Chi tiết tin tức

Lời cảm ơn cuộc sống

16:34:00 - 24/12/2013
(PGNĐ) -  Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 143 Thế là 30 năm đã trôi qua kể từ lúc hai chúng tôi nắm tay nhau, vai kề vai, hứa cùng nhau đi trọn đường trần với mong muốn vẹn toàn tình nghĩa vợ chồng. Sáng nay, tôi thức dậy sớm trong khi vợ tôi vẫn còn ngủ. Tôi để lòng mình  lắng xuống  ngắm  nhìn  khuôn  mặt  cô ấy và trong lòng dậy lên bao cảm xúc.
Ôi, thời gian trôi qua để lại dấu ấn không  làm vui lòng người. Trán  cô ấy đã có vài vết nhăn và đuôi mắt thì hằn vết chân chim, còn làn da của khuôn mặt kia không còn mịn màng, tươi mát như xưa. Sự lão hóa của hình hài không chỉ xuất phát từ sự thiếu hụt nội tiết tố sinh dục nữ do mãn kinh ở người phụ nữ mà còn do sự ...
 

loi-cam-on-cuoc-song

Thế là 30 năm đã trôi qua kể từ lúc hai chúng tôi nắm tay nhau, vai kề vai, hứa cùng nhau đi trọn đường trần với mong muốn vẹn toàn tình nghĩa vợ chồng.

Sáng nay, tôi thức dậy sớm trong khi vợ tôi vẫn còn ngủ. Tôi để lòng mình  lắng xuống  ngắm  nhìn  khuôn  mặt  cô ấy và trong lòng dậy lên bao cảm xúc. Ôi, thời gian trôi qua để lại dấu ấn không  làm vui lòng người. Trán  cô ấy đã có vài vết nhăn và đuôi mắt thì hằn vết chân chim, còn làn da của khuôn mặt kia không còn mịn màng, tươi mát như xưa. Sự lão hóa của hình hài không chỉ xuất phát từ sự thiếu hụt nội tiết tố sinh dục nữ do mãn kinh ở người phụ nữ mà còn do sự chồng chất qua năm tháng bao nỗi lo cho chồng con hạnh  phúc lên tâm tư của cô ấy. Chợt tôi nhận  ra trong sâu thẳm lòng mình “lẽ vô thường” của cuộc sống.  Tôi như thấy trước mắt bao thăng trầm, buồn vui, hỷ nộ ái ố đã xảy ra trong suốt 30 năm chung sống của hai chúng tôi. Để thấy  rằng hai chúng tôi theo quy luật thiên nhiên đã già đi nhưng nhưng tình nghĩa vợ chồng mặn nồng không hề suy giảm. Đúng  là có những  lúc chúng tôi vì khó khăn của cuộc sống  có gây  gổ, buồn giận nhưng hai đứa xác định đó là những cơn mưa rào, thậm  chí là cơn bão lớn chợt đến rồi chợt đi. Những  thay đổi thời tiết khắc nghiệt có làm thấm  ướt hay eo xèo,  xơ xác đóa hoa đời mà hai chúng tôi vun trồng, chăm chút, chứ không thể làm chết hẳn đóa hoa ấy. Tôi nhớ lại thời bao cấp khó khăn, cô ấy lại sinh hai con vào thời điểm đó vì “sinh con muộn đối với tuổi của người phụ nữ sau này thiệt thòi cho con lắm anh à”. Hai chúng tôi đã cùng nhau chạy vạy, làm nhiều thứ để mong sao đủ tiền mua sữa cho con, mong sao con được lớn khôn.  Trách sao có những  lúc hai chúng tôi gây gổ và thật  tuyệt  vời là hai đứa lại biết tha thứ cho nhau, cứ trời nổi cơn mưa mây đen vần vũ rồi trời lại sáng.

Nhìn cô ấy đang ngủ, tôi thầm cảm ơn cuộc sống.  Chính lẽ vô thường của cuộc sống  làm  tôi  bừng  tỉnh và giúp tôi có cách đối xử “phải lẽ” với người vợ đã 30 năm chung sống mặn nồng với mình.  “Phải lẽ” là không so sánh hiện tại với quá khứ. Không  so sánh khuôn  mặt  giờ đây có đuôi mắt  hằn  vết chân chim với khuôn  mặt  trẻ đẹp cách đây mấy chục năm. Không  nhìn  ngắm  cô ấy với hình ảnh trước đây đã cau có, gây phiền muộn trong tâm tư của tôi. Tôi sẽ sống với dòng đời miên man trôi chảy với cái nhìn luôn luôn mới mẻ. Tôi sẽ luôn nhìn  ngắm  cô ấy, với cái nhìn thật mới mẻ, mới mẻ như lần đầu hai chúng tôi gặp nhau và hứa hẹn cùng nhau ăn đời ở kiếp.

Nguyễn Hữu Đức, Đại học Y Dược TP.HCM

Bố của ông bạn thân qua đời, tang lễ tổ chức tại nhà,  chỉ cách nhà tôi có vài chục thước. Tôi lại đang trong lúc rảnh rỗi. Vì thế, mấy ngày tang lễ, tôi có mặt suốt, thay mặt gia chủ tiếp khách. Đám tang ở phố, nhà cửa chật hẹp, phòng khách phía trước phải dọn trống mới có chỗ đặt áo quan.  Thiết trí bàn thờ Phật và bàn thờ vong xong thì chỉ còn một khoảnh  nhỏ đủ trải một chiếc chiếu con để gia đình  tang chủ quỳ làm lễ. Khách đến được mời ngồi ở hai cái bàn tròn đặt ngay ngoài đường, chiếm tới gần hai phần  ba mặt hẻm. Con hẻm tuy quanh  co nhưng  lại thông với hai con đường lớn ở hai đầu. Xe gắn máy của người đi đường qua lại suốt ngày. Hàng xóm làng giềng thông cảm, ra vào  cố tránh làm phiền người đến viếng tang. Xe cộ khách đến viếng tang để trước cửa nhà hàng xóm thoải mái. Bù lại, tang chủ cũng không bày vẽ kèn trống hay dùng loa tăng âm trong lúc cúng lễ. Trong đám tang cũng không sử dụng vàng mã. Hương khói vừa phải. Ngồi hầu như suốt ngày ở bàn tiếp khách, tôi nhận ra cũng có đến

khoảng một phần ba người đi đường khi phải sử dụng con hẻm để ra vào đường lớn ở hai đầu hẻm đã biết tắt máy xe, dẫn bộ lúc vượt qua đám tang để tỏ lòng thông cảm với sự đau buồn của tang chủ. Tất nhiên, phần lớn những người qua đường vẫn phóng xe vèo vèo.

Nhưng dù sao, cái tỷ lệ gần một phần ba mà tôi nhận  ra cũng đã làm tôi ấm lòng. Điều nhận biết này khiến  tôi có thể cảm ơn tấm lòng của tất cả những ai đã từng tắt máy xe dẫn bộ khi đi ngang qua nhà người bạn tôi suốt mấy hôm có đám tang. Nó làm cho tôi tin hơn vào thái độ văn minh của nhiều người, và tôi cũng tin rằng thái độ ấy sẽ ngày càng được nhân rộng.

Trần Đình Thiên, quận Tân Bình, TP.HCM

 

vanhoaphatgiaoblog.com

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin