Chi tiết tin tức

Ngọn lửa hoằng hóa và niềm tin giác ngộ

16:27:00 - 27/06/2015
(PGNĐ) -  Gần bốn mươi năm trước, thấy ba tôi kính cẩn treo tấm ảnh đen trắng chụp hình một trái tim được đặt trên chiếc cốc thủy tinh trong suốt và chiếc cơi sáng lấp lánh ở khoảng tường đẹp nhất trước bàn thờ Phật của gia đình, anh em chúng tôi không hiểu tấm ảnh nói lên điều gì và tại sao lúc ấy gương mặt của ba thành kính đến vậy. Thêm vài tuổi, anh trai của chúng tôi nói với đàn em còn ngơ ngác của mình rằng trái tim trong tấm ảnh ngày ngày vẫn hiện bóng trong những ánh mắt trẻ thơ chúng ta đây là trái tim của một con người – một nhà sư đã dùng thân mình thắp lên ngọn lửa huyền vi trong phong trào Phật giáo tranh đấu vào năm 1963. Tôi thắc mắc, Đức Phật vẫn dạy con người sống hòa bình, từ bi và hỷ xả; vậy, đã nguyện theo Phật sao lại tranh đấu và tranh đấu của Phật giáo sao lại phải tự thiêu… Thuở ấy, anh em chúng tôi chưa hiểu.

Hình ảnh Tăng Ni, Phật tử cùng huynh trưởng và đoàn sinh Gia đình Phật tử biểu tình ôn hòa chống sự kỳ thị tôn giáo, đàn áp và khủng bố Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, hình ảnh nhà sư Thích Quảng Đức hiền từ ngồi kiết-già niệm Phật trên đường, hình ảnh tự tại của Hòa thượng Thích Quảng Đức giữa ngọn lửa dẫn chúng tôi đến niềm ngưỡng vọng nhà sư vị pháp thiêu thân trong phong trào Phật giáo tranh đấu. Qua ngọn lửa và trái tim bất diệt của Ngài, chúng tôi đọc thấy tâm nguyện của bậc chân tu: “Tôi, pháp danh Thích Quảng Đức, Hòa thượng trụ trì chùa Quán Âm Phú Nhuận (Gia Định). Nhận thấy Phật giáo nước nhà đương lúc ngửa nghiêng, tôi là một tu sĩ mệnh danh là trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật pháp tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo…”. Qua lời kể của nhiều người, chúng tôi hiểu chính tâm nguyện đó đã đưa vị Hòa thượng nhân hậu ấy tới ngã tư Phan Đình Phùng-Lê Văn Duyệt, nay là ngã tư Nguyễn Đình Chiểu-Cách Mạng Tháng Tám (quận 3, TP.HCM) vào ngày 11-6-1963 mà khoan thai bước xuống xe, chắp tay xá bốn phương rồi tĩnh tại ngồi kiết-già trên đường, mặt quay về hướng Tây, miệng lâm râm niệm Phật trước giây phút tự tay mình châm ngọn lửa “Mong ơn mười phương chư Phật, chư Đại đức Tăng Ni chứng minh cho tôi đạt thành chí nguyện như sau: Mong ơn Phật Tổ gia hộ cho Tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên ngôn. Nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường cửu bất diệt. Mong nhờ hồng ân chư Phật gia hộ cho chư Đại đức Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn khủng bố bắt bớ giam cầm của kẻ gian ác. Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc. Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thủa. Tôi tha thiết kêu gọi chư Đại đức Tăng Ni và Phật tử nên đoàn kết nhất trí hy sinh để bảo tồn Phật giáo”.ngon-lua-hoang-hoa

Báo chí thời đó phản ánh, khi ngọn lửa vị pháp thiêu thân của Hòa thượng Thích Quảng Đức bùng lên, cả Sài Gòn đã khóc và cảnh sát chống biểu tình đã buông dùi cui, súng ống… Những tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc xúc động của cuộc vị pháp thiêu thân bởi nhà báo Malcome Browne của Hãng thông tấn AP ngay hôm sau đã làm rung động trái tim con người trên khắp thế giới, như Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã nói: “Không một bức hình thời sự nào trong lịch sử lại gây nhiều xúc cảm trên khắp thế giới như vậy”. Và con người trên khắp thế giới sẽ còn nhiều xúc cảm bởi sau cái chết bình thản cung hiến cho hòa bình của dân tộc và Phật pháp, dẫu đã hai lần được đưa vào lò hỏa thiêu, nhưng năm ngàn độ lửa vẫn không thể đốt cháy trái tim xá-lợi của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Như người trong cuộc đã kể, đêm trước tự thiêu, chính Hòa thượng Thích Quảng Đức đã dặn dò rằng nếu tâm nguyện thiêu thân vì đạo pháp và hòa bình của mình được Phật tổ chứng giám, ngài sẽ về cõi Phật và để lại một trái tim xá-lợi thì dường như tâm nguyện của ngài đã linh ứng. Để rồi từ đó về sau, dẫu chỉ nhìn thấy trái tim bất tử của vị Hòa thượng vị pháp thiêu thân qua hình ảnh sao chụp nhưng những Phật tử bình dị như ba của chúng tôi vẫn chiêm bái và phụng thờ trái tim ấy với tấm lòng thành kính và niềm tin “Còn mãi chứ, còn trái tim Bồ tát/ Gội hào quang xuống tận ngục A-tì” (Lửa từ bi – Vũ Hoàng Chương).

Cái chết vô úy cùa Hòa thượng Thích Quảng Đức vào ngày 11-6-1963 đã làm cả thế giới bàng hoàng, xúc động. Là một hành động tiêu biểu của tinh thần bất bạo động mà Phật giáo Việt Nam quyết định không lìa bỏ trong cuộc tranh đấu vì hòa bình và tự do tín ngưỡng từ ngày 7-5-1963 đến ngày 1-11-1963, ngọn lửa vị pháp thiêu thân của Hòa thượng Thích Quảng Đức đồng thời là một kháng nghị cao đẹp và hào hùng, lộng lẫy chống lại sức mạnh bạo trị đen tối đương thời. Tôi đã đọc đây đó trên nhiều tài liệu điều cảm phục ấy. Qua những tài liệu về sự hy sinh có ý nghĩa giác ngộ của Hòa thượng Thích Quảng Đức, thế hệ hậu sinh như chúng tôi hiểu rằng: Khi ngọn lửa chính nghĩa bừng sáng trên thân thể của vị sư “Bước ra ngồi nhập định về hướng Tây – Gọi hết lửa vào xương da bỏ ngỏ – Phật Pháp chẳng rời tay… Tụng cho nhân loại hòa bình” (Lửa từ bi), nhân dân Sài Gòn đã được tiếp sức và hòa vào nhau như những giọt nước   trong đại dương. Để rồi hôm nay, mỗi khi ngang qua     bức tượng Bồ-tát Thích Quảng Đức ở ngã tư Nguyễn Đình Chiểu- C á ch Mạng Tháng Tám là   mỗi lần người dân Sài Gòn – TP.HCM tưởng nhớ Hòa thượng-Bồ tát Thích Quảng Đức và tri ân ngọn lửa chính nghĩa, ngọn lửa từ bi cũng như công đức hy sinh của Ngài cho Phật giáo Việt Nam và đất nước, dân tộc Việt Nam.

“Chỗ người ngồi: Một thiên thu tuyệt tác – Trong vô hình sáng chói nét từ bi” (Lửa từ bi), ngọn lửa vị pháp thiêu thân và quả tim bất diệt của bậc chân tu Thích Quảng Đức là biểu tượng của lòng từ bi, trắc ẩn và là điều mầu nhiệm đã dẫn đến việc giới Phật tử suy tôn Hòa thượng Thích Quảng Đức thành Bồ-tát. Bây giờ, dẫu hiểu biết về ngọn lửa Bồ-tát Thích Quảng Đức vẫn chưa nhiều nhưng mỗi khi nhìn lên tấm hình trái tim xá-lợi của Bồ-tát mà ba tôi để lại, anh em chúng tôi vẫn thầm biết ơn ngọn lửa hoằng hóa của Bồ-tát Thích Quảng Đức đã mang lại niềm tin giác ngộ: Đạo pháp trường tồn với nền hòa bình và tình nhân loại.■

NGUYỄN BỘI NHIÊN

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 178

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin