Chi tiết tin tức Tiếng “dạ, thưa” ngọt ngào thân thương 22:51:00 - 01/09/2015
(PGNĐ) - Khi bập bẹ tròn tiếng gọi mẹ gọi ba thì chúng ta liền được dạy tiếp tiếng “dạ” tiếng “thưa”. Chúng ta không chỉ được căn dặn phải luôn “dạ thưa” những người thân trong gia đình như ông - bà, cha - mẹ, anh - chị, chú - bác... mà còn phải luôn luôn thực hiện lời dạ thưa ấy với những người lớn hơn mình khi ra khỏi nhà. Đó điều tối thiểu đạo đức, là bài học vỡ lòng cho chúng ta.
Chắp tay hình búp sen, dạ thưa, cúi chào trang nghiêm trong đạo Phật là vì kính "Phật tánh" của người, hạ ngã của mình xuống vậy - Ảnh minh họa
Càng lớn con người ta càng ít dùng tiếng dạ thưa. Bởi lẽ ta so sánh tuổi đời của ta với tuổi của người nên tiếng dạ thưa "cầm chừng" chúng ta lại. Để rồi khi đến độ tuổi “cổ lai hy” thì tiếng dạ thưa không còn nữa mà chúng ta chỉ còn “nhận” tiếng dạ thưa từ người khác.
Chúng ta so sánh tuổi đời, tức so sánh cái thân tứ đại này hiện diện ở cõi Ta-bà mà tính kể tuổi nên những ai hiện diện sau ta thì ta không “cho” mà chỉ “nhận” tiếng dạ thưa ấy. Thế nhưng khi học Phật ta mới hay tiếng dạ thưa ấy không còn trong giới hạn của tuổi với cái thân này mà đó chính là một pháp tu trong hành trình học Phật giải thoát của chúng ta. Ai cũng vì cái tôi nên không chịu thua người, luôn cho mình hơn người nên không thể dạ thưa được. Và cũng chính vì cái ngã ấy mà ta bị lầm vào cái tri kiến của nhân - ngã, bỉ - thử. Không chịu hạ mình để học hỏi cái hay và mở miệng nói tiếng dạ thưa với người thua mình, nhỏ hơn mình. Để tiến tu và hạ dần cái ngã ấy thì không gì bằng chúng ta vui vẻ mở miệng dạ thưa với tất cả trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, không giới hạn đối tượng lớn nhỏ. Và ta cũng hiểu rằng, khi vui vẻ dạ thưa thì lúc ấy ta không còn dạ thưa con người hiện hữu ở trước mặt mình, đang giao tiếp với mình mà mình đang dạ thưa “ông Phật” đang ở trong đối tượng ấy. Mình dạ thưa người ta tức là đang mong muốn người ấy thấy Phật tánh của họ, đồng thời ta cũng đang nuôi lớn và hiển bày Phật tánh trong chúng ta. Quán xét được như vậy ta dễ dàng hơn trong việc nói tiếng dạ thưa. Hiểu được ý nghĩa sâu xa của tiếng dạ tiếng thưa thì khi đối tượng tiếp xúc với chúng ta là ai đi nữa, chúng ta cũng mở miệng dạ thưa một cách hoan hỷ. Một pháp môn để ta nuôi dưỡng tâm hồn mình và thân thiện với mọi người xung quanh.
Chi Nguyên
(chùa Tra Am, TT-Huế)
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |