Chi tiết tin tức Món quà vô giá ngày 20.10 21:16:00 - 18/10/2014
(PGNĐ) - Ngày Phụ nữ Việt Nam là một ngày lễ kỷ niệm nhằm tôn vinh phụ nữ Việt Nam, được tổ chức vào ngày 20 tháng 10 hàng năm ở Việt Nam. Đây lại trở thành ngày đánh dấu bước quan trọng trong cuộc đời của tác giả Minh Hà, cô đã từ bỏ mọi ràng buộc của thế gian để bước chân vào cửa thiền. Hiện nay tác giả đã là một Ni sinh của trường Trung cấp Phật học tỉnh Nam Định.
Đây là ngày 20.10 cuối cùng trong cuộc đời phàm tục của tôi, và cũng là ngày đặc biệt duy nhất trong 24 năm qua tôi nhận được một món quà vô giá từ Người. Đó không phải là những đóa hoa thắm sắc, cũng không phải là những món quà bóng bẩy...mà đó là những cuốn sách hay viết về Đạo. Nâng niu món quà trên tay, tôi cảm động đến rơi nước mắt. Từng giọt, từng giọt nhỏ xuống, thấm qua tấm giấy bọc quà. Tôi nhẹ nhàng bóc từng lớp giấy, gỡ từng lớp băng dính…Thật tuyệt! Những cuốn sách được sắp xếp ngay ngắn, cẩn thận theo thứ thứ tự từ nhỏ tới lớn. Tôi ngồi lặng, xem qua từng cuốn sách, rồi gói lại như cũ để vài ngày nữa mang theo. Ngày sắp đi, tâm hồn tôi đen xen giữa hai thái cực xúc cảm khác nhau: lúc vui, lúc buồn, lúc mạnh mẽ, lúc yếu đuối, lúc quyết tâm, lúc nhụt chí, lúc cứng cỏi, lúc sợ hãi…Lướt google, tôi chọn nhạc thiền và tìm đọc một số sách, báo, bài viết về Đạo cho đầu óc thư thái. Chợt dừng lại trên trang web: “Tâm sự dành cho người mới xuất gia”, tôi lặng người suy ngẫm.. Tôi dừng lại ở bài pháp thoại nói về “Tâm thương yêu”. Không nhớ rõ tên tác giả, nhưng ấn tượng còn lưu lại trong tôi là bài viết ca ngợi bồ đề tâm của người mới vào Đạo. Người viết khẳng định: Bồ Đề Tâm là nguồn năng lượng căn bản cho người xuất gia. Nuôi dưỡng được nguồn năng lượng ấy thì dầu ở bên ta đang có bão tố, có sấm chớp, có muôn vạn khó khăn, ta vẫn còn có thể đứng vững được. Người xuất gia phải làm hết tất cả những gì mình có thể làm để bảo vệ Tâm Bồ Đề. Bởi vì, động lực chính thúc đẩy người đi xuất gia là Bồ Đề Tâm, tức là tâm thương yêu. Nguồn năng lượng đẹp đẽ này có khi cũng được gọi là Sơ Tâm, nghĩa là Tâm Buổi Ban Đầu. Tâm buổi ban đầu là một trái tim tốt lành còn nguyên vẹn, còn lành lặn, còn nóng hổi, còn đẹp đẽ. Ta phải giữ gìn trái tim ấy cho mẹ, cho cha, cho tất cả mọi người, mọi loài, cho Bụt, cho Pháp và cho Tăng. Bài học thứ nhất, món quà thứ nhất tôi nhận được ngày hôm nay chính là Bồ Đề Tâm. Món quà cần thiết và ý nghĩa đối với tôi bởi chính tôi đang học cách nuôi dưỡng nó.
Ni sinh trong giờ học nhóm tại trường TCPH tỉnh Nam Định - ảnh: Giác Vũ
Cái sơ tâm ban đầu ai cũng đẹp, có lúc cảm giác như Bồ Đề Tâm của mình đã thừa để vươn tới con đường mà Đức Như Lai đã soi rọi. Nhưng thực tế khi gặp phải những chướng duyên, chỉ có người quân tử mới giữ được sơ tâm ban đầu. Mà phương thức hay nhất để giữ gìn nó là sống và thực tập trong một môi trường thuận lợi. “Bồ Đề Tâm phải được nuôi dưỡng trong đời sống hàng ngày. Nếu không, nó sẽ bị sói mòn. Vì vậy sống đời xuất gia trong một môi trường không thuận lợi có thể là một nguy hiểm lớn. Nếu không có môi trường thuận tiện, không có tăng thân giỏi, không có thầy hay, không có pháp môn thực tập hữu hiệu, hoặc có vấn đề với thầy, giận sư anh, giận sư chi, giận sư em, ngày nào cũng khổ đau, cũng khóc, thì chỉ trong một thời gian nào đó thôi, ta sẽ thấy Bồ Đề Tâm của ta bị soi mòn và ta sẽ ra đời”. Đúng lúc ấy, tôi lại có nhân duyên đọc được một bài viết: “Cảm ơn hay ghét khi nghịch duyên đến?” ghi lại cuộc trò chuyện thân mật giữa Sư huynh và Sư đệ. Tôi càng đọc càng thấy cuốn hút, cảm giác như chính mình đang được trải lòng bởi chính tôi lúc này cũng đang đi tìm cái chân tâm của mình. Tôi thấy mình giống như người đệ của Sư huynh đang lo lắng, băn khoăn về những nghịch duyên trên con đường đi tìm chân lý giác ngộ. Đọc những lời tự bạch của Sư đệ, tôi thấy rất cảm động: “...Tôi nghĩ đến những nghịch duyên, những lời chê bai, mắng chửi, nói xấu, đố kỵ, tìm mọi cách nếu có cơ hội là hại mình…gọi chung là “nghiệp đến”, làm mình buồn phiền, suy nghĩ, tâm trí rối loạn không được yên, để phải đau khổ về cả thể xác lẫn tinh thần…sinh ra chán nản, thoái tâm. Những nghịch duyên ấy có phải là những “viên đá” họ đã cố tình ném ra đường để làm chướng ngại tôi trên con đường cầu đạo giải thoát không ?. Họ cố tình làm tôi phải vấp ngã phải không?. Nếu tôi mà sợ vấp ngã, không dám dùng “Định lực” mà nhẩy qua, lại đứng và quay lại không dám đi tiếp. Thì mọi người cũng nghĩ tôi đúng là đồ hèn không có nghị lực thế mà lạ còn đòi “chèo thuyền ngược nước” vượt qua dòng sinh tử đúng không?. Nếu như tôi xin một lời khuyên thì tôi tin chắc là các thầy sẽ động viên, hãy cố lên để vượt qua mọi thử thách, vượt qua nghiệp chướng này, vì ai mà đã sinh ra ở cõi Sa bà này là đều do nghiệp vì: “Ái bất nhiễm bất sinh Sa bà” nên mình tu là phải “Yếm Sa bà ái Cực lạc”. Mỗi bài viết cho tôi những bài học thực tế sinh động mà chắc chắn tôi sẽ gặp phải trên bước đường tu tập. Tôi cũng mừng lắm, cũng vui lắm vì có nhân duyên đọc được những bài học này. Trong bài viết “Cảm ơn hay ghét khi nghịch duyên đến?”, tôi lại nhớ nhất đoạn phân minh về “nghịch duyên”. Đó cũng chính là những lời động viên chân thành đối với tôi: “Những viên đá chướng đường đi đó nếu như con vượt được qua mới là người Tu giỏi. Cũng như người nhẩy cao vậy, nhẩy càng cao thì thành tích càng giỏi, chướng càng cao mà nhẩy qua mới là giỏi. “Đạo cao một thước ma cao một trượng”, vậy mới biết đi Tu là trả Nghiệp, Nghiệp ở đây là do nhiều đời nhiều kiếp kết tạp mà thành, muốn trở thành “thiên nhân sư chi mô phạm”, đập vỡ vòng tròn sinh tử ngay ở một kiếp này thì mình phải trả hết nghiệp. Nghịch duyên đến càng nhiều thì mình phải vui mừng chứ, vì đang giúp mình sớm trả hết nghiệp, nếu không trả hết trong kiếp này thì sẽ nợ và trả ở kiếp sau và sau sau nữa phải không?’’. Món quà ý nghĩa thứ hai tôi nhận được chính là bài học về cách chấp nhận và vượt qua những chướng duyên. Nhưng có một món quà vô giá, quan trọng và ý nghĩa nhất đối với tôi chính là bức thông điệp mà Người tặng sách gửi tặng tôi: “Hãy biết ơn những người khiển trách ta vì họ giúp ta tăng trưởng được định tuệ. Hãy biết ơn những người làm ta vấp ngã vì họ khiến năng lực của ta mạnh mẽ hơn Hãy biết ơn những người bỏ rơi ta vì họ đã dạy ta biết tự lập Hãy biết ơn những người đánh đập ta vì họ đã tiêu trừ nghiệp chướng cho ta Hãy biết ơn những người lừa gạt ta vì họ tăng tiến kiến thức cho ta Hãy biết ơn những người làm hại ta vì họ đã tôi luyện tâm trí của ta Hãy biết ơn tất cả những người khiến ta được kiên định thành tựu”. Đó là bài học “Tứ Vô Lượng Tâm”, món quà về “Từ, Bi, Hỷ, Xả”. Khi tôi vấp ngã, Người thức cả đêm để giải thích tường tận, chỉ bảo cho tôi cái đúng, cái sai. Người thương tôi như thương một đứa em gái ngây thơ. Người dạy tôi cách sống mạnh mẽ, cách vượt qua khó khăn, cách hành xử và thương yêu mọi người... Không quản trời lạnh, đêm tối, đường xa Người đã đến và mang lại cho tôi hơi ấm. Giống như người đưa đò, Người bảo chỉ mong sao cho tôi cập bến được an toàn chứ không mong cầu tôi đền đáp. Tình thương của Người như vẫn còn mãi trong đêm để tiễn tôi ra đi. Người vẫn dõi theo từng bước chân của tôi, vẫn che chở, tiếp sức cho tôi hàng ngày. Nếu không có Người, có lẽ cô bé có trái tim đa sầu và mềm yếu như tôi đã và sẽ còn vấp ngã nhiều. Người bảo tôi phải biết tin vào chính mình, phải biết tự bước đi bằng đôi chân của chính mình. Như ánh mặt trời luôn luôn tỏa sáng khi bình minh đến, Người mang đến cho tôi một sức mạnh vô hình để tôi sẵn sàng đón nhận những chướng duyên sắp tới. Vượt qua được những chướng duyên ấy, tôi mới có thể thực sự tu tập. Thiền sư Hoàng Bá từng viết: “Chẳng phải một phen sương lạnh buốt Hoa mai đâu dễ ngủi mùi hương”. Chẳng phải, những đóa hoa dù thắm sắc tới đâu rồi cũng chóng héo úa, tàn lụi? Những món quà bóng bẩy rồi cũng bị lãng quên, cũ mòn theo năm tháng?. Nhưng món quà vô giá mà tôi nhận được ngày hôm nay sẽ còn mãi với thời gian, sẽ còn sống mãi trong lòng tôi, trong lòng những người con hướng về Đạo!. “Tạ ơn Người đã mang đến cho con món quà vô giá!”
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |