lết” xe đến bên dưới cái bóng mát của một chòm lá từ hàng cây bên lề rớt ra trên đường nhựa. Trong cái đám đông ấy, đã có bao nhiêu người  biết “ôn cố” để thấy sự bạc lòng của chính con người, về những điều thân quý nhỏ nhoi của cuộc sống bình thường chung quanh? Và có chăng một thoáng suy nghĩ, khi được tạm thời che mát bên dưới cái bóng ở phía trên? Mà, rung rinh nhỏ nhoi cái bóng ấy có ý nghĩa là chi? Có thể đó là cái thực hay cái hư? Hay là cái mất cái còn? 

Bao giờ, con người sẽ nhìn thấy rõ hơn và hiểu được chút gì về những cái bóng? 

Nguyễn Đông Nhật

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin