Chi tiết tin tức Albert Camus – Phiền não tức thị Bồ-đề 19:11:00 - 03/10/2015
(PGNĐ) - “Phiền não thức thị Bồ-đề” là lời dạy cốt tủy của Lục tổ trong phẩm Tuyên Chiếu. Lời dạy này để đối trị với kiến giải “Sáng dụ cho trí tuệ, tối dụ cho phiền não” của quan Nội thị Tiết Giản do vua Đường Trung Tông và Võ Tắc Thiên phái đến.
Albert Camus (1913-1960) là một trong những đỉnh cao của phong trào Triết hiện sinh (Existentialism) phương Tây vào những năm đầu thế kỷ XX. Ông được trao giải thưởng Văn chương năm 1957 vì theo quan điểm của Hội đồng chấm giải Nobel lúc bấy giờ, các sáng tác văn học của ông “đã đưa ra ánh sáng những vấn đề đặt ra cho lương tâm loài người ở thời đại chúng ta”. Sáng tác văn học của Albert Camus khá phong phú. L’Étranger (Người xa lạ – 1942), La Peste (Dịch hạch – 1947), La Chute (Sa đọa – 1956),… là những tiểu thuyết rất quen thuộc của giới yêu văn chương, triết học. Tuy nhiên, tác phẩm gây ấn tượng mạnh cho độc giả lại là tập tiểu luận Le Mythe de Sisyphe (Huyền thoại của Sisyphe – 1942). Đây là quyển sách nhỏ, nhưng giá trị tư tưởng của nó thật mãnh liệt, góp phần đưa ông lên vị trí đại diện cho phong trào Hiện sinh và xứng đáng nhận giải thưởng Nobel. Albert Camus cũng là triết gia có công lớn nhất trong việc phơi bày thân phận con người, thân phận của sự đọa đày, hẩm hiu và cô đơn tột cùng. Nhưng điều quan trọng hơn hết là ông đã tìm ra được chiếc chìa khóa để hóa giải thân phận đó ngay trong chỗ bế tắc nhất của đời sống con người, như triết lý “Tịnh độ nhân gian” của nhà Phật. Sisyphe (nhân vật thần thoại Hy Lạp) trong Le Mythe de Sisyphe là một đại diện cho con người tội lỗi chốn trần gian. Con người ấy khi còn ở trên mặt đất đã từng làm vua thành Corinth, nhưng là một vị vua tham lam, tàn bạo và luôn phỉ báng thần linh. Thần Zeus đã bắt ông đày xuống địa ngục Tartarus, một kiểu “vô gián địa ngục” như trong kinh Địa Tạng. Nơi đây Sisyphe chịu một hình phạt kỳ lạ: Hàng ngày, ông phải đẩy một khối đá khổng lồ lên đỉnh núi, sau đó thả tảng đá lăn xuống phía dưới, rồi trở xuống chân núi tiếp tục đẩy tảng đá đó lên. Cứ đẩy lên, thả xuống như thế từ năm này qua tháng nọ không lúc nào ngưng nghỉ. Địa ngục Tartarus đã giam hãm linh hồn Sisyphe. Các thần linh cười nhạo ông. Quỷ sứ canh gác ông nghiêm nhặt. Tuy hình phạt xảy ra ở chốn địa ngục tăm tối, nhưng Sisyphe lại là hình ảnh của một thân phận con người ở chốn trần gian có ánh sáng mặt trời, nắng hồng, biển xanh và gió mát. Ở nơi này, phải chăng mỗi một con người trong chúng ta hàng ngày vẫn đẩy lên phía trên mình một tảng đá nặng của lòng tham đối với tiền tài, danh vọng? Hoặc là tảng đá nặng của lòng thù hận, ghét ganh? Hay là tảng đá nặng của của sự vô minh vọng chấp? Vâng, tảng đá của chúng ta cứ được đẩy lên, thả xuống như thế mà con người vẫn cố sức chịu đựng cho qua một kiếp phù sinh. Tuy nhiên, dưới con mắt Thiền thì Sisyphe lại là đại diện cho một hành giả công phu miên mật trong hành trình tìm về tự tánh của mình. Việc đẩy tảng đá lên núi và buông cho nó lăn trở về không khác gì một hành giả thực tập phép quán Sổ tức. Tận cùng của hơi thở ra là sự hít vào. Tận cùng của sự hít vào chính là hơi thở ra. Hít vào và thở ra. Đẩy đá lên và buông đá xuống. Hai thủ pháp này không khác nhau về mặt bản chất. Hành giả thực tập thiền quán khi đến giai đoạn chín muồi, có thể “trong quên thân, ngoài quên cảnh”, trong ngoài đều quên như diễn tả của vòng tròn Viên giác trong Thập mục ngưu đồ. Cũng như thế, suốt hành trình đẩy tảng đá lên núi, cuộc đời đối với Sisyphe thật hoàn hảo. Chỉ khi ở khoảnh khắc không còn vận hành tảng đá, tức thời điểm quay xuống chân núi là khoảnh khắc “xả thiền” của Sisyphe, và hắn chạm phải khổ đau ngay tức thì. Camus viết: “Chính trong giờ khắc quay trở lại đó, tạm dừng đó, Sisyphe làm tôi chú ý”. Đó là thời điểm hoạt động của ý thức và Camus đã thấy được sự suy nghĩ và cảm nhận đau khổ của Sisyphe. Ông viết tiếp: “Nếu huyền thoại này là một bi kịch, đó là vì người anh hùng của nó có ý thức! Vâng, đây là điểm đặc sắc nhất của Albert Camus: Con người chỉ đau khổ khi sống trên bình diện ý thức, cũng như Sisyphe chỉ cảm nhận đau khổ trong lúc nhàn rỗi đi trở về chân núi. Còn trong lúc tinh thần tập trung đẩy tảng đá, không gì có thể làm trở ngại sự hạnh phúc của một Sisyphe trong chánh định. Đó là sự tự tại của một chú rùa ngủ đông, không biết đến cái giá rét của miền Bắc cực. Hay là sự tự tại của một bầy ngựa hoang băng mình qua cánh đồng cỏ non, không biết đến cái nắng chói chang của miền xích đạo. Chân lý càng rõ ràng hơn khi Albert Camus quyết định kết thúc tập tiểu luận Le Mythe de Sisyphe bằng một cái nhìn toàn bích: “Vũ trụ này từ nay trở đi không có thần linh nào tuyên xưng làm chủ, nhưng đối với ông không phải là khô chết vô sinh, cũng chẳng vô ích. Mỗi hạt của khối đá đó, mỗi mảnh chất khoáng của ngọn núi đầy đêm tối đó, với chỉ riêng ông, hình thành một thế giới. Cuộc đấu tranh chính nó hướng tới những đỉnh cao đủ để làm đầy trái tim của một người. Người ta phải hiểu rằng Sisyphe hạnh phúc”(1). Giây phút đại ngộ của Sisyphe không khác giây phút đại ngộ của Siddhartha trong “Câu chuyện của dòng sông” (Hermann Hesse). Khi đó, mỗi âm thanh của con sóng vỗ đều trở thành tiếng “Aum” mầu nhiệm và gương mặt người lái đò già quen thuộc hàng ngày bỗng trở nên thánh thiện như một vị Bồ-tát. Thì ra ở bất cứ hoàn cảnh nào, nếu người ta hành xử trong cái vô tâm (nơi tâm vô sự, nơi sự vô tâm – Đức Sơn Tuyên Giám) thì đều là chỗ giải thoát. Đó là chỗ rốt ráo của mọi thứ công phu mà Lục tổ Huệ Năng đã đã tuyên thuyết rõ ràng ở phẩm thứ chín (Tuyên Chiếu) trong Pháp Bảo Đàn kinh: “… Tiết Giản thưa: Sáng dụ cho trí tuệ, tối dụ cho phiền não, người tu đạo như chẳng dùng trí tuệ chiếu phá phiền não thì cái sanh tử từ vô thủy nương vào đâu mà ra khỏi. Tổ bảo: Phiền não tức thị Bồ-đề, không hai, không khác, nếu dùng trí tuệ chiếu phá phiền não, đây là kiến giải của hàng Nhị thừa, căn cơ xe nai xe dê, còn những bậc thượng trí đại căn, ắt không như thế!”(2). “Phiền não thức thị Bồ-đề” là lời dạy cốt tủy của Lục tổ trong phẩm Tuyên Chiếu. Lời dạy này để đối trị với kiến giải “Sáng dụ cho trí tuệ, tối dụ cho phiền não” của quan Nội thị Tiết Giản do vua Đường Trung Tông và Võ Tắc Thiên phái đến. Albert Camus đã kiến giải được con đường hạnh phúc của mỗi người thông qua thân phận của Sisyphe, dù đó là thân phận bị đọa đày chốn địa ngục. Sysiphe cuối cùng đã thấy được thiên đàng chốn địa ngục, như cây bồ-đề đã nở hoa trên mảnh đất phiền não vốn âm u chôn chặt kiếp người.■
PHAN CÁT TƯỜNG Chú thích:
Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 185
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |