Chi tiết tin tức Lòng tin vững chãi của người Phật tử 20:40:00 - 21/08/2022
(PGNĐ) - Cuộc đời vô thường nên không gì là không thể xảy ra, mọi thứ luôn biến đổi không ngừng, không một ai trải qua đường đời hay trong quá trình tu tập mà may mắn mãi được. Đường đi của mỗi chúng ta có khi thuận duyên, có khi nghịch cảnh, nhưng hãy lấy nghịch cảnh làm thầy để học hỏi kinh nghiệm, chỉ dẫn cho bước đi tiếp theo được an tịnh hơn. Trong việc tu đạo của người Phật tử, nhờ nghịch cảnh chướng duyên, ta mới trân trọng những gì đang có; nhờ sự biến đổi vô thường, ta mới quý trọng thời gian; nhờ những khổ đau phiền não, ta mới thấy rõ bản chất cuộc đời để cố gắng tinh tấn tu tập, giải thoát khỏi khổ đau luân hồi.
VAI TRÒ CỦA NIỀM TIN TRONG PHẬT GIÁO Niềm tin có vai trò quan trọng trong đạo Phật. Lòng tin (tín) (P:saddha, S:sraddha) có nghĩa là sự tin tưởng như thật bằng trí tuệ hiểu biết đúng đắn. Niềm tin cần được phát khởi, giữ gìn và trưởng dưỡng cho những ai theo bước của bậc Chánh Đẳng Giác. Người Phật tử tin tưởng vào sự giác ngộ của Đức Phật và giáo lý của Ngài, cũng như người chưa quen đường đặt trọn niềm tin nơi người khéo dẫn đường, tức người đi trước, có kiến thức thể nghiệm qua con đường mà người đó đã đi qua và chỉ dẫn lại cho những người đi sau. Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni không phải là vị sáng thế chủ mà là một con người lịch sử. Ngài có cha mẹ, tư duy, tình cảm,… Tuy nhiên, điều làm Ngài trở nên phi thường chính là tin ở chính mình, nhờ ý chí nỗ lực phấn đấu vượt mọi rào cản đã tìm ra con đường đưa đến chấm dứt khổ đau cho mình và tất cả chúng sanh. Ngài tuyên thuyết giáo pháp mình chứng đạt, để chỉ ra con đường thoát khổ, an vui trong cuộc sống hiện tại và giải thoát trong tương lai. Với niềm tin kiên cố, suốt 49 năm, Ngài không quản khó nhọc, vượt núi băng sông, từ thành thị đến nông thôn, đến đâu Ngài cũng rải tâm từ bi. Ngài chỉ dạy cho từng người, từng việc thích hợp, rồi độ cho biết bao người bỏ ác hành thiện, bỏ chiến tranh chọn hòa bình, bỏ tâm tham lam, sân hận mà hành tâm rộng lượng vị tha,… Nhiều người từ đó có niềm tin vào cuộc sống, vào Chánh pháp và bản thân. TIN TƯỞNG VỮNG CHẮC VÀO BA NGÔI TAM BẢO Người Phật tử đi theo lời dạy của chư Phật cần xây dựng cho mình lòng tin tuyệt đối vào Tam bảo, vì đây là vấn đề đầu tiên phải chú tâm đến: Tin Phật là người giác ngộ hoàn toàn; tin lời Phật dạy (Pháp) là chân lý; tin tưởng vào Tăng đoàn và cung kính tôn trọng ba ngôi báu. Đồng thời, dựa trên cơ sở đặt niềm tin vào ba ngôi Tam bảo, Phật tử khơi dậy niềm tin chính mình (lòng tự tín). Tin vào ân đức cao thượng của Phật, Pháp, Tăng sẽ mang lại nhiều lợi ích tốt đẹp cho mỗi người. Phật là bậc đã giác ngộ, giải thoát, không còn khổ đau, hướng dẫn chúng sanh hướng đến giải thoát như mình. Ân đức của Ngài phải luôn ghi nhớ, kính tin để đem đến phước báu vô lượng cho tự thân và hồi hướng tha nhân. “Ngài là: Thế Tôn, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn” [1]. Tin lời dạy của Phật là chân lý tối thượng để biết trân quý và tôn kính qua bài kinh sau: “Ðây là Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, do người trí tự mình giác hiểu” [2]. Tin Tăng và biết cung kính Tăng bảo qua bài kinh sau: “Chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Thiện hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Trực hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Chánh hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Như pháp hạnh, tức là bốn đôi, tám chúng. Chúng Tăng đệ tử này của Thế Tôn đáng được cúng dường, đáng được hiến dâng, đáng được bố thí, đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở trên đời” [3]. Khi cuộc sống không được như ý, nhiều người thường than vãn và mong sao cho bớt khổ đau, tìm cầu ở các thế lực siêu nhiên. Ít ai đặt niềm tin vào bản thân, chính là năng lực chuyển hóa tự thân ngay trong cuộc sống này. Ví như muốn gia đình đầm ấm, ta cần dành nhiều thời gian chăm sóc mỗi thành viên, bớt đi những sân si, tham ái và tập lắng nghe, nói những lời ái ngữ với mọi người. Hay như muốn được mạnh khỏe, mỗi người cần thực tập lối sống lành mạnh, khoa học. Chính vì có niềm tin rằng không đấng thần linh nào ban phước hay giáng họa mà tự thân là chủ nhân tạo tác của nghiệp và thừa tự nghiệp mình đã tạo. Mỗi người đều có khả năng chuyển hóa nghiệp xấu ác thành nghiệp thiện lành tốt đẹp. Ai tin sâu vào nhân quả thì người ấy là người tin vào chính mình, họa phúc đều do mình tạo lấy từ chính hành động lời nói và suy nghĩ. Mỗi người con Phật phải tin chắc rằng với nỗ lực của tự thân, ta có thể tu tập hướng đến Thánh quả [4]. Đến với đạo Phật là trở về nương tựa chính mình, thực tập theo những lời dạy chân chánh theo chân lý thoát khổ và phương pháp tu tập làm chủ những ý niệm xấu xa trong tâm, hướng tâm trở về chánh niệm. Trong kinh Pháp Cú, ở bài kệ số 103, Đức Phật dạy rằng: “Dầu tại bãi chiến trường Thắng ngàn ngàn quân địch, Tự thắng mình tốt hơn, Thật chiến thắng tối thượng” [5]. Hay trong Kinh Đại Bát Niết bàn, Đức Phật cũng có dạy: “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác” [6]. Khi đã có niềm tin vào chính mình, Phật tử thực tập đời sống trong sạch, lành mạnh, cao thượng. Mỗi người tự mình phát nguyện quy y Tam bảo, giữ gìn năm điều đạo đức: Không sát sinh, không trộm cắp, không nói dối, không tà dâm, không uống rượu và sử dụng các chất gây nghiện. Mỗi người chọn nghề nghiệp hướng đến sự lương thiện để mưu sinh, tạo ra của cải vật chất bằng đôi tay và khối óc một cách chính đáng, hợp pháp. Bên cạnh giữ giới, Phật tử cần năng học hỏi giáo lý, thực tập lòng từ bi diệt trừ tâm ích kỷ, mở rộng lòng thương, bố thí, cúng dường, ăn chay, tham thiền, trì chú, phóng sinh và làm những việc phước thiện khác lợi mình lợi người… Những việc làm này mang lại an vui, hạnh phúc cho cuộc sống hiện tại và tạo nhân duyên tốt đẹp cho lộ trình giác ngộ, giải thoát trong tương lai. Đức Phật từng dạy cho chúng đệ tử rằng: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành” [7]. Phật tử cần có niềm tin vào nhân quả. Nhân quả là định luật của tự nhiên không do ai tạo ra, mọi hiện tượng trong cuộc sống đều bị luật Nhân quả chi phối. Ta gieo nhân thế nào thì gặt quả như thế ấy, không có sự phân biệt giữa người giàu hay nghèo, già hay trẻ,… Với trí tuệ và niềm tin của người con Phật, đó là hai yếu tố cần thiết để hành giả biết được đúng sai, phải trái, làm những việc chơn thiện, giúp cuộc sống tăng trưởng từ bi, thế giới bình an, người người an lành. Nếu hiểu luật Nhân quả, Phật tử sẽ có được chìa khóa để mở cửa hạnh phúc cho đời mình và làm chủ chính mình trong hiện tại lẫn tương lai. Định hướng rõ ràng và sống vững chãi trước mọi hoàn cảnh khó khăn là yếu tố quan trọng của người con Phật trên bước đường giải thoát. Tin vào Tam bảo là niềm tin tâm linh quan trọng nhất trong cuộc đời này. Lòng tin ấy được soi sáng bởi trí tuệ, có công năng như người dẫn đường, hướng chúng sanh xa lìa các ác nghiệp, hướng đến thực tập các thiện hạnh, thanh tịnh tâm ý để đạt được nhiều thắng duyên trong cuộc đời và nhiều đời sống sau nữa, không những lợi lạc cho mình mà còn cho hết thảy chúng sanh. Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Phật trình bày 5 lợi ích của người có lòng tin vào chân lý: “Này các Tỳ kheo, có năm lợi ích này cho thiện nam tử có lòng tin. Thế nào là năm? Các Thiên nhân, các Chân nhân, trước hết có lòng thương tưởng đến các vị có lòng tin, không có như vậy đối với các vị không có lòng tin. Khi đến thăm, trước hết họ đến thăm những vị có lòng tin, không có như vậy đối với người không có lòng tin. Khi chấp nhận thọ thực, họ chấp nhận trước hết những vị có lòng tin, không có như vậy đối với những vị không có lòng tin. Họ thuyết pháp trước hết cho những người có lòng tin, không cho những người không có lòng tin. Người có lòng tin, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi lành, cõi trời. Những pháp này, này các Tỳ kheo, là năm lợi ích cho thiện nam tử có lòng tin. Ví như, này các Tỳ kheo, trên khoảnh đất tốt, tại ngã tư đường, có cây bàng to lớn là chỗ nương tựa cho các loài chim. Cũng vậy, này các Tỳ kheo, các thiện nam tử có lòng tin là chỗ nương tựa cho quần chúng, cho các Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, cho nam cư sĩ và nữ cư sĩ” [8]. Đức Thế Tôn tuyên bố: “Không có một cư sĩ nào, nam hay nữ đã quy y ba ngôi báu, những ngôi báu đầy đủ công đức tối thượng như vậy, phải tái sanh trong các địa ngục… nhưng họ được thoát khỏi sanh vào đọa xứ, họ được sanh vào thế giới chư Thiên và đắc thiền, bước trên đường chứng ngộ”. Thay lời kết Người có niềm tin vào ba ngôi Tam bảo là người có lý tưởng sống, hướng đến sự giải thoát khỏi khổ đau và nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách của cuộc đời. Vai trò của niềm tin là vô cùng quan trọng, vì vậy, mọi người cần xây dựng và nuôi dưỡng niềm tin của mình, niềm tin về cuộc sống, niềm tin vào chính bản thân và niềm tin vào Tam bảo như một chỗ dựa tinh thần an yên và bền vững. Phật tử khi có lòng tin đủ mạnh, đủ vững chãi thì con đường học Phật cũng như trong cuộc sống thường nhật chẳng có gì khó khăn và có thể đạt được mọi ước nguyện.
Mặc Nhiên/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 395Chú thích và tài liệu tham khảo: * Thích Hải Tạng, hiện công tác tại Trung tâm Biên – Phiên dịch tư liệu Phật giáo Quốc tế. [1] Thích Minh Châu dịch (2000), Kinh Tương Ưng, Chương XI – Tương Ưng Sakka, Kinh Đầu ngọn cờ, Nxb. Tôn giáo, tr.218. [2] Thích Minh Châu dịch (2000), Kinh Tương Ưng, Chương XI – Tương Ưng Sakka, Kinh Đầu ngọn cờ, Nxb. Tôn giáo, tr.218. [3] Thích Minh Châu dịch (2000), Kinh Tương Ưng, Chương XI – Tương Ưng Sakka, Kinh Đầu ngọn cờ, Nxb. Tôn giáo, tr.218. [4] Thánh quả là bốn cấp độ đạo quả được Phật chỉ ra giúp hành giả đánh giá được sự tu chứng. [5] Thích Minh Châu (1969), Kinh Pháp Cú, Pháp Cú số 103, Nxb. Tôn giáo. [6] Thích Minh Châu (1991), Kinh Trường Bộ 1, Kinh Đại Bát Niết bàn, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, tr.576-577 [7] Phật thuyết Phạm võng, kinh Bồ tát tâm địa phẩm, kinh tạng Phật giáo Bắc tông. [8] Thích Minh Châu dịch (1996), Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Sumana, phần Sự lợi ích của lòng tin, Viện Nguyên cứu Phật giáo Việt Nam ấn hành, tr.369.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |