Chi tiết tin tức Làm gì để được bình an thực sự 22:00:00 - 26/03/2022
(PGNĐ) - Trước khi nhập Niết-bàn, Đức Phật dạy: “Hãy tự nương tựa mình, nương tựa nơi Pháp, chớ nương tựa nơi khác” [6]. Lời dạy trên sẽ giúp cho tất cả chúng ta có đầy đủ niềm tin, học và thực hành pháp hầu mong có được bình an thực sự và lâu dài.
Đạo Phật là đạo chân thật, nhấn mạnh đến yếu tố thực hành. Dù trong Phật giáo Nguyên thủy hay phát triển, yếu tố tha lực vẫn xuất hiện, nhưng tự lực vẫn là yếu tố quyết định [1]. Hiểu được đúng bản chất Đạo Phật, con người sẽ không rơi vào tà kiến. Người Việt Nam dù là Phật tử hay không, học vẫn có truyền thống đi chùa. Trong những ngày đầu năm hay vào ngày Rằm, mùng một hàng tháng, nhiều người đến chùa lễ Phật để cầu bình an. Đặc biệt, trong hai năm qua, tình hình dịch bệnh liên tiếp xảy ra, con người có lẽ càng cảm thấy bất an hơn, vì vậy càng mong muốn được bình an. Đó là một mong muốn rất chính đáng. Nhưng làm thế nào để bình an thực sự là điều mà bài viết này sẽ bàn luận dựa trên bài Kinh số 11, Phẩm Lực của Tăng Nhất A Hàm [2]. Tình hình dịch bệnh nghiêm trọng đã từng xảy ra ở thời Đức Phật, như bài kinh nêu trên đề cập. Năm đó, theo lời thỉnh cầu của vua A-xà-thế, Ngài cùng Tăng đoàn đến thành La-duyệt để An cư kiết hạ. Lúc đó, dân chúng ở thành Tỳ-xá-ly, thuộc quyền cai quản của bộ tộc Licchavi, đang lâm vào hoàn cảnh dịch bệnh do quỷ thần gây nên. Như trong kinh miêu tả thì chẳng khác gì hoàn cảnh của nhân loại thời gian qua. Người dân tử vong vô số kể, dân chúng bàn nhau và quyết định cử một vị Trưởng giả uy tín đến thỉnh cầu Đức Phật cứu giúp. Khi vị Trưởng giả đến thỉnh cầu, Đức Phật bảo Ông đến gặp vua A-xà-thế xin phép. Nếu vua cho phép, Đức Phật mới có thể đi. Vị Trưởng giả nghe thế liền hoảng sợ, vì giữa bộ tộc của Ông và vua A-xà-thế không hòa hợp với nhau. Nói về vua A-xà-thế, Ông là người đã từng giết cha mình để cướp ngôi. Sau đó, vì hối hận nên vua tìm đến gặp Đức Phật rồi quy y với Ngài (xem kinh Sa Môn Quả, Trường A Hàm II [3]). Vì vậy, Đức Phật mới bảo với vị Trưởng giả khi đến gặp vua và nói rằng: Đức Phật cho biết do vua biết hối cải, nên tội giết cha khi chết chỉ bị sinh vào địa ngục Phách Cầu, sau đó sẽ tái sinh lên cõi trời và cuối cùng tu hành thành một vị Bích Chi Phật. Quả thật, khi vừa nhìn thấy vị Trưởng giả đến, vua sai người giết chết, vị Trưởng giả hô lên mình là Sứ giả của Đức Phật. Vua nghe đến tiếng “Phật” liền từ ghế ngồi bước xuống, quỳ sát đất, hướng về nơi Đức Phật, hỏi Trưởng giả: “Như Lai dạy điều gì?”. Vị Trưởng giả thuật lại lời của Đức Phật. Nghe xong, vua mừng vui hớn hở và hứa ban cho vị Trưởng giả một đặc ân. Vị Trưởng giả nêu lên nguyện vọng được thỉnh mời Đức Phật đến thành Tỳ-xá-ly để cứu dân chúng đang lâm nạn. Vì đã hứa nên vua đành phải chấp thuận cho vị Trưởng giả thỉnh Đức Phật về thành. Khi đến cổng thành, Đức Phật nói bài kệ sau: “Nay đã thành Như Lai Chí tôn trên thế gian: Bằng lời chân thật này, Tỳ-xá-ly bình yên. Đây là Pháp chân thật Dẫn đến Niết-bàn giới; Bằng lời chân thật này, Tỳ-xá-ly yên bình. Đây là Tăng chân thật, Chúng Hiền Thánh bậc nhất; Bằng lời chân thật này, Tỳ-xá-ly yên bình. Loài hai chân an ổn; Loài bốn chân cũng vậy; Khách đi đường an lành; Khách đến cũng như vậy. Ngày đêm được an ổn, Không có ai quấy nhiễu. Bằng lời chân thật này, Tỳ-xá-ly yên bình”. Sau đó, quỷ thần trong thành đều biến mất, dân chúng vượt qua chướng nạn. Từ câu chuyện nêu trên, có một số điều chúng ta cần suy ngẫm. Thứ nhất, Đức Phật là một bậc Giác ngộ, thần thông đi lại tự tại, nên có thể đi khắp nơi, nhưng Ngài đã yêu cầu Trưởng giả phải đến xin phép vua. Đích thực, Ngài muốn tạo nên một nhân duyên cho cuộc gặp gỡ giữa hai bên để đi đến hóa giải hận thù, tạo mối quan hệ giao hòa. Chiến tranh, hận thù, gây chết chóc tang thương là nhân xấu ác, chỉ chiêu cảm những quả xấu. Ngày nay, quan hệ hòa hiếu không chỉ đặt ra giữa người với người, giữa các quốc gia với nhau mà còn phải giữa con người và muôn loài khác. Khoa học đã chứng minh một trong những nguyên nhân gây nên đại dịch như hiện nay là do nạn phá rừng, tàn phá nơi sinh sống dẫn đến tuyệt chủng ở một số loài động vật; việc mua bán động vật hoang dã và việc chăn nuôi gia súc với quy mô lớn [3-5] để phục vụ nhu cầu hưởng thụ không có điểm dừng của con người. Như vậy, phải chăng con người đang phải trả quả báo do chính nhân xấu mình đã gây ra. Chỉ có tấm lòng từ bi mới hóa giải được tai ách. Bài kệ của Đức Phật đã thể hiện điều này, Ngài không chỉ giúp cho “loài hai chân” mà còn cho cả “loài bốn chân” vì tất cả đều bình đẳng, đều có Phật tính. Thứ hai, vị Trưởng giả đến gặp vua là mang đến một thông điệp tốt lành. Vì vậy, việc giết chóc tang thương không xảy ra. Trong cuộc sống này, nếu con người đem đến cho nhau những điều tốt lành thì hạt giống oán hờn, hận thù sẽ không có đất nảy mầm. Oán thù không có, tất cả chung sống vui vẻ thì làm gì không có bình an. Thứ ba, vua A-xà-thế phạm tội giết cha, đây là tội ngũ nghịch, nên thân tâm bất an. Vua hối hận, nên xin quy y Phật và nhờ thế tâm ý được hòa vui, xua tan đi oán thù trong tâm. Điều này nhắc nhở chúng ta luôn nhớ sửa đổi tâm xấu ác ở nơi mình thì mới được bình an. Thứ tư, bài kệ của Đức Phật cho thấy, Ngài không làm thay cho chúng sinh ở thành Tỳ-xá-ly, Ngài không dùng thần thông biến hóa hay xua đuổi quỷ thần mà chỉ nhắc nhở tất cả quay về quy y Phật, Pháp và Tăng không chỉ ở bên ngoài mà còn ở chính trong tâm mỗi chúng sinh. Quỷ thần gây nên dịch bệnh cho người dân thành Tỳ-xá-ly đó cũng là nhân quả, oan kết giữa các bên. Điều vượt lên trên hết là “quỷ thần” trong tâm mỗi người, tức tâm xấu ác. Khi quay về với Tam bảo của tự tâm thì oán kết cũng được hóa giải, tâm xấu ác không còn, sự bình an sẽ hiển bày. Do vậy, chúng ta đến chùa bất kể lúc nào, dù ngày Tết hay ngày thường trong năm, lễ Phật là học gương hạnh của Ngài để sửa đổi chính mình, bên cạnh việc quy y Tam bảo ở bên ngoài, cần phải cầu pháp để tu tập, quay về với Tam bảo ở bên trong chúng ta. Khi đó mới có bình an thật sự. Tóm lại, qua bài kinh nêu trên, yếu tố tha lực chính là người hướng đạo cho chúng ta, còn được bình an hay không phải do chính chúng ta, tức là yếu tố tự lực. Như vậy, việc đến chùa lễ Phật để cầu bình an nhưng thân vẫn làm việc bất thiện, miệng vẫn nói lời thô ác, tâm vẫn nghĩ tà vại thì làm sao có được bình an. Trước khi nhập Niết-bàn, Đức Phật dạy: “Hãy tự nương tựa mình, nương tựa nơi Pháp, chớ nương tựa nơi khác” [6]. Lời dạy trên sẽ giúp cho tất cả chúng ta có đầy đủ niềm tin, học và thực hành pháp hầu mong có được bình an thực sự và lâu dài.
NCS. Lê Tấn Lộc/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 385
Chú thích và tài liệu tham khảo: * Lê Tấn Lộc – Nghiên cứu sinh Phật học tại Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |