Chi tiết tin tức Tại sao giới trẻ nên làm lễ Hằng Thuận trong chùa? 14:40:00 - 05/09/2013
(PGNĐ) - Người ta bảo mùa thu là mùa thăng hoa của tình yêu đôi lứa, mùa của những tổ ấm được sinh ra. Cứ mỗi độ thu về, các đôi bạn trẻ lại bận bịu chuẩn bị cho cuộc sống tương lai, cho mái ấm nhỏ của mình. Những đoàn xe tấp nập, những pháo cưới đầy đường, những tiếng nhạc rộn ràng, những đôi má hồng phúng phính, tiệc cưới được long trọng diễn ra dưới sự hân hoan của hai bên họ hàng nội ngoại.
Đám cưới được tổ chức theo phong tục truyền thống Từ ngàn xưa tới nay, mỗi một vùng đất, mỗi một địa phương đều có những phong tục, tập quán khác nhau, và tổ chức đám cưới cũng không nằm ngoại lệ. Tuy nhiên, những hoạt động chính trong đám cưới thì vẫn có một số nét tương đồng giữa các vùng miền. Công việc chuẩn bị cho đám cưới, đầu tiên là hai bên gia đình gặp nhau, sau đó cùng nhau chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức hôn sự cho con cái, đó là lễ dạm ngõ. Sau lễ dạm ngõ thì tới lễ ăn hỏi. Lúc đó nhà trai sẽ mang sính lễ đến nhà gái, sính lễ được họ nhà gái đưa ra yêu cầu. Người con gái, sau khi đã nhận lễ ăn hỏi của gia đình nhà trai nghĩa là đã trở thành dâu con tương lai của gia đình, và hàng xóm láng giềng cũng biết là cô gái đã có nơi, có chốn rồi. Đám cưới thường được diễn ra sau ngày ăn hỏi và ngày cưới thì do hai nhà quyết định. Đám cưới sẽ được tổ chức dưới sự chứng kiến của họ hàng thân tộc, bạn bè của hai họ và được tổ chức tại tư gia hay nhà hàng nào đó. Vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ông Đồ Nam Tử tên thật là Nguyễn Trọng Thuật (1883 - 1940) ở Hải Dương với mục tiêu chấn hưng Phật Giáo nước nhà, ông đã khởi xướng ra việc tổ chức đám cưới tại chùa theo nghi thức của Phật Giáo, được gọi là nghi lễ Hằng Thuận. Nghi lễ kết hôn trước sự chứng kiến của Đức Phật và đây cũng là một trong những lời kêu gọi cải cách của ông Đồ Nam Tử, cho rằng đạo Phật nên được dấn thân và hoà hợp vào quần chúng. Quỳ trước hình tượng của Đức Phật trong lễ Hằng Thuận để cùng nhau thề nguyện, cùng nhận lời ban phước từ quý Hòa Thượng, hay quý Tăng, Ni chủ trì buổi lễ, đôi bạn trẻ sẽ được học những điều hay trong cuộc sống, với đạo làm con phải đối với cha mẹ như thế nào? Với đạo vợ chồng phải cư xử ra sao. Điều quan trọng nhất là giúp cho đôi nam nữ hiểu được ý nghĩa của đời sống lứa đôi trong tinh thần yêu thương hòa kính theo những lời Phật dạy. Đó mới là trọng tâm ý nghĩa của buổi lễ. Và đó mới thật sự có tác động mạnh trong đời sống tâm linh của đôi nam nữ sau này. Hằng thuận là một nét đẹp trong đời sống lứa đôi. Trước Tam bảo, đôi bạn phát nguyện sống chung hạnh phúc theo 5 nguyên tắc đạo đức cơ bản của Phật giáo, một mặt, tạo nền tảng tâm linh hướng thượng cho đời sống gia đình, mặt khác, "lời hứa" trước Tam bảo sẽ có sức mạnh nâng đỡ cho đôi bạn vượt qua những trắc trở trong đời sống sau hôn nhân. Lễ Hằng Thuận Và một lợi ích nhãn tiền nữa mà có lẽ ai ai cũng có thể nhận ra được. Là một Phật tử đã bao giờ bạn nghĩ đến tiệc cưới chay chưa? Nếu bạn là một Phật tử tại gia, bạn chắc biết rằng trong năm giới, có giới “Không sát sanh hại vật”. Bạn cứ thử nghĩ coi vào ngày cưới vô cùng ý nghĩa này, trên bàn tiệc bày la liệt nào chim, cá, tôm, gà, bò v.v.. thì sẽ như thế nào? Trong khi hàng ngày chúng ta cố gắng giữ giới không sát sanh? Vậy mà tại sao ta lại giết hại bao nhiêu sinh linh để làm tiệc chúc tụng ta? Dĩ nhiên, không thể phủ nhận hay chối bỏ tiệc mặn trong phong tục từ ngàn xưa tới nay, đó chỉ là ví dụ cho các bạn cân nhắc mà thôi. Đứng trên bình diện nào đó, việc làm này cần nên khuyến khích và các chùa cũng nên tạo điều kiện cho Phật tử đến chùa làm lễ Hằng Thuận. Tôn giáo hợp thức hóa đời sống lứa đôi, tôn giáo giúp cân bằng đời sống tâm linh và vật chất, tạo nên một đời sống hướng thượng. Trong khi gia đình là một tế bào của xã hội - Một tế bào tốt sẽ là điều kiện tốt để cấu tạo nên một cơ thể lành mạnh. Đình Phú Bài viết sử dụng các tư liệu từ Internet
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |