Chi tiết tin tức

Chuyển nghiệp

07:28:00 - 16/06/2015
(PGNĐ) -  Sáng nay đứa cháu trai con của chị tôi đến nhà hỏi mượn kinh sách Phật giáo, tôi soạn một số sách dùng cho người sơ cơ học Phật đưa cho cháu đồng thời tặng cháu đĩa VCD kinh Nhân quả thiện ác, cháu cám ơn rồi ra về.

 

Nhìn cháu lên chiếc xe gắn máy đắt tiền bóng lộn mà lòng tôi thấy mừng cho sự thay đổi kỳ lạ của một con người. Khó có ai ngờ từ một người quậy “tới bến” như cháu tôi đã trở thành một người chững chạc, chí thú làm ăn và say mê học Phật như vậy.

Có nhiều người không tin số phận, họ chỉ tin vào ý chí – cái câu “có chí thì nên” thường là câu nói đầu môi khi họ nói về việc học tập, nghề nghiệp… Câu nói đó rất đúng không có gì phải bàn cãi nhưng đôi khi đặt vào hoàn cảnh từng cá nhân chưa chắc đã đúng hoàn toàn, sự thành công còn tùy thuộc vào may mắn, gặp đúng thời vận. Nếu không có được thời vận, may mắn mà Phật giáo gọi là phước duyên thì dù có nỗ lực đến mấy cũng “thầy không ra thầy, thợ không ra thợ”, chỉ dở dở ương ương mà thôi. Cháu tôi là một trường hợp như thế, dường như sự khổ đau, thất bại luôn theo cháu như bóng với hình.

Cháu tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng thôn quê yên bình, cha chết sớm, cháu sống trong sự đùm bọc thương yêu của mẹ và ông ngoại. Cháu rất khỏe mạnh, thích lao động, không nhậu nhẹt như những thanh niên khác trong xóm, ai cũng nói cô nào lấy cháu là rất có phước. Khi đến tuổi nghĩa vụ, cháu đăng ký đi bộ đội ở biên giới Tây Nam, một lần được phép về nhà ăn Tết, cháu tôi dại dột lén lấy một trái pháo sáng đem về và từ việc làm này đã khởi đầu cho một chuỗi đời khốn khổ của cháu, và nó chỉ chấm dứt khi cháu gặp được Phật pháp.

Năm đó khi giao thừa đến, cháu đem quả pháo sáng ra khai hỏa. Không ngờ quả pháo nổ trên tay, bàn tay của cháu bị xé rách nhiều chỗ, phải khiêng đi cấp cứu, về sau bàn tay phải mổ lại nhiều lần mới trở lại bình thường. Từ việc lấy trộm vũ khí cháu bị kỷ luật trả về địa phương quản lý. Vốn là người yêu lao động, cháu lập tức bắt tay vào đào mương lên liếp trên đất ruộng nhà để trồng mía vì mía lúc đó có giá cao. Một hôm lúc đánh lá mía, gió phất lá mía cắt vào mắt, cháu thấy xốn, đỏ mắt vội đến tiệm thuốc tây mua thuốc nhỏ mắt về nhỏ, không ngờ người bán thuốc do yếu kém nghiệp vụ bán loại thuốc có chứa chất corticoid khiến mắt cháu bị nhiễm trùng nặng, phải chuyển lên bệnh viện mắt trung ương. Gia đình tốn rất nhiều tiền, phải bán cả ba công đất để có tiền chạy chữa cho cháu, nhưng cuối cùng con mắt đó vẫn bị hỏng, phải múc bỏ để bảo vệ con mắt còn lại.

Từ một người bình thường trở thành tật nguyền nhưng cháu vẫn hăng say lao động. Lúc đó cháu đã có vợ, vợ cháu cũng rất khỏe mạnh lại cũng ham làm việc.

Hai vợ chồng nhận khai phá tám công đất bị hoang hóa của cậu về để trồng mía, ông ta cho làm không tính tiền thuê với điều kiện sau ba năm phải trả lại đất. Sau mấy tháng cải tạo đất hoang, các cháu tiến hành trồng mía, với sự chăm sóc kỹ lưỡng, mía trúng mùa, ai nhìn cũng khen. Đến ngày thu hoạch thì giá mía rớt thê thảm, bán như cho. Mặc dầu vậy, cháu vẫn không nản lòng tiếp tục săn sóc hy vọng vớt vát mùa sau, không ngờ hai năm liên tiếp giá mía cũng chẳng nhích lên được phân nào, có nhiều nông dân sợ lỗ tiền mướn nhân công nên đã bỏ không thu hoạch hoặc đốt bỏ. Thế là sau ba năm đầu tư, lao động cực nhọc cháu không thu được đồng nào còn bị mắc nợ tiền nhân công và phân bón. Riêng phần cậu vợ cháu sau khi nhận lại đất, sẵn có gốc mía còn lại của mùa trước, ông ta chỉ săn sóc sơ sơ thế mà mía lại trúng mùa, giá mía lại lên vùn vụt, thương lái tranh mua đặt tiền cọc trước mấy tháng. Và ông ta thắng lớn.

Thấy làm nông nghiệp không khá vì giá cả bấp bênh, cháu bàn với vợ đi buôn. Dốc hết vốn liếng đóng một con thuyền chở hàng, hai vợ chồng thu mua hàng hóa nơi này đem nơi khác bán kiếm lời, chuyến đầu thuận lợi, hai cháu rất mừng, khoe với tôi và còn mua tặng tôi một hộp trà ngon. Tôi cũng rất vui vì trước đó thấy vận mạng lao đao của cháu mình mà phát tội nghiệp. Lần buôn thứ hai cháu tôi cũng dốc hết vốn liếng và vay mượn thêm để mua hàng, cháu tin mình sẽ thắng lớn vì mặt hàng cháu bán đang hút. Không ngờ trong chuyến đi buôn đó lúc thuyền đang chạy ban đêm một chiếc tàu lạ đâm chìm thuyền của vợ chồng cháu rồi bỏ chạy mất tăm. Thuyền chìm trong đêm tối, hàng hóa mất hết, hai cháu trở lại trắng tay, đứa con trai đi cùng trên thuyền sau khi thoát chết trở nên ngây ngây, dại dại hết mấy tháng, phải chạy chữa, cúng bái nhiều nơi mới hết.

Do mất hết tài sản vì chìm thuyền, gia đình cháu lâm vào cảnh nợ nần, vợ cháu phải lên thành phố HCM ở mướn, còn cháu đi làm thuê cho trang trại nuôi tôm; con cái nhà cửa cháu nhờ mẹ già săn sóc. Sau hai năm làm thuê, có một số kinh nghiệm nuôi tôm, thấy người ta làm có ăn, cháu trở về nhà mướn xe cạp đất cạp ba công vườn còn lại thành một ao to để nuôi tôm, khi ao nuôi đã thành khoảnh có thể tiến hành nuôi tôm thì thiếu vốn mua con giống, thức ăn. Cháu đến ngân hàng nông nghiệp vay vốn, sau khi thẩm định tài sản thế chấp, ngân hàng đã từ chối cho vay vì cháu không có tài sản nào đáng giá ngoài căn nhà sắp sập và một cái ao mênh mông nước. Người ta nắm kẻ có tóc chứ ai dại nắm kẻ mình trơn.

Những tai nạn, những thất bại dồn dập khiến cháu quẫn trí đâm ra nhậu nhẹt và sau những chầu nhậu là những trận “quậy” nổi đình nổi đám. Hết đánh nhau thì vác đá chọi chó, chọi nhà của hàng xóm, những ai trong xóm bày tiệc nhậu mà thấy cháu từ xa đã lật đật dẹp liền vì hễ thấy người ta nhậu dù không ai mời cháu cũng ghé vô, tự rót rượu uống vài ly rồi nói phạt mình vì không ai kêu mà cũng vô, sau vài ly là cà khịa kiếm chuyện đánh nhau. Đánh nhau thì cháu giỏi lắm vì sức vóc to lớn, lại xuất thân từ bộ đội đặc chủng, đã có nhiều người u đầu mẻ trán vì cháu và cháu cũng không ít lần đi nhà thương khâu vết thương do người ta đập.

Công an ấp, xã đã nhẵn mặt vì phải xử lý những trận đánh nhau của cháu, có lần sau chầu nhậu thịt chó, không hiểu chó dắt hay thế nào mà cháu nổi khùng ra giữa đường chặn không cho ai qua lại khiến người lưu thông bị dồn cục mà đường thuộc huyện lộ chứ phải hương lộ đâu, khi công an tới phải bốn năm người đè vật mới còng được tay cháu. Bị nhốt một ngày đêm ở trụ sở, khi được tôi bảo lãnh về cháu còn khoe vật nhau với công an thiệt đã! Nhìn cái mặt nổi mấy cục u bầm xanh, muỗi cắn sần da mà cứ câng câng, tôi nổi nóng mắng cho một trận, cháu mới im miệng.

Bình thường quậy đã tệ rồi, đến ngày mẹ mất cháu cũng quậy, ai cũng rủa là thằng con trời đánh. Nguyên do là cháu đòi chia thêm đất cho mình ngay trong tuần thất đầu tiên của mẹ. Đứa em giữ nhà thờ ôn tồn bảo chờ qua đám một trăm ngày hãy tính, mẹ mới chết mà nói chuyện đó không nên. Lời nói đúng đắn của em mình cháu bỏ ngoài tai, nhậu vô vài ly rồi bắt đầu chửi bới, người em bực quá lên tiếng cự lại rồi dẫn đến xô xát, may mà bà con trong lễ cúng tuần xúm lại ngăn cản nên không đến cảnh đổ máu. Chuyện cháu đòi chia đất là sai, mẹ cháu và ông ngoại đã phân chia tài sản cụ thể, giấy tờ hẳn hoi cho mỗi người, do làm ăn thất bại, bệnh tật cháu đã bán đất của mình rồi đòi chia nữa hỏi ai mà đồng ý.

Sau trận cãi nhau với cháu, người em bất ngờ phát đau bụng dữ dội, được vợ con đưa đi cấp cứu, bác sĩ phát hiện cháu bị ung thư gan nặng chuyển lên bệnh viện ung bướu thành phố, bệnh viện này không nhận vì không còn khả năng điều trị, ngày xe chở đứa em cháu về, tôi ngỡ cháu không đến nhưng không ngờ cháu đứng đón sẵn, khi xe đến cháu mở cửa xe dìu em mình vào nhà, đi một đoạn thấy em mệt cháu bồng em lên đi thẳng vào giường, hai anh em nắm tay nhau mà khóc. Tôi nhìn cảnh đó mà rơi nước mắt và hiểu rằng trong tận cùng sâu thẳm tâm hồn của một thằng quậy nổi tiếng vẫn có tình cảm sâu nặng, chẳng qua do hoàn cảnh quá quẫn bách nên muốn trút giận lên số phận của mình bằng cách quậy phá lung tung vậy thôi.

Tối đó em cháu mất, khung cảnh thật tang thương, hai cái bàn thờ vải tang trắng xóa. Chỉ trong mười mấy ngày phải mất hai người thân ruột thịt, tôi thấy cháu suy sụp hẳn, không nói tiếng nào, lặng lẽ lo phụ tang sự cho đứa em. Sau đám tang cháu tiếp tục uống rượu nhưng không còn quậy nữa mà nhậu xong thì khóc, không tắm rửa, không nói một lời, tôi lo không khéo cháu sẽ mắc bệnh tâm thần. Ngẫm nghĩ mà thấy tội nghiệp, không hiểu vì sao tai nạn, khổ đau cứ dồn dập đổ vào như vậy.

Một hôm tôi đang ngồi nghe kinh Nhân Quả Thiện Ác phát từ đầu đĩa DVD, Phật dạy rõ về những tội đã phạm và những quả báo phải nhận, tôi lại nghĩ đến trường hợp của cháu. Chắc kiếp trước cháu đã phạm quá nhiều sai lầm nên kiếp này phải chịu tai nạn trùng trùng như vậy, đó là nghiệp xấu đã gây thì quả xấu phải đến, tránh sao khỏi nghiệp báo và tôi lại nghĩ muốn giảm bớt nghiệp báo không còn cách nào khác hơn là nương vào Phật pháp. Đang lan man suy nghĩ thì vợ và đứa con trai của cháu đến, vợ cháu nói với tôi hai mẹ con cả tuần nay đêm nào cũng thấy Phật bà Quan Âm nhìn hai mẹ con cháu với ánh mắt xót xa, vợ cháu bảo: Chắc Phật bà thấy hoàn cảnh tụi con khổ quá nên động lòng thương đến thăm. Tôi nói: Bồ-tát Quán thế Âm có lời nguyện nơi nào nghe chúng sanh khổ đau là tìm đến cứu giúp, nhưng trước tiên ta phải biết đến Ngài, tức là biết đến Phật pháp, biết thờ Phật và sống theo lời Phật dạy thì Ngài mới giúp được vì Ngài cũng phải nương vào luật nhân quả mà giúp, nếu toàn làm chuyện sai quấy mà cầu Bồ- tát giúp thì không bao giờ được, giống như lấy đá sỏi nấu mà mong thành cơm vậy. Cậu thấy gia đình cháu quá nhiều tai ương, khổ não, có lẽ kiếp trước hai đứa đã tạo nhiều nghiệp xấu nên ngày nay phải chung vai mà chịu, nay đã có phước duyên được mơ thấy Bồ-tát Quán Thế Âm, cậu nghĩ gia đình cháu nên thờ Ngài và nhanh chóng học hỏi về Phật pháp để sống cho đúng nhằm tạo phước mới bù lại những nghiệp xấu đã tạo, lần lần cái khổ sẽ bớt đi, may mắn sẽ từ từ đến.

Nghe tôi nói xong, vợ cháu liền phát nguyện thờ Bồ-tát Quán Thế Âm và nhờ tôi lo giúp ảnh, nghi thức thờ vì từ trước tới nay gia đình cháu chỉ thờ thần độ mạng mà thôi.

Ngày an vị ảnh Bồ-tát Quán Thế Âm, cháu lặng lẽ giúp tôi chưng hoa quả lên bàn thờ, tôi vừa làm vừa mừng trong bụng, nó chịu để yên cho thờ là may lắm vì ông trời gầm này chả tin gì cả, có lẽ vợ cháu đã sinh hoạt tư tưởng trước và cũng có lẽ cháu tự thấy không có cách nào ngoài con đường theo Phật để thoát khỏi cuộc sống quá khổ sở của mình.

Mấy tháng sau khi cháu phát tâm thờ Bồ-tát Quán Thế Âm, qua theo dõi tôi thấy gia đình cháu đã yên ắng, không còn những trận quậy rùm beng, vợ cháu ở lại nhà lãnh đồ may gia công về may, không còn đi ở mướn nữa, cháu lo cải tạo ao định nuôi tôm thành ao trồng sen. Một hôm có người bà con là giám đốc một công ty thu mua chế biến dừa xuất khẩu đến tìm cháu để hợp đồng thuê vợ chồng cháu đi thu gom các sản phẩm chế biến từ chỉ xơ dừa vì ông ta biết hai cháu rành vùng sông nước ở địa phương, hai cháu vui mừng nhận lời. Sau một thời gian làm việc thấy hiệu quả, ông ta giao cho hai vợ chồng cháu quản lý việc thu mua sản phẩm chỉ xơ dừa cả ba huyện lân cận. Nhờ có công việc ổn định, thu nhập tương đối cao, cuộc sống của gia đình cháu ngày càng đi lên, đã cất nhà tường, mua sắm đầy đủ tiện nghi trong gia đình, ao sen cháu trồng đã thu hoạch được mấy mùa, cứ đến rằm, những ngày tập trung cưới hỏi, ngó sen của cháu không đủ bán.

Rất nhiều người lân cận mừng cho cháu và cho chính họ vì họ khỏi phải nơm nớp sợ cái ông “thần quậy” đến nhà hoặc bị ông“thần quậy”ném đá vào cửa, vào chó của mình. Nói chung cả xóm gần nhà cháu đều nhẹ nhõm.

Ngoài công việc làm ăn, cháu tôi đã có lòng tin sâu nặng vào Phật pháp. Từ những chuyển biến trong gia đình, cháu hiểu được luật nhân quả báo ứng nên nỗ lực sống theo lời Phật dạy hầu tạo phước mới, chuyển hóa nghiệp xấu cũ. Cháu thường xuyên đi chùa, thực hành pháp bố thí, những ngày rằm cháu đều ăn chay, đặc biệt cháu đã bỏ hẳn rượu, nếu có giao tiếp thì cháu chỉ dùng chút bia mà thôi. Riêng phần tôi, tôi rất mừng vì thấy sự chuyển biến tích cực của cuộc sống gia đình cháu của mình, lúc trước buồn cho số phận hẩm hiu của cháu vì “tay đứt ruột mềm”, nay mừng vì quyến thuộc an khang thịnh vượng và mừng vì thấy rõ sự mầu nhiệm của Phật pháp. Kiếp này và mãi mãi về sau tôi nguyện luôn đi trên đường giác ngộ mà Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã chỉ dẫn. ■

QUẢNG TƯỜNG

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 176

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin