Chi tiết tin tức

Trở về Quảng Trị...

15:58:00 - 17/07/2014
(PGNĐ) -  Trở về Hà Nội sau ba ngày chấp tác, phục vụ Đại lễ khánh thành Nghĩa trang, cầu siêu Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 Tp.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị - mảnh đất anh hùng của Tổ quốc đã để lại trong chúng tôi thật nhiều ấn tượng sâu sắc.

 

 
Quảng Trị trong chúng tôi là mảnh đất thiêng, nơi hứng chịu rất nhiều bom đạn của giặc Mỹ. Con số 72 nghĩa trang, 60 nghìn liệt sĩ đã phần nào nói lên được sự đau thương, thảm khốc mà Quảng Trị phải hứng chịu của chiến tranh. Chẳng thế mà mỗi con đường, ngôi nhà chúng tôi đi qua đều có bát hương trước sân nhà như để tri ân, tưởng nhớ các anh. Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 có hơn 10 nghìn ngôi mộ liệt sĩ với rất nhiều nấm mồ không tên. Sự hy sinh của các anh đã đem lại hòa bình, hạnh phúc cho mọi người ngày hôm nay. Cái giá ấy mãi mãi trường tồn, niềm tự hào ấy thuộc về các anh mà chúng tôi có trách nhiệm phải nhân lên và truyền lại cho mọi người.
 
Quảng Trị trong chúng tôi là Thành cổ, sông Thạch Hãn linh thiêng nơi ghi dấu một thời máu lửa của dân tộc. Chúng tôi đã không khỏi xúc động, nghẹn ngào khi được biết đến bức thư: “Khi sống trong hoà bình hãy nhớ tới anh” của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, sinh viên năm thứ 4, Khoa Cầu hầm, Khóa 13, trường Đại học Xây dựng. Anh được phân công làm lính công binh, tham gia đưa bộ đội và hàng hóa qua sông Thạch Hãn - nơi bom đạn như mưa suốt 81 ngày đêm của mùa Hè đỏ lửa 1972. Nơi đó, cứ mỗi ngày một đại đội qua sông và hầu như ít người trở lại. Anh biết trước về sự ra đi của mình nhưng lại viết với một tâm thế bình tĩnh đến lạ lùng:
 
“Toàn gia đình kính thương! Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng hòng khi đã “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất” thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột”. “Thư này tới tay mẹ, chắc mẹ buồn lắm. Con của mẹ đã đi xa để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời. Con rất hiểu mẹ khổ đã nhiều, nay bao hy vọng nuôi con khôn lớn, xong do đất nước có chiến tranh thì mẹ ơi, hãy lau nước mắt cho đời trẻ lâu, sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau…”.
 
Bức thư xúc động làm mắt chúng tôi nhòe đi, chúng tôi thấy cảm phục và yêu mến các anh rất nhiều.
 
Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm
 
Quảng Trị trong chúng tôi còn là mái chùa Kiều Đàm với Qúy thầy cô kính mến. Chùa cách Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 200m, nằm nép mình trong con đường nhỏ nhiều cây cối. Tuy thời gian ở chùa ngắn ngủi nhưng chúng tôi ai cũng cảm nhận được tình cảm mà Qúy thầy cô dành cho mình: đó là sự quan tâm từng bữa ăn, giấc ngủ; đó là lời hỏi thăm, động viên; đó là sự chia sẻ giản dị, gần gũi… Những câu chuyện, lời nói chân thành xuất phát từ trái tim mà chúng tôi ai cũng cảm thấy xúc động. Thầy trụ trì và Qúy thầy cô chùa Kiều Đàm đã dành cho chúng tôi sự đón tiếp, tình cảm thật nồng hậu và đáng trân trọng. Duyên lành gặp gỡ này chúng tôi muốn được mang theo mãi về sau.
 
Chuyến đi Quảng Trị đã để lại cho chúng tôi thật nhiều kỷ niệm khó quên. Tuy đã về Hà Nội nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy lưu luyến mảnh đất, con người nơi ấy. Mong rằng chúng tôi có đủ duyên để được trở lại Quảng Trị, chùa Kiều Đàm thêm một lần nữa.

Phan Nga
Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin